logo
Thứ tư, 08/05/2024 09:55:07

Thương hiệu nổi tiếng 15 năm đến gọi vốn, Shark Hùng Anh quyết liệt rút vé Vàng giành ưu tiên đàm phán


(Dispatch.vn) - Xuất hiện trong vai trò Startup và mang đến bất ngờ cho các Shark là một cái tên quen thuộc: Hệ thống Anh Ngữ Á Châu, với hai đại diện là Nguyễn Đình Hải, nhà sáng lập, và Trương Kiều Oanh – Giám đốc, đồng sáng lập.

Xuất hiện trong vai trò Startup và mang đến bất ngờ cho các Shark là một cái tên quen thuộc: Hệ thống Anh Ngữ Á Châu, với hai đại diện là Nguyễn Đình Hải, nhà sáng lập, và Trương Kiều Oanh – Giám đốc, đồng sáng lập. Được thành lập năm 2005 với phương châm “Giáo dục từ tâm”, Á Châu đã phát triển hơn 20 chi nhánh với số lượng học viên đang theo học là 12.000 học viên. Sứ mệnh của Á Châu là giúp đỡ cho trẻ em vùng ven, trẻ em có điều kiện kinh tế chưa tốt vẫn có cơ hội học tập trong môi trường chuyên nghiệp. Á Châu cũng là trung tâm duy nhất được hội đồng khảo thí Cambridge Anh Quốc cho phép tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ của Đại Học Cambridge ngay tại cơ sở của hệ thống. Startup đến đây để kêu gọi 100.000 USD đổi lấy 1% cổ phần hệ thống Anh Ngữ Á Châu.

Kiều Oanh cho biết thị trường Anh Ngữ đối với các Shark không có gì mới, thậm chí còn là cả một đại dương đỏ vì có quá nhiều trung tâm, nhưng Á Châu có thể chứng minh doanh nghiệp tìm được một đại dương xanh cho riêng mình. Hiện tại khoảng 30% học viên xuất thân từ gia đình có kinh tế có thể theo học lâu dài các khóa học phí cao với các Trung tâm lớn, nhưng có khoảng 70% các em học viên có điều kiện kinh tế chưa tốt không thể theo học lâu dài với mức học phí cao như vậy.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Á Châu đã nhắm vào phân khúc thị trường vùng ven giúp cho các em học viên có điều kiện thấp vẫn tiếp cận được ngôn ngữ chuẩn. Á Châu đã tồn tại trên chặng đường hơn 15 năm, đặc biệt là sau đại dịch, Á Châu vẫn duy trì và phát triển được 20 chi nhánh của mình. Á Châu muốn đem đến Shark Tank một mô hình kinh doanh với một thương hiệu đã được định hình và đã tạo được lợi nhuận. Con số thật, con người thật và giá trị thật

2019 doanh số của Á Châu đạt 116 tỷ, lợi nhuận là 35 tỷ. Năm 2020 quý đầu tiên dính dịch thì Á Châu hoạt động được 9 tháng, doanh thu đạt được là 88 tỷ, lợi nhuận là được 13 tỷ. Năm 2021 là nguyên năm dính vào đại dịch, Á Châu chuyển đổi từ mô hình trực tiếp sang mô hình trực tuyến thì doanh thu đạt được là 41 tỷ, do phải duy trì nhân sự và các chi phí khác thì Á Châu âm 23 tỷ.

3 tháng gần nhất của Á Châu: 35 tỷ 625 triệu chi cho nhân sự hết 16 tỷ 031 triệu, mặt bằng hết 5 tỷ 343 triệu, các khoản chi để vận hành hết 3 tỷ 625 triệu 500 nghìn, còn lại lợi nhuận của Á Châu là được 10 tỷ 688 triệu cho 3 tháng gần nhất. Năm nay nếu vẫn ổn định như vậy sẽ đạt mốc doanh số khoảng tầm 130 tỷ, với lợi nhuận khoảng 35 tỷ.

Startup cho biết thêm, vốn điều lệ hiện tại anh đăng ký là 199 tỷ nhưng chưa nộp đủ, và hiện tại tổng tài sản đang là 150 tỷ.

Shark Hùng Anh đặt câu hỏi rằng hiện tại đang lãi như vậy đi gọi vốn làm gì, Startup chia sẻ muốn kêu gọi vốn để mở rộng thêm 6 chi nhánh, giúp các trẻ em vùng ven cũng như là các tỉnh. Và mục đích chính nhất Startup cần đồng hành cùng các Shark là để giúp Á Châu chuyển đổi số.

Shark Erik muốn nghe thêm về phương pháp giảng dạy của Á Châu. “Tôi nói được 6 thứ tiếng và 1 trong những ngôn ngữ khó học nhất là tiếng Việt. Thật sự rất khó! Tôi rất muốn biết bạn có phương pháp giảng dạy thế nào?”

Kiều Oanh giải thích rằng Á Châu áp dụng phương pháp TPR (Phương pháp phản xạ toàn thân) để giảng dạy học viên. Họ có thể học Tiếng Anh bằng mắt, tai, nghe và nói, phương pháp toàn diện đó rất hữu ích để học viên phát triển kỹ năng Tiếng Anh ngày một tốt hơn.

Shark Hưng là người đầu tiên ra deal. Ông đồng ý đầu tư 10% cổ phần nhưng giá bao nhiêu thì sẽ bằng 1,38 lần giá trị sổ sách tại thời điểm sau khi kiểm toán. Có thể là 1 triệu, có thể là 900, có thể là 1 triệu 1, có thể là 1 triệu 2 tùy theo kết quả kiểm toán sẽ quyết định, nhưng tối thiểu là 1%, tối đa là 10%. Đơn giản là ông đầu tư cho Á Châu 1 triệu đô cho 10% cổ phần với điều kiện là giá trị doanh nghiệp sau khi kiểm toán phải là 150 tỷ. Ông cũng khẳng định rằng, Đây là deal hiếm hoi mà tôi không mặc cả đấy nhé!”

Shark Liên là người ra quyết định tiếp theo. “Nhiều nơi ở trên Tp.HCM, tôi đều thấy thương hiệu Á Châu, và định hướng của các bạn thì tôi cũng rất thích, vì tôi vẫn được mệnh danh là Bà Ngoại của cộng đồng. Cái tên Á Châu đến được đây là tôi cũng rất thích, tôi cũng dự định có thể sẽ đầu tư vào các bạn, nhưng tôi cảm thấy chưa yên tâm, vì thế nên tôi không đồng hành cùng các bạn.”

Sau khi đắn đo và cân nhắc, Shark Erik biết rằng Shark Hưng muốn đầu tư 1 triệu đô, nên ông quyết định không đầu tư, để cho Startup làm việc với các Shark khác.

Shark Hùng Anh cũng đưa ra quyết định của mình. Ông đề nghị đầu tư 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, hoặc 1 triệu rưỡi đô để sở hữu 20%.

Shark Bình chia sẻ ông có đầu tư vào giáo dục, khoảng 30 cơ sở trên toàn quốc, những cơ sở lớn dạy về công nghệ steam lập trình cho trẻ em. Ông đưa ra mức offer 1 triệu đô cho 11% cổ phần với nhiều sự hỗ trợ vì ông đã và đang làm nghề giáo dục nên có kinh nghiệm.

Sau khi Startup hội ý, chị Oanh cho biết mình vẫn rất khó để lựa chọn deal. Lúc này Shark Hùng Anh quyết định bước ra mở két vàng lấy Golden Ticket để giành quyền thương lượng với Startup.

Nhìn thấy sự quyết liệt của shark Hùng Anh, nên khi ông còn chưa kịp viết vào Golden Ticket, Kiều Oanh đã đưa ra quyết định hợp tác với ông. Kiều Oanh cho biết “Bởi vì Shark Hùng Anh chuyên về công nghệ và Á Châu đang cần chuyển đổi số nên Shark Hùng Anh sẽ giúp chúng tôi.”

Á Châu chốt deal với Shark Hùng Anh 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, đồng thời được tặng thêm 100 triệu từ Golden Ticket của Shark.

Là một Startup ngành F&B, Huỳnh Vũ Tiến có một màn chào hỏi hài hước bằng tiểu phẩm tại quán café Nectar – cũng chính là thương hiệu mà anh gọi vốn. Sinh năm 1995, Vũ Tiến đã có quyết định ngừng việc học Đại học và khởi nghiệp mở quán café nhượng quyền thương hiệu vào năm 2015. Số vốn đầu tư ban đầu của anh là 1 tỷ 2, doanh thu trung bình hàng ngày từ 22-24 triệu và thời gian hoàn vốn 12-14 tháng. Anh chia sẻ rằng thời điểm đó quán café của anh đã “gây sốt” trong cộng đồng giới trẻ và thậm chí trào lưu đó vẫn còn tới hiện tại – chính là trend “coffee take away”. Với kinh nghiệm 10 năm trong ngành pha chế, Vũ Tiến đến Shark Tank kêu gọi 5 tỷ cho 25% cổ phần Nectar Coffee. Bên cạnh đó, Vũ Tiến còn đưa ra thông tin thu nhập gần đây nhất của mình là 1 tỷ mỗi tháng nhờ dạy pha chế.

Khi nghe tới con số này, các Shark cùng tỏ ra ngạc nhiên và đặt ngược lại câu hỏi cho Vũ Tiến: “Nếu thu nhập 1 tỷ/tháng thì kêu gọi 5 tỷ để làm gì”? Vũ Tiến thẳng thắn chia sẻ rằng anh không thích dạy pha chế nữa và cảm thấy mệt mỏi vì cả tháng phải chạy quảng cáo cho bản thân. Anh muốn chuyên tâm vào việc mở quán café và đó chính là lý do gọi vốn. Tuy nhiên, Vũ Tiến cũng thừa nhận đây là quán đầu tiên của thương hiệu này. Vốn chủ hiện tại của Startup là khoảng 130 triệu đầu tư vào máy pha café, cuối năm nay anh sẽ tiếp tục đổ vào 2 tỷ.

Với thông tin này, Shark Hưng cho rằng Vũ Tiến đang ‘tay không bắt Shark’ còn Shark Hùng Anh không khỏi băn khoăn về lợi thế của chàng trai sinh năm 1995 này. Để thuyết phục ‘Cá Mập’, Vũ Tiến hỏi ngược lại: “Hiện tại trà sữa ở đâu ngon nhất?”, sau đó anh đưa ra quan điểm cá nhân về chất lượng sản phẩm của thương hiệu đồ uống nổi tiếng tại Việt Nam. Vũ Tiến nhận định thị trường hiện tại là một cơ hội rất lớn cho mình. Anh khẳng định mình đang có trong tay sản phẩm mạnh nhất, ngon nhất thị trường. Điều này đã được kiểm chứng bởi cộng đồng học viên của anh bởi mỗi khi Vũ Tiến ra sản phẩm, mọi người đều sục sôi. Kế hoạch của anh là chỉ cần mở một cửa hàng đầu tiên, sau đó cả miền Nam và Việt Nam sẽ biết tới thương hiệu này, sau đó rất dễ dàng để nhân bản sự thành công của Nectar Coffee. Vũ Tiến cũng đưa ra thêm về lợi thế hiện tại của anh khi có mối quan hệ với nhiều trang báo lớn dành cho giới trẻ, KOL, YouTuber trong lĩnh vực review ẩm thực. Anh chàng khẳng định: “Mở quán café dễ lắm!”

Shark Hưng đồng ý với quan điểm “dễ” nhưng theo ông: “sống” được mới khó. Vũ Tiến tiếp tục đưa ra quan điểm cá nhân về Starbucks, anh cho rằng thương hiệu này đang quên mất một điều rằng người Việt Nam không uống ‘café nước dão’.

Trong khi đó, Shark Liên lại quan tâm tới vấn đề bảo quản trái cây làm sao để giữ nguyên hương vị và độ tươi. Vũ Tiến cho rằng đây là một vấn đề ‘nhức nhối’, giải pháp của anh là hiện tại chỉ đánh vào thị trường giới trẻ và sẽ nghiên cứu các sản phẩm về sức khỏe sau. Ước mơ của anh là xây dựng một thương hiệu dành cho người già bởi vì tệp khách hàng này rất sợ cô đơn và quan tâm tới sức khỏe. Nghe tới đây, Shark Hưng bật cười: “Sản phẩm đánh vào giới trẻ nhưng lại hướng tới người già”.

Vũ Tiến đính chính rằng ý anh là tệp khách hàng của Nectar có cả đối tượng khách trung niên và điều quan trọng nhất là không ai khác ngoài anh đang sở hữu một sản phẩm vượt trội. Nghe tới đây, Shark Erik quay sang bày tỏ ý kiến với Shark Liên: “Em ấy quá tự tin”. Trong khi đó, Shark Hưng đưa ra quan điểm: “Bạn nói đúng, F&B nói chung và café nói riêng thì chất lượng của sản phẩm vẫn là quan trọng nhất nhưng sản phẩm thì có muôn vàn loại, kiểu hình chất lượng. Ví dụ bạn nói không thích uống café nhạt kiểu Mỹ nhưng đó là nhóm bạn thôi, chứ không phải tất cả thị trường Việt Nam. Món café ngày nào tôi cũng uống đó là Americano. Thứ hai, phải nói là không có ngành nào ở Việt Nam thu hút cái lượng chất xám kinh khủng như vậy. Số lượng các bạn trẻ khởi nghiệp nghĩ đến mở quán café là nhiều nhất”.

Shark Hưng cũng thẳng thắn cho rằng các món đồ uống mà Vũ Tiến mời ông thưởng thức không có món nào ngon bởi khẩu vị của ông vốn không phải nhiều đường. Giả sử các Shark bỏ ra 5 tỷ để Vũ Tiến đầu tư nhưng anh chưa thật sự khẳng định được tài năng của mình mà chỉ mới dừng ở mức ý tưởng, rất dễ “một đi không trở lại”.

Shark Bình bày tỏ rằng ông rất khâm phục Vũ Tiến bởi thu nhập 1 tỷ/tháng. Theo ông, mức thu nhập này thuộc hàng cao nhất ở Việt Nam trong tất cả các ngành nghề kể cả giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, lập trình… Nếu ở Nhật, Vũ Tiến sẽ được xếp vào hàng “nghệ nhân”. Nhưng song song với việc khâm phục, Shark Bình cũng băn khoăn liệu anh chàng này là “thiên tài hay thiên tai”?

Với câu hỏi này, Vũ Tiến trả lời rằng anh luôn tự nói mình là thiên tài. Tuy nhiên, Shark Bình vẫn hoang mang bởi khi ông tìm kiếm trên Google chỉ ra 2 bài báo nói về Vũ Tiến và bản thân Startup cũng thừa nhận đây là 2 bài quảng cáo. Mặt khác, Vũ Tiến chia sẻ rõ hơn về thu nhập và công việc dạy pha chế của mình. Hiện tại mỗi tháng anh có hơn mười lớp, mỗi lớp dạy 2 ngày với mức học phí là 10 triệu/1 học viên. Thị trường pha chế rất nhiều lớp nhưng chỉ riêng Vũ Tiến mới có mức thu nhập 1 tỷ/tháng – theo như anh chia sẻ.

Shark Hùng Anh vẫn thắc mắc về lý do gọi vốn của Vũ Tiến thay vì lấy tiền thu nhập hiện tại để mở quán. Vũ Tiến trả lời mối bận tâm của anh liên quan đến khoản vay ngân hàng để trả tiền nhà sẽ cực kỳ rủi ro nếu anh dồn hết mở quán và không có thời gian pha chế. Bởi vậy anh tách riêng ra 2 phần, 1 phần giúp anh ổn định và 1 phần để phát triển.

Giữ im lặng lắng nghe từ đầu, Shark Erik mở lời với Vũ Tiến và tiết lộ CEO Starbucks là một trong những người bạn của ông. Ông cũng nhắc tới sự thành công của các thương hiệu đồ uống khác như The Coffee House, Highlands Coffee, nhưng sự tự tin của Vũ Tiến bằng cả 3 thương hiệu nổi tiếng đó cộng lại. “Thực sự có sự khác biệt rất lớn giữa tự tin và sự ảo tưởng” – đó là lý do Shark Erik từ chối đầu tư. Vị Shark vui tính còn so sánh Vũ Tiến với Sơn Tùng và ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” khiến tất cả các Shark khác cùng bật cười bởi sự hóm hỉnh của ông.

Vũ Tiến tiếp tục đưa ra những con số dự định như: doanh thu một ngày rơi vào khoảng 30-35 triệu với vị trí đắc địa, lãi 200 – 300 triệu 1 tháng, 1 năm đến 2 năm sẽ hoàn vốn. Shark Hưng ngay lập tức chỉ ra sự bất hợp lý với những con số dự tính này. Ông cảm thấy cực kỳ hồi hộp với dự án của Vũ Tiến và từ chối đầu tư, kèm lời chúc anh thành công.

Shark Hùng Anh cũng chia sẻ và dành lời góp ý cho Startup trẻ tuổi: “Mình làm ăn đừng nên quá tự tin. Bạn có thể thành công 1 lần, 2 lần chứ không thể thành công mãi mãi”. Shark Hùng Anh là người tiếp theo từ chối đầu tư.

Shark Liên đưa ra lời khuyên dành cho Vũ Tiến hãy nghiêm túc trong công việc dù là việc nhỏ nhất. Nếu năm sau anh đứng ở đây với một vài cửa hàng, quán café, có thể bà sẽ đồng hành nhưng thời điểm hiện tại, bà từ chối đầu tư.

Shark Bình tiếp tục lật lại thông tin thu nhập 1 tỷ/tháng của Vũ Tiến tỷ lệ nghịch với sự nổi tiếng của anh trong nghề bartender. Shark thẳng thắn cho rằng Vũ Tiến có tài năng “chém gió thành bão mà bão là thiên tai”. Là một người đánh giá cao sự thành thật của các Startup, Shark Bình khuyên Vũ Tiến nên biết khiêm tốn và đừng ‘lộng ngôn’ trước khi khởi nghiệp.

Cuối cùng, thương vụ khép lại và Vũ Tiến không nhận được deal nào từ các Shark.

Xuất hiện tiếp theo trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 11, Nhà sáng lập Lê Minh Đức giới thiệu về nền tảng proptech (công nghệ bất động sản) có tên là Remaps.

Remaps cung cấp cho người dùng các tiện ích như tìm kiếm vị trí bất động sản theo giấy chủ quyền; xem quy hoạch để biết tiềm năng; tham khảo giá; có cộng đồng người mua người bán và môi giới; có số liệu thống kê để phân tích và nhận định.

Trên trang web của Remaps hiện có thông tin của 17,5 triệu thửa đất ở 21 tỉnh thành trên cả nước. Người dùng có thể gõ theo từ khóa để tìm thửa đất, xem kích thước, quy hoạch, giá, dẫn đường, chia sẻ hoặc đăng bán, đăng tin cho thuê chỉ trong 30 giây.

Tất cả các công nghệ trên nền tảng này đều do Remaps nắm giữ để có thể phục vụ cho việc cải tiến và cập nhật dữ liệu nhanh.

Sau 2 năm hoạt động, Remaps đã có 1,2 triệu người dùng, 110 nghìn người dùng đăng ký. Remaps xếp hạng thứ 6 trong các nền tảng bất động sản Việt Nam theo Similar Web. Mỗi ngày, Remaps phục vụ từ 8 – 10 nghìn người.

Đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 20% cổ phần, Minh Đức cho biết 60% vốn anh sử dụng để làm truyền thông, 40% còn lại anh sẽ dành cho cải thiện sản phẩm bao gồm cải thiện tốc độ, cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng dữ liệu.

Tính đến hiện tại, Minh Đức đã đầu tư 13,5 tỷ và trải qua 3 giai đoạn gọi vốn. “Giai đoạn thứ nhất mấy anh em góp lại làm sản phẩm MVP (Minimum viable product – sản phẩm khả thi tối thiểu). Sau khi làm xong mới đi kêu gọi cái đầu tiên, sau đó có một nhà đầu tư tham gia. Tiếp theo kêu gọi một đợt là 10 tỷ nhưng vì dịch nên một nhà đầu tư cam kết nhưng không triển khai được như bình thường”, Minh Đức kể lại.

Mô hình kinh doanh của Remaps hướng đến thu tiền từ 3 nhóm bao gồm: thu từ người dùng, đã có doanh thu 170 triệu; thu từ dịch vụ API (Application Programming Interface – phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau) đấu nối với các nền tảng bất động sản, hiện có doanh thu 230 triệu; thu từ quảng cáo.

Am hiểu sâu về lĩnh vực công nghệ bất động sản, Shark Hưng đặt câu hỏi chi tiết liên quan đến các tính năng của nền tảng như listing (niêm yết), khả năng up-to-date (cập nhật) thông tin quy hoạch, tính pháp lý của thông tin.

Minh Đức cho biết anh không thu tiền tính năng listing vì muốn đăng bán thì bắt buộc phải có một bất động sản. “Trong tương lai, nếu mình kiểm soát cái đó, người dùng mà đăng sai thì mình có thể xóa. Vì lý do đó, mình lấy tiền listing mà lại xóa của người dùng thì nó không phù hợp”, Minh Đức giải thích.

Hiện tại Remaps đang cập nhật bản đồ theo quy hoạch sử dụng đất. Kể từ khi có bản quy hoạch, chỉ sau 4 – 8 tiếng là có thể cập nhật trên hệ thống. Remaps lấy thông tin từ nguồn công khai. “Ở trên thị trường hiện tại có rất nhiều nơi công khai cái đó. Chỉ là cách thức họ công khai bằng file pdf khá là khó coi. Chính vì vậy, Remaps mới đưa lên bản đồ bằng cách ghép tất cả các lớp lại để giúp cho người Việt tra cứu dễ, nhanh”, Minh Đức nói.

Nhà sáng lập Remaps cũng cho biết chưa thống kê được người dùng trả tiền cho việc gì khi sử dụng nền tảng bởi chức năng xem quy hoạch là miễn phí. Minh Đức lý giải: “Khi chúng ta coi quy hoạch, thực ra là coi tính chất của bất động sản đó chứ không phải bất động sản đó. Vì bất động sản kết nối tất cả mọi thứ. Thậm chí có người cầm giấy chủ quyền, có tờ thửa hoặc là tọa độ góc ranh, đơn giản chỉ là nó nằm ở đâu. Google Maps không tìm được cái đó. Còn để có nguồn dữ liệu nhiều như hiện tại của Remaps đang có thì gần như trên thị trường không có”.

Trên nền tảng của Remaps, người bán chỉ cần đúng thông số bất động sản là được đăng tin, không cần xác nhận là chính chủ hoặc được ủy quyền.

Về phần kiểm soát thông tin, Minh Đức cho biết: “Khi tạo ra cộng đồng đưa lên sẽ có khuyến cáo riêng. Người dùng tự vẽ được thì bên em sẽ kiểm soát được chuyện đó. Thời gian Remaps làm được trong vòng 24 tiếng”.

Shark Hưng nhận định Startup đã ngăn chặn bớt được một phần những người cố tình tạo tin đăng giả để bóp méo thông tin thị trường. Tuy nhiên vẫn không chặn được 100% nếu như không xác thực được người dùng, người đăng có thực sự là chính chủ hay không. “Bởi vì thực ra người môi giới họ nắm trong tay thông tin bất động sản quá dễ dàng. Họ chỉ cần dùng chính thông tin đấy đăng ngược lại. Khi gọi điện đến thì bảo là bán mất rồi hoặc là hiện nay chủ nhà đi vắng… để định tuyến sang một bất động sản khác”, Shark Hưng chỉ ra vấn đề.

Minh Đức thừa nhận điều này có xảy ra và Remaps không hướng đến câu chuyện phải đảm bảo tất cả những điều đó. Remaps cho người dùng một nơi để họ có thể kiểm tra được. Sau khi tìm được bất động sản đó thì có nhiều thứ để làm. Remaps tập trung nhiều nhất vào bất động sản và từ đó sẽ kết nối với tất cả những thứ liên quan.

“Thế thì doanh thu lớn nhất là cái gì?”, Shark Bình nêu câu hỏi

Đáp lời, Minh Đức cho biết doanh thu lớn nhất là quảng cáo. Quan niệm phải tạo ra sản phẩm tốt trước nên hiện nay Remaps đang tập trung xây dựng sản phẩm, chưa tập trung kiếm tiền. Nhà sáng lập Remaps chia sẻ: “Riêng chuyện muốn quảng cáo được thì mình phải có một cộng đồng đủ lớn”.

Khi Shark Bình nêu quan điểm Startup vẫn đang đốt tiền để xây dựng cộng đồng, xây dựng khách hàng, Minh Đức cho biết Startup của anh có những ý tưởng không cần cộng đồng vẫn thu được tiền. Có những ý tưởng đã được triển khai như user (người dùng), API. Các sản phẩm thu tiền khác sẽ được Startup triển khai từ nay đến cuối năm.

Remaps hiện có khoảng 25% người dùng ở Hồ Chí Minh, 13% ở Hà Nội. 50% người dùng là nhà môi giới, còn lại là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Shark Hùng Anh thắc mắc về dự tính thời gian đạt doanh thu đáng kể của Remaps. Minh Đức cho biết từ nay đến cuối năm, Startup của anh dự kiến triển khai 5 nguồn doanh thu còn lại. Sau khi xong mới truyền thông bởi nếu truyền thông mà doanh thu không về thì Startup nguy hiểm.

Trả lời tiếp câu hỏi của Shark Hùng Anh, Minh Đức cho biết đội ngũ Remaps hiện tại có 14 người và phần lớn làm parttime nên chi phí gần như chỉ dành cho IT. Ngoài ra, Remaps chi phí cho server (máy chủ) khoảng 40 triệu một tháng.

Shark Liên là người đầu tiên chốt deal. Bà nêu quan ngại về tình trạng không kiểm soát được độ chính xác của thông tin bất động sản trên các nền tảng. Và vì Startup không cùng lĩnh vực nên bà quyết định không đầu tư.

Tiếp đó, Shark Erik cũng từ chối đầu tư vì không rõ nguồn dữ liệu của Startup và chưa thấy hiệu quả của trải nghiệm người dùng.

Shark Hưng chia sẻ, nền tảng Cenhomes.vn của ông đang phát triển nhiều tính năng tương tự với Startup. Đặc biệt là xem quy hoạch, tham khảo giá, kết nối cộng đồng và số liệu thống kê. Tuy nhiên nền tảng Cenhomes.vn không tìm bất động sản theo chủ quyền mà theo cách khác. Để tránh những xung đột không đáng có, Shark Hưng quyết định không đầu tư. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ mong muốn gặp gỡ Startup dưới góc độ đối tác để cùng phối hợp, đấu nối nhằm tăng khả năng khai thác dữ liệu và số người dùng.

Shark Hùng Anh nhận định sản phẩm của Startup tốt. Startup không biết đến khi nào kiếm được tiền nhưng ông đã có ý tưởng rồi. Vì vậy, ông đề nghị đầu tư tối thiểu 10 tỷ cho tối đa 40% cổ phần. “Mình cứ nuôi hoài, bạn chỉ tập trung lo làm sao để phát triển sản phẩm lên. Mình sẽ cam kết minimum đầu tư cho bạn ít nhất 10 tỷ. 3 năm vẫn tiếp tục vì mất 10 tỷ. Mình sẽ tiếp tục đầu tư cho bạn cho đến khi nào bán được hàng. Tại vì lúc đó tiền của mình bỏ ra, cho dù mình bỏ bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì mình cũng lấy 40% thôi”, Shark Hùng Anh thuyết phục Startup.

Về phía Shark Bình, ông bày tỏ sự phân vân và quyết định từ chối đầu tư. Tuy vậy, ông ngỏ ý rằng nếu Shark Hùng Anh mời, ông có thể tham gia cùng để giúp Startup tìm kiếm “long mạch”.

Cuối cùng, Minh Đức đồng ý nhận đầu tư tối thiểu 10 tỷ đồng cho tối đa 40% cổ phần của Shark Hùng Anh.

Startup cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 11 là Nguyễn Châu Linh – Nhà sáng lập Thư viện 100 năm thuộc Tập đoàn Hành trình Kim cương. Chị đến chương trình để kêu gọi đầu tư 5 tỷ cho 5% cổ phần.

Hành trình Kim cương là doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục công nghệ được sáng lập bởi các nhà lãnh đạo tâm huyết với giáo dục. Trước các câu hỏi làm thế nào để nâng cao văn hóa đọc cho người Việt, làm thế nào tiết kiệm chi phí trong công cuộc số hóa tri thức, làm thế nào nâng cao năng lực của nhân sự, tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, Thư viện 100 năm đã ra đời.

Thư viện 100 năm tập hợp nhiều đầu sách được biên tập dưới nhiều loại hình khác nhau như ebook, audiobook, videobook, slidebook, coursebook… Người dùng cũng có thể đóng góp tài nguyên cho thư viện dưới sự giám sát chất lượng của các chuyên gia. Ngoài ra, theo giới thiệu của Châu Linh, Thư viện 100 năm cũng chính là kênh truyền thông giáo dục chất lượng, nơi tôn vinh các cá nhân, doanh nghiệp có những đóng góp cho cộng đồng.

Giải thích về ý nghĩa tên thương hiệu, Châu Linh cho biết Thư viện 100 năm sẽ khép trọn vòng nhân sinh của chúng ta trong vòng 100 tuổi. Như vậy Thư viện sẽ được chia làm 5 kho theo độ tuổi.

Ý nghĩa thứ 2 của tên Thư viện có nghĩa là hàng trăm năm. Dựa theo câu nói của một nhà văn: “Hàng triệu thư viện đang bay về trời”, Thư viện 100 năm là nơi ghi nhận, biến tri thức thành di sản để tránh chảy máu chất xám và tránh mất đi nhiều điều quý giá. Bởi vì dự án xuất phát từ doanh nghiệp xã hội và mong muốn phụng sự xã hội.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng không tách rời bài toán kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, Châu Linh nhấn mạnh.

Tháng 4 vừa qua, Thư viện 100 năm chính thức hoàn thiện thư viện trên website, app (ứng dụng) và đã thu được 100 triệu doanh thu từ việc bán thẻ.

Bên cạnh đó, Thư viện 100 năm cũng có các gói branding CSR (làm thương hiệu trách nhiệm xã hội) cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng thư viện này như một món quà để trao tặng cho nhân sự, cho cộng đồng.

Bằng cách lấy tên thương hiệu làm mã truy cập thư viện, khi người dùng sử dụng, mã này sẽ gắn liền với người ta. “Chúng tôi tự hào đây là giải pháp rất sáng tạo về câu chuyện branding cho doanh nghiệp”, Châu Linh cho biết.

Khi Shark Liên thắc mắc về điểm khác biệt của Thư viện 100 năm với các thư viện khác, Châu Linh tự tin khẳng định đó là sự sáng tạo. Thư viện của chị tích hợp nhiều loại hình sách. Cùng một cuốn sách có thể chuyển thể thành ebook, audiobook, videobook, tạo slide, xây dựng khóa học để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Nội dung của Thư viện 100 năm đến từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể do chính đội ngũ của Thư viện viết sách, biên tập sách, dịch từ nhiều nguồn, mua từ các tác giả hoặc đặt hàng.

Shark Hùng Anh nêu ra vấn đề Việt Nam là một trong những quốc gia ít đọc sách, Startup sẽ làm thế nào để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của những hãng lớn. Nhân tố nào để Startup tự tin rằng công việc kinh doanh có thể sinh ra lãi cho nhà đầu tư.

Châu Linh một lần nữa khẳng định điều mà chị tự tin là tính sáng tạo trong dự án. “Tại thời điểm này Shark có thể đi tìm và chưa thấy nền tảng nào vừa có audio vừa có video, vừa có ebook, vừa có coursebook. Vì chúng tôi còn hướng tới cả những người khiếm thính và những người khiếm thị”, Châu Linh cho biết.

Shark Hùng Anh nhận định những gì Startup tự tin quá đơn giản để thay thế. Chưa thấy được tiềm năng to lớn của dự án, Shark Hùng Anh quyết định không đầu tư.

Tiếp đó, Châu Linh cho biết trong giai đoạn thứ hai, Thư viện 100 năm sẽ ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (công nghệ chuỗi khối) để cá nhân hóa lộ trình người dùng trong từng giai đoạn phát triển. Ví dụ với học sinh, sinh viên sẽ cần định hướng để tìm được trường phù hợp, ngành phù hợp. Người đi làm cần lộ trình để thăng tiến phát triển.

Shark Erik cho rằng có thể sử dụng thuật toán để cá nhân hóa, không cần sử dụng AI. “Nhưng quy trình phân tích và vận dụng dữ liệu ở đây như thế nào? Và có phải đầu vào là dữ liệu, đầu ra là kiến thức không?”, Shark Erik đặt câu hỏi. Châu Linh cho biết đó là ở bước tiếp theo.

Shark Bình chia sẻ, khẩu vị đầu tư của ông thiên về các startup rủi ro cao, tiềm năng lợi nhuận cao. Đánh giá số liệu kinh doanh và tiềm năng lợi nhuận của startup còn chưa quá rõ ràng, ông quyết định từ chối đầu tư.

Shark Hưng chỉ ra vấn đề “sinh tử” của Startup bởi với một thư viện, đầu sách là quan trọng nhất nhưng để có số lượng đầu sách nhiều, chất lượng cao, có bản quyền sẽ tốn kém chi phí, nhất là với một doanh nghiệp xã hội. Do đó ông muốn biết cách Startup vượt qua được rào cản lớn nhất là về những đầu sách.

Châu Linh cho biết Startup của mình không so sánh với các mô hình hiện tại đang có trên thị trường mà hướng đến câu chuyện đồng hành với người dùng trong tất cả các giai đoạn và các chặng đường phát triển. Và Thư viện chỉ là một nền tảng, một công cụ.

Shark Hưng nhận định mô hình doanh nhân cộng đồng của Startup thiên quá nhiều vào vấn đề tạo ra giá trị mang tính tốt đẹp trong khi muốn tốt đẹp được thì cần rất nhiều tiền. Nếu mà không có nhiều tiền thì không có sách hay. Do đó, dù đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của Startup với cộng đồng nhưng dưới góc độ là một Nhà đầu tư, ông từ chối ra deal cho thương vụ này.

Shark Erik chia sẻ, ông đọc rất nhiều sách và yêu thích sách nói. Ông đánh giá Startup đang có nhiệm vụ nâng cao cộng đồng. Tuy nhiên điều đó lại không phù hợp để một quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm lợi nhuận có thể đầu tư. Ngoài ra, Shark Erik cũng không đồng tình với lộ trình công nghệ của Startup. Ông nhận định các yếu tố như AI, blockchain còn khá mờ nhạt. Vì vậy, ông cũng từ chối đầu tư.

Shark Liên cho biết bà rất cẩn thận về sách và vấn đề giáo dục. Mặc dù thích dự án này nhưng Startup chưa chứng minh được điều gì để Shark có thể đầu tư nên bà cũng từ chối thương vụ. Tuy nhiên, bà cũng ngỏ ý giới thiệu Startup với cộng đồng đọc sách của Shark Liên để có người đọc và giới thiệu với các nhà văn để cung cấp đầu sách.

Thương vụ khép lại và Thư viện 100 năm ra về tay trắng.


Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 11

 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan