Chiêu trò quảng bá bẩn, lợi dụng chuyện đời tư mỗi khi phát hành sản phẩm mới khá phổ biến ở showbiz Việt. Nhiều người thậm chí tiết lộ những câu chuyện gây sốc để được chú ý.
Trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định khán giả hiện đại rất tinh ý, họ kỳ vọng những nội dung PR sáng tạo, chính vì vậy, không phải cứ làm ồn ào lên là hiệu quả.
Khán giả kỳ vọng những cách PR sáng tạo
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nói với Zing: “Khán giả hiện đại rất tinh ý, họ kỳ vọng những nội dung PR sáng tạo. Chính vì vậy, không phải cứ làm ồn ào lên là hiệu quả, đôi khi nổi trên truyền thông, nhưng với công việc lại tạo hiệu ứng khác. Tôi nghĩ đối tượng bị tác động chính ở đây không phải khán giả đại chúng hay truyền thông, mà là khán giả trung thành (loyal fan). Nếu họ cảm thấy chiến dịch PR phản cảm thì đó là điều đáng tiếc với mỗi nghệ sĩ”.
“Việc PR trước tiên phải xuất phát từ bản thân sản phẩm hay người nghệ sĩ đó. Các nội dung PR nếu không đi từ cốt lõi sẽ kém hiệu quả, tốn kém. Một người nghệ sĩ cần cân đối được điều mình muốn và insight (PV: Sự thấu hiểu sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến một hành động nào đó trong bối cảnh cụ thể) khán giả. Mặt khác, chuyện đời tư, scandal luôn là món ăn gây tò mò với truyền thông, đại chúng. Nhưng nó là ‘fast food’, người ta ăn luôn đấy, nhưng chưa chắc tốt cho sức khỏe”, anh nói tiếp.
Nghệ sĩ Hàn không lạm dụng chuyện riêng tư để đánh bóng tên tuổi và sản phẩm.
Việc PR một sản phẩm, sự kiện hay cho bản thân nghệ sĩ, từ thông tin ghép đôi tình cảm là thường thấy trong showbiz. Do đó, việc có phản cảm hay không thể hiện nổi bật ở 3 yếu tố: Bối cảnh, thái độ và hành động thể hiện của nghệ sĩ đó.
Các ngôi sao trên thế giới cũng sử dụng công thức “tin đồn tình cảm” không ít lần để PR cho MV, phim và bản thân. Nhưng tại sao ít khi họ bị cho là phản cảm? Vì họ sử dụng 3 yếu tố trên một cách đúng mực.
“Dựa trên 3 yếu tố tôi nói ở trên, có thể quảng bá dựa trên tình cảm, đời tư, nhưng cũng cần có chiến lược, tính toán một cách cẩn thận, trách nhiệm, để tránh cảm tính, mất kiểm soát, gây phản cảm. Ví dụ khi các ngôi sao trên thế giới quảng bá một bộ phim, việc ‘phim giả tình thật’ là muôn đời không bao giờ biến mất. Nhưng tại sao khán giả vẫn tò mò xem phim mà không tẩy chay họ, dù đôi khi đó là PR chứ không có tình cảm thật. Đó là họ biết cách đưa ra các nội dung một cách tinh tế, có kế hoạch, trách nhiệm với người theo dõi”, chuyên gia truyền thông nhận định.
Công chúng luôn quan tâm đời tư nghệ sĩ, nhất là tình cảm. Đây là sự quan tâm bản năng. Nhưng việc khán giả có đón nhận và cảm thấy thoải mái hay không là một insight sâu. Trước hết nó được thể hiện bề mặt bằng việc họ có đi xem, mua vé, thưởng thức sản phẩm của nghệ sĩ đó hay không. Đó là thước đo bề mặt trong ngắn hạn.
“Bản chất con người là luôn tò mò về nhau, sự tò mò của khán giả với nghệ sĩ tất nhiên gấp nhiều lần, nhưng họ cũng muốn tò mò một cách sáng tạo hơn với một nội dung cũ. PR bằng chiêu trò hay PR thiếu tính sáng tạo cho thấy người nghệ sĩ đó thiếu đi sự phát triển cần thiết trên hành trình đưa sản phẩm, đưa thương hiệu bản thân tới khán giả. Về cơ bản, khán giả Việt hiền, ít tẩy chay, thương nghệ sĩ, dễ đồng cảm, nhưng đó không nên là cái nền thấp để nghệ sĩ đứng trên đó một cách lười nhác mà không làm mới bản thân trong công việc PR”, anh tiếp tục.
“Còn để nói về thị trường, khi 2 chủ thể chúng ta đang nói đến là nghệ sĩ, khán giả và mối liên hệ của họ trở nên lỏng lẻo, dễ đoán, gây nhàm chán, thì đó là một thị trường buồn và dần trở nên cằn cỗi. Chính vì chúng ta đang thiếu rất nhiều hình thức quản lý chuyên nghiệp, nên khi một nghệ sĩ còn trẻ hoạt động sẽ suôn sẻ. Nhưng mọi vấn đề thường nảy sinh khi nghệ sĩ làm mọi thứ theo cảm tính” – chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh.
PR lố bằng chuyện đời tư – điều cấm kỵ ở showbiz Hàn
Thực tế, các thị trường giải trí nổi tiếng khác, chẳng hạn Âu Mỹ, Trung Quốc cũng rất phổ biến việc dùng chuyện tình cảm để quảng bá sản phẩm.
Ở Trung Quốc, mỗi khi một bộ phim chuẩn bị ra mắt, dàn diễn viên đẩy mạnh tương tác, thậm chí lộ các hình ảnh, thông tin hẹn hò để gây chú ý.
Các nghệ sĩ quốc tế cũng đăng hình ảnh, tương tác với đối phương một cách có chừng mực, chứ không lộ liễu, dày đặc.
Ở Hàn Quốc, việc PR sản phẩm bằng đời tư, chuyện tình yêu thường rất khắt khe và gần như là điều cấm kỵ với những nghệ sĩ nổi tiếng, hoạt động lâu năm. Nếu có dùng chuyện tình cảm để PR thì ý tưởng cũng thường xuất phát từ đoàn phim thay vì bản thân nghệ sĩ đó. Nhà sản xuất phim Asadal Chronicles thuộc đài tvN từng bị chỉ trích dữ dội vì dùng chuyện của Song Joong Ki và Song Hye Kyo để quảng bá phim.
Gần đây, Phương Thanh bị chỉ trích vì dùng chuyện đời tư để PR sản phẩm.
Năm 2015, Suzy lộ ảnh hẹn hò Lee Min Ho chỉ ít ngày trước khi phát hành sản phẩm âm nhạc mới cùng nhóm miss A. Nhờ chuyện tình yêu với tài tử hàng đầu, sản phẩm của Suzy được chú ý hơn cả. Tuy nhiên, việc yêu Lee Min Ho là sự thật nhưng Suzy chủ động đề nghị truyền thông không khai thác vấn đề này trong buổi họp báo giới thiệu sản phẩm của miss A.
Khi đó, Suzy trả lời tế nhị: “Tôi chắc chắn mọi người tò mò về nhiều chuyện, nhưng tôi cần thận trọng vì đây là dịp để nói về sự kiện tái xuất của miss A sau thời gian dài. Vì vậy, tôi sẽ rất cảm ơn nếu các bạn có thể bàn nhiều về album của miss A và âm nhạc”.
Tháng 2, Son Ye Jin cùng dàn diễn viên phim Thirty Nine xuất hiện trong buổi họp báo diễn ra tại khách sạn Shindorim ở Seoul. Họp báo được tổ chức không lâu sau khi tin tức Son Ye Jin và Hyun Bin kết hôn được đăng tải. Ở sự kiện này, Son Ye Jin cũng hướng mọi sự tập trung của khán giả vào bộ phim và tránh nhắc tên Hyun Bin.
“Tôi đang hạnh phúc. Tôi đã nhận rất nhiều lời chúc mừng và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn thông qua sự kiện này”, cô trả lời ngắn gọn và không nhắc trực tiếp tới ông xã.
Theo Zing.vn