Tính đến ngày 10/7, hệ thống rạp chiếu phim trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã đóng băng hoạt động được hơn hai tháng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, điện ảnh Việt đã ra mắt 12 tác phẩm mới. Chùm phim mang đến sự tương phản mang tính đỉnh cao – vực sâu về cả chất lượng, doanh thu lẫn sự đón nhận của khán giả.
Chiều ngày 8/2, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, lãnh đạo TP.HCM đã thông qua đề nghị tạm dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí… tại địa phương này. Từ 12h ngày 9/2 (tức 28 Tết), hệ thống rạp chiếu phim tại TP.HCM chính thức tạm dừng hoạt động.
Sự kiện đã thay đổi hoàn toàn cục diện mùa phim Tết Tân Sửu khi loạt tác phẩm dự kiến công chiếu giữa tháng hai gồm Trạng Tí phiêu lưu ký, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Bố già phải dời lịch phát hành. Dù các cụm rạp đã “chữa cháy” bằng việc tái phát hành Cua lại vợ bầu, mùa phim Tết 2021 vẫn coi như đã thất bại từ khi chưa bắt đầu.
Bố già là trường hợp cá biệt của điện ảnh Việt khi thu 400 tỷ đồng tiền vé giữa thời điểm đại dịch. Ảnh: Trấn Thành Town. |
Cuối tháng 4, khi hai tác phẩm Trạng Tí phiêu lưu ký và Thiên thần hộ mệnh mới phát hành, rạp chiếu phim tại Việt Nam một lần nữa phải đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát từ 5/5. Từ đó đến nay, hệ thống rạp chiếu phim vẫn chưa được mở cửa trở lại.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, rạp chiếu phim chỉ mở cửa hoạt động trong ba tháng. Đây cũng là khoảng thời gian thị trường phim nội tranh thủ hồi phục. Trung tuần tháng 3, phòng vé Việt từng ghi nhận sự bùng nổ về doanh thu khi Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Bố già đồng loạt phát hành. Chỉ sau 4 ngày chiếu sớm, Bố già của Trấn Thành đã thu 100 tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới của điện ảnh Việt.
Thế nhưng sự phát triển này chỉ là tạm thời bởi nhu cầu tiêu thụ các loại hình vui chơi giải trí công cộng của người dân luôn tăng cao sau thời gian dài phải ở nhà vì dịch bệnh. Tại thời điểm tháng 9/2020, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, điện ảnh Việt từng ghi nhận sự bùng nổ của Ròm, bộ phim được đánh giá là kén khán giả của đạo diễn Trần Thanh Huy, với 10 tỷ đồng doanh thu sau ngày khởi chiếu.
Điện ảnh Việt 2021 mở màn bằng vụ bê bối mang tên Võ sinh đại chiến. Tác phẩm được đầu tư kinh phí 24 tỷ đồng của đạo diễn Bá Cường chỉ thu về 1,2 tỷ đồng khi ra rạp. Cho rằng phim của mình bị nhà phát hành chèn ép khi ra rạp, ê-kíp sản xuất đã rút Võ sinh đại chiến khỏi rạp chỉ sau 6 ngày. Động thái làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc lỗi tại ai khi một bộ phim thua lỗ tại rạp.
Một thất bại khác, đến sau đó chưa đầy hai tuần là Sám hối, tác phẩm mang đậm phong cách làm phim Bollywood với Bình Minh trong vai chính. Tác phẩm khai thác bi kịch của một người cha sẵn sàng nhúng chàm để cứu tính mạng con gái đã không chạm đến được trái tim khán giả. Kết quả, phim đối mặt với nguy cơ không bao giờ thu hồi đủ số vốn đầu tư 50 tỷ.
Bộ phim mở màn cho điện ảnh Việt 2021 đã thua lỗ tới 23 tỷ đồng. Ảnh: Galaxy. |
Nhưng cú “ngã ngựa” đau đớn nhất phải kể đến chính là Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả. Còn nhớ, phần thứ ba của bộ phim đã đại thắng với 168 tỷ đồng tiền bán vé, trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất mùa phim Tết 2020. Phần thứ hai và đầu tiên của loạt Gái già lắm chiêu trước đó dù không vào hàng doanh thu trăm tỷ đồng nhưng cũng đều có lãi.
Phát hành giữa tháng 3, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả cạnh tranh trực tiếp với Bố già. Trong lúc khán giả chờ đợi một cuộc đua doanh thu giữa hai anh tài phòng vé Việt, thì Những cuộc đời vương giả nhanh chóng bị Bố già bỏ xa sau bốn ngày chiếu sớm.
Tác phẩm của Bảo Nhân và Nam Cito rời rạp với khoảng 55,4 tỷ đồng doanh thu. Con số chưa đủ thu hồi số vốn đầu tư lên tới 46 tỷ đồng chưa kể tiền quảng bá và các chi phí phát sinh khác do lùi lịch chiếu. Thất bại tại rạp, Những cuộc đời vương giả tìm hướng gỡ vốn bằng cách bán bản quyền cho các dịch vụ xem video trực tuyến.
Thất bại của Gái già lắm chiêu V bắt nguồn từ kịch bản phim rời rạc, yếu kém trong xây dựng nhân vật và ngôn ngữ điện ảnh nghèo nàn. Nói cách khác, nhà làm phim đã quá chủ quan vào phần bối cảnh và phục trang – thứ từng làm nên nét độc đáo riêng có cho Gái già lắm chiêu 3 – mà quên đi mất chiếc áo không làm nên thầy tu.
Đầu năm 2021, điện ảnh Việt chào đón sự xuất hiện của bốn bộ phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các danh tác được yêu thích là Cậu Vàng, Kiều, Kiều @ và Trạng Tí phiêu lưu ký.
Cậu Vàng được xây dựng dựa trên chùm tác phẩm của nhà văn Năm Cao. Kiều là thử nghiệm “kể mới” danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du còn Kiều @ được chuyển thể từ vở cải lương Nửa đời hương phấn. Trạng Tí phiêu lưu ký được chuyển thể từ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt của tác giả Lê Linh.
2021 không phải năm của những nàng Kiều trên màn ảnh. Ảnh: Tincom Media. |
Về tổng thể, cả bốn tác phẩm đều cho thấy sự biến tấu táo bạo của nhà làm phim so với nguyên tác. Tuy nhiên, các sáng tạo này đều gây ra nhiều ra tranh cãi trong cộng đồng khán giả.
Cậu Vàng bị chỉ trích phá hỏng tác phẩm của Nam Cao, Kiều mất lòng khán giả vì cốt truyện rời rạc, thiếu thuyết phục trong khi Kiều @ chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “thảm họa”. Trạng Tí nhiều lần trở thành trung tâm của tranh cãi trên không gian mạng vì mâu thuẫn tác quyền, phát ngôn của đạo diễn và nhà sản xuất, cải biên quá đà so với nội dung.
Cuối 2020, điện ảnh Việt từng chào đón bộ phim trăm tỷ Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là bản làm lại từ nguyên tác Perfect Strangers của điện ảnh Italy. Nhưng trong nửa đầu 2021, cả hai tác phẩm làm lại Em là của em (nguyên tác là Tie a Yellow Ribon của điện ảnh Hàn) và Song song (làm lại từ phim Mirage của Tây Ban Nha) đều thất bại về cả nội dung lẫn doanh thu phòng vé.
Nhìn chung, cả hai tác phẩm đều gặp khó khăn trong việc Việt hóa một kịch bản nước ngoài thành câu chuyện mang màu sắc, tính cách và hồn cốt Việt Nam. Trong Em là của em, Ngô Kiến Huy trong vai giả gái đã phải một mình gồng gánh cả bộ phim nhạt nhòa, có quá nhiều lỗ hổng tình tiết. Còn với Song song, nữ chính Nhã Phương cho thấy sự đuối sức trong một tác phẩm trinh thám, giật gân vốn đã quá rắm rối về nội dung.
Dấu ấn của điện ảnh Việt nửa đầu 2021 gọi tên Lật mặt: 48h của đạo diễn Lý Hải và Bố già do Vũ Ngọc Đãng thực hiện.
Bố già ra rạp vào tháng 3. Tác phẩm liên tiếp xác lập những kỷ lục mới về doanh thu cho điện ảnh Việt. Phim rời rạp với doanh thu 400 tỷ đồng. Lật mặt: 48h là phần thiếp theo của chùm phim Lật mặt rất thành công do Lý Hải đạo diễn. Phim thu 150 tỷ đồng sau hai tuần khởi chiếu. Cả hai tác phẩm đều đã được phát hành tại thị trường quốc tế.
Sau Lật mặt: 48h, Lý Hải đã sẵn sàng làm tiếp phần thứ 6 cho thương hiệu điện ảnh ăn khách. Ảnh: Lý Hải Production. |
Bố già thành công khi ra rạp đúng thời điểm nhu cầu thưởng thức điện ảnh của khán giả đang dâng cao. Đà danh tiếng của web-drama rất thành công trước đó kết hợp tên tuổi của dàn diễn viên chính giúp Bố già dễ dàng gây chú ý ở bước đầu. Tiếp đến, nội dung phim bình dân, dễ xem dễ cảm mang màu sắc melodrama đánh mạnh vào cảm xúc của khán giả tạo hiệu ứng truyền miệng giúp tầm ảnh hưởng của phim dễ dàng mở rộng.
Lật mặt: 48h lại là cái tên đến từ thương hiệu điện ảnh nhiều phần với tuổi đời ngót nửa thập kỷ. Khán giả không còn xa lạ với Lý Hải hay Lật mặt, nhưng họ vẫn sẵn sàng ủng hộ Lật mặt: 48h một cách nhiệt tình vì những giá trị mà chỉ anh và loạt phim mang lại.
Với thương hiệu Lật mặt, Lý Hải cam kết đem đến cho khán giả một bộ phim, có thể hay có thể dở nhưng luôn cho thấy cái tâm cùng nhiệt huyết của những con người ở cả trước và sau máy quay. Kế đến, là sự mới lạ. 5 phần phim Lật mặt của Lý Hải cho thấy năng lực sáng tạo của anh ở 5 thể loại với 5 câu chuyện khác nhau.
Nói cách khác, khán giả sẽ luôn đón chờ phần phim Lật mặt tiếp theo bởi họ không biết điều đang chờ đợi mình là gì. Điều duy nhất họ biết chắc chỉ là chất lượng bộ phim sẽ không làm mình thất vọng. Đây chính là yếu tố then chốt làm nên thành công của Lật mặt: 48h và dự báo thành công của phần phim Lật mặt 6 đang được ấp ủ.
Trạng Tí phiêu lưu ký và Thiên thần hộ mệnh là hai tác phẩm mới nhất của điện ảnh Việt, ra mắt vào cuối tháng 4. Đây là các phim phục vụ khán giả trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Các tác phẩm đến từ hai đạo diễn danh tiếng của điện ảnh Việt là Phan Gia Nhật Linh và Victor Vũ cũng chịu số phận thay đổi kế hoạch phát hành nhiều lần vì ảnh hưởng của Covid-19.
Trạng Tí phiêu lưu ký là cái tên quen thuộc với khán giả đại chúng bắt nguồn từ những ồn ào trên Internet. Tác phẩm của Ngô Thanh Vân nhắm vào nhóm đối tượng chính là thiếu niên và nhi đồng. Về tổng thể, phim được làm chỉn chu tuy ý tưởng không mới mẻ.
Kịch bản Trạng Tí phiêu lưu ký vay mượn ý tưởng từ nhiều bom tấn điện ảnh quốc tế. Ảnh: Studio68. |
Thiên thần hộ mệnh đánh dấu sự trở lại của Victor Vũ với các câu chuyện hậu trường showbiz. Kịch bản phim dày dặn, với nhiều lớp lang sự kiện và các cú lật ngược tình huống gây bất ngờ. Tác phẩm có điểm nhấn mang tính thời sự là văn hóa cưỡng bức, nhưng cái kết lại sa đà theo hướng kết tội nạn nhân. Phim cũng cho thấy sự bối rối của đạo diễn khi sau bao năm vẫn chỉ kể được câu chuyện góc khuất showbiz qua góc nhìn của hai cô gái với các mâu thuẫn cạnh tranh tiềm tàng.
Trong các phim đã phát hành nửa đầu 2021, ngoại trừ Võ sinh đại chiến, Trạng Tí phiêu lưu ký và Thiên thần hộ mệnh là các tác phẩm có thời gian trụ rạp ngắn nhất. Không tính các suất chiếu sớm, mỗi bộ phim chỉ ra rạp trong vòng chưa đầy một tuần, thậm chí chỉ 3 ngày tại TP.HCM.
Theo thống kê, tính tới thời điểm rạp chiếu phim tạm thời đóng cửa, Trạng Tí phiêu lưu ký đã thu khoảng 25 tỉ đồng còn Thiên thần hộ mệnh là 43 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa giúp hai tác phẩm với vốn đầu tư lần lượt trên 45 tỷ đồng và 30 tỷ đồng chạm tới điểm hòa vốn.
Theo Zing.vn