Startup đầu tiên xuất hiện ở Shark Tank tập 10 là nữ doanh nhân duyên dáng người Mường: Nguyễn Thị Thu Hoa. Chị là nhà sáng lập công ty Trường Foods chuyên sản xuất và phân phối thịt chua – đặc sản của mảnh đất Phú Thọ. Chị đến để kêu gọi số vốn đầu tư là 15 tỷ cho 10% cổ phần.
Khởi nghiệp năm 18 tuổi, khi ấy chị Hoa không có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng với mong muốn lan tỏa được đặc sản địa phương và mang đặc sản thịt chua đến mọi miền Tổ Quốc, chị đã tìm tòi học hỏi và tạo ra được công thức sản xuất thịt chua hàng loạt nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng. Bên cạnh đó chị tập trung phát triển kênh phân phối và đến hiện tại thì đã có gần 5.000 điểm bán, chiếm 40% thị phần thịt chua tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty từ năm 2015 đến năm 2022 trung bình là 30% trên 1 năm. Đến năm 2021 doanh thu của công ty đã đạt 52 tỷ/năm. Mục tiêu của Trường Foods là đến năm 2025 doanh thu sẽ đạt 420 tỷ và trở thành thịt chua số Một tại Việt Nam.
Startup chia sẻ thêm, lúc được mẹ bàn giao là theo kiểu truyền thống, thịt ngon nhất chỉ để được 10-15 ngày. Còn hiện tại thịt của công ty chị bảo quản được 2 tháng mà không hề sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để ra được công thức này, Startup cho biết đã đổ không biết bao nhiêu thịt xuống sông rồi.
Lợi nhuận của doanh nghiệp Trường Foods được tiết lộ là 13%/năm. Sản phẩm đạt ISO của chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Thọ. Thời gian đầu công ty lấy thịt tươi nóng của dân ở bản địa nhưng khi phát triển công nghiệp như hiện tại, công ty lấy của Meat Deli và các nhà cung cấp thực phẩm sạch.
Trong 5.000 điểm bán của công ty, có gần 60% nằm tại Phú Thọ, còn lại là ở các tỉnh lân cận. Mục tiêu của công ty là nếu có thêm nguồn lực của các Shark, đến năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai sản xuất thêm các mặt hàng từ thịt lợn hoặc cùng ngành kênh phân phối hiện tại đang làm. Kênh hiện tại của công ty là kênh quán nhậu vì công ty có cả nem chua. Vì là khởi nghiệp nên nguồn lực công ty chưa nhiều, vì vậy nên Thu Hoa tập trung nguồn lực miền Bắc trước, sau đó sẽ lan tỏa vào miền Trung và miền Nam.
Khi được Shark Erik Jonsson hỏi có kế hoạch xuất khẩu đến châu Âu hoặc Mỹ không, Startup cùng các Shark còn lại cho biết khó có thể xuất khẩu.
Shark Erik Jonsson cho rằng Startup trẻ và rất ấn tượng, thông minh và chủ động. “Anh ở Việt Nam lâu rồi và nghĩ rằng Việt Nam có nhiều đặc sản rất ngon, rất đặc biệt, nên xuất khẩu đến châu Âu, đến Mỹ. Anh có kinh nghiệm về hỗ trợ startup Việt Nam go global (ra thế giới) nhưng mà vấn đề là em không thể go global với anh cho nên vì vậy anh không thể đầu tư”, vị “cá mập” Thụy Điển ra quyết định.
Khi Shark Bình hỏi về cách chống hàng giả, hàng nhái, Startup cho biết sản phẩm có khuôn riêng, trên thân hộp và nắp đều khắc tên của Trường Foods. Và kế hoạch đồ nhậu thì công ty đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp một bộ thương hiệu riêng. Cũng có vài bên làm thương hiệu nhưng chuyên về kênh đồ nhậu thì chưa có nhiều. Nên công ty muốn mở rộng nhà máy, làm kênh phân phối về mặt hàng đồ nhậu. Doanh số của nhà phân phối ở kênh đồ nhậu hiện đang rất tốt.
Shark Hưng chia sẻ mình có bia IBiero rất nổi tiếng, hiện nay doanh số hàng trăm tỷ, cao hơn rất nhiều so với Startup, lợi nhuận cũng rất cao, vậy mà giá trị doanh nghiệp của ông chỉ bằng 1/3 của Trường Foods. “Tôi nghĩ là thôi bạn có 8 tỷ, tôi bỏ ra 15 tỷ, tôi bỏ ra gấp đôi đáng nhẽ là tôi phải 7 phần bạn 3 phần nhưng mà bây giờ chia đôi 50/50, hay thôi cho bạn 55%, tôi 45% cổ phần.” Shark Hưng đề xuất deal.
Shark Liên rất mong muốn đi cùng với Startup để kiểm soát vấn đề chất lượng đầu vào. “Tôi giúp bạn phát triển vào thị trường và thị phần của bạn có thể đi đến 63 tỉnh thành trên cả nước. Tôi chốt lại là 15 tỷ cho 49%.” Shark Liên cũng đưa ra deal bà muốn.
Shark Bình nêu các nguyên tắc của mình trong hợp tác làm ăn: Nguyên tắc “3 TH”, đầu tiên là thông tin là phải thật thà, trao đổi thẳng thắn, tinh thần thông thoáng. Ông cho rằng Startup có vẻ đạt được cái 3 TH. “Ngành thực phẩm chưa bao giờ là thế mạnh hay là mối quan tâm của anh trước đây, nhưng lại có 1 điểm chung là anh cũng thích nhậu… Có thể nói đây cũng liên quan đến sở thích cá nhân, cùng với một số thông tin của em cung cấp, anh offer 15 tỷ đầu tư cho 35% cổ phần.”
Shark Hùng Anh cũng tham gia vào cuộc chơi. “Công sức bạn bỏ ra trong 10 năm qua cũng khá lớn nên mình sẽ offer 15 tỷ đổi lấy 30% cổ phần”.
Shark Hưng muốn bàn thêm về deal của mình. “Tôi không hạ tỷ lệ. Nếu cam kết của em đến 2025 đạt được 420 tỷ doanh số và lợi nhuận đạt được khoảng 12-13% thì tôi sẽ tặng lại bạn 1 tỷ lệ tương ứng với kết quả đạt được của bạn up to 10%. Tặng ngược lại nếu bạn đạt được KPI như bạn cam kết. Tôi chỉ cần giữ 35 thôi.”
Shark Hùng Anh mở két vàng lấy ticket. Ông cho rằng bây giờ chỉ có ai có ticket này với giá cao hơn ông thì mới được làm việc với Startup.
Shark Liên cũng nhắc lại nếu Startup nhận deal của bà thì bà với Shark Hưng sẽ cùng đồng hành.
Thu Hoa hơi nghẹn ngào khi chia sẻ rằng gần như là cả tuổi thanh xuân, tâm huyết của chị đều dành cho sản phẩm thịt chua này. Khi chị bắt đầu khởi nghiệp, thịt chua thì chưa có nhiều nhưng tất cả các hãng đều rẻ hơn so với Trường Foods vì chị phải đảm bảo chất lượng đầu vào, tất cả mọi thứ. Đến thời điểm hiện tại thịt chua của chị đang đắt hơn thị trường 20-25% nhưng sản phẩm vẫn đang chiếm được 40% thị phần. Chị rất tự tin vào chất lượng sản phẩm cũng như mục tiêu sắp tới đã đề ra chắc chắn sẽ đạt được. Chị mong các Shark xem xét lại deal.
Trong khi các Shark đưa ra thêm ý kiến, Shark Hùng anh “nhắc nhẹ” rằng ông có Golden Ticket nên đúng theo nguyên tắc của luật chơi, chỉ 1 mình ông được đàm phán với Startup thôi.
Điều này đã khiến Shark Bình cũng phải đứng lên đi lấy Golden Ticket để tham gia vào cuộc chơi này. “Anh sẽ ghi cái Golden Ticket này cho em 200 triệu, giành quyền deal với em”, ông hào phóng cho biết.
Shark Bình cho biết ông cũng sẽ mời Shark Hùng Anh tham gia cùng deal này. “Em có quan sát nãy giờ anh ăn nhiều nhất không? Có thể nói đây là 1 cái deal đầu tiên trong ngành thực phẩm anh tham gia trong Shark Tank và trong cả sự nghiệp đầu tư của anh. Vì sao mà lại 35%? Anh muốn là tham gia sâu với Startup trong việc thúc đẩy sản phẩm này tiêu thụ trong nước và đồng thời là mong muốn tìm thêm những cái long mạch khác làm sao để biến công ty này thành thực phẩm có nhiều portfolio (danh mục) sản phẩm hơn nữa, đặc biệt nhắm đến thị trường dân nhậu mà anh cũng là 1 thành phần. Anh nghĩ là 35% là con số hợp lý để ít nhất là Shark còn có tiếng nói ở trong công ty.”
Thu Hoa xin đàm phán với deal là 15 tỷ cho 15% cổ phần. Shark Bình cho rằng 15% quá thấp, 30% là hợp lý.
Startup tiếp tục không đồng ý. “Deal cuối cùng mà em chốt là 15 tỷ cho 15% cổ phần ạ. Thực sự là em tự tin về việc nếu các Shark đi cùng với em, em có thể là làm được đúng như mục tiêu cam kết.”
Shark Bình đưa ra con số 25% nhưng Thu Hoa đàm phán mức 15 tỷ cho 20% cổ phần.
Shark Bình đồng ý 15 tỷ cho 20% cổ phần kèm theo điều kiện là Startup sẽ phải đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giống như đã nói.
Sau khi thương vụ thành công, Thu Hoa chia sẻ thêm rằng, “Thật sự tôi rất vui và hạnh phúc. Đầu tiên Shark Hùng Anh mở két là tôi đã thấy gần như vỡ òa rồi. Người này thực sự muốn đầu tư cho mình. Tiếp tục Shark Bình lại mở két thì tôi lại càng cảm thấy, à chắc chắn là mình đã được đầu tư rồi. Vui, niềm vui không biết tả như nào cho hết”.
Nguyễn Anh Tuấn – Sáng lập và Điều hành của Elite Meta đã mở đầu phần giới thiệu của mình bằng việc mời các Shark trải nghiệm công nghệ Metaverse đối với việc tham gia lớp học trực tuyến. Anh vào thẳng vấn đề với từ khóa “Metaverse” – được coi là ‘trend’ – xu hướng của ngành công nghệ hiện nay. Anh Tuấn đưa ra kế hoạch gồm 3 bước: bước 1 – xây dựng các lớp học để học sinh, sinh viên, người lớn tuổi có thể học tập và làm việc trong không gian đó, bước 2 – xây dựng các trường học có đủ chức năng. Cuối cùng là bước 3 – xây dựng một thành phố giáo dục, song song với phát triển 1 Marketplace (chợ trực tuyến) để mua bán trao đổi các NFT của các công cụ giáo dục, vật phẩm sáng tạo của các sinh viên tạo ra.
Anh Tuấn cũng đưa ra các con số thống kê hiện tại: Việt Nam chi ra khoảng 5,9% GDP tương đương với khoảng 16 tỷ đô la 1 năm cho giáo dục và con số đó còn gấp khoảng 100 lần trên thế giới. Do đó, thị trường phát triển Metaverse trong giáo dục có thể nói là khổng lồ. Elite Meta cũng đã làm việc với một số trường Đại học trong nước và quốc tế để đưa công nghệ này vào việc giảng dạy. Dựa vào quan điểm và hướng phát triển đó, Tuấn Anh gọi vốn 100 nghìn đô la cho 1% cổ phần công ty.
Tuy vậy khi được Shark Bình hỏi về doanh thu, Tuấn Anh thừa nhận công ty hiện chưa có và doanh thu dự kiến sẽ đến từ 2 nguồn: việc cho thuê các lớp học ảo, hợp tác và ăn chia % với các cơ sở giáo dục. Shark Hưng đưa ra ý kiến cho rằng lớp học ảo chỉ tăng tính trải nghiệm thú vị cho người dùng chứ không làm thay đổi nội dung và hành vi của đối tượng tham gia. Startup giải thích thêm rằng họ có 2 mô hình: học ‘chay’ và học với giáo viên giảng bài như bình thường.
Là một người quan tâm và am hiểu về công nghệ, Shark Erik lập tức đặt ra câu hỏi về việc so sánh sản phẩm của Startup với Google. Anh Tuấn cho rằng thị trường của các ‘ông lớn’ như Google, Facebook là toàn cầu và dùng những nền tảng không có quá nhiều tùy biến để sử dụng phổ cập cho người dùng. Còn nền tảng Metaverse Edu sẽ chủ yếu phục vụ cho lĩnh vực giáo dục nên các tùy biến trong mô hình này sẽ tốt hơn.
Shark Liên cũng bày tỏ sự quan ngại khi Startup phải đối mặt với những ‘ông lớn’ và bà muốn biết thế mạnh của công ty là gì. Với câu hỏi này, Tuấn Anh chia sẻ rằng anh là 1 Kiến trúc sư có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất cao cấp. Anh cùng đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới để nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử văn hóa. Những kiến thức cùng kinh nghiệm của anh được áp dụng cho đồ họa trong ứng dụng này. Tuấn Anh chỉ ra rằng các nền tảng hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa đồ họa Game và đồ họa Kiến Trúc gây ra sự mệt mỏi cho người sử dụng bởi não bộ sẽ phản ứng lại những gì không quen thuộc trong cuộc sống bình thường. Đồ họa của công ty anh được thiết kế chặt chẽ về tỷ lệ khuôn hình, màu sắc, chất liệu… Đây chính là điểm đặc biệt trong thời điểm hiện tại mà Elite Meta có thể hơn được những ‘ông lớn’. Bên cạnh đó, 1 trong số các đồng sáng lập của Elite Meta làm trong Accenture (Đức) – tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới và nắm chắc kinh nghiệm về lĩnh vực Metaverse. Tuấn Anh khẳng định rằng công ty của anh đang đi song song với Accenture về mặt công nghệ.
Shark Erik cho rằng mục đích cuối cùng của 1 công ty công nghệ giáo dục là giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, điều này anh chưa thấy Startup đề cập đến. Trả lời cho câu hỏi này, Tuấn Anh đưa ra quan điểm: “Hiệu quả học tập phụ thuộc và rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải thách, thích vào lớp thì học sẽ tốt”. Anh cũng đưa ra dẫn chứng về việc thử nghiệm tích cực MetaClass cho 100 học sinh tiểu học trong đó có con gái của anh. Đây cũng là giải pháp cho các gia đình không còn phải vất vả trong việc đưa con đi học mà có thể chuyển sang hình thức online.
Shark Bình khá thẳng thắn khi đưa ra nhận xét góp ý dành cho Startup. Theo anh những gì mà MetaClass đang làm là ‘bắt trend công nghệ’ – Metaverse. Shark Bình đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho việc Metaverse và các những trend gần đây gây ‘cơn sốt ảo’, thực chất là phức tạp hóa một vấn đề đơn giản và không đem lại bất cứ giá trị nào cho cá nhân người sử dụng. Shark Bình dẫn lời 1 CEO nổi tiếng của công ty chuyên phát hành và thiết kế game: “Tôi cũng không hiểu Metaverse là cái gì khi mà họ đang làm lại những thứ mà các công ty game đã làm cách đây 20 năm”. Bản thân ông thấy Metaverse vẫn là một khái niệm quá sớm và chưa hề chứng minh được tương lai. Đó cũng là lý do ‘ông trùm Facebook’ Mark Zuckerberg bị thị trường trừng phạt, cổ phiếu rớt thê thảm sau khi đổi tên Facebook thành Meta. Zoom, Google Meet cũng từng tăng gấp 10 giá trị cổ phiếu thời điểm dịch bệnh nhưng sau đó lại giảm 10 lần khi hết dịch.
Quay trở lại việc Tuấn Anh định giá công ty 10 triệu đô khi chưa có doanh thu, Shark Bình cho rằng việc mà Startup đang làm chính là điển hình cho việc phức tạp hóa một vấn đề đơn giản. CEO đang ‘đâm đầu vào một thứ mà thế giới còn chưa chứng minh được’. Dành một lời khuyên cho Tuấn Anh, Shark Bình tặng anh 16 chữ vàng mà ông đã học của Đặng Tiểu Bình: “Bình tĩnh quan sát – Giữ vững trận địa – Giấu mình chờ thời và đặc biệt quan trọng nhất: Quyết ko đi đầu”. Cùng với đó là quyết định không đầu tư từ Shark Bình.
Nghe xong phần góp ý, CEO Tuấn Anh chia sẻ về việc theo đuổi ước mơ. Hàng ngày thế giới tốn nhiều chục tỷ đô la để quảng bá về Metaverse, chưa bàn đến việc đúng hay sai nhưng nếu thiếu đi giấc mơ và chỉ đơn thuần ‘cơm áo gạo tiền’ thì xã hội sẽ không thể phát triển được. Bản thân Tuấn Anh cũng đã có kinh nghiệm 20 năm kinh doanh, sở hữu công ty doanh số 100 tỷ/năm nhưng anh sẵn sàng hi sinh vì giấc mơ của mình. “Em nghĩ rằng chúng ta nên có giấc mơ và phát triển cùng với thế giới bởi vì tương lai thì sẽ đến với những người có giấc mơ và nỗ lực làm việc” – Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Hùng Anh cũng khuyên Tuấn Anh nên bình tĩnh lại vì giấc mơ của anh có thể chưa đúng thời điểm này. Ông cũng từ chối đầu tư cho MetaClass.
Cuộc đối thoại giữa 3 người đàn ông đã khiến Shark Liên không thể ngồi yên. Mặc dù không đầu tư nhưng bà rất ủng hộ quan điểm của Nguyễn Tuấn Anh. Tự nhận bản thân là người lớn tuổi nhưng cũng rất thích và phải tìm hiểu về Metaverse, Shark Liên đánh giá rất cao việc Tuấn Anh ứng dụng Metaverse cho lĩnh vực giáo dục. Theo Shark Liên, cuộc đời phải có đam mê và ước mơ, có thể mơ được, cũng có thể không mơ được nên mới có người giàu – người nghèo, người thành công – người thất bại. Kể cả mình có thất bại thì cũng có những bài học rất giá trị. Việc Tuấn Anh đang làm chính là vượt qua nỗi sợ hãi và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau. Shark Liên cũng nhắn nhủ Startup hãy tiếp tục, đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình.
Đứng ở phía ‘trung lập’, Shark Hưng cho rằng đây là một sản phẩm tuyệt vời đứng ở góc độ công nghệ. Shark Hưng là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản nên ông dành cho Tuấn Anh lời khen về phần đồ họa kiến trúc đẹp hơn những thiết kế thông thường của các nền tảng Metaverse hiện nay. Lý do ông không đầu tư là bởi mô hình ứng dụng kinh doanh không phù hợp, ông khuyên Startup nên suy nghĩ thêm về điều này.
Shark Erik ở ngoài cuộc tranh luận về việc theo đuổi giấc mơ, ông vào thẳng vấn đề về chuyện định giá công ty có phần “ngáo giá” của Startup. Theo ông, mô hình kinh doanh của Meta Class vẫn phải hoàn thiện nhiều. Shark Erik đánh giá sản phẩm thú vị và có thể ứng dụng theo một vài cách khác. Ở nhà, con gái của ông cũng rất yêu thích Metaverse và ông gợi ý nên làm cách nào đó để các trò chơi mang tính giáo dục thay vì chỉ là một sự lãng phí thời gian. Shark Erik đưa ra đề nghị 100 nghìn đô la cho 15% cổ phần.
Sau khi nhận được lời đề nghị này, Tuấn Anh đưa ra quyết định cuối cùng: 100 nghìn đô la cho 10% cổ phần, tức là giảm định giá công ty 1/10 so với ban đầu và được Shark Erik đồng ý.
Như vậy Tuấn Anh và MetaClass đã trở thành deal đầu tiên của Shark Erik. Startup chia sẻ rằng mình cảm thấy rất tự hào về điều này. Thương vụ cũng chứng tỏ công ty đang đi đúng hướng và có thể tiến ra thế giới bởi Shark Erik rất am hiểu và có kinh nghiệm về công nghệ.
Startup tiếp theo xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 10 là VECA – ứng dụng kết nối người thu mua ve chai với người bán ve chai.
Theo giới thiệu của hai nhà sáng lập Đỗ Minh Trang và Bùi Thế Bảo, ứng dụng VECA giúp người tiêu dùng chủ động về thời gian, minh bạch về giá cả. Ứng dụng được xây dựng với mong muốn giúp người mua ve chai tăng khối lượng thu mua, tăng đơn hàng, từ đó cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn. Ứng dụng này cũng có thể kết nối để đem lại nguồn cung vững chắc hơn cho các thành phần khác của hệ sinh thái tái chế như các đơn vị xử lý hoặc các nhà máy tái chế.
Hai nhà sáng lập VECA chỉ ra điều phi lý và lãng phí trên thị trường phế liệu Việt Nam hiện nay. Phế liệu là thị trường tỷ đô nhưng tỷ lệ thu hồi và tái chế ở Việt Nam chưa cao. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong các quốc gia đang xả thải ra môi trường biển nhưng hàng năm phải nhập hàng triệu tấn phế liệu nhằm mục đích sản xuất.
Đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 7 tỷ cho 15% cổ phần, VECA kỳ vọng 10 năm sau nhìn lại sẽ thấy các Shark đã làm được gì cho ngành môi trường Việt Nam.
“Sau 10 năm thì các Shark sẽ thu lại được gì?”, Shark Bình thắc mắc.
Thế Bảo cho biết chắc chắn 5 năm sẽ hoàn vốn bằng cổ tức. Cung cấp thông tin chi tiết hơn về bức tranh tài chính, hai nhà sáng lập VECA cho biết doanh thu trong vòng 6 tháng, tính từ tháng 12/2021 đến hiện tại là 1,56 tỷ. Doanh thu này đến từ hai nguồn là các chương trình thu hồi bao bì cho nhãn hàng và từ việc thu mua ve chai qua các trạm thu gom của VECA.
Ve chai thu mua sẽ được VECA bán lại cho các nhà máy tái chế và Startup “ăn” mức chênh lệch khoảng 10 – 12%. Doanh thu từ hoạt động này đạt 520 triệu, lãi 10%. “Nhưng chi phí vận hành đang lỗ khoảng 50 triệu”, Thế Bảo cho biết thêm.
Dự kiến năm 2022, doanh thu của VECA đạt 13 tỷ và vẫn lỗ. Thế Bảo chia sẻ năm thứ 2, VECA sẽ có nhu cầu gọi vốn khoảng 20 tỷ để xây dựng 15 trạm thu mua, lợi nhuận từ 2 – 3%, doanh thu 150 tỷ. Năm thứ 3 có nhu cầu gọi vốn 55 tỷ để xây dựng 50 trạm thu mua phế liệu, doanh thu khoảng 500 tỷ và lợi nhuận từ 4 – 6%.
Dự định này của Startup khiến Shark Hưng băn khoăn: “7 tỷ bạn trả chúng tôi 15%. Sau đó bạn tăng lên 22 tỷ. Sau đó bạn tăng lên 55 tỷ thì 7 tỷ của chúng tôi lúc ấy nó còn bé tí. Lúc ấy chúng tôi chỉ còn khoảng 1%”. Tính toán nhanh dựa trên con số mà Startup đưa ra, Shark Hưng cho biết tổng lợi nhuận sau 4 – 5 năm khoảng 30 tỷ mà các Shark được 1% trong số đó. “Lấy đâu ra mà hoàn vốn?”, ông thắc mắc.
Tiếp đó, Shark Liên đặt câu hỏi về lý do người dùng cần sử dụng app VECA, Minh Trang cho biết ngay cả khi phân loại rác ở nhà thì vẫn để chung vào một xe rác. Số lượng thu gom giấy và nhựa chỉ chiếm khoảng 20%. 80% vẫn còn nằm trong rác hoặc thất thoát ra môi trường.
Hiện tại VECA đã hoạt động được 6 tháng và có mặt tại 12 quận TP. HCM. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để gọi người mua ve chai. Người mua ve chai có một ứng dụng riêng như mô hình xe công nghệ.
Hai nhà sáng lập cho biết trung bình mỗi tháng ứng dụng VECA có 1.500 lượt tải. Hiện nay VECA đã có tổng cộng 29.000 lượt tải và khoảng 6.000 giao dịch.
Chia sẻ về phương án tăng lượng người dùng, Minh Trang cho biết: “Bọn em tiếp cận qua mạng xã hội. Bọn em cũng làm những chương trình đến tận chung cư, khuyến khích dân chung cư mang rác xuống và đổi lấy quà hoặc bán lấy tiền”.
Shark Bình phân tích và chỉ ra “điểm yếu chí mạng” trong mô hình kinh doanh của startup khi phát triển ứng dụng theo mô hình sharing economy (kinh tế chia sẻ). Lấy ví dụ về các hãng xe công nghệ, Shark Bình cho biết thời gian đầu họ bỏ rất nhiều tiền marketing để thu được tài xế và khách hàng đi. Điểm mạnh của các hãng này là sau khi khuyến mại cho người dùng thì tần suất sử dụng dịch vụ gọi xe rất cao. Một ngày có thể gọi vài lần nên họ có thể nhanh chóng thu lại lợi nhuận.
“Yếu điểm của em là tần suất khách hàng sử dụng dịch vụ bán ve chai. Anh nghĩ một năm người ta có thể chỉ gọi bán ve chai khoảng một vài lần”, Shark Bình nói.
Shark Hưng thì nhận định thực chất startup chính là người đi thu gom ve chai. Startup thông qua app để phát triển mạng lưới những người thu mua giúp và sau đó bao tiêu đầu ra cho họ.
Trước câu hỏi của Shark Bình về cách cạnh tranh với các vựa thu mua ve chai khác khi họ chỉ cần chạy quảng cáo Google hoặc Facebook mà không mất công xây ứng dụng, không mất tiền để acquire (thu hút) người dùng tải ứng dụng, Minh Trang cho biết thế mạnh của VECA là có thể thu hồi những thứ ve chai thông thường không thể thu hồi.
“Ví dụ như vỏ hộp sữa giấy này. Nó đang được xem là rác. Nhưng qua tụi em nó sẽ trở thành những món quà đổi. Tụi em hợp tác với nhãn hàng để thực hiện chương trình thu gom cái này”, Minh Trang tiết lộ.
Shark Hưng bày tỏ băn khoăn trước trường hợp người thu gom ve chai có thể dùng ứng dụng để thu mua nhưng không bán lại cho Startup. Ngoài ra, ứng dụng sẽ phân bổ thông tin cho người thu gom ve chai theo nguyên tắc định vị, nhanh, tiền cao hay giá rẻ.
Thế Bảo cho biết định vị của Startup là liên quan tới những ngành có khả năng minh bạch về giá và xác định được giá của nó là bao nhiêu. Startup của anh hiện đang theo hướng thu mua ve chai, còn các thiết bị điện tử trong tương lai sẽ triển khai.
Anh cũng cho biết, đến với Shark Tank anh muốn có thêm kết nối để đẩy nhanh tiến trình của mình như từ vựa đến nhà máy tái chế.
Shark Liên, Shark Hưng, Shark Bình và Shark Erik lần lượt từ chối đầu tư cho VECA.
Shark Bình cho biết, ông ủng hộ ứng dụng dưới góc độ doanh nghiệp xã hội vì môi trường. Tuy nhiên xét ở khía cạnh kinh doanh, kiếm lợi nhuận, mô hình kinh doanh của startup không đủ hấp dẫn khi tần suất sử dụng ứng dụng của khách hàng thấp và bình quân doanh thu của ve chai cũng thấp.
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Erik cho biết ông đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm và thị phần của startup phải đủ lớn để ông có được hiệu quả đầu tư như mong muốn.
Còn lại Shark Hùng Anh, ông đánh giá ứng dụng này hấp dẫn. Tuy nhiên, việc Startup yêu cầu nâng vốn liên tục qua từng năm sẽ gây thiệt hại cho Shark khi bị giảm cổ phần nếu không đáp ứng được yêu cầu tăng vốn. “Cho nên trong 7 tỷ này tôi sẽ lấy 49% cổ phần để mục tiêu kiểm soát bạn tăng vốn vô tội vạ”, Shark Hùng Anh cho biết.
Thế Bảo cho biết số cổ phần tối đa mà Startup của anh có thể chia sẻ là 20%. Chính vì vậy anh từ chối lời đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh.
Xuất hiện cuối cùng trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 10, Ngô Việt Bắc kêu gọi đầu tư 1 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần cho Startup Ultima.
Nhà sáng lập Ultima cho biết, Startup của anh cung cấp dịch vụ rửa xe tại hầm. Để triển khai dịch vụ của mình, Startup đưa ra hai luồng công việc chính. Thứ nhất là chuyển đổi số. Thay vì phải mất vài tiếng đồng hồ đánh xe đi rửa thì khách hàng chỉ cần bỏ ra khoảng 30 giây quét mã QR và đặt dịch vụ rửa xe tại hầm. Thứ hai là chuyển đổi xanh. Startup của anh chọn sản phẩm là chai xịt nano chăm sóc xe Ultima. Sản phẩm này đã được 4 tổ chức IARC, NTP, OSHA, EPA phê duyệt để được dán nhãn xanh môi trường Eco friendly.
Chia sẻ sâu hơn về tính năng quét mã QR đặt dịch vụ, Việt Bắc cho biết khách hàng sẽ nhập biển số xe. Sau 30 phút đã có người đến vệ sinh xe sạch sẽ. Mã QR này còn đem lại tiện ích cho khách đến tòa nhà có thể xem bản đồ của tầng hầm, các gian hàng tòa nhà, qua đó xác định được đường đi tương đối thay vì phải mất thời gian tìm kiếm trong tầng hầm.
Dịch vụ rửa xe của Ultima có giá 33.000Đ/lượt/tháng với khách hàng đăng ký theo gói, giá lẻ mỗi lượt là 70.000Đ. Tiền dịch vụ được chia ra làm 4 phần gồm chi phí cho nhân công, vật tư, văn phòng và truyền thông quảng cáo. Phần nào tiết kiệm được sẽ là lợi nhuận.
Shark Bình bày tỏ quan ngại về việc khách hàng ngày nào cũng quét mã QR hoặc lạm dụng hệ thống. Việt Bắc cho biết, sẽ có tỷ lệ khoảng 10 – 20% khách hàng không sử dụng dịch vụ vì rơi vào các ngày cuối tuần hoặc những ngày khách quên. Về trường hợp khách lạm dụng hệ thống, Startup kiểm soát theo biển số xe. Mỗi biển số xe chỉ được làm dịch vụ một lần trong ngày.
Việt Bắc cũng chia sẻ dọn rửa nội thất là điểm giới hạn của dịch vụ bởi khi đó cần có sự đồng ý của chủ xe để lấy và trao trả chìa khóa. Dịch vụ chính của anh là muốn khách hàng không phải bàn giao chìa khóa mà có thể yên tâm đi ngủ. Xe đỗ dưới hầm sẽ có nhân viên đến tận nơi xử lý. Ultima có liên kết với tòa nhà để nhân viên có thể ra vào hầm gửi xe. Đổi lại, Startup sẵn sàng chia sẻ doanh thu dịch vụ.
Sản phẩm rửa xe của Ultima sử dụng polydimethylsiloxane – chất đang được sử dụng làm kem chống nắng. Hoạt chất này khi xịt lên bề mặt sẽ bao bọc lấy chất bẩn, làm yếu liên kết. Các hạt bẩn như bùn đất chỉ cần lượng đủ của dung dịch xịt lên thì có thể lau đi một cách dễ dàng. Dịch vụ của Ultima có thể xử lý bùn đất bám trên thân vỏ. Tuy nhiên, Việt Bắc thừa nhận dịch vụ không thể làm sạch phần gầm xe.
Việt Bắc cũng chia sẻ, hiện tại Startup của anh đang thử nghiệm quy trình chứ chưa được triển khai mã QR.
Shark Hưng cho rằng việc vào hầm rửa xe sẽ gặp phải ba vấn đề như khó thuyết phục bảo vệ cho người lạ vào hầm; việc rửa xe sẽ tạo ra lượng chất thải, bụi cát làm bẩn tầng hầm và khó thuyết phục khách hàng giao xe.
Đồng tình với nhận định của Shark Hưng, Việt Bắc cho biết tiêu chí của anh muốn khách hàng không phải bàn giao tài sản bên trong. Về việc làm bẩn tầng hầm khi vệ sinh xe, anh khẳng định là không. Toàn bộ chất bẩn, chất thải trên xe sẽ được lưu lại trên khăn.
Để đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn trong tầng hầm, tất cả các nhân viên đi làm dịch vụ đều phải đeo bodycam (máy quay đeo trên người). Toàn bộ quá trình làm việc từ lúc đặt chân đến tầng hầm cho đến khi bước ra khỏi tầng hầm sẽ được lưu lại trên cloud. Ngoài ra, Ultima cũng tạo ra một bản đồ số cung cấp vị trí nhân viên để tòa nhà kiểm soát được. Ultima cũng gửi danh sách để cung cấp số lượng và thông tin nhân viên đến tầng hầm làm việc.
Trả lời các câu hỏi của Shark Erik về thị trường, Việt Bắc cho biết Startup của mình đang phân phối độc quyền sản phẩm Ultima tại Việt Nam. Còn dịch vụ rửa xe sẽ được triển khai ở Hà Nội. Thời gian vừa rồi Startup của anh mới nghiên cứu về sản phẩm.
Khi được hỏi về kế hoạch mở rộng thị trường, Việt Bắc cho biết anh muốn đưa dịch vụ đến tầm đủ tốt để phục vụ cho khách hàng ở Hà Nội trước, sau đó mới đến các thành phố khác.
“Nếu đầu tư các bạn cần có 1 tỷ này ngay bây giờ à? Để làm gì?”, Shark Hưng đặt câu hỏi
“Em rất muốn có sự hỗ trợ đồng hành của các Shark trong việc làm việc với các tòa nhà. Đấy là bước đi quan trọng nhất đối với startup ở thời điểm này”, Việt Bắc bày tỏ. Anh cũng cho biết mình đã qua giai đoạn xây dựng mô hình sản phẩm.
“Nhưng mà chưa có khách hàng, chưa có trải nghiệm, chưa có một cái gì cả”, Shark Liên nêu quan điểm.
Shark Hưng và Shark Bình thì cho rằng Startup bán nước rửa xe cho các chủ xe tự lau rửa còn lời hơn làm dịch vụ rửa xe.
Trong khi đó, Shark Hùng Anh nhận định, Startup đang ở mức ý tưởng, chưa chứng minh được về mô hình kinh doanh. Vì vậy ông quyết định không đầu tư.
Về phía Shark Hưng, ông nêu ý kiến: “Tôi đang nhìn thấy nếu như bạn làm dịch vụ rửa xe, tôi tìm được nước rửa xe này, tôi nói lái xe hay ai đó tìm mua rồi về tự rửa, thế là bạn mất luôn mối. Vì bạn độc quyền nên có khi đấy là cái trick (mẹo). Những khách mà cứ tưởng là khôn hơn bạn hóa ra lại mắc bẫy của bạn là tìm mua cái nước này chứ không phải mua dịch vụ”. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo các Shark nhìn thấy thì khách hàng cũng sẽ nhìn thấy.
“Có điều là mô hình kinh doanh sẽ khác. Trong trường hợp đó, nó không còn là câu chuyện đầu tư vào dịch vụ. Chuyển đổi số cái này cũng hay nếu có thể kiểm soát được doanh thu doanh số. Mệt mỏi nhất là đi kiểm soát doanh số của các startup mình đầu tư vào, nhất là dịch vụ cá nhân, không phải dịch vụ B2B hay mang tính nền tảng”, Shark Hưng phân tích và quyết định không đầu tư.
Shark Bình phân tích 3 điểm yếu trong mô hình kinh doanh của Startup. Ông đánh giá startup đang đi vào thị trường “ngách của ngách của ngách”, mô hình kinh doanh vẫn còn tranh cãi và có khả năng bị lỗ nếu không kiểm soát được các chi phí ẩn như thuê nhân viên đi lại, trả phí cho tòa nhà, bảo vệ. Shark Bình cũng quyết định không đầu tư cho startup.
Shark Erik chia sẻ thị trường của startup rất tiềm năng khi tầng lớp Millennials ở thành thị tăng nhanh. Mô hình kinh doanh này cũng đã được chứng minh ở nước ngoài nên ông cho rằng rất đáng đầu tư.
“Tuy nhiên có một điều mà bạn nói, bạn đang chờ để nhân rộng ra sau khi đã thành công ở Hà Nội. Tôi phải nói với bạn rằng, quyết định đúng ở ngày hôm nay luôn tốt hơn quyết định hoàn hảo vào ngày mai. Thế nên đừng chần chừ quá lâu”, Shark Erik khuyên. Vì đã đầu tư vào một startup tương tự nên ông quyết định từ chối ra deal cho thương vụ này.
Còn lại Shark Liên, bà chia sẻ: “Giống như tôi nói với bạn. Bạn lên gọi đầu tư mà tôi không nhìn thấy có gì để kêu các Shark đầu tư vào. Mọi thứ tôi muốn phải rõ ràng. Vì thế tôi không đầu tư nhưng tôi vẫn ủng hộ bạn”.
Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 10