“Quan huyện Thanh Điền khóc thương Thị Hến,
Anh Điệp khóc thương Lan sao duyên phận bẽ bàng…
Nước đã theo dòng ra Biển Đông bát ngát, mà đám lục bình còn trôi dạt long đong.
Đâu có ai muốn Huệ sang sông?
Mà sao Huệ nỡ sang sông một mình…?”
Trong bài đăng vĩnh biệt đồng nghiệp, “người tình” trên sân khấu, anh Điệp (nghệ sĩ Chí Tâm) bày tỏ nỗi buồn trước sự ra đi của nàng Lan Thanh Kim Huệ.
NSƯT Thanh Điền xác nhận với Zing thông tin NSƯT Thanh Kim Huệ qua đời lúc 13h50 ngày 23/12. Bà ra đi sau 6 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư. “Tôi nhận tin bà xã ra đi khi đang đóng phim. Cô ấy vẫn cố chờ tôi về để gặp mặt lần cuối. Tôi đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn quá đau đớn khi mất đi người vợ gắn bó và đầy yêu thương”, nghệ sĩ Thanh Điền nói.
Trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, Thanh Kim Huệ được biết đến là nghệ sĩ có giọng ca lảnh lót, cao vút, mở đầu trào lưu nghệ sĩ ca hơi dài.
Nhắc đến Thanh Kim Huệ, khán giả không thể quên hình ảnh cô Lan trong Lan và Điệp, Thị Hến trong Ngao sò ốc hến, những bài tân cổ gắn liền với giới mộ điệu như Rước tình về với quê hương, Chợ mới, Tiếng chày trên sóc bom bo, Dệt chặng đường xuân.
Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 66.
Thành danh nhờ thần tượng Lệ Thủy, Mỹ Châu
Trong nhiều chương trình truyền hình, Thanh Kim Huệ cho biết bà có niềm đam mê cải lương, vọng cổ từ bé. Hai thần tượng lớn nhất cuộc đời của bà là NSND Lệ Thủy và NSƯT Mỹ Châu. Điều đó thôi thúc Thanh Kim Huệ bước vào con đường nghệ thuật từ năm 9 tuổi.
“Từ những vai tì nữ, sau đó tôi ký hợp đồng với công ty Kim Chung, thu đĩa và đóng vai đào nhì. Đến năm 1974, tôi đóng chính trong Đường gươm nguyên bá, Chuyện tình Lan và Điệp và được nhiều khán giả biết đến”, nữ nghệ sĩ nói.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật của Thanh Kim Huệ, Lan là vai diễn được khán giả biết đến nhiều nhất. Thời điểm được giao cho Lan, bà chỉ ở độ tuổi 15. Ban đầu, vở diễn vốn được dành cho Lệ Thủy – Minh Vương, nhưng do hai nghệ sĩ bận rộn với việc đi hát, hãng đĩa Việt Nam quyết định giao lại cho Chí Tâm và Thanh Kim Huệ.
Thanh Kim Huệ và Chí Tâm trên sân khấu Chuyện tình Lan và Điệp năm 2019.
Cuối cùng, chính giọng hát lảnh lót, trong vút và nét ngây thơ của lứa tuổi 14, Thanh Kim Huệ thành công với vai diễn và đặt tiêu chuẩn cho những người muốn diễn lại vai cô Lan lận đận trong chuyện tình cảm.
Từ phân đoạn Lan tiễn Điệp lên tỉnh dự thi, lúc biết tin Điệp chuẩn bị cưới vợ, Thanh Kim Huệ thể hiện được sự nức nở, hờn dỗi của cô gái quê nghèo trước tin bị người yêu bội bạc.
Lý giải thành công của vai diễn, Thanh Kim Huệ nói mọi thứ bà diễn trong vở cải lương đều là cảm xúc thật của chính mình. “Khi tôi lo lắng, soạn giả Loan Thảo yêu cầu tôi hãy là Thanh Kim Huệ ở ngoài đời. Lứa tuổi của tôi cũng tương đồng với vai Lan nên đó là điều thuận lợi”, nữ nghệ sĩ nói.
Sau gần 50 năm thành công với vai Lan, bà thừa nhận không dám nghe lại vở cải lương vì ám ảnh với nỗi buồn về nhân vật. Trong lúc thu âm, có lúc Thanh Kim Huệ phải chạy ra ngoài khóc vì quá đồng cảm với cô Lan.
Đến năm 2019, Thanh Kim Huệ chính thức diễn lại vở Chuyện tình Lan và Điệp cùng nghệ sĩ Chí Tâm. Sau 45 năm, giọng ca của Thanh Kim Huệ gần như không thay đổi. Có chăng, giọng hát non nớt ngày nào giờ đây được trau chuốt và điêu luyện hơn.
Ở Thanh Kim Huệ, bà không đóng khung mình vào một dạng vai. Thoát khỏi sự bi lụy của vai Lan, nữ nghệ sĩ thành công khi thể hiện vai người vợ mang tiếng oan trong Đường gươm Nguyên Bá, vai cô em gái đỏng đảnh trong Đời cô Hạnh…
Trước năm 1975, ngoài vở Chuyện tình Lan và Điệp, khán giả không thể quên những bản tân cổ giao duyên do bà song ca cùng Thanh Tuấn, Minh Vương và Minh Cảnh.
Dấu ấn Thanh Kim Huệ sau năm 1975
Sau khi đất nước giải phóng, giọng ca Thanh Kim Huệ gắn liền với những bài vọng cổ về kháng chiến, mừng đất nước đổi mới. Bà để lại những bài tân cổ đi cùng năm tháng, đến giờ vẫn được nhiều nghệ sĩ trẻ thể hiện như Cô gái tưới đậu, Dệt chặng đường xuân, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Chợ mới…
Với bài tân cổ Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Thanh Kim Huệ mở đầu trào lưu ca hơi dài trong giới cải lương. Với chất giọng kim cao vút, kèm với đó là cách ca “lòn câu”, uốn lượn trong lòng câu, bà sáng tạo nên trường phái ca vọng cổ mới, được xếp ngang hàng với những nghệ sĩ đi trước như NSND Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy…
Bài vọng cổ khác được xếp vào hàng “bất hủ” là Chợ mới. Hầu như ai yêu mến bộ môn nghệ thuật cải lương đều một lần nghe hoặc thể hiện bản vọng cổ này. Bản nhạc cũng chính thức đánh dấu sự chuyển đổi trong cách thể hiện vọng cổ của Thanh Kim Huệ.
Trước 1975, giọng ca Thanh Kim Huệ không luyến láy, chú trọng vào làn hơi mạnh mẽ. Sau này, bà nhận thấy điều này dễ khiến bản thân bị trùng lặp. Bà quyết định thay đổi cách ca vọng cổ, sáng tạo ra phong cách ca hơi dài, hát lòn câu để cách tân vọng cổ.
NSƯT Thanh Điền và Thanh Kim Huệ là cặp nghệ sĩ có nhiều cống hiến với nghệ thuật cải lương miền Nam.
Thanh Kim Huệ đã thành công trong cách đổi mới lối ca vọng cổ. Cách ca mang đậm dấu ấn cá nhân của bà được nhiều thế hệ đàn em học hỏi, trong đó có giọng ca Linh Huệ, Ngân Huệ…
“Ban đầu tôi có giọng ca rất giống nghệ sĩ Lệ Thủy và Mỹ Châu. Tôi biết điều đó không hay nên quyết định sáng tạo ra cách ca vọng cổ mới và không ngờ được khán giả yêu thích”, Thanh Kim Huệ nói trong talk show của NSND Bạch Tuyết.
Đến thập niên 1980, khi sân khấu cải lương bắt đầu nhường bước cho các loại hình mới, Thanh Kim Huệ vẫn cố gắng tìm tòi duy trì bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Đến khi Ngao sò ốc hến ra đời, Thanh Kim Huệ tiếp tục để lại dấu ấn. Với làn hơi dài, giọng ca lảnh lót, hình ảnh một Thị Hến lẳng lơ, quyến rũ quan huyện để trừng trị Trùm Sò ghi đậm trong lòng khán giả yêu cải lương.
“Không ngờ Ngao sò ốc hến có sức sống như vậy. Chúng tôi diễn khoảng 1.000 suất trên sân khấu, đều đặn mỗi ngày 2 lần, 7 ngày/tuần, càng diễn càng đông khách”, Thanh Kim Huệ nói trong chương trình Dấu ấn huyền thoại.
Vai diễn Thị Hến từng được Thanh Duy tái hiện trong chương trình Gương mặt thân quen. Câu vọng cổ hơi dài: “Huyện quan ơi thân gái giá chồng phòng không chiếc bóng sớm tối quạnh hiu chẳng có ai bầu bạn em thao thức từng canh lệ sầu khắc khoải nghe tiếng chim khuya kêu buồn trong đêm vắng tủi phận cô đơn không người đoái tưởng mà bị vu quan chứa chấp đồ gian bởi người ám hại em phải làm sao nhờ quan đoái thương tình”… đến giờ vẫn được xem là chuẩn mực.
Với nhiều nghệ sĩ ca hơi dài, họ thường rơi vào trạng thái hụt hơi, hát dính chữ do cột hơi không vững. Với trường phái ca hơi dài, việc giữ được sự ngọt ngào, rõ chữ là điều quan trọng nhất. Thanh Kim Huệ đã thành công và tạo ra dấu ấn riêng biệt cho chính mình.
Ngoài vai trò nghệ sĩ biểu diễn, Thanh Kim Huệ còn là soạn giả cải lương. Vở diễn Khúc ly hương do bà làm soạn giả và đóng chính, kết hợp cùng chồng là NSƯT Thanh Điền và NSND Thanh Tuấn thời gian dài gây dấu ấn với giới mộ điệu.
Thanh Kim Huệ ra đi ở tuổi 68 để lại nhiều tiếc nuối cho người yêu cải lương. Không chỉ là giọng ca vàng có chất giọng quý hiếm, được nhiều đàn em học hỏi, bà còn làm người luôn tìm cách đổi mới, cách tân loại hình nghệ thuật truyền thống.
Vĩnh biệt Thanh Kim Huệ, “búp bê sàn gỗ” của sân khấu cải lương.
Theo Zing.vn