Theo SCMP, thần tượng Kpop chinh phục người hâm mộ bằng những màn trình diễn ấn tượng ở các đêm nhạc. Song, khi muốn biểu diễn và xuất hiện trên sóng truyền hình, nơi có đối tượng khán giả khó tính hơn, thần tượng phải tuân theo quy tắc ngầm, các tiêu chuẩn đạo đức từ Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC).
Khi xuất hiện trên chương trình truyền hình, các thần tượng Hàn Quốc phải che hình xăm. Trong chương trình Let’s BTS phát trên KBS, Jung Kook (thành viên nhóm BTS) mặc áo tay dài che đi những hình xăm, bao gồm dòng chữ ARMY – tên fandom chính thức của nhóm – trên các ngón tay.
Theo SCMP, Hàn Quốc chưa có quy định cụ thể về việc nghệ sĩ xăm mình không được phép xuất hiện trên sóng truyền hình. Song, khi có mặt trên đài quốc gia, các kênh lớn, nghệ sĩ phải mặc áo che đi hình xăm.
Trên thực tế, các tiệm xăm ở Hàn Quốc đều không hoạt động hợp pháp. Xăm mình được xem là dịch vụ y tế, những thợ xăm phải được cấp giấy phép y tế để hoạt động công khai. Việc vung tiền để có bằng y khoa, trở thành nghệ sĩ xăm hình là không quá cần thiết. Vì vậy, những thợ xăm Hàn Quốc phần lớn hoạt động trong các cửa tiệm nhỏ, bất hợp pháp.
Ngoài ra, quy tắc nghệ sĩ che hình xăm khi lên sóng truyền hình bắt nguồn từ việc tuân theo thị hiếu của khán giả khó tính. Theo SCMP, hình xăm gắn liền với văn hóa băng đảng trong quá khứ. Nhiều khán giả lớn tuổi không chấp nhận việc thần tượng xăm hình, làm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Theo SCMP, các kênh truyền hình Hàn Quốc có quy tắc kỳ lạ về việc thần tượng nam để lộ ngực trên sóng truyền hình. Họ được phép “cởi” theo thị hiếu của khán giả trẻ, nhưng chỉ được một lần duy nhất trong suốt quá trình biểu diễn.
Quy tắc này dẫn đến một số rủi ro, khó khăn cho idol Hàn. Trong chương trình Music Bank phát sóng trên KBS, khi biểu diễn ca khúc Concept Trailer, thành viên RM có phần xé áo trên sân khấu.
Tuy nhiên, trong lúc xé toạc áo ngoài, RM vô tình làm rách áo bên trong. Nam ca sĩ phải vừa trình diễn, vừa vịn áo trong suốt phần còn lại của ca khúc để tránh không lộ toàn bộ phần ngực.
Với các thần tượng nữ, quy tắc về trang phục biểu diễn cụ thể hơn.
Từ năm 2010, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) đề xuất quy định cho các nhóm nhạc khi xuất hiện trên ba đài lớn SBS, MBC và KBS. Trong hàng loạt quy định dày đặc, các ca sĩ phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc che chắn kỹ phần ngực và không để lộ rốn, nhất là idol nhỏ tuổi.
Nhóm nhạc nổi tiếng BlackPink thường xuyên mặc quần kéo cao để che rốn khi xuất hiện trên sóng truyền hình. Trong lần đầu xuất hiện ở chương trình Inkigayo trên SBS, các thành viên của GFriend (hầu hết nằm trong độ tuổi nữ sinh trung học) phải mặc quần lưng cao dù diện crop top khoe eo. Thậm chí thành viên Ye Rin dùng băng để che phần rốn.
Theo SCMP, quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thần tượng nữ. Họ không muốn idol trở thành nạn nhân của tấn công tình dục, miệt thị ngoại hình khi xuất hiện trên sóng truyền hình.
Trong chương trình Radio Star, HyunA cho biết cô cân nhắc rất kỹ mỗi khi được mời biểu diễn trực tiếp trong các chương trình lớn. Nữ ca sĩ khẳng định cô sẽ mặc áo dài tay nếu trang phục lộ nhiều ở phần hông.
Cựu thành viên 4Minute thậm chí áp dụng quy tắc của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc vào các sản phẩm âm nhạc. “Tôi từng tạo MV riêng tập trung vào cận cảnh khuôn mặt, các cảnh trung để tránh bị nói gợi dục trên sóng truyền hình”, nữ ca sĩ nói trong chương trình Radio Star.
Tuy nhiên, biểu tượng gợi cảm xứ Hàn vẫn thường xuyên bị nói gợi dục vì biểu cảm gương mặt, động tác tay.
Trước đó, nhóm nhạc Rainbow bị cấm thực hiện vũ đạo vén áo khoe cơ bụng trong MV A khi xuất hiện trên sóng truyền hình. Phần lớn các nhóm nhạc Kpop phải thay đổi vũ đạo, bớt sexy nếu muốn có mặt trên các đài lớn.
Bên cạnh việc kiểm soát hình ảnh của idol trên sóng truyền hình, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc giám sát lời bài hát, hạn chế để từ ngữ dung tục, nói về tình dục xuất hiện trên đài.
Theo SCMP, quy định này nhiều lúc gây tranh cãi vì việc cắt câu chữ thay đổi nội dung bài hát. Thậm chí nhiều ca sĩ phản đối và cho rằng lời bài hát chỉ là ẩn ý, không đề cập trực tiếp, việc suy diễn là ở khán giả.
Song, KCSC vẫn giữ nguyên quan điểm không để từ ngữ dung tục xuất hiện trên sóng. Để biểu diễn trong chương trình Inkigayo của SBS, G-Dragon thay đổi từ văng tục trong ca khúc That XX.
Để trình diễn Mirotic trên TV trước 22h, TVXQ phải thay đổi lời bài hát để khán giả bớt liên tưởng đến vấn đề tình dục. Phiên bản trong sáng hơn của Mirotic từng xuất hiện tại giải thưởng Golden Disc Awards lần thứ 23.
Theo Zing.vn