Xuất hiện đầu tiên trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 13 là Võ Thị Minh Nga – người sáng lập thương hiệu Gạo lứt rẫy Bh.nong chuyên cung cấp các thực phẩm dinh dưỡng từ gạo lứt.
Minh Nga là người Quảng Nam. Chị từng rời bỏ quê hương nghèo vì hầu như không có cơ hội cho người trẻ. Sau 10 năm học tập và làm việc trong ngành báo, trăn trở với câu hỏi tại sao mọi người lại bỏ quê đi, Minh Nga quyết định quay trở lại quê hương.
“Em chỉ có hai bàn tay trắng và tài sản chỉ có một cái chảo rang thôi. Lúc đó mọi người không ai có thể tin là Bh.nong có thể sống được quá 6 tháng. Đến thời điểm hiện nay, em đã chứng minh được rằng bất kỳ ở miền quê nào, miễn người trẻ có nghị lực thì có thể giúp cho quê hương mình phát triển”, Minh Nga chia sẻ.
Với mong muốn nâng cao giá trị của hạt gạo lứt quê hương, Minh Nga đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi các Shark đầu tư 3 tỷ đổi lấy 10% cổ phần của Bh.nong.
Thuyết phục các Shark đầu tư, Minh Nga đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, các sản phẩm của Bh.nong đều được sáng tạo từ gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Gạo lứt được gieo theo phương thức truyền thống, không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Trước khi đưa vào sản xuất, Bh.nong ủ nảy mầm toàn bộ gạo lứt để gia tăng thêm dinh dưỡng. Hiện nay Bh.nong đã đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm chính gồm trà gạo lứt, bột gạo lứt và bánh gạo lứt.
Thứ hai, mô hình kinh doanh của Bh.nong là sản xuất và phân phối đến các đại lý, nhà phân phối khắp cả nước. Doanh thu năm 2021 của Bh.nong là 10 tỷ. Dự kiến đến năm 2022 sẽ đạt mốc 15 tỷ. Mục tiêu năm 2023 sẽ tăng trưởng 100%, đạt mức doanh thu 30 tỷ. Minh Nga khẳng định, chính vì Bh.nong đang trong giai đoạn tăng trưởng nên việc đầu tư vào Startup trong thời điểm này là lý tưởng nhất. Khi các Shark đầu tư, Bh.nong sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, không chỉ “mang hương rừng ra phố” mà còn mang hạt gạo lứt miền núi ra khắp năm châu.
Thứ ba, thương hiệu Bh.nong do Minh Nga sáng lập mà không phải một người khác. Chị khẳng định, phải là người địa phương, có sự tìm hiểu nhất định về văn hóa vùng miền mới có thể khai thác được tối đa nguồn nguyên liệu này.
Hiện nay Bh.nong tự sản xuất sản phẩm với nhà máy rộng 600 mét vuông. Các sản phẩm của Bh.nong đã đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chứng nhận ISO 2000:2018.
Bh.nong bán theo mô hình B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp) cho 200 đại lý, nhà phân phối khắp cả nước. Các đại lý này đều triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Vì thế, Minh Nga tự truyền thông, không tốn chi phí nhưng lợi nhuận năm 2021 của Bh.nong vẫn đạt 30%.
Minh Nga cho biết, nếu gọi vốn thành công 3 tỷ, chị sẽ dành 1 tỷ làm truyền thông. “Vì sản phẩm này cần truyền thông marketing thì đẩy doanh số lên rất nhanh”, Minh Nga giải thích.
Đồng quan điểm truyền thông marketing và bán hàng liên quan đến nhau nhưng Shark Hưng cho rằng nó phải liên quan một cách đồng bộ và hợp lý, phải có chiến lược thích hợp và đồng bộ.
Nhận xét về sản phẩm của Startup, Shark Hưng nói: “Cá nhân tôi đánh giá cao sản phẩm của bạn, ăn rất ngon… Đặc biệt là bánh gạo lứt này”.
Kể lại lý do sâu xa khiến Minh Nga quyết tâm Startup với Gạo lứt rẫy Bh.nong, chị cho biết: “Hồi đó khi em ở quê ra phố thì ba mẹ em có nói là bằng mọi giá em phải ở TP. HCM. Thậm chí bắt em phải lấy chồng đại gia nữa. Em muốn là đại gia của chính mình thôi. Em nghĩ muốn gặp được đại gia thì ít ra mình cũng phải là kiều nữ. Nhưng em lại thấy em không phải là kiều nữ… Với lại phụ nữ ở vùng sâu vùng xa người ta hay có tình trạng lấy chồng rất sớm và phải phụ thuộc kinh tế vào người đàn ông. Em muốn người phụ nữ phải độc lập kinh tế cho nên em rất thương những người phụ nữ đồng bào ở miền quê của em”.
Trước câu hỏi của Shark Liên về lý do bỏ phố về quê, Minh Nga chia sẻ, năm 2016, đầu năm 2017, phong trào bỏ phố về quê chưa rầm rộ. “Thời điểm đó em nhận sự phản đối hầu như là 100%. Kể cả tối em ở Sài Gòn về, mẹ em đã xếp hết đồ của em lại, bắt em bằng mọi giá sáng mai phải nhảy xe vô lại thành phố”, Minh Nga nhớ lại.
Về quê với số vốn 50 triệu, Minh Nga mua xe máy để đi lại hết 25 triệu. Với số tiền còn lại, khi mẹ bắt vào thành phố, chị trốn lên vùng đồng bào dân tộc. Chị sống với người đồng bào dân tộc, làm công tác từ thiện, giúp đỡ người dân và phát hiện ra giống gạo lứt rẫy này. “Khi quay về, em nói với ba mẹ là cho con 1 năm, nếu con thất bại thì con theo sự sắp đặt của ba mẹ”, Minh Nga kể. Và từ đó, thương hiệu Gạo lứt rẫy Bh.nong ra đời.
Theo thống kê, Quảng Nam có khoảng 4.000 ha diện tích trồng lúa rẫy, năng suất hàng năm đạt khoảng 600.000 tấn. Hiện tại Bh.nong mới chỉ thu mua được khoảng 1/20 nguồn nguyên liệu sẵn có. Minh Nga cho biết, Startup có thể bắt tay với người đồng bào dân tộc để có nguồn cung lớn hơn khi phát triển quy mô doanh nghiệp.
Chị lý giải, người đồng bào dân tộc hiện nay rất muốn bảo tồn giống lúa này nhưng khi không có đầu ra, họ chỉ trồng trong quy mô nhỏ. “Khi mình bắt tay với họ thì một phần họ có thể bảo tồn được tập tục văn hóa, phần khác thì họ có thêm thu nhập”, Minh Nga nói.
Điểm đặc biệt của loại gạo lứt rẫy này là có sức sống mãnh liệt, thích nghi được với mọi địa hình cũng như thời tiết. “Mọi người thường ví cây lúa rẫy giống hình ảnh của những người miền Trung, khó khăn gian khổ vẫn cứ nảy mầm và vươn lên rất tươi tốt”, Minh Nga ví von.
Quay trở lại bức tranh tài chính, khi Shark Hùng Anh biết được dự kiến Gạo lứt rẫy Bh.nong có thể lãi 5 tỷ năm nay, ông thắc mắc: “5 tỷ năm nay thì em đến đây gọi vốn làm gì?”
Đáp lại, Minh Nga cho biết chị đang làm hồ sơ chứng nhận của FDA (Food and Drug Administration – Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) để có thể xuất khẩu sản phẩm này. Hiện tại Startup đã có đại lý ở Mỹ và Nhật nhưng theo đường tiểu ngạch chứ chưa chính ngạch. Gạo lứt rẫy Bh.nong muốn tăng doanh thu lên gấp 2 lần nên cần có sự đồng hành của các Shark. Minh Nga cũng cho biết cả tuổi thanh xuân của chị đã dành cho khởi nghiệp.
Shark Hùng Anh là người đầu tiên ra deal với mức đầu tư 3 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp khoảng 9 tỷ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu tài sản cố định của Startup là 4 tỷ bao gồm đất 2 tỷ, nhà xưởng 1 tỷ, máy móc 1 tỷ, Shark Hùng Anh điều chỉnh mức cổ phần ông mong muốn ở hữu còn 20%.
Về phía Shark Bình, ông nhận xét câu chuyện của Minh Nga rất cảm động, thể hiện ý chí, nghị lực, bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam. “Anh rất khâm phục câu chuyện của em, rất truyền cảm hứng”, Shark Bình cho biết. Tuy nhiên, ông cho rằng mình không thể hỗ trợ tốt cho Startup nên từ chối đầu tư.
Shark Erik là người tiếp theo từ chối ra deal bởi không biết có thể hỗ trợ Startup như thế nào.
Shark Hưng cho biết ông rất xúc động với câu chuyện của Minh Nga. “Đúng là rất đáng quý. Kỳ lạ đến mức độ chưa có ý tưởng về sản phẩm mà vẫn quyết tâm về quê khởi nghiệp. Tôi đánh giá cao tinh thần của bạn cũng như rất yêu quý sản phẩm của bạn, dưới góc độ là người tiêu dùng”, ông nói. Tuy nhiên vì không có kinh nghiệm trong việc phát triển những sản phẩm thực phẩm như thế này và không có hệ sinh thái phù hợp để giúp Startup nên ông quyết định không đầu tư.
Còn lại Shark Liên, bà nhận định Minh Nga không hẳn cần tiền mà cần một điểm tựa, một bệ đỡ để có thể cất cánh cao hơn nữa. “Tôi có thể giúp bạn được điều đó. Tôi có rất nhiều thế mạnh vì tôi cũng xuất thân nhiều đời làm nghề nông. Tôi có thể đưa sản phẩm của bạn đi xa hơn. Và đặc biệt tôi cũng muốn giữ lại gạo tốt cho người dân tộc”, Shark Liên chia sẻ và chốt deal 3 tỷ cho 10% cổ phần như đúng mức kêu gọi của Startup.
Lúc này, Shark Hùng Anh lên tiếng: “Anh là người Quảng Nam. Anh đi lên cũng giống như em thôi. Cho nên bây giờ để hai anh em chúng ta cùng nhau giúp cho bà con quê mình, anh sẽ đầu tư cho em 5 tỷ để sở hữu 20%. Tất nhiên deal này thấp hơn deal của chị Liên. Nhưng sau này lỡ có nhu cầu tiền thì anh rót thêm”.
“Anh còn giúp em được nhiều thứ, kể cả em bán ra nước ngoài cũng được. Em muốn làm gì anh cứ để hết cho em làm. Anh tin em làm được”, Shark Hùng Anh thuyết phục thêm.
Minh Nga cho biết mình đang muốn hướng tới một doanh nghiệp xã hội, do đó chị muốn đặt câu hỏi về sứ mệnh cuộc đời của các Shark.
Shark Liên cho biết: “Gần 30 năm nay rồi. Tôi làm công việc xã hội không phải chỉ làm từ thiện. Tôi giúp cho các bạn trẻ rất nhiều. Bao nhiêu tiền là đủ. Các bạn chỉ cần chúng tôi đi kèm với các bạn đã là đủ rồi”.
Shark Hùng Anh nêu quan điểm: “Mình làm xã hội việc đầu tiên mình phải làm giàu cho chính bản thân mình đã. Rồi mình mới có nguồn lực làm cho xã hội”.
Khi Minh Nga thắc mắc hệ sinh thái công nghệ của Shark Hùng Anh có thể giúp gì cho Startup hay ông chỉ rót tiền thuần túy, Shark Hùng Anh cho biết ông sẽ trực tiếp hướng dẫn cho Startup về quản lý. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ tuyển dụng và đưa các phần mềm ứng dụng để kiểm soát từ nhà máy đến kho phân phối, đưa vào dây chuyền công nghệ rõ ràng và minh bạch để đi xa hơn nữa.
Sau một hồi phân vân, Minh Nga cho biết chị rất quý Shark Liên vì bà có trái tim ấm áp. Tuy nhiên Shark Hùng Anh là người miền Trung, hiểu văn hóa của người miền Trung nên chị quyết định nhận đầu tư của Shark Hùng Anh.
Thương vụ khép lại thành công với số tiền cam kết đầu tư trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 13 là 5 tỷ cho 20% cổ phần.
Startup tiếp theo xuất hiện ở Shark Tank là AMD Modular với hai đại diện là Nguyễn Xuân Nam và Dũng, đồng sáng lập và điều hành công ty. Theo lời giới thiệu, AMD Modular là giải pháp xây dựng của tương lai, ứng dụng công nghệ module hóa ra các tiện ích 4.0, mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới và tốt hơn cho người Việt. Startup đến Shark Tank để kêu gọi 50 tỷ cho 10% giá trị cổ phần của công ty.
Xuân Nam cho biết anh không thể quên thời khắc trước đây khi ba mẹ vất vả trong việc xây dựng ngôi nhà đầu tiên. Hàng ngày ba mẹ anh phải ra ngoài công trường phối hợp, giám sát các tổ đội thi công, đêm thì trông nom vật tư rất vất vả và gần như không có thời gian dành cho gia đình. Điều đó thôi thúc anh nghiên cứu và tìm ra những giải pháp xây dựng để có thể rút ngắn thời gian cũng như giảm áp lực xây dựng cho mọi người.
Sau đó anh quyết định học xây dựng và vào làm công ty nước ngoài để có thể tiếp cận các công nghệ xây dựng tiên tiến hơn. Vào năm ngoái, anh tập hợp 20 kỹ sư để nghiên cứu dựa trên mô hình module hóa làm sao cho phù hợp với địa hình cũng như gu thẩm mỹ của người Việt. Khác với vật liệu truyền thống là bê tông cốt thép, ngôi nhà của AMD được hình thành từ những tấm module định hình chịu lực bao gồm sàn, vách, mái có thể dễ dàng tạo thành các không gian kiến trúc khác nhau… và có thể sản xuất, lắp đặt ở trong nhà xưởng.
Anh Dũng mong muốn AMD trở thành 1 biểu tượng truyền cảm hứng để góp phần làm thay đổi ngành xây dựng truyền thống đã tồn tại cố hữu đã hàng trăm năm nay. Với công nghệ nhà module, nhà Space của AMD có những ưu thế vượt trội hơn nhà truyền thống đó là thời gian được tối ưu, được rút ngắn còn dưới 30 ngày, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan xung quanh, hạn chế những phát sinh không đáng có do phải phụ thuộc vào tay nghề của thợ. Ngoài ra khách có thể mở rộng, cơi nới, di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Hơn thế nữa nó có thể mua đi bán lại, và cho thuê như 1 tài sản di động.
Hiện tại AMD tập trung vào phân khúc khách hàng nhà ở, homestay, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, resort. Trong tương lai, công ty hướng tới mô hình xuất khẩu cũng như mở rộng hệ sinh thái bao gồm cho thuê, cải tạo, cơi nới, di chuyển. Cuối cùng sẽ bán trên nền tảng còn lại. Startup hứa hẹn các Shark sẽ thu lại khoản lợi nhuận gấp 6-8 lần trong vòng 4-5 năm tới
Năm 2021 AMD tập hợp nghiên cứu trong vòng một năm liên quan đến lĩnh vực module hóa. Đây là công nghệ rất phổ biến ở nước ngoài. Đến tháng 12, công ty ra mắt nhà mẫu và chính thức bán hàng. Từ tháng 12 cho tới tháng 6 công ty đã ghi nhận doanh số là 60 tỷ tương ứng với gần 20 đơn hàng trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Sản phẩm có chi phí trực tiếp chiếm khoảng 75%, chi phí marketing là 5%, chi phí vận hành là 15% còn 5% còn lại là dành cho các chi phí khấu hao sau khi đã đầu tư cũng như là lợi nhuận kỳ vọng đạt 2% sau thuế. Đến hiện tại, Startup đã đầu tư khoảng 40 tỷ chủ yếu là về cơ sở hạ tầng, phân bổ đều trong vòng 10 năm, ghi nhận doanh thu trong năm đầu khoảng 2%.
Shark Hưng làm rõ hơn về công ty, “Tức là tôi hình dung là các bạn đang có một cái nhà xưởng sản xuất ra cái module, khách hàng có thể tự thiết kế dựa trên module có sẵn, sau đó các bạn cung cấp và lắp ráp cho khách hàng? Thế thì bây giờ giá thành của bạn nói là khoảng 70% so với giá bán, vốn hàng bán là khoảng 70%? Nếu như thế thì đang rất là rủi ro cho việc quản lý vận hành, gần như không còn room cho việc marketing cũng như là phát triển thị trường… kể cả bạn khấu hao trong vòng 10 năm là khấu hao dài, thì giá thành vẫn rất cao. Tôi cảm thấy như vậy sẽ mất tính cạnh tranh của sản phẩm. Quá đắt.”
Shark Hùng Anh cho rằng định giá doanh nghiệp là 50 tỷ cho 10% thì pre-money là 450 tỷ, con số rất lớn trong khi lợi nhuận doanh nghiệp không là bao.
Shark Hưng cũng cho rằng ông chưa hiểu sản phẩm của AMD có gì độc đáo khác biệt so với sản phẩm truyền thống mà khiến giá thành tăng gấp đôi? “Với cái nhà 1-2 tầng thế này thì chúng tôi xây dựng giá nó thấp hơn rất nhiều các bạn đang nói.”
Khi được Shark Erik quan tâm về khách hàng mục tiêu, Startup cho biết ở giai đoạn 1, khách hàng đang ở phân khúc nghỉ dưỡng là homestay, second home. Đến giai đoạn hiện nay bắt đầu ra dòng sản phẩm tiếp theo liên quan đến các mô hình nhà hàng, các quán café hoặc là nhà di động có thể di chuyển được và họ đang hỏi rất nhiều về mô hình đó.
Shark Hùng Anh cho rằng Startup gần như không có lợi thế cạnh tranh về mọi mặt, đặc biệt đối với Nhà đầu tư quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận, khả năng bán hàng và kiếm tiền trong tương lai. Vì vậy ông quyết định không đầu tư thương vụ này.
Shark Liên chia sẻ rằng ở Việt Nam, người ta xem ngôi nhà của mình là 1 tài sản, khi đã xây dựng thì cần sự kiên cố, vững chắc và phải bền, phải truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Thêm nữa, sản phẩm này không nằm trong hệ sinh thái của bà, nên bà cũng không đầu tư.
Shark Hưng tiếp tục là người từ chối đầu tư cho AMD. “Chắc là qua phân tích của tôi thì các bạn cũng đã nhận thấy được những nhược điểm về sản phẩm của mình. Vấn đề chính là bản thân mô hình kinh doanh của các bạn. Đầu tư tại thời điểm này thì quá sớm và đặc biệt là định giá của các bạn quá xa với những gì mà chúng tôi có thể nhìn thấy giá trị của bạn. Nên tôi không đầu tư.”
Shark Bình hỏi tiếp về việc các Shark sẽ đầu tư và thu lại lợi nhuận như thế nào. “6-8 lần sau 5 năm đúng không? Tại sao nghe hấp dẫn thế? Đúng như thế này thì anh xuống tiền luôn. Exit như thế nào?”
Startup chia sẻ năm nay công ty có kế hoạch doanh thu sẽ đạt từ 150 cho đến 200 tỷ, tương đương mỗi tháng chỉ cần 4 căn nhà đều đặn. Vào đến năm sau thì có thêm mảng dịch vụ, vì mảng dịch vụ biên lợi nhuận sẽ nằm từ 25-30%. “’Thứ 1 nó đến từ việc cải tạo, cơi nới, mở rộng nhà, mua các accessories bao gồm có nội thất. Phần nữa là mô hình là cho thuê.”
Shark Bình cho rằng đây là đếm cua trong lỗ. “Các startup thông thường vẽ ra kế hoạch kinh doanh rất đẹp nhưng 90% đều fail. Đấy là thực tế mà anh đã gặp rất nhiều trong 20 năm khởi nghiệp và đầu tư. Nên anh sẽ quyết định không đầu tư.”
Shark Erik cũng đồng ý với Shark Bình, định giá của doanh nghiệp hơi khó hiểu nên ông quyết định không đầu tư.
Nắm bắt xu thế xanh hóa ngành thời trang may mặc của Thế giới, startup Ecosoi đã mang sợi vải được dệt từ lá dứa đến Shark Tank, đưa đến cho các Shark cơ hội đầu tư trong giai đoạn sớm 100 nghìn USD cho 20% cổ phần. Vũ Thị Liễu – Founder và CEO của Ecosoi đưa ra các số liệu thực tế rằng mỗi quả dứa được hái, người nông dân sẽ bỏ đi 2-3kg dứa, như vậy có cả triệu tấn lá dứa được bỏ đi hàng năm. Ecosoi được thành lập năm 2021 và phát triển những dòng máy như máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi để tạo ra sản phẩm chính là sợi thô và sợi đánh bông. Theo kế hoạch năm 2023, công ty sẽ có dòng sản phẩm mới là cuộn sợi công nghiệp phục vụ cho ngành thời trang. Doanh thu dự kiến năm 2022 là 4,7 tỷ đồng, năm 2023 là 40 tỷ đồng và năm 2024 là 71,5 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 15%.
Sau màn giới thiệu sơ lược của Startup, các Shark tỏ ra khá quan tâm bởi đây là một sản phẩm bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng hiện tại. CEO Vũ Thị Liễu cho biết thêm, doanh thu hiện tại mới chỉ có 700 triệu và đến từ tháng 5 năm 2022. Mô hình của Ecosoi là chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã và những doanh nghiệp có sẵn vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất, nguồn lao động là người dân địa phương. Khách hàng hiện tại của Ecosoi là Pinatex – đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên Thế giới.
Shark Hùng Anh đặt câu hỏi 100.000 USD gọi vốn mục tiêu để làm gì? CEO chia sẻ rằng với số tiền đó họ sẽ đóng gói tất cả các quy trình và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mức tối thiểu mà khách hàng mong muốn là 7 tấn/tháng nhưng hiện tại Ecosoi chỉ đạt được gần 3 tấn/tháng. Shark Liên hỏi thêm CEO đã đầu tư bao nhiêu tiền vào lĩnh vực này và đội ngũ gồm bao nhiêu nhân sự? Vũ Thị Liễu thành thật chia sẻ cả nhóm 4 người đã đóng góp 1 tỷ, tiêu hết 800 triệu và hiện nay tài sản cũng vào khoảng 800 triệu. Nguyên nhân là họ có chuyển giao công nghệ 20 máy cho các hợp tác xã và cũng thu lại lợi nhuận từ đó. Startup cũng nói thêm về điểm vượt trội công nghệ của Ecosoi khi sản xuất trung bình được 4kg sợi/ngày. Trong khi đó Philippines là nhà cung cấp sợi dứa chủ yếu cho Pinatex chỉ có thể cho ra đời khoảng 3,75kg sợi/ngày. Thêm vào đó, trong quá trình thu hoạch lá, nếu ‘đối thủ’ Philippines sản xuất 1 kg sợi từ 67kg lá thì Ecosoi chỉ cần 55kg lá dứa. Để giải thích rõ hơn cho các Shark về phần này, Vũ Thị Liễu mời thêm Nguyễn Văn Hạnh – Giám đốc sản xuất – Co.Founder của công ty cùng thuyết trình. Nguyễn Văn Hạnh cho biết thêm về công đoạn sản xuất, sau khi thu hoạch lá sẽ chuyển về và làm trong quy trình 48 tiếng để tuốt, làm sạch, chế biến mới thành sợi.
Shark Erik lại khá quan tâm đến vấn đề bảo vệ công nghiệp của Startup. CEO trả lời rằng họ đã đăng ký giải pháp hữu ích cho sợi công nghệ là lá dứa và cũng đã đăng ký bản quyền cho dòng sợi và dòng vải. Shark Hưng đặt câu hỏi về việc thiết kế máy tuốt sợi, Startup thành thật trả lời công ty đã tiếp tục nghiên cứu dựa trên nền tảng máy tách sợi của Philippines. Về nguyên lý thì hai máy giống nhau nhưng cấu tạo khác nhau và đó cũng là lý do năng suất của công ty Việt Nam cao hơn so với nước bạn.
Là một người quan tâm đến môi trường, lập tức Shark Liên đưa câu hỏi: “Để ra được 1 mét vải thì bình thường phải sử dụng đến 65 lít nước còn bạn thì sao?” Câu trả lời của Startup mang đến một thông tin khá tích cực: 30 lít khi tuốt và rửa để giữ được màu sắc và chất lượng sợi. Shark Hưng tiếp tục đưa ra quan điểm thẳng thắn, ông cần làm rõ thêm vấn đề: sau khi công ty bán máy tuốt sợi cho người dân thì phải thêm bao nhiêu phần giá trị gia tăng cho sản phẩm trước khi xuất khẩu và Pinatex 1 năm nhập được ở tất cả các nước trên Thế giới khoảng bao nhiêu tấn sợi dứa?
Với câu hỏi này, Startup chỉ trả lời được 1 phần, đó là giá trị gia tăng thêm khoảng 5% nhưng số liệu của Pinatex là thông tin nội bộ của công ty đó nên họ không thể nắm rõ. Cô chỉ ước tính được Ecosoi đang chiếm 2-5% thị phần của Pinatex và đối với ngành dệt may, nếu chiếm 0,1% đã là niềm vinh hạnh.
Shark Hưng và Shark Bình đặt sự so sánh sợi dứa với sợi bông, CEO đưa ra thông tin sợi dứa đắt gấp 2,5 lần, thấm hút mồ hôi tương đương nhưng tính cơ lý bền hơn rất nhiều so với sợi bông. Nếu muốn làm mềm sợi dứa, có rất nhiều công đoạn và phương pháp mà bà con dân tộc đã áp dụng ví dụ như phơi sương, chà đá. Khi Shark Hưng hỏi rõ hơn về hợp đồng với Pinatex, CEO Vũ Thị Liễu trả lời họ đã ký hợp đồng đầu tiên và đang thương thảo tiếp về phần đặt cọc. Lĩnh vực kinh doanh này được ưu tiên khi xuất khẩu với 0% thuế.
Phần tiếp theo, CEO Vũ Thị Liễu chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của nhóm làm Ecosoi. Bản thân chị là giảng viên khoa môi trường, không phải chuyên ngành kinh doanh, giám đốc Nguyễn Văn Hạnh là một anh nông dân và thêm một người bạn đồng hành khác đang ở nước ngoài – chủ tịch của tổ chức Keep It Beautiful Vietnam chuyên khôi phục những làng nghề truyền thống đang bị mai một. Họ gặp nhau ở một điểm là Ecosoi – nơi thỏa mãn tất cả những ước mơ và vì vậy cả nhóm đã quyết liệt với dự án này. Ecosoi đã có những chương trình thời trang nhỏ diễn ra ở Thụy Sỹ, Canada và sắp tới là Hy Lạp. Đây là thông tin khiến Shark Liên khá đồng cảm, hài lòng.
Bên cạnh đó, Shark Hưng muốn tìm hiểu thêm về doanh số, Startup đưa ra: năm 2022 Ecosoi đạt được khoảng 14 tấn. Họ sẽ chuẩn bị cho tháng 7 và tháng 8 bắt đầu xuất đơn hàng lớn còn hiện tại tháng 5 chỉ mới chuyển giao công nghệ, 700 triệu thu được là từ việc này.
Với câu hỏi về lợi thế cạnh tranh của thương hiệu nếu như bị ép giá, CEO cho rằng đó cũng là điều mà họ đang lo lắng, việc phụ thuộc vào một khách hàng là điều rất rủi ro. Bởi vậy họ mới hướng đến những sản phẩm khác ví dụ như sợi đánh bông. Đây là loại sợi có thể bán cho ngành dệt may Việt Nam với các loại vải không dệt. Sản phẩm thứ hai là cuộn sợi công nghiệp hiện đang tiếp tục được nghiên cứu, dự kiến cho ra mắt vào năm 2023.
Vấn đề phụ thuộc vào khách hàng Pinatex đáng quan ngại so với Shark Hưng, ông còn chỉ ra rằng một kỹ sư bình thường khi nhìn máy tuốt sợi có thể làm ra sản phẩm y hệt. Với những phân tích về độ rủi ro đó, ông từ chối đầu tư. Là một Shark thích “liều ăn nhiều” với các thương vụ “siêu to khổng lồ”, Shark Bình cũng xin rút khỏi cuộc đàm phán. Tuy vậy, Shark Erik lại tỏ ra khá phân vân và sau đó ông quyết định nhận lời bắt tay Shark Liên khi bà nêu cao tinh thần ủng hộ sản phẩm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Shark Hùng Anh cũng có ý định muốn giành deal này.
Shark Hùng Anh cho rằng Startup cần xây dựng lại mô hình công ty, không chỉ dừng lại ở một ý tưởng mỗi người một nơi. Ông cũng nhắc lại rủi ro bị ép giá khi phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất. Với những lý do này, ông đưa ra lời đề nghị 100.000 đô để sở hữu 40% cổ phần.
Với lời đề nghị này, Shark Liên và Shark Erik lập tức đưa ra một mức giá cạnh tranh: 100.000 đô cho 36% cổ phần cùng lời hứa sẽ giúp Startup đi nhanh hơn và cất cánh thành công. Không chịu nhường bước, Shark Hùng Anh giảm mức phần trăm sở hữu xuống còn 30% kèm sự hỗ trợ về việc bố cục lại công ty đúng nghĩa, vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả hơn hiện tại.
CEO Vũ Thị Liễu mặc dù khá bất ngờ trước hai lời đề nghị này nhưng cô vẫn giữ bình tĩnh và chia sẻ rằng ở lần gọi vốn này, mức tối đa mà công ty đặt ra là 25%. Nghe tới đây, Shark Liên tiếp tục đưa ra deal: 100,000 đô cho 30% cổ phần và đây là con số cuối cùng của bà cùng Shark Erik. Mức giá đề nghị cuối cùng của Shark Hùng Anh là: 3 tỷ cho 30% cổ phần, thêm khoảng 700 triệu so với trước đó.
Trong lúc Startup hội ý, Shark Liên cũng chia sẻ với Shark Erik rằng bà có ấn tượng khá tốt về CEO Vũ Thị Liễu vì cô nhanh nhẹn, có thể thấy hai người bạn đồng hành rất muốn có được deal lần này.
Tuy vậy, sau thời gian thảo luận, CEO Vũ Thị Liễu quyết định chọn Shark Hùng Anh vì cô cũng có một người hướng dẫn quê Quảng Nam và anh ấy rất chân thành. Thêm một lý do nữa là cô muốn tránh việc định giá công ty quá thấp. Thương vụ của Ecosoi thành công với sự đồng hành của Shark Hùng Anh.
Startup tiếp theo đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn là Nguyễn Trung Hiếu, Nhà sáng lập của +84.
+84 là nhà hàng tại Hàn Quốc được thành lập từ tháng 2/2016 với mục tiêu đưa món ăn Việt Nam chuẩn vị Việt tới thị trường Hàn Quốc. Qua 6 năm hoạt động, +84 đã chứng minh được độ an toàn, sự cạnh tranh, sức mạnh khi vẫn tồn tại và phát triển trong khi các thương hiệu khác đã phải đóng cửa, rời khỏi thị trường. +84 cũng đã lên những đài truyền hình rất nổi tiếng ở Hàn Quốc như KBS, tvN, OBS và đài truyền hình VTV2 Việt Nam.
Hiện tại +84 có 2 chi nhánh ở phố cổ Insadong và phố Tây Itaewon. Giãn cách xã hội do dịch nên tháng 3/2022, chi nhánh Insadong bán được 240 triệu, tháng 4 bán được 420 triệu và tháng 5 bán được 580 triệu. Với chi nhánh Itaewon, doanh thu tháng 3 đạt 240 triệu, tháng 4 đạt 410 triệu và tháng 5 là 480 triệu. +84 đặt mục tiêu bán từ 800 triệu đến 1 tỷ doanh thu mỗi tháng cho mỗi chi nhánh.
Menu của +84 có tất cả các món của 3 miền Bắc – Trung – Nam chuẩn vị, đã được công thức hóa. Nhân viên chỉ cần tẩm vào các món ăn sẽ ra được đúng vị. +84 cũng tối ưu một ngày 2 nhân viên có thể bán được 20 triệu doanh thu. “Và đặc biệt chúng tôi có phương pháp marketing, có thể giúp +84 làm chủ nguồn khách hàng”, Trung Hiếu nhấn mạnh.
Với những lợi thế đã nêu, Trung Hiếu mong muốn bán thương hiệu +84 với giá 15 tỷ cho 100% cổ phần.
Cách ra giá này khiến các Shark vô cùng bất ngờ và Trung Hiếu phải xác nhận lại rằng anh muốn bán cả công ty với 2 cửa hàng.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về cam kết tạo ra lợi nhuận cho các Shark, Trung Hiếu cho biết anh có mối quan hệ ở Hàn Quốc với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, máu lửa, có thể tin tưởng được. Những bạn trẻ này sẵn sàng hợp tác khi Shark muốn đầu tư hoặc mua lại +84.
“Nếu em bán được thương hiệu +84 và quán Insadong thì thời gian đầu em sẽ đồng hành với vai trò cố vấn và tư vấn”, Trung Hiếu nói.
Giải thích lý do muốn sang nhượng quán, Trung Hiếu nói anh vẫn ở Hàn Quốc nhưng không muốn làm quán nữa vì có con đường riêng.
“Thế sao bạn không kiếm ngay một nhà đầu tư nào đấy bên Hàn Quốc họ hiểu. Chứ tôi tiếng Hàn chả biết, cũng không có việc gì để sang thường xuyên. Đầu tư ai giám sát, ai quản lý được”, Shark Hưng thắc mắc và nhanh chóng ra quyết định không đầu tư.
Shark Liên cho biết bà tin vào sự thành công như Trung Hiếu đã nói. “Nhưng không thể nào bạn chuyển nhượng 100%. Chúng tôi đầu tư, đương nhiêu chúng tôi phải tính rất kỹ, cặn kẽ, không thể nào dư tiền đến mức độ đưa ra 15 tỷ để lấy hai quán của bạn mà không nhìn thấy nó ở đâu cả. Em phải đặt em vào chúng tôi”, Shark Liên nêu vấn đề. Sau đó bà cũng quyết định không đầu tư.
Shark Hùng Anh cũng thắc mắc: “Bạn đến đây mục tiêu của bạn là bán tài sản. Tôi tưởng tôi nghe nhầm đó. Bạn nói bạn bán đứt quán đó, sau đó bạn giao cho chúng tôi rồi tôi làm cái gì?”. Cuối cùng, Shark Hùng Anh quyết định không mua lại quán này của Trung Hiếu.
Lý giải cặn kẽ hơn với Trung Hiếu, Shark Hưng cho biết theo format Shark Tank ở một số nước, việc chào bán công ty cho các Shark có khả thi chứ không vi phạm nguyên tắc cuộc chơi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu các Shark mua lại cửa hàng, Trung Hiếu về nước thì ai sẽ là người giúp các Shark duy trì lợi nhuận như đã cam kết.
“Giống như tôi nói là nhượng quán hay tiền vào cửa thì thông thường người ra đi không mang theo bất cứ thứ gì. Tất cả nhân viên, nhân sự hệ thống, trang thiết bị dụng cụ… để lại nguyên vẹn như thế. Và thậm chí họ còn cam kết sẽ ở lại tiếp 1 hay 2 năm nữa để tiếp tục điều hành, đảm bảo rằng lợi nhuận và doanh thu không suy giảm và người đó sẽ không làm gì cạnh tranh trực tiếp đến thương hiệu gốc. Bởi vì bạn không đưa ra được phương án khi bán cho các Shark thì các Shark làm gì với nó”, Shark Hưng phân tích.
Về phía Shark Erik, ông cũng từ chối đầu tư với lý do chỉ muốn đầu tư vào Việt Nam mà không phải là Hàn Quốc.
Còn lại Shark Bình, ông đưa ra quan điểm, bán hàng thành công cần 4 đúng: đúng người; đúng “tội” – “tội” có nghĩa là người đấy phù hợp để mua hàng; đúng nơi – bán phải ra đúng chợ; đúng lúc – chợ họp sáng mình đem ra chiều không được.
“Với cái này em nên lên chương trình Shark Tank Hàn Quốc sẽ phù hợp và có khi em “trôi” ngay”, Shark Bình khuyên và quyết định không đầu tư.
Trước khi khép lại thương vụ, Trung Hiếu cho biết lý do anh đến Shark Tank Việt Nam để bán thương hiệu: “Tại vì ở Việt Nam, các công ty của Hàn thành công rất nhiều. Nhưng ở Hàn Quốc, em chưa thấy công ty nào của người Việt Nam. Em cũng mong muốn với nguồn lực của các Shark sẽ rất mạnh, lúc đó con số và bức tranh sẽ khác. Em cảm ơn các Shark đã cho em lời khuyên”.
Startup thứ 5 đến với Shark Tank là Đoàn Thị Hồng Thắm – Điều hành công ty Hygie & Panacee chuyên sản xuất các loại trà hòa tan thảo dược từ các loại nông sản Việt Nam. Chị giới thiệu với các Shark 3 trong số 11 loại trà công ty đang sản xuất từ các loại nông sản, ví dụ trà húng chanh trần bì giúp thanh giọng, giảm viêm họng, trà cà gai leo giải độc gan, trà gừng giúp cho đường tiêu hóa khỏe mạnh. Startup đến đây để mời gọi các Shark đầu tư 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Chị Hồng Thắm cho biết trong các loại nông sản đều có dược tính của nó, y học cổ truyền đã xác nhận và y học hiện đại đã xác minh về những tác dụng đó. Là 1 dược sĩ nhiều năm nghiên cứu về dược liệu, chị xây dựng dự án làm tất cả các loại trà từ các loại nông sản thảo dược mình. Năm 2020 doanh số thu được khoảng 1 tỷ 7, năm 2021 doanh số được 2 tỷ 8 và trong năm 2022 quý 1 này, công ty đạt được 1 tỷ 3 – là gần như là 50% của nguyên năm 2021. Lợi nhuận hiện thay đổi theo từng năm, năm 2020 là năm đầu tiên nên chỉ được lợi nhuận là 16, năm 2021 thì lợi nhuận khoảng 21%, trong năm nay kế hoạch sẽ đạt 5 tỷ và kế hoạch lợi nhuận là 30%.
Công ty ra đời ngay đỉnh dịch cho nên chọn mô hình kinh doanh online là chính. Trên tất cả các sàn thương mại điện tử đã có sản phẩm. Công ty cũng xây dựng được hệ thống nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc với trên 80 nhà phân phối, đại lý có thể lan tỏa sản phẩm và giao đến khách hàng nhanh nhất. Hiện giờ doanh số qua Nhà phân phối, đại lý chiếm tỷ trọng lớn khoảng 75%. Tổng hoa hồng cho hệ thống phân phối trung bình khoảng từ 20-30%. Chi phí bán hàng phải trả cho các cái nền tảng thương mại điện tử khoảng 12-13%. Ngoài ra vẫn bán hàng trên website và fanpage.
Khi Shark Liên hỏi rằng phải chăng tất cả thảo dược cứ sấy lên đổ nước vào uống thì gọi là trà? Startup đồng ý gọi đó là thảo dược hòa tan thôi.
Startup cũng cho biết quy trình sản xuất các loại thảo dược hòa tan không giống nhau. Về quy trình chiết xuất hoặc là cô đặc sản phẩm cơ bản là giống nhau, nhưng đối với từng loại dược liệu sẽ có từng loại hoạt chất phù hợp với 1 cách chiết khác nhau, nhiệt độ, độ ẩm khác nhau. Startup hiện chỉ có 1 dây chuyền sản xuất, nhưng đối với mỗi loại sản phẩm sẽ setup 1 chế độ sản xuất khác nhau. Mẫu mã hộp do công ty tự thiết kế, còn hộp thì nhập từ công ty phân phối ở HCM.
Shark Hùng Anh quan tâm đến kế hoạch tương lai. Startup chia sẻ sẽ nâng cấp các sản phẩm, thay đổi công nghệ rồi đăng ký những tiêu chuẩn cao để có thể xuất khẩu. Trước mắt công ty đang làm việc để có thể xuất khẩu bằng hình thức là qua kênh thương mại điện tử Amazon. Hiện tại quy trình sản xuất, hệ thống đã đạt tiêu chuẩn ISO.
Shark Bình khẳng định mình không có sở thích uống trà, vậy nên ông sẽ không đầu tư.
Shark Hưng lại cho biết ông đang có thương hiệu trà shan tuyết Camellia. Ông không muốn khách hàng và cái đầu mình bị thay đổi về định hướng sản phẩm của mình, nên ông cũng không đầu tư.
Shark Liên cũng quyết định không đầu tư vì không ở trong lĩnh vực hệ sinh thái của bà.
Shark Erik rất thích nghe bài hát của BinZ gọi là “Big city boy” và trong đó có 1 câu gọi “Hải Phòng là không lòng vòng.” Nên ông chia sẻ thẳng thắn rằng mình là người thích uống café và không hiểu hết về sản phẩm trà, ông quyết định không đầu tư.
Shark Hùng Anh hỏi thêm một số thông tin về sản phẩm, và đặt câu hỏi liệu Startup đến gọi vốn thật hay đến chỉ để quảng cáo hay là PR sản phẩm này?
Startup chia sẻ mình rất thật, vì chị có kế hoạch để xây dựng nhà máy mới khoảng 5 tỷ thôi. Trong năm nay sẽ khởi công để đầu năm sau thực hiện kế hoạch của năm 2023.
Shark Hùng Anh ra deal, ông muốn góp 5 tỷ để sở hữu 45% cổ phần. “Bởi vì mình đã có văn phòng, có con người, có bộ phận marketing, xong hết rồi, có mình sẽ lo cho chị. Chị chỉ cần tập trung vào quá trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu bán hàng mà thôi, phân phối cho hiệu quả và đạt được kỳ vọng năm nay sẽ lãi 30%.”
Startup cho rằng tiền vốn đầu tư vô công ty đã hơn 5 tỷ. Trong 2 năm làm việc cật lực, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng kênh bán hàng, thiết kế design mọi thứ… thì chị nghĩ giá trị của công ty hiện giờ không phải là 5 tỷ hay là 10 tỷ. Chị đề xuất tỷ lệ là 15%.
Shar Hùng Anh giảm deal xuống, 5 tỷ đổi lấy 32%. Startup tiếp tục không đồng ý.
Shark Hùng Anh chốt 30% cổ phần.
Startup đề nghị chốt 20%.
Shark Bình đề nghị chốt phân nửa của cả hai, là 25%. Shark Hùng Anh nghe theo đề xuất của Shark Bình là 25%.
Startup kiên định cho rằng chỉ chốt được tới 20%.
Cuối cùng deal không được chốt. Startup chấp nhận ra về mà không nhận đầu tư từ Shark Hùng Anh.