Các thương vụ nổi bật trong tập 5 của Shark Tank mùa 3 đến từ các startup công nghệ tương lai. Không chỉ sở hữu sản phẩm độc đáo, các startup này còn có một đội ngũ phát triển vô cùng hùng hậu. Thế nhưng, đáng tiếc một số công nghệ đỉnh cao vẫn bị “cá mập” lắc đầu vì startup chưa có phương án kinh doanh thuyết phục.
Mở màn phần thuyết trình, đội ngũ lãnh đạo của MathMap Academy gồm Lã Quang Vinh, Nguyễn Văn Sơn, Vũ Văn Tuyền, Lê Văn Thành, Nguyễn Công Chiến gửi đến các nhà đầu tư của Shark Tank lời mời 9 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng cho 12,5% cổ phần công ty hoặc 5 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng cho 5% cổ phần công ty.
Lý giải con số gọi vốn trên, các nhà sáng lập của MathMap Academy cho hay định giá dựa trên một số yếu tố chính như: đội ngũ sáng lập, tốc độ tăng trưởng, dòng tiền lũy kế và lãi suất sử dụng vốn bình quân, sản phẩm và thương hiệu.
Lã Quang Vinh – CEO MathMap Academy giới thiệu trong hơn 3 năm thành lập, MathMap Academy đã mở rộng và phát triển hơn 17 trung tâm trong cả nước, trong đó có 8 trung tâm tự sở hữu, còn lại là nhượng quyền. MathMap Academy có số lượng hơn 5 nghìn học viên theo học.
MathMap Academy tập hợp được đội ngũ lãnh đạo tài năng, tâm huyết. Bản thân CEO Lã Quang Vinh cũng là tác giả sách “Bí kíp học tập toàn diện” và doanh nhân tiêu biểu Asian 2018. Nhà sáng lập kiêm giám đốc đào tạo Nguyễn Văn Sơn cũng là chuyên gia về toán tư duy, diễn giả và tác giả của bộ sách Toán sơ đồ từ lớp 1 đến lớp 12 gồm 108 cuốn.
MathMap Academy với 3 sản phẩm chính về: Kỹ năng phát triển tư duy, Kỹ năng sống và đại lý chương trình đều đạt biên độ lợi nhuận trung bình từ 20 – 50%. Và đặc biệt, mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng trong hơn 3 năm vừa qua với doanh thu năm 2018 đạt 10 tỷ 385 triệu 245 nghìn 704 đồng. Quý I – 2019, MathMap Academy cán mốc doanh thu gần 4 tỷ đồng. Các nhà sáng lập cam kết nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong vòng 5 năm hoặc sớm hơn.
Cam kết với nhà đầu tư, CEO Lã Quang Vinh tuyên bố: “Trong trường hợp các Shark không thể thu hồi vốn, các cổ đông chính là những người sáng lập sẽ sử dụng chính tiền cá nhân của mình bù ra để gửi lại Shark số tiền đã đầu tư”.
Trả lời câu hỏi về sự khác biệt để cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới, nhà sáng lập Nguyễn Văn Sơn cho biết, MathMap Academy có các điểm nhấn gồm: phương pháp tư duy kiểu Mỹ giúp trẻ tăng khả năng tổng hợp và ghi nhận kiến thức, đặc biệt sự kết hợp chặt chẽ giữa hai bán cầu não. Tiếp đến là môi trường hình thành quy tắc tư duy cho con trong cuộc sống. Hệ thống các bài tập rèn luyện bám sát với giáo trình giáo dục tại lớp, giúp trẻ hình thành nhân cách sống thông qua đạo đức, nghị lực, trí tuệ.
Nhận xét giáo dục không phải là lĩnh vực thế mạnh và mô hình của MathMap Academy không phù hợp với hệ sinh thái của mình, hai Shark Phạm Thanh Hưng và Đỗ Liên nhanh chóng tuyên bố rút lui.
Trái lại, cùng nhận định việc phát triển tư duy thông qua toán học là thị trường rất tiềm năng và có ý nghĩa rất lớn, Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Dzung Nguyễn đều dành nhiều sự quan tâm dành cho mô hình của MathMap Academy.
Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Tập đoàn Egroup – Sở hữu chuỗi trung tâm tiếng anh Apax dồn dập đưa ra những câu hỏi liên quan đến tài chính, hiệu suất lấp đầy của MathMap Academy. Trả lời lần lượt các vấn đề, CEO Lã Quang Vinh cho biết hiệu suất lấp đầy rơi vào khoảng 20 – 30% trung tâm chính quy. Một trung tâm mở ra khoảng 6 tháng, chậm nhất 1 năm đã có lãi phân bổ, giá vốn trên giá bán khoảng 25 – 40 %, một lớp học có từ 8 – 16 học sinh.
Với triết lý đầu tư vào “ngành – người”, Shark Thủy cũng đặt ra câu hỏi để thử phản ứng của startup: “Trong trường hợp có sản phẩm hay hơn nhưng anh thích đội ngũ khởi nghiệp này, chúng ta có thể thay đổi sản phẩm được không?”.
Nhà sáng lập của MathMap Academy nhanh chóng ghi điểm với các nhà đầu tư khi đưa ra câu trả lời, đó là sẽ đem một vài giá trị cốt lõi của Academy kết hợp đồng hành với sản phẩm đó. Hướng đến mong muốn cuối cùng là hình thành nhân cách sống của học sinh, giúp các con vững bước ra ngoài cuộc sống.
Shark Thủy đưa ra cho MathMap Academy đề nghị 9 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng, trong đó 4 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng cho 20%, 5 tỷ còn lại rót dưới dạng trái phiếu chuyển đổi trong vòng 2 năm kèm điều kiện dòng tiền dương trên tất các cả trung tâm, 6 tháng đều có lãi về mặt phân bổ.
Sau khi đầu tư vào Tổ hợp y tế Phương Đông, Shark Việt bày tỏ ông nhận ra vấn đề con người là quan trọng, “vị cá mập” rất quan tâm đến vấn đề đào tạo. Vậy nên, Chủ tịch Intracom đã đưa ra cho lời đề nghị vô cùng cạnh tranh dành cho startup với 9 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng, trong đó 5 tỷ cho 15% cổ phần, 4 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng là trái phiếu chuyển đổi hoặc góp theo tiến độ.
Với hai lời đề nghị trên, Shark Dzung Nguyễn tuyên bố rút lui vì không thể có offer tốt hơn dành cho startup.
Và hai lời đề nghị đầy sự cạnh tranh này đã khiến startup phải hội ý kín. Ngoài mục tiêu về vốn, MathMap Academy cần nhất là người đồng hành, dẫn dắt startup đi nhanh hơn và nhân rộng mô hình tốt hơn. Do đó, các nhà sáng lập của MathMap Academy đã quyết định nhận lời đồng hành từ Shark Thủy.
Thương vụ tiếp theo với sự xuất hiện của một sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực AI do Tommy Phạm – CEO & Co-founder của LASS GROUP đại diện từ Australia về Việt Nam gọi vốn.
Vừa bước vào phòng thương thuyết, Tommy Phạm đã mở đầu ấn tượng bằng cách liệt kê hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: NASA, Mercedes,… và giới thiệu họ là các công ty đã từng sử dụng công nghệ của LASS GROUP.
Theo trình bày startup, công nghệ của LASS GROUP là hệ thống giám sát (tracking system), đối tượng khách hàng LASS GROUP đang hướng đến là phục vụ cho việc quản lý của Chính Phủ các nước trên thế giới. Đưa ra lời đề nghị 5 triệu USD cho 10% cổ phần của LASS GROUP, Tommy Phạm thể hiện tham vọng xây dựng nên một công ty tại Việt Nam có thể đứng ngang hàng với Google, Amazone.
Giới thiệu về sản phẩm, Tommy Phạm cho hay, năm 2018 hệ thống có thể theo dõi 1 triệu đối tượng. Tối ưu hơn cả Palantir – đơn vị cung cấp giải pháp cho quân đội Mỹ do thám toàn cầu. Tommy Phạm khẳng định: “Nếu hệ thống tụi em gắn vào trên thành phố các nước thì không có vụ bắt cóc trẻ em, find my everything”.
Startup cho biết thêm, hiện đã có một vài đối tác lớn đang đợi để hợp tác với LASS GROUP dưới dạng dùng thử vì sản phẩm chưa được bán. Lý giải lý do vì sao chưa thương mại hóa sản phẩm từ Shark Dzung Nguyễn, Tommy Phạm cho hay doanh nghiệp không muốn đi con đường thương mại chế tạo đơn thuần mà LASS GROUP ôm tham vọng xa hơn là xâm nhập vào các thành phố, bán sản phẩm cho Chính phủ để gia tăng giá trị của mình.
Về đội ngũ, Tommy Phạm trình bày ngoài anh với vai trò CEO, công ty còn có sự tham gia của hai co-founder là anh em GS Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường – người nhận giải thưởng Eureka của Úc trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng năm 2010. Về cơ cấu, mỗi cổ đông nắm giữ 20% cổ phần cồn ty, 40% còn lại được dùng để đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Vẽ ra viễn cảnh sáng lạng nếu sản phẩm được ứng dụng trên thế giới, tuy nhiên startup lại tỏ ra lúng túng khi được Shark Phạm Thanh Hưng yêu cầu chứng minh quyền sở hữu công nghệ hoặc thỏa thuận ủy quyền kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó, không chỉ không thể đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào về quyền được sở hữu công nghệ để kinh doanh, mà Tommy Phạm cũng không thể liên lạc thành công với các nhà đồng sáng lập ở bên kia đại dương trước mặt nhà đầu tư.
Chờ đợi startup chứng minh lời nói của mình nhưng bất thành, Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Đỗ Liên và Shark Nguyễn Ngọc Thủy cùng lắc đầu từ chối và có chung nhận định dự án của LASS GROUP không đáng tin.
Vốn là “cá mập” ưa thích các công nghệ tương lai nhưng Shark Phạm Thanh Hưng cũng từ chối LASS GROUP vì đánh giá công nghệ này nguy hiểm vượt quá sức tưởng tượng. Shark Hưng nói: “Thực sự tôi cũng cố gắng tạo cơ hội để bạn chứng minh về công nghệ, sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ, sỡ hữu phát minh cũng như khả năng ứng dụng của nó. Không biết các Shark khác nghĩ thế nào nhưng cá nhân tôi không dám lộ trên truyền hình là chúng ta cùng bắt tay với nhau phát triển công nghệ này. Quá kinh khủng khiếp, tôi sởn hết gai ốc khi nghe nãy giờ”.
Quan tâm đến các chỉ số tài chính và vấn đề thương mại hóa sản phẩm của LASS GROUP, “Cá mập công nghệ” Dzung Nguyễn đưa ra đánh giá: “Tôi cố tình nghe để xem đối tượng khách hàng của anh là ai, làm sao để thương mại hóa nhưng anh bảo 7 năm rồi vẫn chưa thương mại hóa được bởi vì anh không muốn làm điều đấy mà chúng tôi là nhà đầu tư thì không muốn như vậy, không biết chờ đến bao giờ”.
Cùng đánh giá sản phẩm công nghệ của LASS GROUP đầy sự mới mẻ, độc đáo tuy nhiên, nhà sáng lập đầy đam mê nhưng phần thuyết trình thiếu dẫn chứng, và phương án kinh doanh còn thiếu sót của CEO Tommy Phạm đã khiến các “cá mập” không thể rót vốn. Đây cũng là bài học dành cho các startup về sau cẩn trọng hơn khi đi gọi vốn, cần chuẩn bị chu đáo các phương án kinh doanh để có thể thuyết phục nhà đầu tư.
Thương vụ cuối cùng đến từ Lê Mai Tùng – Founder & CEO EyeQ Tech. Đây là công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về nhận dạng mặt người, hành động, sản phẩm. Công nghệ Visua AI của EyeQ Tech sẽ biến camera bình thường thành camera thông minh để ghi lại Insight khách hàng cho những đơn vị cần dùng trí tuệ nhân tạo để tối ưu mô hình kinh doanh của mình.
Đưa ra hai lời đề nghị 1 triệu USD cho 3,3% cổ phần hoặc 2 triệu USD cho 6,6% cổ phần, Lê Mai Tùng lý giải con số gọi vốn đề cập dựa trên doanh thu EyeQ Tech có thể đạt được trong 1 năm tới.
Nhà sáng lập cho hay, công ty được thành lập từ tháng 10/2017. Trong 2 năm đầu công nghệ còn sơ khai nhưng đã bán được sản phẩm. Doanh thu 2018 đạt được 1,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp lên đến 90%.
Nhà sáng lập tuyên bố: “EyeQ Tech là công ty đầu tiên có data bán lẻ và ngân hàng nhiều nhất Việt Nam”. Với 2 khách hàng lớn là Unilever và Vinpearl. Lê Mai Tùng trình bày mong muốn gọi vốn 1 triệu USD để trả lương cho đội ngũ kỹ sư công nghệ và nhân viên sale.
Đánh giá công ty doanh thu lõng lẻo nhưng gọi vốn “trên trời”, Shark Nguyễn Ngọc Thủy bày tỏ ý kiến: “ Đây là dự án có tính ứng dụng cao nhưng mô hình của các bạn hiện nay đã có nhiều công ty làm rồi. Dự án công nghệ ai đi trước thì có lợi thế về người dùng, khi tệp người dùng đủ lớn thì người đi sau không thể theo được nhưng người dùng của các bạn ở đây đều ở B2B, chỉ ở giai đoạn bắt đầu với một vài đơn vị thôi. Định giá của những công ty như vậy chỉ đâu đó loanh quanh 1 triệu USD, công ty của bạn đến nay ra mắt thị trường hơn một năm doanh thu mới 1,5 tỷ thì không có lý gì định giá 33 triệu USD. Như vậy quá xa so với hình dung của nhà đầu tư”.
Cho rằng công nghệ không thể thương mại hóa chỉ là “công nghệ đắp chiếu”, Shark Dzung Nguyễn chia sẻ: “Cái mà bạn đang kỳ vọng với cái Shark sẵn sàng đầu tư hỗ trợ bạn quá chênh lệch nên tôi không thể đưa ra offer. Thêm một điểm nữa, về cơ bản trí tuệ nhân tạo AI chỉ giỏi ở một số lĩnh vực mà mình đào tạo cho nó thôi. Bạn đang làm rất nhiều lĩnh vực, mình sẽ bị phân tán và chỉ thông minh vừa vừa thì rất khó ứng dụng”.
Thương vụ khép lại khi các nhà đầu tư còn lại là Shark Đỗ Liên, Shark Phạm Thanh Hưng và Shark Nguyễn Thanh Việt cũng lắc đầu. Bày tỏ sự tiếc nuối vì bất đồng ý kiến với Shark về cách định giá công ty. Chia sẻ sau phần thuyết trình, Lê Mai Tùng tự tin về mảng công nghệ, một khi làm xong sản phẩm qua giai đoạn khó khăn thì giai đoạn sau startup sẽ scale-up khá thuận lợi.
Tập 6 Shark Tank Việt Nam – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 28/8/2019 trên kênh VTV3. Trong tập này sẽ có sự xuất hiện của một nhà đầu tư khách mời mới chưa từng được công bố tại Shark Tank Việt Nam mùa 3.