logo
Thứ năm, 09/11/2023 18:16:16

Khi startup bỏ việc đáng mơ ước để khởi nghiệp: Người được tranh giành đầu tư, người ngậm ngùi ra về tay trắng


(Dispatch.vn) - Tập 4 Shark Tank Việt Nam vừa lên sóng vào tối 26/06/2022.

Startup đầu tiên đến với Shark Tank tập này là công ty cổ phần PATHLAND được đồng sáng lập bởi Vũ Đình Thìn và Nguyễn Phương Anh. Lĩnh vực kinh doanh của PATHLAND là cho thuê căn hộ trải nghiệm với thương hiệu Langmandi, bên cạnh đó còn tư vấn thiết kế, bán nội thất thiết kế thủ công với thương hiệu là A.M HOME. Startup đến chương trình để huy động số vốn là 3 tỷ cho 15% cổ phần công ty.

Theo Nguyễn Phương Anh, khi đi du lịch hay đi công tác, yếu tố đầu tiên mọi người lựa chọn sẽ là tiện ích, tiện nghi, cũng như vị trí của căn hộ lưu trú. Nhưng Langmandi lại mang đến thêm một trải nghiệm khác ngoài việc đáp ứng tất cả những yếu tố đó, chính là một không gian nghệ thuật hơn, ấm áp, gần gũi với đúng tinh thần là: “HÃY LÃNG MẠN ĐI!”

Startup cũng mời Shark Liên bước lên trải nghiệm một góc của một căn hộ có tên là Le Aube – Căn hộ của ánh sáng. Le Aube được mệnh danh là một căn hộ mà bất cứ một góc nào chúng ta giơ máy lên cũng có thể chụp được một tấm hình rất đẹp. Startup giải thích thêm rằng đây là một trong số những set điển hình của dịch vụ, và tất cả căn phòng của họ không có một căn phòng nào bị trùng nhau.

Shark Liên hỏi rằng nếu bà đến thuê một căn hộ của Langmandi thì có design theo phong cách của bà không, startup khẳng định là có thể. PATHLAND cho ra đời A.M HOME với việc là tư vấn thiết kế các sản phẩm. Từ việc thiết kế từ chăn ga, sofa, rèm cửa đến những bức tranh đều mang tới trải nghiệm: Vẫn là nhà của bạn nhưng đẹp hơn, thơ mộng hơn.

Khi Shark Hưng cho rằng mô hình giống với Airbnb, startup tự tin rằng họ hướng đi khác biệt hơn là không chỉ để ở mà để trải nghiệm những đồ vật thủ công, với những sản phẩm chăn, gối, ga, tất cả mọi thứ tự thiết kế, và outsource (thuê ngoài) một bên nữa để sản xuất.

Hiện tại startup đang hoạt động theo hai hình thức: một là tự đứng ra thuê rồi kinh doanh, hai là hình thức nhượng quyền. Hiện tại họ đang có 28 căn hộ nhượng quyền.

Khi được hỏi tìm kiếm khách hàng trên nền tảng nào, startup chia sẻ có ba nền tảng chính, một là website có tích hợp thanh toán, hai là fanpage trên Facebook, ba là các kênh OTA (online travel agent – đại lý du lịch trực tuyến) như Airbnb, Booking, Agoda.

Hiện tại 45 cơ sở của Langmandi đều ở Hoàn Kiếm và đều xung quanh Bờ Hồ, với tỷ lệ lấp đầy của dự án trong tháng 5 là 70%, tháng 4 là 85%. Chi phí thuê một đêm tùy theo căn hộ mà sẽ dao động từ 499.000 – 699.000Đ, nếu cao cấp hơn và hai phòng ngủ thì sẽ là 899.000 – 1.299.000Đ trong thời điểm Covid. Giá sẽ cao hơn sau đợt dịch.

Startup cho biết thêm, tỷ suất lợi nhuận đến hiện tại là 25% so với doanh thu, tương đương từ 12 – 14 ngày đã có thể hoàn vốn.

Shark Hưng chia sẻ thêm rằng hoàn vốn cần ba chi phí quan trọng. Một là tiền thuê; hai là khấu hao các đầu tư, thông thường sẽ là khoảng 2 năm, 3 năm; ba là các chi phí liên quan đến hệ thống như quản lý vận hành, marketing. Nếu trừ ba cái đó đi thì hòa vốn. Nếu như startup cho rằng 12 – 14 đêm là đủ để trang trải các chi phí, thì khoảng 30 – 50% là hòa. Điều này là chấp nhận được bởi vì trong ngành hospitality (dịch vụ khách hàng) thì tỷ lệ 40% là tỷ lệ trung bình để hòa vốn.

Khi Shark Phú hỏi về bức tranh doanh thu trước dịch và sau dịch, startup cho biết năm 2021 doanh thu cho thuê căn hộ trải nghiệm là 2,8 tỷ và tỷ suất lợi nhuận là 15%. Tư vấn thiết kế và bán nội thất thiết kế thủ công là 3,1 tỷ và tỷ suất lợi nhuận là 25%.

Shark Phú cảm thấy doanh số quá nhỏ và cũng khác ngành nghề nên ông quyết định không đầu tư. Shark Liên và Shark Hùng Anh cũng lần lượt từ chối đầu tư cho startup.

Shark Hưng cho biết ông đã đầu tư vào Luxstay nên để tránh những chuyện xung đột không cần thiết, ông không đầu tư vào dự án này. Tuy nhiên ông đánh giá mô hình này có khả năng phát triển được.

Shark Bình là người cuối cùng trao đổi với startup. Ông nhận định rằng mô hình kinh doanh của PATHLAND khác với nhiều startup khác và chẳng có yếu điểm gì. Ông phân tích rằng 45 phòng hiện tại của startup là quá ít, nếu tình hình kinh doanh tốt thì chỉ nhận được vài triệu đồng cổ tức một tháng. Do đó, Chủ tịch Tập đoàn NextTech đề nghị startup đưa ra phương án scale up (mở rộng quy mô) để thuyết phục ông.

Startup cho rằng chuyện này rất khả thi. Không cần biết là bao nhiêu căn hộ, chỉ cần 15 ngày là có thể hoàn thành một căn hộ như thế. Nhanh và không có khó khăn gì, và cũng có thể mở rộng ra nhiều thành phố khác. Gần nhất có thể là ngoài Côn Đảo với một dự án 38 hecta.

Shark Bình cân nhắc và đưa ra mức offer (đề xuất) tối đa lên đến 10 tỷ đổi lấy tối đa 40% cổ phần. Con số này có thể thấp hơn tùy thuộc vào quá trình thẩm định. Thế nhưng ông cũng đưa ra một số điều kiện như startup sẽ phát triển lên 500 phòng, đồng thời phải cam kết mức tỷ suất lợi nhuận.

Sau khi cân nhắc, hai nhà đồng sáng lập của PATHLAND đồng ý với đề nghị đầu tư của Shark Bình.

Startup tiếp theo đến với chương trình là Nguyễn Tuấn Dương, nhà sáng lập và điều hành của Công ty Cổ phần Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam. Anh đến với Shark Tank với mong muốn chia sẻ 20% cổ phần để đổi lấy 4 tỷ tiền đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm tinh bột kháng tự nhiên, giúp giải quyết từ gốc phần lớn các vấn đề sức khỏe của người dân Việt.

Tuấn Dương diễn giải rằng 70 – 80% hệ miễn dịch hay sức đề kháng của chúng ta nằm ở đường ruột và do hệ vi khuẩn đường ruột quyết định. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ biết nên cho vi khuẩn ăn gì để đa dạng về số loài và đủ về số lượng, đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe. Vào năm 1982, hai nhà khoa học người Anh đã phát hiện ra rằng, trong khi phần lớn các loại tinh bột mà con người dùng làm thực phẩm ăn uống hằng ngày đều bị tiêu hóa, thì vẫn có một lượng rất nhỏ tinh bột có khả năng kháng lại sự tiêu hóa của cơ thể, di chuyển xuống đại tràng và trở thành thức ăn tốt nhất giúp hệ vi khuẩn đường ruột phát triển. Người ta gọi đó là tinh bột kháng.

Mặc dù phát hiện ra những đặc tính quý giá của tinh bột kháng như vậy, nhưng để tạo ra một sản phẩm tiêu dùng trực tiếp có hàm lượng tinh bột kháng đủ tốt, đủ lớn cho con người thì lại rất khó khăn vì đặc tính khó bảo tồn của tinh bột kháng.

Công ty Cổ phần Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột đã thành công khi tạo ra một sản phẩm tiêu dùng trực tiếp có hàm lượng tinh bột kháng cao từ đậu xanh. Sản phẩm đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia của Bộ Y tế công nhận là 14% tinh bột kháng trong 100g sản phẩm.

Theo thông tin từ Tuấn Dương, sản phẩm tinh bột kháng trong thời gian qua đã giúp hàng nghìn người thoát khỏi táo bón, đại tràng co thắt mãn tính lâu năm và trở về cuộc sống đời thường. Đặc biệt từ đầu năm 2022, Công ty Cổ phần chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam đã phối hợp với Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam hỗ trợ cho gần 100 trẻ thoát khỏi bệnh lý tóa bón do phải dùng thuốc quá nhiều.

Nói thêm về tinh bột kháng, Tuấn Dương cho biết tỉ lệ thành công lên đến 90%. Khách hàng mà startup này hướng đến là 30 triệu người Việt Nam đang bị táo bón, 20 triệu người bị các bệnh về đại tràng, 9 triệu người đang bị tiểu đường và tiền tiểu đường tuýp II, 25 triệu người có nguy cơ huyết áp thừa cân béo phì. “Vì sức khỏe và tuổi thọ của người Việt, chúng tôi mong muốn rằng một ngày chúng ta ăn 3 bữa, thì hãy dành 1 bữa cho vi khuẩn bằng tinh bột kháng”, Tuấn Dương nhắn nhủ thêm.

Hứng thú với sản phẩm, Shark Liên hỏi thêm về quy trình chiết xuất. Tuấn Dương giải thích sản phẩm làm từ 100% từ đậu xanh của Việt Nam. Trong đậu xanh, hàm lượng tinh bột kháng chỉ là 0.14% nhưng qua 12 công đoạn của anh thì đậu xanh tăng lên 100 lần và đạt mức độ 14%.

Khi Shark Hưng nói về các sản phẩm khác chỉ có thể uống với nước lạnh, không được sử dụng nước nóng, Tuấn Dương hào hứng chia rằng sản phẩm của anh có thể chịu được trên 100 độ, trong khi các tinh bột kháng khác thì từ 60 độ đã hết.

Tuấn Dương cũng cho biết thêm rằng startup của anh hiện đang có 3 dòng sản phẩm với mức giá bình quân trên dưới 200.000Đ/hộp, gồm 6 bữa ăn có tinh bột kháng. Doanh thu năm 2021 là 2,9 tỷ, tuy nhiên lãi chỉ có 2%, tương đương 62 triệu vì phần lớn tiền lãi đã được sử dụng cho việc hoàn thiện sản phẩm.

Hiện sản phẩm đang có 3 kênh phân phối là bán hàng trực tiếp cho khách, chiếm 70%; các đang vị Gym để giảm cân, hoặc những đơn vị có thể làm sản phẩm sữa, bánh kẹo tinh bột kháng; kinh doanh online.

Startup cũng giới thiệu thêm giấy của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia của Bộ Y tế, xác nhận sản phẩm đạt 14% tinh bột kháng mức cao nhất hiện nay.

Trả lời cho câu hỏi của shark Liên về việc kiểm soát về vùng nguyên liệu, Tuấn Dương cho biết nguyên liệu lớn nhất đang nhập từ Hải Dương và Hòa Bình. Và hiện nay anh đang xây dựng một vùng nguyên liệu 3 hecta tại Mộc Châu, Sơn La. Quy trình sản xuất do xưởng tự làm, gần như là sản phẩm handmade (thủ công) với 400 sản phẩm/ngày. Và hiện nay chỉ mới sản xuất được 50% công suất.

Khi được shark Hưng hỏi khó khăn lớn nhất startup đang gặp phải, Tuấn Dương cho rằng đây là đây khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong khi Chính phủ Úc, Mỹ đã khuyến cáo người dân nên dùng sản phẩm này hằng ngày.

Shark Bình là người đầu tiên đưa ra kết luận. Ông cho rằng startup mặc dù rất hay nhưng không nằm trong danh mục khẩu vị đầu tư của ông, và quy mô để nhân rộng lên cũng không cao nên ông rút lui. Shark Hùng Anh cũng đồng quan điểm khi thấy hiện tại quy mô dự án quá nhỏ, nên ông cũng không đầu tư phi vụ này.

Shark Phú cho rằng dù cùng kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực nhưng sản phẩm mà startup đang cung cấp “lệch kênh” với lĩnh vực của ông và cách thức bán hàng cũng khác. Ông cũng cho rằng startup ở giai đoạn hơi mới nên quyết định không đầu tư.

Thuyết phục Shark Hưng và Shark Liên chưa ra deal, Tuấn Dương cho biết anh đã đầu tư 4 tỷ cho startup. Năm 2023 anh dự kiến làm full (tối đa) công suất của công ty và đạt doanh thu 26 tỷ, lãi 4 tỷ. Kết thúc năm 2025 doanh thu đạt 64 tỷ và lợi nhuận sẽ là 15%, tăng trưởng ổn định mỗi năm 25%. Tuấn Dương tiết lộ đây là kế hoạch chưa có các Shark tham gia vào. Nếu các Shark tham gia, anh nghĩ sẽ phải x2, x3 lên nữa.

“Thôi giờ thế này, bạn bỏ 4 tỷ rồi, với lại công sức mấy năm qua, giờ tôi bỏ thêm 4 tỷ nữa. Bạn 60%, tôi 40%”, Shark Hưng đưa ra đề nghị.

“Những cái em đang nói nếu đúng là sự thật thì chị đang rất cần, cho chị, chồng chị và các người bạn của chồng chị nữa. Thật ra lên đây, lúc chị nếm thử và chị nhìn vào con người của em, chị tin nó là sự thật”, Shark Liên chia sẻ và đề nghị đầu tư 4 tỷ đổi lấy 36% cổ phần của startup.

Shark Hưng thuyết phục startup rằng ông có khá nhiều ý tưởng từ branding (làm thương hiệu) và kênh phân phối, thậm chí cả hương vị của sản phẩm có thể hỗ trợ startup nếu Tuấn Dương nhận deal.

Shark Liên cho biết bà sẽ giúp cho startup rất nhiều về các kênh bán hàng, tuyên truyền và muốn đi đường dài cùng startup.

Tuấn Dương cho hay Hội đồng quản trị của anh đã họp và giới hạn cho anh mức không được vượt quá 30%. Do đó, anh đề xuất Shark Liên giảm tỷ lệ cổ phần xuống còn 30%.

Lúc này, Shark Liên cho biết bà và Shark Hưng sẽ cùng đầu tư 4 tỷ đổi lấy 36% cổ phần của startup. Shark Liên thuyết phục thêm rằng bà và Shark Hưng có cộng đồng rất lớn, có thể giúp startup phát triển mạnh.

Startup lại đưa ra đề xuất cuối: “Có thể các Shark sẽ vào với 36% nhưng em muốn xin phép sau 2 năm, cho em mua lại phần dôi lên 6% với giá gấp đôi”.

Shark Hưng và Shark Liên đồng ý, khép lại thương vụ thành công.

Startup tiếp theo đến với Shark Tank tuần này là Đậu Ngọc Hà Dương – Đồng sáng lập và điều hành OHIO. Theo lời giới thiệu của Hà Dương, OHIO là “nền tảng Uber” trong ngành bất động sản. Hiện OHIO có rất nhiều dự án sơ cấp về bất động sản và kết nối với các môi giới tự do để họ có thể dễ dàng tham gia bán hàng và tạo ra thu nhập. Người dùng là các nhà môi giới có thể truy cập danh sách dự án và xem tất cả thông tin dự án đang có trên OHIO. Khi đó, nếu nhà môi giới có khách hàng quan tâm thì có thể giới thiệu cho khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý mua thì sẽ booking (đặt cọc) trực tuyến trên ứng dụng này.

Hà Dương cũng chia sẻ thêm, mô hình OHIO định vị là B2A – Business to Agents, lấy môi giới làm trung tâm. Anh mong muốn tạo nên một nền tảng dành riêng cho môi giới đạt số một Việt Nam. Vì vậy anh đến với Shark Tank và kêu gọi các Shark cùng đồng hành với con số 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Là một người rất am hiểu về lĩnh vực bất động sản đồng thời cũng là Chủ tịch của nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.vn, Shark Hưng đã có rất nhiều câu hỏi “xoáy” vào bản chất của mô hình này. Trả lời các câu hỏi của Shark Hưng về mô hình cũng như số lượng giao dịch trên ứng dụng, Hà Dương cho biết mình bắt đầu làm từ tháng 1/2021 và đã có 60 giao dịch thành công trong năm vừa qua. OHIO định vị mình là nền tảng trung gian cung cấp dịch vụ cho agency và các agent khác. Hiện OHIO có hơn 20 sàn F1 đang làm việc cùng và có số lượng người dùng là gần 2.000 môi giới tự do. Nền tảng này được tạo ra cho môi giới tham gia và không mở ra cho khách hàng tham gia vào. OHIO cũng xây dựng giỏ hàng liên kết với rất nhiều đơn vị phân phối chính thức để giúp cho môi giới có được nguồn hàng đa dạng.

Shark Hưng nhận xét nền tảng của OHIO là hệ thống doanh thu dựa trên hoa hồng. Ông chỉ ra một bài toán khó cho OHIO là việc các nhà môi giới khi đã có khách hàng, họ sẽ dùng nền tảng này để làm việc với khách hàng nhưng khi chốt deal (giao dịch) sẽ không báo với OHIO mà chuyển thẳng cho chủ đầu tư. Vì vậy, ông muốn biết cách mà OHIO kiểm soát điều này.

Hà Dương thừa nhận thực tế điều Shark Hưng nói có xảy ra nhưng tỉ lệ rất thấp. Anh cũng cho biết từ kinh nghiệm 5 năm làm việc trong lĩnh vực này, yếu tố quan trọng đối với môi giới khi chốt thành công có thể là do cách mà nền tảng đã hỗ trợ họ trong giao dịch này. Ví dụ khi họ cần chốt khách thì nhiều khi thậm chí OHIO phải đi chốt giùm cho họ.

Câu trả lời này của Hà Dương chưa thuyết phục được Shark Hưng, Shark Hưng cho rằng nếu đã là platform (nền tảng) thì đội ngũ không can thiệp gì vào vận hành.

Lúc này Shark Phú và Shark Bình hỏi sâu thêm về bức tranh tài chính của OHIO. Hà Dương cho biết doanh thu năm ngoái của OHIO là 5,9 tỷ tiền hoa hồng môi giới. Cũng trong năm ngoái, OHIO trả cho các agent là 75%-80%, năm nay giảm xuống còn từ 70%-75%. Trước đây doanh nghiệp lỗ khoảng 100 triệu 1 tháng, nhưng tháng 4 vừa rồi đã hòa vốn.

Các Shark tiếp tục có nhiều câu hỏi khai thác về nguồn hàng của nền tảng và cách mà nền tảng này quản lý giỏ hàng. Hà Dương cho biết, mô hình của mình cho các công ty môi giới thuê nền tảng là chính nên nguồn hàng sẽ đến từ các công ty môi giới. Công ty cũng thỏa thuận với các công ty môi giới là phải niêm yết giỏ hàng, dành một phần giỏ hàng lên trên hệ thống của OHIO.

Nhận thấy đây không phải là lĩnh vực thế mạnh của mình và cho rằng khả năng mở rộng mô hình kiếm tiền cũng khó, Shark Phú là vị “cá mập” đầu tiên từ chối đầu tư.

Tiếp theo, Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư vì nghi ngại OHIO khó kiểm soát được nền tảng của mình.

Không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, Shark Liên cũng quyết định rút khỏi deal này, startup còn 2 cơ hội với Shark Bình và Shark Hưng.

Shark Bình cho biết mô hình affiliate (liên kết) mà startup đang làm có một nguy cơ rất lớn là khi doanh thu bắt đầu tăng, các công ty môi giới sẽ phát triển các app (ứng dụng) tương tự mà không tiếp tục thông qua nền tảng của OHIO. Vì vậy mô hình của OHIO rất khó, có khả năng bị loại bỏ bởi các công ty môi giới. Tuy nhiên Shark Bình đã có ý tưởng cho OHIO có “long mạch” riêng, và để biết được “long mạch” đó là gì, Shark Bình sẽ đồng hành cùng OHIO bằng cách đầu tư 100.000 USD đổi lấy 33% cổ phần. “Anh nói vậy có đúng nỗi đau của em chưa?” – Shark Bình hỏi Hà Dương.

Đồng tình với nhận định của Shark Bình, Shark Hưng phân tích startup không nắm được các agent vì họ không có lý do để ràng buộc chặt chẽ với nền tảng này. Là Phó Chủ tịch của Cen Land và Chủ tịch của nền tảng Cenhomes.vn, Shark Hưng cho biết Cen Land có khoảng gần 700 dự án đang được niêm yết, 3 vạn agent đang làm việc trên hệ thống, mỗi năm có hàng vạn giao dịch bất động sản cả online (trực tuyến) và offline (trực tiếp). Tuy nhiên các giao dịch online chỉ chiếm 10% là đã rất tốt rồi. Thế nên với những gì mà Hà Dương chia sẻ, Shark Hưng đánh giá startup gần như rất “ngây thơ” trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Nhưng là người đi lên từ công nghệ và thích áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, Shark Hưng tin cả 2 sẽ có cùng tiếng nói với nhau. Vì vậy ông đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 36% cổ phần của OHIO.

Cả Shark Hưng và Shark Bình liên tục “tung chiêu” để chiêu mộ startup này về với hệ sinh thái của mình. Sau khi phân tích và suy nghĩ, startup xin phép deal với Shark Bình con số 100.000 USD cho 20% cổ phần tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của vị “cá mập công nghệ”.

Sau cùng, cả hai đồng ý với mức 100.000 USD cho 30% cổ phần và Shark Bình sẽ tư vấn và bàn bạc thêm với đội ngũ sáng lập về việc thay đổi định hướng để “trở thành một nhà môi giới trên nền công nghệ thực sự khác biệt và có giá trị để tồn tại”.

Sau khi nhận được cam kết đầu tư của Shark Bình, Hà Dương hào hứng chia sẻ anh sẽ cùng Shark Bình lên kế hoạch để phát triển đột phá trong năm nay vì “mục tiêu năm nay của mình là phải lên tới 50.000 user (người dùng) và tăng trưởng gấp 5 lần so với 2021”.

Startup cuối cùng đến với Shark Tank tuần này là Phạm Thị Kim Dung – Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Sữa Hạt D2 và Trần Giản Lâm – Giám đốc kinh doanh và cổ đông của công ty. Trình bày với các Shark, Giản Lâm giới thiệu tiền thân của Sữa hạt D2 là nước ép từ rau củ quả. Sau gần hai năm trải nghiệm với 5.000 khách hàng, startup đã cùng với các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu ra dòng sữa hạt khác với các dòng sữa hạt thông thường khi nguyên liệu chính của sản phẩm này là rau củ quả organic (hữu cơ). Hiện vùng nguyên liệu của Sữa hạt D2 được đặt tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An.

Startup cũng bày tỏ mong muốn thông qua những sản phẩm của mình, những con người Việt Nam được dùng sản phẩm organic với mức giá vừa phải.

Công ty đang có 5 dòng sữa hạt chính: sữa hạt thanh lọc giảm cân, sữa hạt bầu lợi sữa, sữa hạt vitamin từ củ quả, sữa hạt bổ sung chất xơ, sữa hạt dành cho người tiểu đường. Mỗi gói được định lượng calo tiện lợi có thể mang đi khắp mọi nơi, có thể thay thế bữa ăn hàng ngày, trong vòng hai tuần nếu thực hiện liệu trình uống thì có thể giảm từ 3 đến 4kg.

Startup cũng cho biết, hiện tại công ty có hơn 30 đại lý, 5 nhà phân phối, trong đó có 2 nhà phân phối độc quyền. Tỉ lệ khách hàng quay lại là 70%. Doanh thu hiện tại là 600-700 triệu/tháng. Startup định hướng năm 2022 sẽ hoàn thiện bộ máy vận hành, quy trình sản xuất và hệ thống nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện vùng nguyên liệu có chứng chỉ organic của nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt được mức tăng trưởng gấp 3 doanh số hiện tại, từ 20 tỷ lên 60 tỷ. Do đó, Sữa hạt D2 mong muốn kêu gọi 3 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần từ các “cá mập”.

Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, Shark Phú đã đặt ra 4 câu hỏi quan trọng để hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh của startup: việc bảo hộ và đăng ký chất lượng của công thức, công suất tối đa của vùng nguyên liệu, cấu trúc giá thành sản phẩm trên giá bán và quy trình sản xuất, khả năng thương mại hóa của doanh nghiệp.

Trả lời Shark Phú, Kim Dung cho biết Sữa hạt D2 đạt chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP, ISO và vừa rồi là FDA của Mỹ. Sản phẩm cũng đã được cấp phép lưu hành. Về vùng nguyên liệu thì startup được một quỹ đầu tư của tập đoàn trích cho 5 ha, công ty có 2 ha đang trồng được cấp chứng chỉ organic và dân kết hợp trồng cũng được 10 ha.

Lúc này Shark Phú hỏi sâu hơn về việc 1 ha nguyên liệu sẽ tạo ra được bao nhiêu doanh thu sữa hạt. Câu hỏi này của Shark Phú đã khiến cho startup có phần bối rối vì chưa hiểu rõ ý của Shark nhưng sau khi tính toán, Kim Dung cũng có được câu trả lời là 1 ha sẽ tạo ra 150-200 triệu doanh thu/tháng.

Tiếp tục trả lời những câu hỏi mà Shark Phú đặt ra, Kim Dung cho biết sữa hạt thanh lọc giảm cân là sản phẩm có giá cao nhất của công ty với 350 nghìn/hộp 15 gói, giá vốn chiếm 40% bao gồm cả chi phí bao bì cho đến marketing (tiếp thị). Shark Hưng liền nhận xét, số phần trăm giá vốn đang bị cao, nếu chi phí giá thành như thế thì giá bán phải cao hơn nữa. Đồng tình với Shark Hưng, Shark Phú cho rằng với giá vốn 40% thì khi vận hành lớn, startup có khả năng bị lỗ.

Bên cạnh đó, Kim Dung cũng cho biết các công thức cô đã gửi ra Viện Dinh dưỡng để kiểm duyệt và được hỗ trợ tư vấn thêm. Sản phẩm có thể bảo quản trong 24 tháng nhưng vì lo lắng cho mọi người nên cô chỉ để 18 tháng.

Trả lời câu hỏi của Shark Hùng Anh về thị trường của sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp, Kim Dung cho biết mình có kênh online ở Nghệ An đang bán khá mạnh. Startup cũng có nhà phân phối độc quyền tại TP.HCM và hoàn thành mỗi tháng là 100-200 triệu doanh số. Về lợi nhuận thì Quý 1 năm 2022, startup đang đạt điểm hòa vốn và có 5% lợi nhuận, sau khi trừ tất cả các chi phí.

Giải đáp thắc mắc của Shark Hưng về việc tỷ lệ vitamin còn giữ lại trong sữa hạt sau khi đã sấy, nghiền, đóng gói, Kim Dung cho biết đối với đồ tươi thì khi sử dụng công nghệ ép tươi sẽ giữ được 70-80% dưỡng chất, còn sữa hạt thì giữ được 60-70% dưỡng chất. Startup sử dụng máy ép chậm thông thường để chế biến, bên cạnh đó cũng nhập thêm máy móc, công nghệ của Nhật để biết các chế độ sấy phù hợp với các loại hạt, cùng với đó phối hợp chuẩn với các rau củ quả để tạo thành bữa ăn dinh dưỡng đầy đủ calo.

Shark Phú nhận xét, startup chưa có hệ thống máy móc chuyên biệt để sản xuất thì công suất rất khó nhân lớn lên được. Shark Phú đặt ra giả thiết nếu 3 năm sau doanh số của startup lên 1.000 tỷ thì ông sẽ đầu tư. Shark Phú cũng muốn startup trả lời thêm, nếu muốn tạo ra doanh số 1.000 tỷ thì cần đầu tư những gì, vùng nguyên liệu là bao nhiêu ha, máy móc thiết bị là bao nhiêu tiền. Kim Dung cho biết startup sẽ không thể nâng doanh số 1.000 tỷ trong 3 năm tới nhưng cô tự tin sau 10 năm mình sẽ làm được.

Với câu trả lời này của startup, Shark Phú đã quyết định không đầu tư.

Nhận thấy mô hình khá bình thường và khá truyền thống, Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư. Shark cũng nhận định sản phẩm này thương mại sẽ hơi khó hơn vì phức tạp ở chuyện hệ thống phân phối mass (phủ) quy mô lớn. Tuy nhiên Shark Hưng đã chia sẻ thêm nhiều ý tưởng cho startup như làm rau củ quả sấy khô xuất khẩu sang xứ lạnh hoặc cung cấp cho các vùng lũ.

Shark Hùng Anh nhận xét, dự án này rất có tiềm năng nhưng startup cần thêm thời gia, đầu tư thêm quy trình và máy móc, sau đó có thể là kêu gọi vòng đầu tư vốn tiếp theo. Dự án này không phù hợp với cá nhân ông do đó Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư.

Sữa hạt D2 không đạt được tiêu chí của Shark Liên nên Shark cũng từ chối đầu tư vào startup này. Tuy nhiên bà vẫn ủng hộ cho startup bằng cách đưa dòng sản phẩm của Sữa hạt D2 vào trong cộng đồng phụ nữ.

Shark Bình đánh giá, sản phẩm của startup làm bài bản, nhà sáng lập có có tinh thần yêu nghề và yêu sản phẩm của mình, đáng khâm phục ở tinh thần giúp cho người nông dân, thúc đẩy cuộc sống organic, healthy (chế độ ăn uống lành mạnh). Tuy nhiên, chuyên môn không phải là lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là liên quan đến nông nghiệp nên Shark Bình cũng không đầu tư.

Thường startup rất yêu sản phẩm của mình, nhưng bọn anh là dân đầu tư thì bọn anh lại hướng đến khả năng nhân rộng. Thực ra sản phẩm hữu ích là khi chúng ta phải bán được cho rất nhiều người dùng thì nó mới là có giá trị. Có thể chúng ta không thành công ở Shark Tank nhưng mà hy vọng sau khi các em hoàn chỉnh hơn ở bước tiến tốt hơn, có thể chúng ta gặp nhau ở mùa sau.” – Shark Phú kết luận.


Đón xem Tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 5


Từ Khóa:

Tin Liên Quan