Mùa Tết năm 2021, các rạp chiếu đóng cửa vì dịch bệnh. Từ tháng 5 đến tháng 11, hoạt động chiếu bóng tiếp tục dừng. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của điện ảnh Việt trong 20 năm qua, khi nhiều phim phải dời lịch, có dự án đến vài ba lần. Chúng tạo ra sức ép lớn về chi phí quảng bá, cũng như tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Việc còn quá nhiều phim bị treo cũng khiến nhà sản xuất không thể tiến hành các dự án tiếp theo, dẫn đến đình trệ nối dài. Di chứng của căn bệnh sẽ bộc lộ rõ hơn trong vài năm tới, khi ngành phim chỉ có thể hồi phục từ từ.
“Bố già” và “Lật mặt: 48h” đạt doanh thu lớn
“Bố già” được chọn đại diện Việt Nam dự Oscar nhưng sớm dừng chân.
Tác phẩm do Trấn Thành đạo diễn và đóng chính được xem là dấu ấn lớn nhất của phòng vé Việt năm 2021. Ra mắt vào tháng 3, Bố già đại thắng phòng vé với doanh thu đến 420 tỷ đồng ở thị trường nội, hơn gấp đôi bộ phim Việt giữ kỷ lục trước đó (Cua lại vợ bầu). Dù còn bị chê về ngôn ngữ điện ảnh, tác phẩm vẫn thành công nhờ chạm vào cảm xúc của nhiều khán giả. Bộ phim lấy bối cảnh một khu phố lao động ở TP HCM và khắc họa nhiều mảnh ghép về tình cảm gia đình, làng xóm.
Bố già cũng may mắn ra mắt đúng thời điểm hiếm hoi mà phòng vé Việt mở cửa với toàn bộ công suất. Một bộ phim khác cũng về đích thắng lợi là Lật mặt: 48h với doanh thu trên 150 tỷ đồng. Tác phẩm này ăn khách nhất trong loạt phim của Lý Hải, không có diễn viên nổi tiếng nhưng thu hút nhờ yếu tố hành động và thương hiệu của đạo diễn.
Phòng vé ảm đạm trong dịch bệnh
Rừng thế mạng khép lại một năm nhiều nỗi niềm của điện ảnh Việt.
Các nhà phát hành và hãng phim phải đối mặt bài toán khó, khi phải tự thân vận động suốt nhiều tháng qua, trong khi vẫn trả tiền mặt bằng, lương cho nhân viên. Hồi tháng 6, các nhà phát hành phim lớn cùng kêu cứu Thủ tướng vì sợ phá sản. Đến tháng 9, 20 công ty phim cũng kêu cứu để xin cơ chế hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.
Dù rạp phim đã hoạt động lại từ tháng 11, bức tranh tổng thể còn ảm đạm khi nhiều tỉnh thành vẫn gặp khó vì dịch. Nhiều phim Việt có lịch chiếu cuối năm đều âm thầm dời lịch, chỉ trừ Rừng thế mạng của đạo diễn Trần Hữu Tấn vẫn công chiếu dù thiếu hụt một phần thị trường, đặc biệt là Hà Nội. Bộ phim này cũng là tác phẩm Việt cuối cùng ra mắt trong năm nay. Với diễn biến dịch khó lường, tương lai phim chiếu rạp năm 2022 không dễ là màu hồng.
Phim điện ảnh cổ trang vẫn gặp khó
Hình ảnh phim Cậu Vàng.
Hai dự án phim cổ trang Cậu Vàng và Kiều đều “gãy” ở phòng vé nửa đầu năm. Với Cậu Vàng, nhiều khán giả chỉ trích từ lúc tác phẩm dùng chó Shiba của Nhật thay vì chú chó thuần Việt. Khi ra rạp, phim bị chê về diễn xuất, nhiều cải biên không hợp lý với tác phẩm văn học gốc. Còn phim Kiều ghi nhận nỗ lực của đạo diễn Mai Thu Huyền trong việc làm phim về tác phẩm văn học kinh điển. Nhưng điểm yếu về kịch bản, chỉ đạo diễn xuất đã khiến phim điện ảnh này bị chê nhiều hơn khen và sớm rời rạp. Thất bại của hai tác phẩm này là bởi nhà làm phim chưa đủ sức chuyển thể nguyên tác.
Một trường hợp đáng tiếc của phim cổ trang là Trạng Tí phiêu lưu ký. Tác phẩm này gặp khó từ khâu quảng bá bởi lùm xùm liên quan đến họa sĩ Lê Linh. Một bộ phận dư luận tẩy chay tác phẩm, trong khi phim phải dời lịch nhiều lần vì dịch bệnh. Khi Trạng Tí ra rạp vào dịp 30/4, phim chỉ chiếu được vài ngày thì phải dừng do dịch bệnh.
Phim “Vị” và vấn đề kiểm duyệt
Phim Vị không được phát hành ở Việt Nam.
Phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lê Bảo đã thắng Giải đặc biệt của Ban giám khảo trong hạng mục Encouters tại LHP quốc tế Berlin (Đức). Nhưng phim bị cấm phổ biến trong nước vì có cảnh khỏa thân dài. Đạo diễn và nhà sản xuất sau đó xóa “quốc tịch” Việt Nam của Vị, cho nó trở thành tác phẩm của Singapore.
Bộ phim gây phân cực dư luận khi một số cho rằng phim nên bị cấm bởi hình ảnh người đàn ông châu Phi cùng bốn phụ nữ trung niên Việt Nam khỏa thân. Một số cho rằng nên tôn trọng những góc nhìn điện ảnh khác lạ, thậm chí dị biệt như cách các liên hoan phim thế giới vẫn làm. Hành trình của Vị để lại nhiều câu hỏi về ranh giới giữa nghệ thuât và phản cảm, cũng như việc có nên không lập ra một cấp độ phân loại đặc biệt để những tác phẩm thế này có thể tiếp cận một đối tượng nhỏ khán giả mong muốn xem chúng.
Hồi tháng 9, nhiều nhà làm phim cũng đưa nhiều ý kiến đóng góp về kiểm duyệt cho dự án luật Điện ảnh sửa đổi. Song, các quyết định chính thức sẽ phải chờ đến khi dự án Luật Điện ảnh sửa đổi được Quốc hội xem xét, thông qua vào giữa năm 2022.
Kỳ vọng vào các dự án mới
Poster phim Maika.
Maika của đạo diễn Hàm Trần nhận tin vui khi được chọn công chiếu ở liên hoan phim quốc tế Sundance (Mỹ). Tác phẩm này sẽ ra mắt ở một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới, diễn ra vào tháng 1/2022. Câu chuyện lấy cảm hứng từ Maika – Cô bé từ trên trời rơi xuống – phim truyền hình Tiệp Khắc. Trong phim, Hùng – một cậu bé đau khổ khi mất mẹ – tìm được niềm vui khi gặp gỡ cô bé ngoài hành tinh tên Maika. Hàm Trần là đạo diễn luôn được giới làm phim Việt Nam đánh giá cao, thế nên nhiều người rất trông chờ tác phẩm mới của anh.
Tháng 12, dự án điện ảnh dựa trên cuộc đời nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn được công bố. Bộ phim được chuyển thể từ sách Điệp viên hoàn hảo X6 của Larry Berman, do Charlie Nguyễn đạo diễn. Dù chưa được tiết lộ nhiều về nội dung, dự án rất được chú ý do tầm vóc nhân vật. Ngoài ra, với Charlie Nguyễn, đây cũng là cơ hội cho anh thực hiện một tác phẩm có thể trở thành để đời, sau nhiều năm gắn bó với dòng phim giải trí.
Phim trực tuyến được mùa
Sau Bố già, Cây táo nở hoa cũng thành công với đề tài gia đình.
Trong bối cảnh điện ảnh thất bát, nhiều phim truyền hình và trực tuyến lấp đầy khoảng trống của khán giả. Gây chú ý nhất năm qua là các phim Cây táo nở hoa, Hương vị tình thân hay Hướng dương ngược nắng. Trong đó, Cây táo nở hoa trở thành hiện tượng hồi giữa năm. Khai thác đề tài tình cảm gia đình, quy tụ dàn sao Hồng Ánh, Thái Hòa, Nhã Phương, tác phẩm được đông đảo khán giả theo dõi. Tuy nhiên, series nhận nhiều lời chê về cuối do sự lê thê, cố kéo dài câu chuyện.
Trong giới làm phim, nhiều tên tuổi lớn như Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng và Victor Vũ cũng chuyển dịch sang phim dài tập trong năm nay. Mẹ ác ma, cha thiên sứ (Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, Minh Hằng đóng chính) đã ra mắt từ tháng 12, còn Trại hoa đỏ của Victor Vũ đang ghi hình.
Ở mảng series nước ngoài, Squid Game trở thành tâm điểm. Điều này cũng dễ hiểu, xét đến độ hot của loạt phim Hàn Quốc trên toàn cầu. Khi Squid Game ra mắt, cộng đồng fan Việt chia làm hai phe: một khen ngợi tác phẩm, một chê nó không bằng các phim kiểu đấu trường sinh tử trước đây. Dù sao đi nữa, thành công của tác phẩm tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của phim Hàn ở Việt Nam, tiếp nối các series như Cuộc sống hôn nhân hay Hạ cánh nơi anh.
Theo Zing.vn