logo
Thứ ba, 14/05/2024 01:50:41

‘Chị ong nâu’ phiên bản thất tình – vui thôi đừng vui quá


Trào lưu “Chị ong nâu” trở thành cơn sốt đầy bất ngờ với sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng mạng.

 
Nữ sinh thể hiện ‘Chị ong nâu và em bé’ phiên bản thất tình “Chị ong nâu và em bé” với bản phối ballad đang nổi tiếng trên mạng xã hội. Bài hát tạo ra trào lưu làm mới các ca khúc thiếu nhi.

Xuất phát từ một video thể hiện nhạc thiếu nhi theo phiên bản thất tình, hay nói đúng hơn là dùng lời của một bài nhạc thiếu nhi nổi tiếng hát trên nền ballad trữ tình, ca khúc Chị ong nâu và em bé của cố nhạc sĩ Tân Huyền đã được biến tấu thành một bài hát dành cho người lớn.

Cải biên nghịch ngợm, phá cách

Cải biên đầy nghịch ngợm phá phách nhưng phần hát cũng khá hay với lối luyến láy điệu nghệ, Soi Nguyễn – chủ giọng hát trong video – đã giúp Chị ong nâu và em bé trở thành hiện tượng, được rất nhiều người chia sẻ, bình luận và hưởng ứng nhiệt tình.

Phiên bản thất tình của Chị ong nâu và em bé được các thành viên trong nhóm sáng tạo nội dung Hwangcho thực hiện ngẫu nhiên. Khi video được lan tỏa với tốc độ chóng mặt, ê-kíp có chia sẻ với truyền thông rằng các bạn vô bất ngờ.

 

Vì sao một video chỉ hơn một phút và hát chơi như vậy mà được xem, like và chia sẻ khắp các nền tảng mạng xã hội?

Nhiều tài khoản đã để lại bình luận tỏ ý thích thú vì sự hài hước và sáng tạo của Hwang Cho. Thậm chí nhiều người còn ngóng ê-kíp ra bản hoàn thiện cả bài hát Chị ong nâu và em bé hoặc ra cả album nhạc thiếu nhi cải biên như vậy.

Từ phiên bản đầu tiên, chỉ trong vài ngày, đã có hàng trăm kiểu hát khác nhau ra đời. Các bạn trẻ thi nhau dùng phần lời của các bài thiếu nhi hát lại trên những nền nhạc khác nhau, tạo nên các video giải trí thú vị.

Chị ong nâu và em bé được hát trên nền nhạc Hàn, Hoa, Âu Mỹ, hay các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng khác như Một con vịt, Cô và mẹ, Cháu yêu bà… cũng được chuyển sang phong cách ballad, R&B, bolero… đầy bất ngờ.

Cộng động mạng tạo nên muôn vàn sáng tạo phong phú mà người xem chỉ có thể đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cũng tung hứng góp vui, thực hiện các clip biến tấu với nhiều phiên bản khác nhau. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với phiên bản miền Tây, Phạm Đình Thái Ngân biến Chị ong nâu và em bé thành phiên bản Muộn rồi mà sao còn, Orange, Suni Hạ Linh, Emma và nhiều nghệ sĩ khác cũng hát “Chị ong nâu nấu nầu nâu…” mỗi người một kiểu, kiểu nào cũng chọc cười khán giả.

Có phải thảm họa âm nhạc?

Tuy nhiên, sự lan tỏa mạnh mẽ của Chị ong nâu và em bé trong một thời gian ngắn đã tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều.

Dù đa số đều cảm thấy trào lưu này vui vẻ và giải trí, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng các biến thể này nhảm nhí, thảm họa, ảnh hưởng giá trị của ca khúc gốc và nhạc thiếu nhi không phù hợp để mang ra đùa giỡn như vậy.

chi ong nau phien ban that tinh anh 4
Ninh Dương Lan Ngọc là một trong số những sao hưởng ứng phiên bản “chị ong nâu thất tình”. Ảnh: Bá Ngọc.

Khi được hỏi về trào lưu này, nhạc sĩ, nhà sản xuất Mew Amazing nói: “Tôi thấy vui mà. Nếu gọi là thảm họa thì đây là thảm họa một cách cố ý. Người ta bật cười từ cái thảm họa đó chứ không phải người ta ghét. Nó làm ra phục vụ cho mục đích giải trí gây cười, chứ không ai nói đây là sản phẩm đàng hoàng để thưởng lãm hay thi thố. Nó chỉ là một trào lưu người ta thấy thú vị vì nó ngược ngạo và éo le”.

Thực tế, một trào lưu vui trong một thời gian ngắn cũng chỉ là nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả. Nó hoàn toàn có thể nhanh chóng bị lu mờ bởi một trào lưu mới, như rất nhiều trào lưu từng đến rồi đi trước giờ.

Một cuộc vui bên lề khó mà tác động được đến âm nhạc nghiêm túc, nên cảm nhận yêu ghét thuộc về sở thích, quan điểm của mỗi khán giả, chứ các phiên bản này khó mà ảnh hưởng gì được tới thẩm mỹ âm nhạc chung.

Tuy nhiên, ranh giới giữa “cho vui” và “phản cảm” là rất mong manh. Vui thôi đừng vui quá là lời nhắc nhở cho tất cả trào lưu, không chỉ riêng với Chị ong nâu và em bé. Chừng mực cho một trò đùa nằm ở giới hạn nào, người sáng tạo cần hiểu rõ. Những trò đùa “lố” từng ồn ào trên mạng xã hội, khi trở nên phản cảm, nó cũng sẽ bị bài xích mạnh mẽ như đã được ủng hộ.

chi ong nau phien ban that tinh anh 5
Nhạc sĩ Mew Amazing cho rằng đây là trào lưu vui vẻ, không phản cảm. Ảnh: Nguyễn Lương Khải.

Vui thôi, đừng vui quá

Nói về mục đích sáng tạo ra phiên bản ”Chị ong nâu thất tình”, Soi Nguyễn – nữ sinh đã thể hiện ca khúc – trả lời Zing: “Ban đầu việc sử dụng ca khúc Chị ong nâu và em bé để hát sang phiên bản thất tình chỉ là ý tưởng ngẫu hứng. Chúng tôi không suy nghĩ quá nhiều rằng ca khúc được đón nhận ra sao, liệu có gây tranh luận không”.

Nữ sinh Đại học Bách khoa cho rằng việc khán giả phản ứng trái chiều là vấn đề đương nhiên, vì mỗi người đều có quan điểm và sở thích riêng.

“Tôi nghĩ Chị ong nâu và em bé là ca khúc thiếu nhi nổi tiếng, giai điệu đã quá quen thuộc với đông đảo khán giả. Do đó, khi bài hát được hát lại với bản phối hoàn toàn mới, mọi người bất ngờ và tò mò”, Soi Nguyễn chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, K-ICM cho rằng Chị ong nâu và em bé phiên bản thất tình viral vì đây là video khiến khán giả vui vẻ, giải trí.

“Mọi người ở nhà, chỉ làm việc rồi online, xem nền tảng mạng xã hội. Những video như Chị ong nâu khiến khán giả đỡ nhàm chán, xả stress, đặc biệt trong thời gian chỉ quanh quẩn trong nhà”, K-ICM chia sẻ với Zing.

Anh nói thêm: “Nhưng vui thôi, đừng vui quá, đừng nhiều quá. Vì clip gốc viral, nên ai cũng làm, làm tràn lan, ai cũng muốn quay để được viral. Tôi không ủng hộ việc này, mọi việc đều cần có mức độ giới hạn nhất định. Ít ra chúng ta nên tôn trọng tác giả của ca khúc gốc”.

chi ong nau phien ban that tinh anh 6
K-ICM chia sẻ quan điểm không nên chạy theo trào lưu chế nhạc thiếu nhi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan