Ngày 6/12, công ty quản lý xác nhận SGO48 tan rã sau 3 năm hoạt động. Là nhóm nhạc chị em của AKB48 – một trong những girl group nổi tiếng nhất Nhật Bản – SGO48 được kỳ vọng nổi tiếng và hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, giấc mơ ấy cuối cùng cũng tan vỡ trước thực tế khốc liệt của thị trường âm nhạc Việt.
Một trong những nhóm thất bại nhất trong hệ thống AKB48
SGO48 là nhóm thứ 6 của AKB48 được quảng bá ở khu vực châu Á. Trước khi SGO48 ra đời, AKB48 đã có nhiều nhóm chị em như SKE48, SDN48, NMB48, HKT48 tại Nhật Bản, JKT48 (Indonesia), BKN48 (Thái Lan)… Những nhóm kể trên đều hoạt động thành công, hiệu quả.
AKB48 do Akimoto Yasushi sáng lập năm 2005. Theo Oricon, tính đến tháng 4/2019, nhóm đã bán được hơn 60 triệu đĩa. Ít nhất 35 đĩa đơn của AKB48 đã đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn hàng tuần của Oricon với 30 đĩa bán được hơn một triệu bản.
Đĩa đơn bán chạy nhất của họ Teacher Teacher đã bán được hơn 3 triệu bản trong năm 2018 theo Billboard. Từ năm 2010 đến năm 2020, các đĩa đơn của AKB48 đã chiếm ít nhất hai vị trí đầu tiên bảng xếp hạng đĩa đơn hàng năm của Oricon.
Thế hệ đầu tiên của SGO48 gồm 28 thành viên. Ảnh: YAG Entertainment.
Thành công của AKB48 là tiền đề để nhà sản xuất tự tin giới thiệu thêm hàng loạt nhóm nhạc hoạt động theo cách tương tự tại Nhật Bản. Trong đó, SKE48 đã có thâm niên 13 năm hoạt động, SDN48 là 11 năm, NMB48 và HKT48 là 10 năm.
BKN48 với thâm niên 4 năm hoạt động tại Thái Lan gần đây đạt vô số giải thưởng. Tại Thái Lan, nhà sản xuất giới thiệu thêm một nhóm chị em khác của AKB48 là CGM48 (được đặt theo tên và có trụ sở tại Chiang Mai). Đây là nhóm chị em trong nước đầu tiên của BNK48 và là nhóm chị em quốc tế thứ 9 của AKB48.
JKT48 ra mắt năm 2011 tại Indonesia là nhóm chị em đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản của AKB48. Ngày 11/1, nhóm loại 26 thành viên vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các hạn chế xã hội quy mô lớn do Chính phủ áp đặt. Họ chính thức rời nhóm vào giữa tháng 3/2021.
Hiện nhóm chỉ có 33 thành viên. Đây là lượng thành viên thấp kỷ lục với JKT48 kể từ tháng 11/2012. Trước khi rơi vào khủng hoảng vì đại dịch, JKT48 đã có nhiều năm hoạt động thành công rực rỡ.
Trong khi các nhóm chị em thành công rực rỡ, SGO48 lại tan rã chỉ sau 3 năm hoạt động. Đây là một trong những nhóm tan rã nhanh nhất trong hệ thống của AKB48. Ngoài SGO48, DEL48 (ra mắt năm 2019 tại Ấn Độ) cũng tan rã vì ảnh hưởng của dịch bệnh. MUB48 là nhóm sinh đôi của DEL48 tại Ấn Độ thông báo ra mắt năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Cái kết sớm được dự đoán
Cách thức hoạt động của SGO48 tương đồng các nhóm nhạc chị em trong hệ thống AKB48. Nhiều hoạt động của SGO48, chẳng hạn sự kiện Handshake dựa trên vé đính trong các album. Fan của thành viên Lệ Trang đã chi khoảng 167 triệu đồng mua album đổi lấy vé để đưa cô trở thành nữ hoàng của sự kiện này. Với các nhóm trong hệ thống AKB48, người hâm mộ mua album để đổi lấy vé ủng hộ thần tượng.
Tuy có doanh thu từ hàng nghìn album bán ra nhưng bằng đó chưa đủ để SGO48 duy trì hoạt động, đặc biệt với nhóm quá đông thành viên. Trong thông báo về việc tan rã, công ty quản lý cho biết lý do SGO48 ngừng hoạt động là ảnh hưởng của dịch bệnh.
SGO48 tan rã sau 3 năm ra mắt. Ảnh: YAG Entertainment.
“Từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, tất cả hoạt động của SGO48 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhận thấy tình hình tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động của nhóm trong thời gian sắp tới, công ty cùng các bên liên quan đã nhiều lần thảo luận và đi đến quyết định chính thức là dừng hoạt động SGO48”, công ty cho biết.
Thực tế, chưa kể tới ảnh hưởng của dịch bệnh thì các hoạt động của SGO48 cũng không hiệu quả dù đã ra mắt 3 năm. Công chúng chưa biết đến nhóm, thậm chí MV River chỉ đạt 1,3 triệu lượt xem sau 11 tháng đăng tải. Trong khi đó, MV Shonichi – Ngày đầu tiên chỉ đạt gần 304.000 lượt xem. Nhóm cũng chưa tham gia nhiều hoạt động biểu diễn và lượng tương tác trên mạng xã hội khá khiêm tốn.
SGO48 vẫn là một thương hiệu xa lạ trên thị trường âm nhạc Việt. Một trong những lý do khiến SGO48 khó bứt phá ở Vpop là âm nhạc không phù hợp xu hướng thị trường. Các ca khúc của SGO48 chủ yếu là phiên bản Việt các bài hát đã ra mắt ở Nhật Bản. Những bài hát đó có tiết tấu nhanh, sôi động và khó được ưa chuộng tại thị trường vốn nổi tiếng pop, ballad như Vpop.
Ngoài ra, theo Liz Kim Cương hay K.O nhóm UNI5 trao đổi với Zing, nhóm nhạc không được khán giả Việt ưa chuộng. Trong khi đó, cát-xê của nhóm nhạc chỉ tương đương ca sĩ solo dù mức đầu tư gấp mấy lần. Bởi thế, hầu hết nhóm nhạc tại Việt Nam ra mắt rồi nhanh chóng đường ai nấy đi. Do đó, với một nhóm nhạc quá đông thành viên như SGO48, việc duy trì, đầu tư sản phẩm là không dễ dàng.
Liz Kim Cương – cựu thành viên nhóm Lime – cho biết nhóm của cô phải đầu tư nhiều chi phí nhưng thu nhập thấp. Cô nói: “Chúng tôi bỏ ra 9 phần, chỉ nhận lại 4 phần. Có đam mê, ước mơ nhưng bởi bỏ ra nhiều, nhận lại không bao nhiêu nên chúng tôi cũng không thể tiếp tục theo đuổi”.
K.O – thành viên của UNI5 – đồng tình với chia sẻ trên. Anh cho biết: “Với nhóm nhạc, không chỉ đầu tư một người mà phải 5 thành viên. Sau 4 năm hoạt động, công ty đã bỏ ra cho chúng tôi số tiền đầu tư khá cao. Đến lúc này, chúng tôi hy vọng có được chỗ đứng và công chúng ghi nhận để sớm trả số tiền đầu tư. May mắn công ty không tạo áp lực bắt chúng tôi phải đi show nhiều hơn để sớm trả lại khoản tiền đầu tư”.
Erik: ‘Tham gia 10 cuộc thi, lần đầu tôi giành quán quân’ Erik vừa giành chiến thắng ở chương trình The Heroes. Nam ca sĩ cho biết anh hạnh phúc khi cuối cùng đã nhận giải quán quân sau nhiều cuộc thi.
Theo Zing.vn