logo
Thứ năm, 09/11/2023 18:16:40

Giúp tre nứa chống mục, mối, mọt, mốc để kéo dài thời gian sử dụng, startup e-Timber giành luôn “khủng” deal triệu USD


(Dispatch.vn) - Startup đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam tập 12 gọi đầu tư 2 triệu USD cho 10% cổ phần là e-Timber với hai đại diện là Trương Trọng Hỷ - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành và Trần Huy Cường – đồng cổ đông kiêm Cố vấn kỹ thuật.

Startup đầu tiên đến Shark Tank Việt Nam tập 12 gọi đầu tư 2 triệu USD cho 10% cổ phần là e-Timber với hai đại diện là Trương Trọng Hỷ – đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành và Trần Huy Cường – đồng cổ đông kiêm Cố vấn kỹ thuật.

e-Timber hiện đang tập trung phát triển, trở thành nhà sản xuất, cung cấp giải pháp vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời trên cơ sở công nghệ xử lý vật liệu tự nhiên ngoài trời theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo quản gỗ Hoa Kỳ (AWPA) và TPAA của Úc.

Các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, lá và các loại gỗ rừng trồng khi ứng dụng vào các công trình ngoài trời rất dễ bị xuống cấp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và côn trùng. Công nghệ của e-Timber sẽ giúp cho những vật liệu này ổn định, bền vững, duy trì thời gian sử dụng hàng chục năm và chống được 4M: mục, mối, mọt, mốc.

e-Timber đang sử dụng các loại gỗ phổ biến như thông, tần bì, tre, dừa. Trong đó, đầu vào phần lớn là gỗ thông nhập khẩu.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình về căn cứ gọi 2 triệu USD cho 10%, tương đương định giá công ty khoảng 18 triệu USD (400 tỷ), Huy cường cho biết đội ngũ của anh đã đầu tư hơn 80 tỷ vào cơ sở vật chất hạ tầng cũng như hệ thống kinh doanh

e-Timber đang định giá doanh nghiệp dựa vào dung sai thị trường. Dung sai thị trường hiện đang đạt khoảng 100 triệu khối. Trọng Hỷ tính toán: “Ví dụ 10% của dung sai thị trường đó là 10.000 khối thì sản lượng cho thị trường này rơi vào khoảng 600 – 1.000 khối/tháng”.

“Bây giờ là 1.000 khối/tháng. Biên độ lợi nhuận chúng tôi đạt kỳ vọng là 30%/năm. Cứ một năm như vậy, doanh số chúng tôi trung bình khoảng 400 – 460 tỷ. Lợi nhuận chúng tôi 30%, nhân lên trung bình dao động khoảng 130 – 140 tỷ/năm là có khả năng đạt được”, Huy Cường tiếp lời.

“Có khả năng đạt được nhưng vào năm nào?”, Shark Bình thắc mắc.

“Khi action (thực hiện) được khối lượng của 1.000 khối”, Huy Cường cho biết.

Trước thông tin e-Timber cung cấp, Shark Bình nhận định Startup đang định giá doanh nghiệp theo phương pháp DCF – chiết khấu dòng tiền. Ông tiếp tục hỏi hai đại diện doanh nghiệp về kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới. Huy Cường cho biết hiện tại doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh 5 năm mà đang đặt kỳ vọng theo khả năng doanh nghiệp có thể làm được.

“Bạn muốn có định giá 400 tỷ thì bạn phải build (xây dựng) được kế hoạch kinh doanh 5 năm với mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Xong rồi sau đó có công thức hết chứ không thể nào “bốc thuốc” ra con số 400 tỷ được”, Shark Bình nêu ý kiến.

Huy Cường lý giải: “Cái quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng cho nhà máy ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, giá trị đất 1 hecta với nhà xưởng điện đầy đủ. Tức là trước đó chúng tôi cũng có nhà máy sẵn rồi chứ không phải là chúng tôi vì mảng gỗ nên mới đầu tư cái này”.

Theo hai đại diện e-Timber, trước đây nhà máy này là kho phế liệu và một nhà máy phân bón.

Băn khoăn về việc trong quá khứ, Startup đầu tư cho sản phẩm khác chứ không phải sản phẩm hiện tại, Shark Hưng nêu ý kiến: “Trước đó bạn có thể đầu tư 70 tỷ. Bây giờ có thể lên đến 200 tỷ, 300 tỷ nhưng vấn đề là với sản phẩm này, chúng ta chỉ cần 10 tỷ thì chúng tôi chỉ muốn tính 10 tỷ vốn đầu tư cho cái này. Chứ tự nhiên bắt tôi gánh thêm 70 tỷ”.

Shark Hưng cũng gợi ý Startup nên tách tài sản, lỗ lãi… từ hoạt động kinh doanh trong quá khứ thành pháp nhân riêng. Còn hiện tại Startup gọi vốn cho sản phẩm mới thì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến sản phẩm này.

“Đừng bắt pháp nhân vừa mới “sơ sinh” còn đang “trứng nước”, còn chưa biết “ăn dặm” mà đã phải “gánh” cả một khoản nợ quá khứ mấy chục tỷ. Nó nặng nề quá. Bạn tách riêng ra thì dễ nói chuyện với nhau”, Shark Hưng khuyên.

Ghi nhận lời khuyên của Shark, Huy Cường cho biết sau này có thể định giá riêng phần đó.

Quay trở lại tình hình sản xuất và kinh doanh vật liệu tự nhiên ứng dụng ngoài trời, Huy Cường cho biết quy mô công suất nhà máy của e-Timber rơi vào khoảng 50 khối/tháng, bán hàng được khoảng 20 khối/tháng. Doanh thu tháng gần nhất là 1,8 tỷ còn những tháng trước đang âm, lợi nhuận khoảng 200 triệu.

Trả lời câu hỏi của Shark Liên về việc sản phẩm của e-Timber có phải là duy nhất hay không, Huy Cường tiết lộ Startup của anh đã phải dành nhiều thời gian, tiền bạc để chuẩn hóa cách xử lý gỗ theo tiêu chuẩn AWPA, TPAA bởi mỗi loại gỗ lại có một đặc thù riêng. “Chúng tôi phải chuẩn hóa lại giống như Việt Nam hóa vậy. Gần như Việt Nam ít có công ty nào làm được như chúng tôi. Đó là đẳng cấp rồi”, anh khẳng định.

Huy Cường cũng chia sẻ thêm rằng e-Timber đang sử dụng nguồn gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Tre và gỗ thông đang là sản phẩm chủ lực của Startup.

Hiện tại sản phẩm của e-Timber đang được bán với giá trung bình 2 triệu/m2, bảo hành 10 năm và hướng đến tệp khách hàng đẳng cấp. Trong khi đó gỗ nhựa có giá trung bình từ 1,1 – 1,8 triệu/m2 nhưng không được bảo chứng ứng dụng ngoài trời. “Để ra được một làng, resort hay farmstay mà không xử lý theo phương pháp của chúng em thì sẽ không bao giờ có những công trình resort đó. Vì chỉ cần 2 năm thôi, gió biển vào cái là mục hết và mối mọt lên”, Huy Cường tự tin.

e-Timber đang phân phối qua các đại lý, công ty xây dựng, công ty phát triển bất động sản. Startup cũng tập trung tham gia vào các hội thảo của kiến trúc sư. Doanh thu từ đầu năm đến hiện tại là 6,8 tỷ. Dự kiến cuối năm đạt 10 tỷ, năm tiếp theo đạt 100 tỷ, lợi nhuận ròng khoảng 30%.

Trả lời câu hỏi của Shark Liên về việc trích lợi nhuận để tái tạo trồng rừng, Huy Cường cho biết điều đó là bắt buộc.

“Muốn lấy được tre thì phải “nuôi” người trồng tre. Thứ hai phải bao tiêu cho người ta. Người nông dân rất cần tiền mặt. Tre đó nếu họ đang làm hiện tại giá trị gia tăng rất thấp. Thành phẩm của mình giá trị gia tăng khá cao. Khi có đất rồi, giá trị kinh tế cao thì họ sẽ làm. Có tiền rồi mới làm được điều tốt hơn”, Huy Cường lý giải.

Shark Hưng đánh giá sản phẩm của e-Timber có cơ sở, có tiềm năng. Hiện tại, nhiều thương hiệu 6 sao đã sử dụng vật liệu thiên nhiên cho công trình của mình. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra 3 vấn đề mà Startup đang gặp phải. Thứ nhất, để có sản phẩm thiên nhiên đẹp, có độ bền và giá thành chấp nhận được là rất khó. Thứ hai, sản phẩm của Startup áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ, Úc nhưng Việt Nam lại chưa có sẽ khiến các kiến trúc sư e ngại khi đưa vào bản thiết kế. Thứ ba là về cơ cấu đầu tư ban đầu, vốn chủ sở hữu, doanh thu hiện tại và doanh thu dự phóng trong tương lai. Ông cho rằng khả năng doanh thu tăng gấp 3 trong năm sau, tỷ suất lợi nhuận khoảng 30 – 40% của Startup không chắc chắn về khả năng hiện thực.

Vì vậy, tuy đánh giá cao Startup về sản phẩm và khát khao muốn đưa sản phẩm Việt Nam, công nghệ Việt Nam, con người Việt Nam đến với các dự án đẳng cấp quốc tế, có áp dụng công nghệ thế giới nhưng Shark Hưng từ chối đầu tư.

Shark Bình cho rằng Startup đang định giá doanh nghiệp cao. Chủ tịch HĐQT NextTech cũng phân tích, phương pháp định giá DCF thường dùng cho các công ty đã có dòng tiền đều và ổn định, các chỉ số tăng trưởng đều đặn, kế hoạch kinh doanh 5 năm phải chứng minh được. Vì vậy, ông quyết định không đầu tư.

Đồng tình với nhận định của Shark Bình về định giá công ty, Shark Erik là người tiếp theo từ chối ra deal.

Shark Liên cho biết, bà thường nhìn vào con người và định hướng tương lai của Startup. “Tôi nhìn thấy tiềm năng của các bạn. Tôi nhìn thấy tương lai của các bạn. Và đặc biệt, liên quan về vấn đề môi trường, sự thân thiện đối với cuộc sống con người. Một điều tôi muốn đi với các bạn nữa là tôi muốn tái sinh rừng. Chúng ta thu nhưng không bao giờ được phép tận thu”, Shark Liên chia sẻ.

Bà đề nghị đầu tư 2 triệu USD cho 30% cổ phần của Startup và cho biết sẽ thẩm định lại, tách phần đất đai, nhà xưởng của Startup ra.

Còn lại Shark Hùng Anh, ông đề nghị đầu tư cho Startup nhưng không bao gồm bất động sản với con số 10 tỷ đổi lấy 20% cổ phần và cho vay 36 tỷ theo nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Shark Bình cùng Shark Hưng tính toán và cho rằng đề nghị đầu tư của 2 Shark tương đương nhau nhưng một bên bao gồm tài sản hiện hữu và một bên không tính tài sản hiện hữu.

Sau khi hội ý riêng, Huy Cường cho biết nếu nói về ngành ngành gỗ Việt Nam mình, anh cũng là người trong cuộc và rất đam mê. Huy Cường là kỹ sư hóa chất, đã đưa công nghệ xử lý gỗ cao su vào Việt Nam 20 năm trước. Anh cũng thừa nhận vấn đề tài chính mà các Shark nói đến là điểm yếu Startup đang khắc phục.

Thích Shark Liên, Huy Cường đàm phán mức 15% cổ phần cho 2 triệu USD, chấp nhận định giá lại hết toàn bộ về tài sản bất động sản hay máy móc nhà xưởng hiện có nhưng không được “nữ Cá mập” chấp thuận.

Sau một hồi thương thảo, Shark Liên đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 20%, 1 triệu USD cho vay theo lộ trình sử dụng vốn với mức lãi không cao hơn lãi suất ngân hàng và Startup đồng ý.

Sau khi thương vụ thành công, Huy Cường cho biết: “Shark Liên là người rất yêu tre và đưa ra ý kiến cũng như động lực để phát triển môi trường bền vững. Cây tre là thế mạnh của người Việt Nam mình và Shark Liên cũng có hứng thú đầu tư, chúng tôi rất mừng”.

Startup thứ hai xuất hiện ở Shark Tank là Koro do Nguyễn Thị Minh Đăng và Nguyễn Đức Quý đồng sáng lập. Koro là công ty đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển những sản phẩm nước tốt cho sức khỏe, cung cấp máy tạo nước từ trường và phân phối với mô hình subscription (trà phí định kỳ) với giá chỉ 2.000 đồng/lít nước, giúp phổ cập nước tốt cho sức khỏe đến mỗi người dân.

Đại diện của Koro cho biết nước từ trường có cấu trúc phân tử lục giác với 6 phân tử là cụm phân tử nhỏ, vì vậy thẩm thấu vào tế bào rất tốt, giúp cung cấp dưỡng chất cho tế bào và gia tăng khả năng đào thải độc tố. Bên cạnh đó nước từ trường giàu năng lượng từ tính, và năng lượng từ tính được biết đến là cái năng lượng rất tốt cho sức khỏe.

Đại diện của Koro mời các Shark tiến hành thí nghiệm nhuộm màu cho hoa, với hai lọ ống nghiệm, một lọ đựng nước bình thường, một lọ là nước từ trường. Sau thời gian 5-10 phút, bông hoa cắm trong lọ nước từ trường đổi màu trước, do thẩm thấu nhanh hơn.

Anh Đức Quý tiếp tục chia sẻ rằng nước máy sau khi qua thiết bị lọc nước sẽ cho ra nước đạt chuẩn nước uống đóng chai để uống vào người. Nước này đã là nước sạch về mặt hóa học, tuy nhiên về mặt cấu trúc thì nó là cấu trúc phân tử lớn, tức là các phân tử nước không tồn tại độc lập mà liên kết với nhau thành một cụm phân tử nước, và có thể liên kết đến 280 phân tử nước, do vậy rất khó hấp thụ vào tế bào. Nên khi chúng ta uống nước lọc bình thường, ví dụ uống 5 ly thì chỉ có 1 ly được hấp thụ vào trong tế bào. Cảm hết khát nhưng tế bào vẫn khát. Và việc khát nước của tế bào dẫn đến tế bào bị suy yếu.

Chị Minh Đăng tiếp lời rằng có rất nhiều báo cáo chứng minh nước từ trường giúp điều trị bệnh tật, đặc biệt ngay cả những bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường. “Tôi cũng không tin điều đó cho đến khi bệnh tình của bố tôi là cao huyết áp cũng điều chỉnh rất nhiều.” Startup đến kêu gọi số vốn là 1 triệu đô cho 10% cổ phần.

Koro cho biết thêm rằng doanh nghiệp có hai mô hình bán: mô hình bán nguyên máy dành cho những nười có khả năng mua luôn cả thiết bị với giá 16.770.000 đồng; và mô hình lắp đặt thiết bị tại mỗi gia đình kèm đồng hồ nước, người dùng sẽ trả tiền trên số nước chạy qua máy Koro với giá chỉ 2.000 đồng/lít nước, dành cho người có thu nhập thấp.

Shark Bình nhận xét chi phí khá đắt sẽ ảnh hưởng đến sức độ lan tỏa và khả năng tăng trưởng.

Shark Erik đặt vấn đề về việc nước từ trường có 2 luồng ý kiến, một số người nói nó có lợi, số còn lại bảo không. Anh Đức Quý đồng ý với nhận định đó, và chia sẻ thêm rằng tác động tích cực hay tiêu cực là do ảnh hưởng bởi cường độ từ trường và độ dốc của từ trường. Nếu sự phối hợp phù hợp thì sẽ đem lại nguồn nước từ trường tốt cho sức khỏe. Startup chia sẻ thêm rằng sản phẩm được chuyển giao công nghệ từ một nhà máy ở Ý.

Shark Liên nhanh chóng đưa ra quyết định từ. “Tôi định nghĩa nước là sự sống. Ý tưởng của anh chị làm về lĩnh vực nước, nghĩ tới sức khỏe cho người dân, cũng đồng quan điểm với tôi. Nhưng anh chị đang định một mức giá rất là xa xỉ với cái kinh doanh mà tôi nhìn qua và các Shark đang hỏi, rất là khó. Có thể tôi sẽ phối hợp với các anh chị ở trong một lĩnh vực khác, vì thế mà tôi không đầu tư.”

Shark Bình nhận xét rằng ông cũng có làm một mini-research trên Google về nước từ trường, trong đó có lời bàn của một nhà khoa học mà ông thấy ấn tượng: Nước từ trường này nó thật sự tác dụng đến đâu hay chỉ là tác dụng tinh thần thôi? “Ranh giới giữa khoa học và sự phóng đại là rất mong manh, trong trường hợp này chưa có báo cáo nghiên cứu lâu dài nào về tác dụng thật sự, bởi vấn đề này quá mới. Phải có nghiên cứu nào 10 năm, 20 năm cho hai người, một người chỉ sống bằng nước từ trường và một người chỉ sống bằng nước thường, thì mới có thể ra được kết quả. Trong giới Startup công nghệ khoa học từng có sự việc của nữ tỷ phú Startup xinh đẹp Theranos đã được định giá lên đến 40 tỷ đô nhờ đưa ra công nghệ xét nghiệm máu sử dụng rất ít máu, và đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư. Startup này đã bị phá sản sau một đêm. Từ sau bài học đó, các nhà đầu tư lo ngại và thận trọng hơn trong việc đầu tư vào các Startup khoa học mới mà chưa được chứng minh, vẫn còn nhiều sự tranh cãi. Chính vì vậy tôi cũng quyết định không đầu tư.”

Khi được hỏi về bức tranh tài chính, doanh thu và lợi nhuận, Minh Đăng cho biết doanh thu năm 2021 của Koro là 1,9 tỷ và hiện đang lỗ 1,5 tỷ. Tài sản của Koro là 4,56 tỷ, dự kiến năm 2023 doanh thu sẽ là 6 tỷ và duy trì tốc độ tăng trưởng 100%/năm sau 3 năm kế tiếp. Đến năm thứ 3 thì sẽ đạt được mức lãi dương. Đó cũng là cơ sở vững chắc để Koro chuẩn bị Series A vào năm thứ 4 và duy trì tốc độ tăng trưởng 200% sau 5 năm tiếp theo. Và Koro sẽ IPO (Intinial Public Offering: Lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng) với giá trị vốn hóa là 507 triệu đô. Và lúc đó nhân 2 lần doanh thu và chỉ chiếm khoảng 7,5% thị phần.

Shark Hùng Anh cho rằng doanh thu chỉ mới 1,9 tỷ, lỗ 1,5 tỷ, thì cách Startup dự báo đến 2 ngàn tỷ là con số ảo tưởng, chứng tỏ năng lực quản lý không có. “Bạn cứ nhân đôi nhân đôi kinh doanh của mình mà không có dẫn chứng cụ thể. Làm kinh doanh không phải là muốn nhân đôi bao nhiêu thì nhân đôi, không phải mình muốn mình nghĩ bao nhiêu thì nó ra con số đó.”

Startup trả lời rằng doanh thu năm 2021 là 1,9 tỷ trong mùa dịch Covid, và 6 tháng dịch là Koro không thể giao thiết bị, giao hàng. Và giai đoạn của Koro đang làm hiện giờ là giai đoạn Seed (giai đoạn hạt giống), và giai đoạn này chỉ tập trung nghiên cứu về sản phẩm chứ không tập trung bán hàng. “Việc Shark nói về dự đoán 5 năm sau IPO là không có cơ sở tôi cũng đồng ý, đây chỉ là một dự báo về tiềm năng thị trường của ngành này. Ở đây tôi nói là 5 năm nữa tôi mới chiếm có 7,5% thị trường nước uống thôi là tôi đã đạt được doanh thu 253 triệu USD.” Anh Đức Quý giải thích thêm. “Các Shark uống nước ít nhất 2-3 lít/ngày và các Shark không uống nước từ trường bởi các Shark không biết rằng nếu uống nước từ trường sẽ giúp cho các Shark khỏe mạnh, giảm bệnh tật. Đấy vì các Shark không biết hoặc không tin. Và tôi tin rằng người dân Việt Nam ai cũng sẽ mua.”

Shark Bình nghi ngờ rằng, “Có khi sức khỏe ấy lại đến từ niềm tin chứ chưa chắc đến từ nước này”. Startup dẫn chứng rằng các nhà khoa học nghiên cứu cả trên các con thú như là chuột, chó, bò… Những con vật đó sẽ không có ảnh hưởng tinh thần, không bị tự kỷ ám thị. Vì vậy đó sẽ là kết quả khách quan nói lên rằng đó thực sự là hiệu quả của nước từ trường chứ không phải từ sự ảnh hưởng tinh thần.

Shark Hùng Anh nhận xét rằng nếu ý tưởng của Koro bán được đi chăng nữa, những hãng hiện nay dễ dàng “đập chết” Startup ngay lập tức trong vòng một nốt nhạc. Khả năng thu hồi vốn thấp và số vốn gọi rất cao, vì vậy ông không đầu tư.

Shark Hưng ghi nhận rằng theo cảm nhận, giác quan về khoa học thì ông đánh giá là nước này có tác dụng đối với cơ thể con người. Điều ông băn khoăn chính là bức tranh về kinh tế, kinh doanh lại khác với cái giấc mơ khoa học của Startup. “Bạn vẽ ra bức tranh kinh khủng khi mà IPO trong vòng vài năm nữa với mức là 500 triệu đô la, hơn 10 ngàn tỷ đồng, trong khi doanh số bây giờ đang có 1,9 tỷ. Quá sớm để chúng tôi có thể quyết định khoản đầu tư lên đến 1 triệu đô la cho kết quả kinh doanh tại thời điểm này như vậy. Và tôi quyết định không đầu tư.”

Shark Erik cũng quyết định không đầu tư vào thương vụ này, với lý do ông không nghĩ mọi người sẽ tin vào tác dụng thực sự của sản phẩm này, hoặc không đủ tin. Và về yếu tố khoa học, sản phẩm của Startup tốt hơn đồ uống làm lạnh vô trùng bao nhiêu thì ông cũng không hiểu rõ. Đây không thuộc lĩnh vực chuyên môn của ông, vì vậy ông không đầu tư.

Với niềm đam mê đọc sách nhưng không có quá nhiều thời gian dành cho việc này, Nhà sáng lập Tống Văn Huy đã sáng lập ra ứng dụng Reavol giúp người đọc có thể giảm 80% thời gian đọc nhưng vẫn hiểu được nội dung của sách thông qua các tóm tắt. Mục tiêu của anh và người bạn đồng hành Mỹ Nga muốn lan tỏa văn hóa đọc sách đang ngày càng mai một trong cộng đồng, tạo ra một sân chơi cho người sáng tạo nội dung. Đến với Shark Tank, Startup kêu gọi 23 tỷ cho 20% cổ phần và muốn các Shark cùng tham gia điều hành.

Ngay lập tức, Shark Hưng đặt câu hỏi với 20% cổ phần thì ông sẽ đảm nhận vị trí gì và nhận lương bao nhiêu? Văn Huy chia sẻ rằng anh muốn phát triển văn hóa tại các doanh nghiệp, nếu Shark Hưng tham gia điều hành sẽ nhờ ông hỗ trợ khối doanh nghiệp.

Shark Bình chăm chú lắng nghe phần trình bày của Startup nhưng ông chưa thật sự hiểu mô hình bởi nhà sáng lập và Tổng giám đốc mới chỉ nói về việc tạo dựng sàn thương mại điện tử cho sách. Văn Huy giải thích, đây là mô hình B2C và B2B. Sàn thương mại là các nội dung tóm tắt và sân chơi cho tác giả. Những tác giả sẽ đăng tác phẩm lên và đội ngũ biên tập của công ty kiểm duyệt chất lượng trước khi đưa đến người dùng.

Nghe tới đây, Shark Hùng Anh lập tức đặt câu hỏi về bản quyền. Bên cạnh đó, ông cũng tìm hiểu rằng Reavol có sản phẩm sách nói. Shark Hưng cũng yêu cầu phân biệt giữa “tóm tắt sách” và “review sách”. Ông cũng đề cao và chú trọng về vấn đề bản quyền bởi việc dịch thuật hay review sách vì mục đích thương mại chính là “tác phẩm tái sinh”, cần được sự cho phép của tác giả.

Văn Huy giải thích rằng các sản phẩm ở ứng dụng chính là cảm nhận sâu sắc, nội dung mới hoàn toàn so với việc đọc cuốn sách tóm tắt theo từng chương. Một tác phẩm hoàn toàn có thể có 10 tác giả cảm nhận và hiện tại công ty đang hợp tác với VDCI – đơn vị trung tâm bản quyền thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin chịu trách nhiệm toàn bộ về bản quyền nội dung. Thông tin này đưa ra cũng khiến các Shark yên tâm về sự rõ ràng, thực hiện đúng quy định của Reavol.

Câu hỏi tiếp theo của Shark Bình về doanh thu của công ty. Theo Mỹ Nga, ứng dụng mới ra mắt được một năm, hoàn toàn chưa quảng cáo nhưng đã có 600 nghìn người sử dụng, trong đó 1% người trả phí và doanh thu là 500 triệu, đã trừ 15% trả cho Google. Mức giá của ứng dụng này là 1.999.000 đồng gói trọn đời cho 999.000 đồng đối với gói 1 năm.

Là một người yêu sách và cài 5-6 ứng dụng về sách có trả phí trên điện thoại, Shark Hưng nhận định mức giá này thấp so với các đối thủ. Tuy vậy, Shark Hùng Anh lại cho rằng việc giảm 80% thời gian đọc, chuyển đọc thành nghe phải chăng không còn là “văn hóa đọc” nữa. Văn Hùng cho rằng đó là một cách để đọc hiểu, ví dụ như khi lái xe có thể nghe. Nếu có 15 phút ngủ trưa, thay vì cầm điện thoại lướt TikTok hay mạng xã hội thì có thể nghe tóm tắt sách. Đó là điều mà anh muốn lan tỏa đến cộng đồng, bởi vì để đọc hết một cuốn sách đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Mỹ Nga nói thêm từ tháng 9, công ty có thêm sản phẩm sách Ebook thêm lựa chọn cho người sử dụng.

Shark Erik cũng tỏ ra khá quan tâm tới Startup. Ông đặt câu hỏi về công nghệ, làm sao có thể chọn được những đoạn văn hay khi tóm tắt một cuốn sách. Văn Huy trả lời rằng anh việc tóm tắt là của các tác giả, ứng dụng chỉ dùng công nghệ AI cho việc đọc. Bên cạnh đó, vai trò của ban biên tập và các đánh giá chất lượng của sản phẩm cũng rất quan trọng để người sử dụng có thể chọn ra tóm tắt sách hay nhất.

Shark Liên rất hoan nghênh tinh thần và mục đích của Startup nhưng bà băn khoăn, bây giờ Startup mới làm thương mại điện tử liệu có quá muộn? Với lo lắng này, Văn Huy cho rằng không bao giờ là quá muộn cho việc thực hiện đam mê, ước muốn kể cả khi rất nhiều startup về thương mại điện tử thất bại.

Sau khi xem xét ứng dụng, Shark Hùng Anh có lời khen về sự hoàn thiện và chỉn chu chứng tỏ việc đầu tư nghiêm túc của đội ngũ thực hiện. Tuy vậy ông nhận định rất khó để sinh lời trong giai đoạn này và vẫn chưa nhìn thấy bức tranh tài chính sáng sủa nên Shark Hùng Anh đã quyết định không đầu tư.

Nói về dự định, Mỹ Nga chia sẻ rằng công ty đã đặt kế hoạch trong vòng 12 tháng tính từ tháng 9 năm nay, tới 9/2023 họ sẽ có 2 triệu người sử dụng, 9/2024 là 5 triệu. Với 1,5 triệu người sử dụng, công ty đã hoàn vốn và tỷ suất lợi nhuận giai đoạn sau là 40%. Sau đó, công ty sẽ đại chúng và niêm yết tại thị trường chứng khoán. Hiện nay, “hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi ngày ứng dụng có thêm 1.500 người đăng ký mà không tốn một khoản marketing nào. Cô nói thêm, tới tháng 6/2023 sẽ có được 7.000 người trả tiền cho ứng dụng, doanh số lúc đó khoảng hơn 3 tỷ vì có cả B2B.

Trước khi ra deal, Shark Hưng đặt câu hỏi bỏ 23 tỷ cho 20% thì bao lâu sẽ thu hồi vốn? Mỹ Nga đưa ra mốc thời gian 3-4 năm kể từ khi đầu tư bởi 2025 công ty bắt đầu đại chúng, 2026 niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 50. Bên cạnh đó, doanh thu marketing là rất lớn vì hiện tại công ty chưa hề đề cập đến lượng data đó, hoàn toàn bỏ trống chưa tận dụng. Về việc bán Ebook, công ty đang chia 50% với Nhà xuất bản và họ sẽ tự lo với tác giả. Như vậy, tổng doanh thu theo Mỹ Nga đưa ra là 2026: 157 tỷ, 2027: 191 tỷ, lợi nhuận cuối năm 2027 là 81 tỷ và năm nay chắc chắn lỗ. Mỹ Nga cho biết thêm thông tin, hiện tại cộng ebitda của 6 năm được 183 tỷ, tại thời diểm 2026, giá trị của doanh nghiệp tối thiểu khoảng 400 tỷ.

Nghe xong những con số này, Shark Erik thẳng thắn cho rằng định giá của Startup ‘hơi ngáo’, ngoài tầm với nên ông từ chối đầu tư. Shark Liên cũng thấy sợ khi Startup vẽ ra một bức tranh quá đẹp và bà không muốn mạo hiểm trong thương vụ này. Mặc dù cũng rút khỏi cuộc thương lượng nhưng Shark Bình đưa ra lời khuyên về việc đặt tên ứng dụng bởi bản thân ông là dân chuyên ngành cũng hiểu nhầm đây là sàn giao dịch hàng hóa.

Cuối cùng, chỉ còn lại Shark Hưng với tâm hồn yêu sách. Ông rất quan tâm tới lĩnh vực này và nhận định bức tranh rất đẹp, bỏ đi rất tiếc nên đưa ra lời đề nghị: 23 tỷ cho 45% cổ phần.

Văn Huy thương lượng rằng nếu 3 năm sau không đạt được cam kết sẽ trả lại Shark Hưng 23 tỷ kèm lãi như ngân hàng nhưng ông không đồng ý. Với Shark Hưng, 23 tỷ ông hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ làm việc 3 năm sau vượt xa Reavol, hoặc đầu tư 23 tỷ và nhận về lãi ít nhất là gấp đôi trong thời gian đó. Bởi vậy ông vẫn giữ nguyên lời đề nghị của mình. Với con số 45%, Mỹ Nga chia sẻ rằng cô không thể đạt được mục tiêu đại chúng vì sẽ phải gọi vốn thêm vì vậy Startup đã từ chối lời đề nghị của Shark Hưng và ra về.

Mặc dù không chốt được deal nhưng các Shark rất ủng hộ tinh thần và mục tiêu của Startup trong lĩnh vực sách, đề cao văn hóa đọc. Các Shark dành lời chúc may mắn và thành công cho Reavol.

Xuất hiện cuối cùng trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 12 là Giang Thiên Phú – Nhà sáng lập và điều hành của Callio. Đi cùng anh là Võ Ngọc Hân – Nhà đồng sáng lập và CGO (Chief Growth Officer – Giám đốc tăng trưởng) của công ty.

Ngọc Hân cho biết, đa số doanh nghiệp không nắm rõ mỗi ngày một nhân viên telesale gọi bao nhiêu cuộc và dành bao nhiêu thời gian đàm thoại với khách hàng. Theo thống kê, mỗi ngày một nhân viên chỉ dành ra khoảng 60 phút để tương tác giao tiếp với khách hàng tạo ra doanh thu.

Callio là Startup tổng đài thông minh kết hợp CRM, giúp gián tiếp tăng năng suất lao động lên gấp đôi và doanh thu cũng có thể lên gấp đôi. Trước khi áp dụng Callio, trung bình một nhân viên gọi không quá 100 cuộc gọi một ngày. Sau khi áp dụng Callio, con số đó đã vượt trên 200 cuộc gọi một ngày.

Callio đã áp dụng thực tế ở một vài doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, tài chính và bán lẻ. Ra mắt từ tháng 7/2020, Callio chỉ mất 6 tháng để có 100 khách hàng đầu tiên. Hiện tại Callio đã và đang phục vụ 650 khách hàng doanh nghiệp với số lượng gần 7.000 người dùng thường xuyên.

Năm 2021, Callio đạt doanh thu 8,5 tỷ đồng. Tháng 5/2022, doanh thu vượt mốc 1,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 triệu. Đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn vào trung tuần tháng 6/2022, doanh thu của Callio đã vượt trên 1,6 tỷ đồng.

Ngọc Hân tự tin cho biết, Callio có thể đạt doanh thu 23 tỷ đồng vào năm 2022, lợi nhuận trung bình khoảng 25 – 35%, tương đương 6 – 7 tỷ đồng.

Nói về tiềm năng thị trường, Thiên Phú cho biết, lĩnh vực bất động sản và bảo hiểm có ít nhất 1 triệu lao động tự do. Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động. Anh tự tin với tốc độ phát triển như vậy, nếu như được sự hỗ trợ của các Shark thì trong vòng 5 năm tới, Callio hoàn toàn có thể có 50.000 doanh nghiệp sử dụng và 500.000 tài khoản sử dụng trên hệ thống, doanh thu sẽ đạt khoảng 100 tỷ/tháng, lãi khoảng 35 – 40 tỷ/tháng.

Với tiềm năng như vậy, anh kêu gọi các Shark đầu tư 600.000 USD cho 10,7% cổ phần, tương đương định giá công ty trước khi đầu tư là 5 triệu USD.

Giới thiệu với các Shark về dịch vụ của mình, Thiên Phú cho biết, số điện thoại khách hàng phải do người dùng tự đưa lên hệ thống. Callio đã ký NDA (Non-disclosure agreement – thỏa thuận bảo mật thông tin) với khách rằng công ty sẽ không lấy số điện thoại của khách. Nhân viên của Callio cũng không thể làm được việc đó vì toàn bộ dữ liệu của khách hàng đã được mã hóa.

“Đây là một ưu điểm của phần mềm vì nhân viên của khách hàng thì cũng không nhìn thấy số điện thoại, chỉ biết là hôm nay tôi gọi cho anh A anh B có số đuôi là 8 là 9 thôi”, Thiên Phú nói.

Nhà sáng lập của Callio tiếp tục cho biết, phần mềm của mình là công cụ chống spam bởi không cho phép người dùng gọi tới số điện thoại đã đăng ký không nhận quảng cáo.

Các phần mềm trên thị trường hiện nay có quá nhiều tính năng, công cụ quản lý phức tạp để dành cho người dùng cuối là “ông sếp”. Trong khi đó, Callio hướng đến người dùng là nhân viên nên ưu điểm là UI/UX (giao diện/trải nghiệm người dùng) được tối ưu rất tốt cho người dùng hàng ngày.

Sản phẩm của anh ít tính năng nhưng tính năng nào cũng làm rất tinh và dễ dùng. Thiên Phú cũng tiết lộ, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP. HCM, Callio đã cung cấp nền tảng cho 10.000 y bác sĩ khắp cả nước gọi điện hỗ trợ sức khỏe và thăm khám sức khỏe hàng ngày của 500.000 bệnh nhân tại Việt Nam. Các bác sĩ không phải những người thành thạo sử dụng các phần mềm như CRM. Thế nhưng Callio rất dễ sử dụng cho nên các bác sĩ dùng được hết.

Các phần mềm tổng đài trên thị trường hiện tại đa phần sử dụng open source (nguồn mở) hoặc mua giải pháp nước ngoài về và không làm chủ được công nghệ.

Thiên Phú nêu quan điểm: “Câu chuyện của VoIP (công nghệ chuyển đổi giọng nói thành tín hiệu kỹ thuật số để truyền qua các gói dữ liệu kỹ thuật số) là một câu chuyện về tối ưu. Phải tối ưu rất kỹ, tối ưu hàng ngày. Các phần mềm tổng đài nói chung nếu như gọi điện trên mạng wifi mà cách một bức tường hoặc gọi điện trên mạng 3G, 4G là sẽ bị rơi vào tình trạng rè, giật”.

Không đồng tình với nhận định này, Shark Hùng Anh cho rằng đó là ý kiến chủ quan của Startup. Có nhiều API (phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau) có thể kết nối vào hệ thống lõi của doanh nghiệp, hệ thống quản lý doanh nghiệp. Còn sản phẩm của Startup rất đơn giản.

Đáp lời, Ngọc Hân cho biết Startup của mình không tạo ra một sản phẩm tổng quan mạnh mẽ mà chỉ tập trung tối ưu để mạnh nhất so với những hãng khác.

Callio có API open (công nghệ cho phép bên thứ 3 truy cập vào dữ liệu mở) để tích hợp vào tất cả các hệ thống khác như Haravan, Boxme…

Shark Bình đặt vấn đề rằng nhiều hãng viễn thông cũng đang lập ra các công ty con, các trung tâm để đưa sản phẩm dịch vụ như thế này ra toàn quốc qua mạng lưới bán hàng rộng khắp. Vậy điều gì là rào cản gia nhập của Callio.

Ngọc Hân chia sẻ, điểm khác biệt của Callio là tập trung vào người dùng là chủ yếu, khác với doanh nghiệp khác là tập trung vào các tập đoàn lớn. Callio hiện đang tập trung theo từng ngành hàng để thấu hiểu rõ lĩnh vực đó họ sử dụng telesale như thế nào.

Hiện tại doanh thu của Callio 52% đến từ môi giới bất động sản, 19% đến từ các đại lý bảo hiểm. Về số lượng người dùng, lĩnh vực bảo hiểm có tỷ lệ retension (giữ khách hàng lại) cao hơn bất động sản, khoảng trên 65% – 80%.

Nói về ưu điểm của dịch vụ dành cho nhân viên bảo hiểm, Ngọc Hân cho biết thông thường một nhân viên phải sử dụng tối thiểu 2 điện thoại vì cần dùng 3 sim. Khi gọi cho khách hàng ở nhà mạng nào, nhân viên phải sử dụng sim của nhà mạng đó với cước phí cuộc gọi là 550Đ/phút. Tuy nhiên hiện nay khách hàng lại có thể chuyển mạng nhưng vẫn giữ số nên nhân viên sẽ không thể tìm ra được khách đang dùng sim của nhà mạng nào. Nếu gọi ngoại mạng, cước phí sẽ là 1.100Đ/phút. Hệ thống của Callio có thể tự động tìm được nhà mạng của khách để chọn đúng số phù hợp, tiết kiệm cước điện thoại.

Nhân viên telesale dùng ứng dụng của Callio để gọi đến số điện thoại của khách và sẽ phải trả tiền qua ứng dụng. Nhà mạng sẽ căn cứ vào đó để trả hoa hồng cho Callio.

Callio hiện tại có bán dịch vụ theo các gói. Nếu người dùng đã có hệ thống, chỉ cần nghe, gọi thì mức phí là 50.000Đ/người/tháng. Nếu muốn gọi liên tục cho một danh sách nhiều khách hàng mà không mất công bấm số, đợi 10 giây đổ chuông thì hệ thống sẽ quay số tự động, nhân viên telesale chỉ cần nói chuyện với khách. Gói dịch vụ này có giá 200.000Đ/người/tháng. Nếu tích hợp với mạng xã hội như Zalo OA, Facebook Fanpage để chat với khách hàng từ một nền tảng giao diện của Callio thì phí là 300.000Đ/tháng.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình về nguồn thu tiềm năng khác trong tương lai, Thiên Phú cho biết, khi nhiều nhân viên kinh doanh và lao động tự do bán hàng trên thị trường sử dụng Callio, trong tương lai Startup có thể khai thác mạng lưới bán hàng đấy bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác.

Shark Liên là người đầu tiên quyết định. Bà từ chối ra deal vì đã đầu tư vào một tổng đài gần giống Callio.

Shark Hưng đánh giá ứng dụng của Callio hay ho nhất là việc chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên dưới góc độ đầu tư thì độ bền vững, khả năng sống sót lâu dài của Startup là có quá nhiều thứ có thể thay thế và môi trường kinh doanh cũng có thể thay đổi.

Ông cho rằng kể cả Startup có đạt mục tiêu 2022 thì mới chỉ có 6 tỷ lợi nhuận. Vì thế định giá doanh nghiệp 5 triệu USD là con số quá xa so với hiệu quả hiện nay của Startup. Dựa vào hiệu quả hiện tại của Callio, Shark Hưng đề nghị đầu tư 600.000 USD cho 30% với giá trị doanh nghiệp là khoảng 1,3 triệu USD.

Thiên Phú cho biết, phần mềm SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) lãi rất cao. Phần subscription (thuê bao) trả hàng háng của Callio lãi đến 95%.

“Lãi rất cao. Vì vậy tôi mới nói là thời gian thu hồi vốn phải nhanh”, Shark Hưng nói.

Về phía Shark Hùng Anh, ông công nhận giao diện của Callio thân thiện so với những hệ thống CRM khác. Tuy nhiên Startup đang định giá doanh nghiệp cao nên ông từ chối đầu tư.

Tiếp đó, Shark Erik cũng từ chối đầu tư.

Shark Bình tiết lộ, ông có góp vốn vào một quỹ đầu tư và quỹ đó đã đầu tư cho Callio. Để đảm bảo tính khách quan, ông quyết định không đầu tư.

Đàm phán với Shark Hưng, Ngọc Hân chia sẻ, giá trị đầu tư và định giá công ty của anh dựa trên định giá một công ty SaaS và dùng doanh thu cuối cùng để dự báo doanh thu năm. Thông thường công thức là từ 5 – 7 lần một công ty bình thường.

Ngoài ra, Callio đã gọi gốn 2 vòng. Vòng đầu tiên là đầu tư thiên thần của 3 cá nhân. Vòng pre-seed là của một quỹ đầu tư. Do đó Startup phải đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đó.

Startup cũng cho biết, vòng gọi vốn gần đây nhất, định giá doanh nghiệp của Callio là khoảng 3,5 triệu USD vào cuối năm 2021.

Nghe đến đây, Shark Hưng đưa ra con số cuối cùng là 600.000 USD cho 23,07% nhưng Startup từ chối.

Tập 12 khép lại với thương vụ không thành công.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan