logo
Thứ năm, 09/11/2023 21:27:43

Tiền vệ Lương Xuân Trường lên Shark Tank gọi vốn, sản phẩm hấp dẫn khiến các Shark liên tục rút vé vàng giành quyền ưu tiên đàm phán


(Dispatch.vn) - Startup đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6 gọi vốn là Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC với hai đại diện là cầu thủ bóng đá Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng.

Startup đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6 gọi vốn là Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC với hai đại diện là cầu thủ bóng đá Lương Xuân Trường và Nguyễn Việt Hùng. Trong đó Lương Xuân Trường là đồng sáng lập, Nguyễn Việt Hùng là đồng sáng lập và điều hành của trung tâm.

Chia sẻ về lý do thành lập IRC, Lương Xuân Trường cho biết trong suốt thời gian từ thuở còn niên thiếu đến khi trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, anh đã phải chứng kiến nhiều chấn thương nặng của những người đồng đội, người đồng nghiệp trong bóng đá hay kể cả những vận động viên của các bộ môn thể thao khác.

“Em còn nhớ cảm giác ám ảnh khi phải chứng kiến một người đồng đội chơi ăn ý nhất với mình trên sân cỏ là Nguyễn Tuấn Anh. Bạn đã phải sang Thái để phẫu thuật cho chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối trước của mình, sau đó đã phải sang Pháp một mình để điều trị và tập phục hồi. Khi đó bạn ấy chỉ mới ở độ tuổi 16, 17 thôi”, Lương Xuân Trường kể lại.

Theo nam tiền vệ, có rất nhiều trường hợp những vận động viên ở các bộ môn khác đã phải tạm dừng sự nghiệp và có những người đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. “Và em chắc chắn không có gì tồi tệ hơn việc mình có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa”, anh cho biết.

Năm 2019, Lương Xuân Trường bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối. Anh đã phải sang Hàn Quốc phẫu thuật, điều trị và tập phục hồi để có thể trở lại với thể thao chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian ở Hàn Quốc, trong anh luôn đau đáu những câu hỏi “Tại sao lại không phải là Việt Nam?”, “Tại sao mình phải đến đất nước xa xôi đến thế để điều trị phục hồi chấn thương?”.

Quay trở về Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ những phẫu thuật viên, bác sĩ, nam tiền vệ được biết ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi nơi có khoảng 500 – 1.000 ca phẫu thuật chỉ riêng cho dây chằng, chưa kể đến những bệnh lý khác về cơ, xương, khớp. Sau khi phẫu thuật, thường các bệnh nhân sẽ được đưa cho giáo án để tự luyện tập và có lịch hẹn tái khám sau khoảng 3-6 tháng.

Rủi ro ở đây là trong thời gian tự phục hồi tại nhà, có thể có thời điểm bệnh nhân luyện tập không đúng cách vì không có ai kiểm chứng. Nếu họ gặp phải vấn đề gì đó trong tập luyện mà lại ở xa thì rất khó để các bác sĩ trực tiếp xử lý.

Những điều đó đã thôi thúc nam tiền vệ quyết tâm phải có một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt và IRC đã ra đời.

IRC hướng tới phục hồi chức năng chấn thương thể thao một cách toàn diện với 4 sản phẩm chính, bao gồm: phục hồi chấn thương và các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp; phòng tránh chấn thương; dinh dưỡng; giải quyết vấn đề liên quan đến tâm lý. Hiện nay, trung tâm này đã vận hành 2 sản phẩm là phục hồi chấn thương và phòng tránh chấn thương.

Đến với Shark Tank Việt Nam, hai nhà đồng sáng lập kêu gọi đầu tư 3,5 tỷ cho 5% cổ phần của IRC.

Việt Hùng và Lương Xuân Trường đã bắt đầu khởi động dự án của mình vào tháng 5/2020. Sau quá trình đào tạo, đến tháng 3/2021, IRC chính thức khai trương. Tính đến hết tháng 4/2022, IRC đã phục vụ 341 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ.

Nhà điều hành IRC thẳng thắn chia sẻ, ở thời điểm hiện tại IRC đang lỗ bởi vì sau khi khai trương, trung tâm mất gần 6 tháng “tê liệt” và “đóng băng”, không có doanh thu vì giãn cách xã hội.

Về chất lượng chuyên môn dịch vụ, IRC hiện đang thuê chuyên gia y học thể thao nước ngoài để đào tạo đội ngũ đường dài, sẵn sàng cho việc mở rộng sau này.

“Trước mắt bọn em vẫn ưu tiên có chuyên gia người nước ngoài để vừa làm việc vừa đào tạo. Ước mơ của em sau này là trung tâm này sẽ chỉ vận hành bằng người Việt, có thể phục vụ cho người Việt”, Lương Xuân Trường bộc bạch.

Việt Hùng cho biết, khẩu hiệu của IRC là “phụng sự thể thao Việt Nam”. Sản phẩm của IRC không chỉ hướng tới những người chơi thể thao chuyên nghiệp mà còn cả những người chơi thể thao phong trào và những người có bệnh lý về cơ, xương, khớp thuộc phân khúc trung cấp.

Tùy vào chỉ định của bác sĩ cho từng loại chấn thương và mong muốn của khách hàng mà thời gian điều trị sẽ khác nhau. Nếu điều trị mỗi ngày 1,5 tiếng, khoảng 22 buổi một tháng thì chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 26 – 30 triệu.

Shark Bình thắc mắc điểm mạnh mũi nhọn của IRC là gì trong 6 yếu tố con người, quy trình, sản phẩm-dịch vụ, giá cả, tiếp thị marketing, bán hàng. Việt Hùng cho biết đó là sản phẩm, và sản phẩm gắn liền với con người là đội ngũ chuyên gia.

Tuy nhiên Shark Bình và Shark Linh vẫn muốn làm rõ hơn sự nổi bật, khác biệt của IRC so với các trung tâm khác. Lương Xuân Trường lý giải sự khác biệt ở đây chính là các chuyên gia y học thể thao ở IRC về mặt chuyên môn, các giáo án, giáo trình phục hồi chấn thương. Bệnh nhân sau khi thăm khám, có chỉ định của bác sĩ thì các chuyên gia y học thể thao sẽ đưa ra một giáo trình để tập phục hồi theo một lộ trình rất chi tiết.

Xuân Trường chia sẻ: “Bản thân em trực tiếp trải nghiệm với các chuyên gia đó ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là những chuyên gia mà em trực tiếp trải nghiệm và em muốn mời những chuyên gia đó về Việt Nam để đào tạo lại cho các bạn. Tất nhiên là có thể em được trải nghiệm nhiều hơn, bị chấn thương nhiều hơn thì sẽ biết tập luyện phục hồi với bác sĩ nào, với chuyên gia nào sẽ phù hợp với mình hơn hoặc là tốt hơn”.

Shark Hưng đánh giá đây chính là điểm mạnh của IRC khi Lương Xuân Trường đang là cầu thủ chuyên nghiệp và có bạn bè, đồng đội cũng là người chơi thể thao. Vì thế IRC sẽ hiểu được khách hàng cần gì trong quá trình này.

“Bản thân em đã là một KOL, một KOC rồi. Em đầu tư vào một trung tâm chuyên về vấn đề vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho thể thao là một lợi thế về marketing”, Shark Hưng phân tích lợi thế của IRC từ góc độ kinh doanh.

Ông cũng nêu quan điểm, ở góc độ chuyên môn, startup sẽ phải tiếp tục thêm bác sĩ giỏi, thêm máy móc thiết bị hiện đại để liên tục phát triển.

Bất ngờ, Shark Liên rút Golden Ticket (vé vàng) trị giá 100 triệu để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Shark Liên cho biết cách đây 5 năm đã từng đưa chồng sang Hàn Quốc mổ dây chằng hai đầu gối nên bà thấu hiểu tâm nguyện của Xuân Trường khi mở IRC. Bên cạnh đó, bà cũng có một công ty bảo hiểm, bảo hiểm cho tất cả những người chơi thể thao.

Shark Phú cũng lấy ra Golden Ticket trị giá 200 triệu để đàm phán với IRC. Ông đặt câu hỏi để tìm hiểu kỹ hơn về cơ sở vật chất, vốn đầu tư ba đầu, cơ cấu cổ đông.

Việt Hùng cho biết hiện IRC đang thuê văn phòng ở Hà Nội với 2 mặt sàn, diện tích mỗi mặt sàn khoảng 125m2. IRC đang có 6 nhân viên làm chuyên môn, có thể phục vụ tối đa 30 lượt khách trong 1 ngày. IRC hiện có 3 cổ đông và đã góp vốn 6,64 tỷ.

Muốn thương thảo riêng với startup, Shark Liên nâng giá trị của Golden Ticket lên 500 triệu. Bà cho biết có thể giúp startup kết nối với các chuyên gia đầu ngành ở Mỹ và Đức để đưa bác sĩ của trung tâm ra nước ngoài đào tạo hoặc đưa chuyên gia quốc tế về huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, bà có thể giúp IRC về mặt bằng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 25% cổ phần. Shark Liên phân tích: “Tại vì các em chưa có gì cả. Thực sự là chị đầu tư vào con người. Chị muốn đi đường dài, phát triển bền vững với các em”.

Việt Hùng cho biết tỷ lệ phần trăm đó quá cao so với startup. IRC muốn mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh nên cũng muốn chia sẻ cổ phần cho các chuyên gia, những người làm chuyên môn để có thể cùng đi đường dài. Do đó, anh đưa ra đề nghị chia sẻ 15% cổ phần với số tiền 7 tỷ.

Tuy nhiên, Shark Liên chưa đồng thuận với con số này. Shark Liên đưa ra các lý lẽ để thuyết phục startup như sẵn sàng cho vay nếu startup cần thêm vốn, có hệ sinh thái bảo hiểm để gia tăng giá trị cho khách hàng.

Đáp lại, hai nhà đồng sáng lập cho biết hai anh tự tin về mặt tài chính ở thời điểm hiện tại và kiên định với mức đề nghị đầu tư của mình

Sau một hồi thương thảo, Shark Liên đồng ý đầu tư cho IRC 7 tỷ cho 15% cổ phần.

Startup xuất hiện tiếp theo sau là Đào Phan, sáng lập và điều hành của Startup Công nghệ Giáo dục iZi. Cô định vị iZi là ngôi trường mở lớn nhất mà không sở hữu bất kỳ ngôi trường nào, tại đó mọi người đều có thể dạy và học những điều mình mong muốn với niềm vui. Đào Phan đến với Shark Tank để gọi 200.000 đô cho 4% cổ phần.

Đào Phan chia sẻ câu chuyện thú vị rằng cô sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn ở Đồng Tháp, có rất ít điều kiện để tiếp xúc với thông tin và cơ hội giáo dục, nên phần lớn thời gian cô có là dành cho việc vui chơi. Chính điều này đã giúp cô rèn luyện khả năng tưởng tượng và sáng tạo, và cô áp dụng nó cho việc học. Nhờ điều này cô đã có thêm nhiều niềm vui cho việc học của mình, cô đã đậu vào trường chuyên toán cấp 3 và Đại học Ngoại thương với tinh thần chơi mà học như vậy, hầu như không phải đến lớp học thêm. Chính vì lẽ đó nên iZi được sinh ra với sứ mệnh là biến việc học trở nên iZi hơn (easy – dễ hơn) và tạo ra nhiều niềm vui hơn cho cả người dạy lẫn người học.

Đối tượng iZi tập trung là host và cộng đồng của họ, trong đó host là thế hệ Millennials từ 25-40 tuổi, có mong muốn chia sẻ hiểu biết của họ ở một phạm vi chuyên môn nhất định, và cộng đồng của họ là thế hệ GenZ từ 16 đến 25 tuổi có mong muốn, nhu cầu và sức chi cho việc phát triển bản thân. Hai đối tượng mục tiêu này giúp định vị iZi tại thị trường Out of school (thị trường ngoài trường học) có độ lớn tại Việt Nam là gần 7 tỷ đô và trên toàn cầu là 1.600 tỷ USD.

Sản phẩm đang ở giai đoạn Beta, chưa hoàn thiện và dự định đến tháng 7/2022 sẽ là bản hoàn chỉnh, chạy trên nền tảng mobile app, bắt đầu lấy doanh thu từ thời điểm này. Doanh thu của iZi từ 2 nguồn chính, nguồn thứ nhất là thu hằng tháng đối với các host (người chủ trì), nguồn thứ hai là nguồn chia sẻ doanh thu giữa iZi với host khi host tạo ra những phòng học mà người dùng trả phí trực tiếp.

Khi Shark Liên hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tính sư phạm trong chương trình giáo dục này, Đào Phan cho biết cô là người chịu trách nhiệm chính bởi vì cô được đào tạo là trainer, nhưng song song sau đó cô có đội ngũ chuyên gia là những Thạc sĩ, Tiến sĩ về Giáo dục để họ hỗ trợ cô trong việc xây dựng chương trình này. “iZi sẽ có 1 đội ngũ kiểm tra hồ sơ và tiểu sử của những host khi tham gia, nhưng chất lượng trong quá trình mà họ triển khai, thì chúng tôi sẽ để lại cho cộng đồng đánh giá. Và đây là cơ chế mở mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Và dần dà khi nội dung thông tin nhiều thì chúng tôi bắt đầu dùng công nghệ để xem xét, vì để sử dụng được AI đánh giá thông tin như thế nào là phù hợp thì chúng tôi cần lượng tích lũy theo thời gian.”

Shark Phú hỏi rằng lý do gì Startup định giá công ty lên đến 5 triệu đô khi chưa có doanh thu, Đào Phan cho rằng có 2 lý do. Thứ nhất là dựa vào các startup gần với mô hình của iZi trên thế giới mà đã vượt qua những cột mốc của họ rồi, đó là theo phương pháp comparable (so sánh). Cách thứ hai là dựa vào mức độ tăng trưởng của iZi từ vòng gọi vốn trước cho tới vòng này. Hiện tại mức độ tăng trưởng của chúng tôi là 12 lần từ vòng gọi vốn trước về số lượng người dùng, đây là người dùng miễn phí.

Về mặt doanh thu, iZi có doanh thu thí nghiệm, nhưng cô chưa dám chia sẻ thẳng thắn doanh thu thực tế hiện tại mà iZi có.

Khi được Shark Linh hỏi iZi khác với phần mềm Kahoot! như thế nào, Đào Phan cho rằng bản thân Kahoot! khi mới thành lập thì chỉ định vị họ là công cụ, không quan tâm tới cộng đồng cũng không quan tâm tới nội dung. iZi cũng sử dụng gamification (trò chơi điện tử ứng dụng hóa) nhưng nó là phần kỹ thuật, còn iZi quan trọng nhất là nội dung và cộng đồng. Kahoot không thể nào share (chia sẻ) hình của host được, phải ngồi ở đây để chơi, chứ không thể ngồi ở 4 châu lục khác nhau để chơi cùng được. iZi là phòng học và người host có thể dùng công nghệ để mà stream (phát trực tiếp) hình ảnh và âm thanh của mình.

Các Shark hỏi rằng gọi vốn 200 nghìn USD và định giá công ty là 5 triệu USD là có hợp lý không? “Tôi không bị thuyết phục bởi cách so sánh, bởi cái so sánh đó là quá khứ. Lúc đó tại thời điểm đó nếu người gọi vốn như vậy người ta có những lý luận khác bạn, bởi vì lúc đó chưa có ai đi trước để mà so sánh cả. Và thời điểm đó có thể người ta là tiên phong, thời điểm đó như cầu thị trường nó khác, tư duy của nhà đầu tư cũng khác, cách người ta đưa ra nó hoàn toàn mới mẻ.” – Shark Hưng chia sẻ quan điểm.

Shark Phú cũng đồng tình, “100 người startup chỉ có chưa được 1 người thành công, vậy chúng ta đưa ra câu chuyện của 1 người thành công để so với họ và đưa ra giá giống họ thì đấy là câu chuyện”. Chia sẻ không thạo trong lĩnh vực này, Shark Phú quyết định không đầu tư.

Shark Linh cho biết rằng gần đây bà có nghiên cứu thị trường này khá nhiều bởi bà đang muốn làm thêm những khóa học đào tạo. “Trên thị trường toàn cầu có cả trăm công ty tương tự như vậy và họ đã vận hành nhiều năm rồi. Và với mô hình trả từng học sinh là mô hình doanh thu cũ rồi. Có thể đội doanh thu cũng chưa có nghiên cứu đủ để thấy thị trường toàn cầu như thế nào”. Hiện tại bà cảm thấy iZi đang hơi trẻ, vì vậy cũng quyết định không đầu tư.

Shark Liên cũng quyết định không đầu tư, nhưng bà cho lời khuyên là startup hãy kiểm soát chặt chẽ tính sư phạm, tiếp nữa là nội dung cũng phải kiểm soát chặt. Khi nào startup hoàn thiện sản phẩm, bà sẽ là khách hàng của họ.

Shark Hưng cho biết hiện nay ông đang có một học viện là Cen Academy, và cá nhân ông vừa mới được offer (lời mời làm việc) 1 job (công việc) về trường Quản Trị Kinh Doanh của trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ông thấy ứng dụng này có tiềm năng cho những hoạt động ngoại khóa của nhà trường. “Nhưng thực ra với 200 nghìn USD thì chúng tôi có thể phát triển ra 1 phần mềm hoàn hảo cho việc ứng dụng của riêng mình. Còn bây giờ bạn đang kêu gọi số tiền chủ yếu đầu tư cho cái quá khứ này. Nếu bạn đang có 180 ngàn (USD), tôi tính cả nhà đầu tư thiên thần trước đó nữa, x2 là 360 ngàn (USD), tôi bỏ 200 ngàn (USD) tôi chiếm 35%”.

Shark Bình cho rằng sản phẩm này còn nhiều vấn đề, ông nghĩ là Startup hơi sớm nên ông quyết định không đầu tư.

Đào Phan cho biết với lời đề nghị của Shark Hưng thì khi đến với chương trình này cô và đội ngũ cũng có ngồi thảo luận với nhau sẽ gọi tối đa là 10% cổ phần cho ít nhất là 350 nghìn USD.

Shark Hưng giữ nguyên quan điểm: “Tôi chưa nhìn thấy cái hack for growth (tăng trưởng nhanh) nào của bạn thật sự đủ lớn để đầu tư với giá trị doanh nghiệp lớn đến mức độ như vậy.”

Không đạt được thỏa thuận mong muốn, Đào Phan từ chối đề nghị của Shark Hưng.

Startup thứ ba đến với Shark Tank là Nguyễn Tuấn Hải, CEO – Founder của FUT Group – đơn vị sản xuất bàn chống gù chống cận cho các em học sinh. Tuấn Hải kêu gọi 2 tỷ cho 10% cổ phần của công ty FUT Group.

Startup chia sẻ thông tin rằng tại Hà Nội và Tp.HCM hiện nay đang có 48% học sinh bị gù và cận. Ghế Esca của FUT Group có thể đẩy lên được phía trước và mặt bàn nâng lên một góc từ 15-20 độ, trẻ sẽ có tư thế ngồi thoải mái không còn bị cúi gù thụ động. Việc cúi gù này sẽ dẫn đến trẻ bị chùng cơ và nhìn gần thụ động lâu ngày sẽ gây nên cận thị. Bàn Esca có các cách sắp đặt mặc định để phù hợp với chiều cao từ lớp 1 đến lớp 12, và có thể dễ dàng di chuyển.

Hiện FUT đã hoàn tất một đơn hàng 216 triệu đến trường học và một đơn hàng 451 triệu đang được ký kết, bắt tay vào sản xuất. Tuấn Hải cũng cho biết có 8-10 trường có quan tâm đến bàn Esca.

Anh Hải tâm sự thêm rằng ngày xưa học anh rất là nhiều và ra trường là Thạc sĩ – Kiến trúc sư trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Anh thường xuyên phải làm việc với máy tính nhiều giờ một ngày nhưng không bị cận. Trong khi đó các con anh, một bé trai học lớp 4 cận 4,5 diop, và chị của cháu học lớp 7 vừa bị gù vừa bị cận 7,5 diop. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các con. Tuấn Hải hiện còn một bé 2 tuổi, mong ước của anh là khi cô con gái đến tuổi đến trường thì sẽ có nhiều trường học trang bị bàn chống gù chống cận trên lớp. Bé sẽ không bị gù cận như anh chị mình.

Bàn Esca có nhiều giá thành, có chiếc 1,8 triệu, chiếc 3,5 triệu, được Shark Liên khen mẫu mã đẹp và giá cạnh tranh.

Shark Hưng lo lắng về việc phân phối hệ thống này vào các trường học, bởi vì nếu hướng đến bán hộ gia đình thì khá ổn nó tương đối dễ nhưng hướng này nhỏ mà lại không giải quyết được vấn đề triệt để vì các bé lại tiêu tốn thời gian ở trường hơn rất nhiều so với ở gia đình. Phân phối ở trường học thì phải có quy trình, phải đấu thầu nhưng giá thành cao khi chưa được chứng minh hiệu quả khác biệt hoàn toàn thì rất khó đấu thầu.

Tuấn Hải giải đáp rằng thay đổi nhận thức của các nhà giáo dục và phụ huynh rất là khó, anh sẽ đi bằng con đường tiếp cận các trường có học phí từ 4,5 triệu trở lên. Ở trường đầu tiên anh đến, nhà trường rất là muốn nhưng mà trong đợt Covid rất khó khăn về mặt kinh tế thì anh có chia sẻ với hội phụ huynh, và hội phụ huynh đã lập tức đứng lên mua tài trợ cái bàn này cho các em học sinh lớp 1.

Nhưng Shark Liên cho anh chỉ đang vận động để chạy thử, chưa có sự đồng bộ. Tuy vậy, bà cũng cho biết mình rất cảm động. “Em là một người cha có trách nhiệm và em đã phải dày công để nghĩ ra được, sáng chế ra được ý tưởng này. Nó quá tuyệt vời và thực sự là em đã chạm vào trái tim của chị.”

Vốn điều lệ của FUT là 5 tỷ đồng, thực góp của anh Tuấn Hải là 8,769 tỷ đồng. Hiện giờ còn 600 triệu vì công ty anh chuyên sản xuất những đồ ergonomic (công thái học) cho trẻ em. Công ty FUT còn hơn 100 sản phẩm sáng chế khác với tổng doanh thu là 6,716 tỷ.

Cổ đông công ty hiện nay có anh Hải là chủ tịch chiếm 85%, một cổ đông người Nhật chiếm 5%, một kỹ sư tin học 5% và giám đốc phụ trách truyền thông 5%. Nếu các Shark khác đầu tư, Tuấn Hải sẽ nhượng lại số phần trăm cổ phần của chính mình.

Shark Phú cảm thấy đây là ý tưởng rất là tốt và nhân văn, tuy nhiên ông thấy quy mô tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông quyết định sẽ không đầu tư, nhưng về sản xuất thì ông có thể hỗ trợ được vì ông có nhà máy cơ khí gần như đầy đủ hết máy móc thiết bị.

Shark Linh nghĩ startup cần có MVP (minimum viable product) – sản phẩm khả thi tối thiểu. “Tất cả các công ty khởi nghiệp sẽ xuất phát từ 1 vấn đề và nghĩ ra 1 sản phẩm để giải quyết được vấn đề đó, khi mà mình bắt đầu mình nên suy nghĩ tối thiểu. Với chị cái sản phẩm này hơi quá, mình không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm 3 triệu trở lên chỉ để thử nghiệm cái lý thuyết của mình, rằng nếu mình đưa sách lên như vậy thì sẽ giảm bớt tỷ lệ bé bị cận. Có nhiều cái kệ ngoài thị trường để đặt lên bàn, rồi đưa giấy hoặc cuốn sách đó lên. Bạn có thể thiết kế một cái đơn giản hơn, có thể dễ sử dụng với giá thành khoảng vài trăm ngàn, lúc đó các trường có thể dễ sử dụng hơn. Nói chung mình nên xem xét lại sản phẩm này có đúng hướng đi ngay lúc đầu không hay mình có thể tìm sản phẩm đơn giản hơn.” Bà quyết định không đầu tư.

Shark Liên tuy cảm động vì Startup có trách nhiệm của một người cha tuyệt vời, nhưng Startup không thuộc lĩnh vực của bà nên bà không đầu tư.

Shark Hưng khá quan tâm đề tài tuy nhiên ông lo sản phẩm khi bắt đầu ra thị trường rồi sẽ xuất hiện rất nhiều đối thủ, nhất khi là Startup khai thông được kênh phân phối. Ông nhận định trong nhóm cổ đông và sáng lập hiện nay chưa thấy có ai làm kinh doanh. Ông đề nghị đầu tư 2 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. Tuấn Hải không đồng ý và thương lượng mức 2 tỷ cho 15%.

Shark Hưng đề nghị :“Cưa đôi. Tôi đề nghị 25%, bạn đề nghị 15%, cưa đôi lấy nửa 20%? Thật ra đây chỉ là offer (đề nghị) ban đầu tôi, chúng ta còn rất nhiều việc phải đánh giá và phải làm nữa”.

Tuấn Hải hội ý với đội ngũ rồi đưa ra đề xuất tới: “Em cũng thực góp bằng 8 tỷ 796 triệu, anh góp thêm 2 tỷ, coi như tỷ lệ 1:1, thì 18% là đúng tỷ lệ 1:1 như Founder từ đầu của cty.”

Shark Hưng đồng ý với đề nghị 2 tỷ cho 18%. Thương vụ kết thúc thành công kèm theo sự ủng hộ tinh thần của Shark Bình: “Anh sẽ mua ủng hộ em 2 cái bàn cho 2 đứa con nhà anh”

Startup cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 6 là FuniMart, sàn thương mại điện tử dropship (vận chuyển theo đơn đặt hàng). Mục tiêu của startup này là trở thành Top 1 hệ sinh thái về nền tảng kinh doanh online với hơn 10 triệu cộng tác viên bán hàng, doanh thu đạt 50 triệu USD mỗi tháng và có mặt tại hơn 10 quốc gia Đông Nam Á vào năm 2025. Đến Shark Tank Việt Nam, hai đại diện của FuniMart là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Hiếu Liêm kêu gọi đầu tư 500.000 USD cho 7,5% cổ phần.

Theo giới thiệu của nhà sáng lập Minh Đức, FuniMart là cầu nối và giải pháp cho những nhà cung cấp và cộng tác viên kinh doanh online (trực tuyến). Nhà cung cấp có thể dễ dàng đăng tải sản phẩm, tìm kiếm, gia tăng, phát triển số lượng cộng tác viên và quản lý đơn giản trên một nền tảng thống nhất. Tất cả đơn hàng sẽ được nhà cung cấp xử lý và giao hàng đến tận tay khách hàng, cộng tác viên sẽ được hưởng hoa hồng trên từng đơn hàng thành công.

FuniMart đã tạo ra doanh thu hơn 500 triệu cho các nhãn hàng về đồ gia dụng và nhà bếp. Đỉnh điểm, nền tảng này đã giúp các nhãn hàng đạt hơn 2 tỷ mỗi tháng.

Bên cạnh cung cấp sản phẩm và công cụ, startup còn cho ra đời Funi Academy để chia sẻ, đào tạo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giúp cộng tác viên có thể bán hàng hiệu quả hơn bằng những khóa học miễn phí và khóa học chuyên sâu có thu phí. Trong 2 tháng qua, Funi Academy đã đào tạo hàng trăm học viên và mang về doanh thu là hơn 300 triệu.

Ngoài ra, startup này còn có Funi Express, hợp tác với tất cả đối tác vận chuyển tại Việt Nam và trong khu vực để phục vụ mục tiêu phát triển quốc tế.

Theo Minh Đức, startup còn hợp tác với các cổng thanh toán, ví điện tử, tạo ra một hệ sinh thái quản lý dòng tiền, đơn hàng thuận tiện cho các nhà bán. Với lượng lớn đơn hàng giao dịch chảy qua FuniMart mỗi ngày, startup hợp tác với các đối tác tín dụng, cho phép các nhà bán có thể vay tiền, vay tín dụng nhằm làm đòn bẩy tài chính trong kinh doanh online.

Nguyễn Hiếu Liêm – nhà đồng sáng lập và đầu tư thiên thần của FuniMart cho biết, startup đã hoạt động được 2 năm. Trong năm 2022, startup này đã hòa vốn với GMV (Gross Merchandise Volume – Tổng giá trị giao dịch) trung bình mỗi tháng là 500.000 USD và có hơn 50.000 cộng tác viên.

Doanh thu trong tháng gần nhất của FuniMart là 1,5 tỷ, đến từ việc thu phí vận hành cho một số nhãn hàng; các khóa đào tạo; phí cố định của các nhà cung cấp và cộng tác viên; phí hoa hồng từ các đơn vị vận chuyển..

Shark Bình cho rằng 4 nguồn thu mà startup nêu ra chưa đáng kể, ngoại trừ việc FuniMart đang “lấy ngắn nuôi dài” từ việc thu tiền các khóa đào tạo bán hàng online. Có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Chủ tịch HĐQT NextTech cho biết, nguồn thu quan trọng nhất của nền tảng như thế này là thu phí theo GMV. Tuy nhiên hiện tại startup lại chưa thu mà cho hết cộng tác viên.

Đáp lại, Hiếu Liêm cho biết lợi thế cạnh tranh của FuniMart là miễn phí hoa hồng giao dịch thành công.

Không đồng tình với các nhận định này, Shark Bình cho rằng FuniMart miễn phí hoa hồng thì các bên khác cũng làm được. Ông đặt ra tình huống khi các đối thủ khác gọi được nhiều vốn từ các quỹ của nước ngoài thì sẽ “đè” startup và muốn biết “long mạch” khác biệt của FuniMart.

Minh Đức cho biết, FuniMart sẽ là đơn vị hỗ trợ vận hành cho các nhãn hàng và thu phí từ 1 – 6% tùy dòng sản phẩm. Ngoài ra FuniMart cũng có nhiều nguồn doanh thu khác, ví dụ như từ các đơn vị vận chuyển. Startup hưởng lợi từ 3.000 – 5.000Đ/đơn hàng và trung bình mỗi ngày FuniMart có khoảng 2.000 đơn hàng.

Trên nền tảng FuniMart hiện đã có hơn 100 nhãn hàng niêm yết. Bên cạnh những sản phẩm vật lý, FuniMart định hướng trở thành đối tác chiến lược, nhà phân phối các sản phẩm phi vật lý như bảo hiểm, vé máy bay, tàu hỏa, thẻ điện thoại nhằm tạo ra một hệ sinh thái toàn diện cho các cộng tác viên có thể kinh doanh online kiếm thêm thu nhập. Minh Đức cũng tiết lộ FuniMart đang hợp tác với một số đối tác bán bảo hiểm như VIFO, Global Care, VASS, đối tác vé máy bay, tour du lịch.

Mô tả về bộ máy nhân sự, Minh Đức cho biết đội ngũ của FuniMart có gần 20 người. Trong đó Minh Đức và Hiếu Liêm là sáng lập, còn lại là các nhân sự phụ trách marketing, chăm sóc khách hàng, xây dựng và phát triển nhãn hàng.

Vốn điều lệ của FuniMart là 300 triệu, thực góp là 2,3 tỷ. Startup này đã trải qua 2 lần gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Vòng đầu tiên vào năm 2020 với số vốn là 10.000 USD, vòng tiếp theo là 100.000 USD vào năm 2022.

Khi Shark Liên đặt ra câu hỏi những gì startup làm được thì người khác cũng làm được, Hiếu Liêm cho biết lợi thế của FuniMart là các cộng tác viên đều có thể bán hàng đa kênh. Từ việc bán hàng trên các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo đến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop. Trong khi đó đa phần đối thủ chỉ hỗ trợ cộng tác viên đăng bài, livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên Facebook để chốt đơn.

Một lợi thế khác của FuniMart là đã xây dựng cộng đồng nhà bán hàng để chia sẻ kinh nghiệm với hơn 50.000 cộng tác viên đang hoạt động.

Hiếu Liêm nêu quan điểm rằng nếu có các đối thủ lớn vào thị trường thì đây là cơ hội tốt giúp educate (giáo dục) thị trường, giúp cộng tác viên hiểu hơn về mô hình dropship. Ưu điểm của FuniMart là đi bền vững chứ không đi nhanh “đốt” tiền.

Quan điểm này của startup không nhận được sự đồng tình của Shark Bình. Ông cho rằng startup đang “lý tưởng hóa”.

Shark Linh thắc mắc về các loại sản phẩm được bán trên FuniMart và việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Minh Đức cho biết startup của mình có đội ngũ chuyên quản lý chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp. Các nhà cung cấp muốn lên sàn, muốn được vào ShopMall hay Shop yêu thích thì đều phải gửi sản phẩm kèm giấy tờ để đội ngũ của FuniMart kiểm duyệt chất lượng và xây dựng hệ thống đánh giá sản phẩm. Còn lại các tổng kho, nhà cung cấp, xưởng sản xuất muốn bán hàng trên FuniMart thì startup cũng có những hệ thống xếp hạng dựa trên lịch sử bán hàng của nhà cung cấp đó.

Shark Hưng đánh giá mô hình của startup là xu thế của thương mại điện tử hiện nay và rất cần thiết cho thị trường. Ông phân tích startup đang gặp phải câu chuyện “con gà quả trứng”. Startup phải chọn lựa hàng hóa, đàm phán tỷ lệ hoa hồng với nhà cung cấp để có hàng tốt, giá rẻ thu hút cộng tác viên. Ngược lại, cộng tác viên phải bán hàng giỏi, GMV cao mới thu hút nhà cung cấp đưa hàng hóa vào.

Đánh giá lợi nhuận startup đạt được lúc này rất nhỏ bé so với định giá doanh nghiệp và không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên Shark Hưng từ chối đầu tư.

Shark Bình phân tích mô hình của startup có nhiều khó khăn. Đầu tiên là nguồn hàng tốt thì khó chiết khấu cao. Thứ hai là chi phí tuyển dụng và giữ chân cộng tác viên cao. Biên lợi nhuận của startup thấp so với các ngành thương mại điện tử. Ông tiết lộ đã từng đầu tư vào lĩnh vực dropship nhưng chưa thành công. Chính vì vậy ông cũng không đầu tư cho startup.

Vì không hiểu về lĩnh vực của startup và định giá doanh nghiệp startup đưa ra quá cao so với kết quả đạt được nên Shark Phú cũng từ chối đầu tư.

Shark Linh phân tích rằng startup đặt mục tiêu mở rộng ra các quốc gia khác sẽ khó cạnh tranh vì có các công ty khác đã đi trước. Vì vậy, bà cũng không đầu tư.

Shark Liên cho rằng FuniMart đang định giá doanh nghiệp quá cao. Với tư cách nhà đầu tư, bà chưa có cơ sở để đầu tư cho startup. Chính vì vậy bà cũng từ chối ra deal cho thương vụ này.


Tập 6 Shark Tank Việt Nam mùa 5


Từ Khóa:

Tin Liên Quan