logo
Thứ tư, 08/05/2024 09:11:52

Gia đình không chấp nhận khởi nghiệp, Bánh mì Má Hải lên Shark Tank gọi vốn gom trọn 3 cá mập


(Dispatch.vn) - Startup giới thiệu bánh của mình là sự kết hợp giữa vỏ bánh mì giòn giòn, chả cá dai dai kết hợp nước sốt tứ vị mặn – ngọt – chua – cay, sự thanh thanh của dưa leo và một chút the the của rau răm.

Startup đầu tiên đến với chương trình là Bánh Mì Má Hải (BMMH). Thương hiệu này được sáng lập bởi Hồ Đức Hải và đồng sáng lập Đoàn Văn Minh Nhựt. Cả hai đến gọi số vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 10% của công ty.

Startup giới thiệu bánh của mình là sự kết hợp giữa vỏ bánh mì giòn giòn, chả cá dai dai kết hợp nước sốt tứ vị mặn – ngọt – chua – cay, sự thanh thanh của dưa leo và một chút the the của rau răm. Bắt đầu kinh doanh BMMH từ những năm sinh viên 2013 với số vốn đầu tiên là 3 triệu đồng, tới 2016 Startup này đã mở được 40 điểm bán tại Tp.HCM và tạo ra hàng trăm việc làm cho các bạn sinh viên. Tới 2018, BMMH tiến hành nhượng quyền, và tới thời điểm hiện tại, BMMH đã mở được gần 400 điểm bán tại các tỉnh thành ở Việt Nam

Minh Nhựt mạnh dạn đặt câu hỏi cho các Shark rằng nếu có một người bạn ngoại quốc hoặc đối tác nước ngoài đến Việt Nam và nhờ giới thiệu một món bánh mì Việt cho họ, các Shark sẽ giới thiệu thương hiệu nào? Shark Louis không suy nghĩ nói ngay Bánh mì Huỳnh Hoa. Nhưng Minh Nhựt đã tự tin cho rằng 2 năm tiếp theo các Shark sẽ nói là Bánh mì Má Hải. “Sự phát triển của chúng tôi sẽ góp phần nâng tầm bánh mì Việt trên thị trường quốc tế. Hơn hết, mô hình kinh doanh nhượng quyền của chúng tôi đã giúp hàng trăm hộ gia đình kiếm thêm thu nhập của mình đặc biệt là trong thời điểm hậu Covid đầy khó khăn.”

Năm 2020, tổng doanh thu của BMMH là 2 triệu USD. Năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch Covid nên báo lỗ, tuy nhiên doanh thu hiện tại của Startup này trung bình mỗi tháng là 150 ngàn USD. Với tốc độ hiện tại, Startup cho rằng đến những tháng cuối năm, doanh thu 1 tháng sẽ đạt khoảng 200 – 250 ngàn USD.

BMMH cung cấp trọn gói cho một chiếc xe bán bánh mình cùng với thương hiệu của mình là hơn 7.5 triệu đồng, sau đó cung cấp thêm nguyên liệu, nước sốt, bao bì. Các xe đẩy được nhượng quyền ở các tỉnh thành, các xã phường, khi ký hợp đồng nhượng quyền sẽ có những tiêu chuẩn gợi ý cho đối tác để lựa chọn tìm kiếm các sản phẩm bánh mì tại địa phương nó phù hợp với tiêu chuẩn của BMMH.

Trong thời gian tới BMMH muốn phát triển mô hình kios, hướng đến việc nghiên cứu phát triển thêm về vỏ bánh mì, để khi nhượng quyền sẽ cung cấp được các sản phẩm kể cả vỏ bánh mì trong trạng thái cấp đông, đảm bảo kiểm soát được luôn chất lượng vỏ bánh mì.

Lợi nhuận trên doanh thu của hiện tại khoảng 9%. Hiện tại BMMH đã có nhà xưởng, mặc dù hiện tại chỉ thuê nhà xưởng thì nhưng trang thiết bị và máy móc hiện đại, quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra BMMH còn phải thực hiện kiểm định sản phẩm của mình theo yêu cầu 6 tháng 1 lần. Doanh nghiệp này cũng có quy trình sản xuất và lưu mẫu tại xưởng, những lô sản xuất đều lưu mẫu để đảm bảo vấn đề về kiểm soát chất lượng.

Khi được Shark Bình hỏi rằng có sợ bị xuống trend (xu hướng) như một số thương hiệu bánh mì từng thịnh hành khác, BMMH cho rằng đối tượng khách hàng của họ là những người lao động, học sinh sinh viên, họ cần no và cần hương vị đậm đà. Đó là lý do rất khó để xuống.

Shartup cũng nêu 03 lý do thuyết phục Shark Liên đầu tư cho mình: Thứ nhất là mô hình có thể tích hợp với hệ sinh thái của Shark Liên. Sắp tới BMMH sẽ phát triển được 1.000 điểm lưu động và Startup đặt giả thuyết rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả các chủ nhượng quyền đó sẽ là những đại lý phân phối bảo hiểm của Shark Liên. Thứ 2, BMMH luôn hướng tới khát vọng muốn tạo ra mô hình giúp cho những người kiếm thêm thu nhập của mình bởi vì sau khủng hoảng Covid mọi thứ trở nên rất khó khăn.

Điểm tiếp theo Minh Nhựt muốn đề cập đến chính là bản thân anh cũng là 1 thành viên của cộng đồng LGBT. Anh đã chứng kiến cộng đồng LGBT rất khó khăn, phải làm đủ nghề và không được sự đánh giá cao của xã hội. Anh đã đủ lực giúp họ và cần sự đồng hành của Shark để cho họ có thể có những chương trình an sinh và tái lập nghiệp.

Ở thời điểm hiện tại BMMH đang tập trung ở Tp.HCM, đổ về các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Khu vực miền Bắc chưa làm được vì chưa setup (thiết lập) xong logistics (dịch vụ kết nối các khâu trong quá trình lưu chuyển hàng hoá) ở khu vực đó. Mỗi tháng BMMH mở được hơn 30 điểm và có 3 điểm đóng cửa. Kênh hiệu quả để BMMH thu hút đối tác mới là hiệu ứng truyền miệng từ những đối tác mà họ đang vận hành hiệu quả. Thêm nữa, khi khách hàng mua bánh mì thấy cái túi giấy có thông tin, sẽ gọi để hỏi. Bên cạnh đó Startup khai thác được khá là nhiều là các bạn sinh viên thấy mô hình này đơn giản, các bạn sẽ gọi về quê cho ba mẹ mở bán.

Shark Louis đặt câu hỏi rằng có nhiều startup khởi nghiệp lên Shark Tank, rồi các Shark đồng ý đầu tư vào, đến khâu thẩm định thì những con số mà họ nói trên chương trình không chứng minh được vì không có kiểm toán, thiếu số này thiếu số kia. Cuối cùng doanh số lợi nhuận không có như mình mong muốn rồi các Shark phải rút ra. “Nhiều lúc các Shark vẫn tiếp tục đầu tư vì họ sợ mất uy tín. Đó là lý do nhiều người đặt câu hỏi là ủa tại sao cái ông Shark này có thật lòng đầu tư không? Thì câu hỏi là những cái số các bạn đưa ra bây giờ là 2020 và 2021 và lợi nhuận và những cái cửa hàng nó có thật lòng, chính xác không?”

Startup khẳng định rằng tất cả những số liệu họ cung cấp cho các Shark là những số liệu có cơ sở và có thể chứng minh ạ. “Tôn chỉ của chúng em là kinh doanh dựa trên sự tử tế, và một trong những giá trị của Bánh Mì Má Hải chính là sự chính trực, nên em sẽ có thể chứng minh những gì mà em nói”.

Shark Hưng là người ra quyết định đầu tiên. Ông cho rằng với cái tầm gần vài trăm cửa hàng như thế này và cố gắng làm cho nó thật tốt lên, đồng nhất về chất lượng thì Startup đã đủ ổn rồi. Khi mà có người khác vào, có nhiều tiền lên có thể là vấn đề. “Bạn ít tiền có khi không hỏng đâu, bạn có nhiều tiền có khi nó lại hỏng cho nên tôi không muốn làm các bạn hỏng. Tôi không đầu tư”, Shark Hưng quyết định.

Shark Bình là người tiếp theo từ chối. “Tôi là tuýp nhà đầu tư rủi ro cao, lợi nhuận cao. Tôi thích những mô hình tăng trưởng đột phá, không đúng khẩu vị của tôi, nên tôi sẽ không đầu tư”.

Shark Linh cho biết bà rất thích hai Startup này. Đầu tiên là vì họ rất là tươi và tràn đầy năng lượng. Thứ hai là bà thích mô hình kinh doanh. “Bên chị đang muốn đào tạo về chủ đề tập trung vào kinh doanh. Thế nào để mình dạy cho một bạn kinh doanh, họ phải tự thực hành tại vì học lý thuyết không thì sẽ không biết được cái sự “đau khổ” đó. Với mô hình này, chị biết là mình phải cần thời gian, mình không thể chạy nhanh bằng một công ty công nghệ. Với số năm vận hành như vậy thì chị đánh giá là khá tốt, nghĩa là các bạn đã trải qua khá nhiều cái vấn đề khác nhau, mình đã giải quyết được và chúng ta có thể là làm việc chung để có thể mở rộng thị trường, đồng thời cũng giúp các bạn trẻ hoặc các bạn đang muốn học về kinh doanh.” Bà đưa ra offer (đề nghị) 5 tỷ cho 35%.

Shark Louis đặt ra vấn đề rằng startup có thể hợp tác với các sản phẩm khác như cafe, trà sữa, bánh mì thịt… hay không. Startup cho biết mình chỉ bán bánh mì chả cá vào 3 tiếng buổi sáng. Nếu như Shark có những mô hình có thể tích hợp được và quan trọng nhất là mang lại giá trị cho những đối tác nhượng quyền, thì chắc chắn BMMH có thể cộng tác được.

Shark Louis khá thích thú với Startup này, ông trao đổi nhỏ với Shark Liên, sau đó đưa ra quyết định rằng giá trị cái định giá doanh nghiệp về mảng nhượng quyền tương đối cao so với thị trường và ông sẵn sàng trả nhưng ngược lại, Starup phải chiết khấu một chút cho sự đóng góp của các Shark tham gia vào. Shark Louis đề nghị ông và Shark Liên, Shark Linh sẽ đầu tư với mức 5 tỷ cho 36% cổ phần.

Sau khi hội ý, Startup lần lượt đưa ra mức deal 5 tỷ cho 30% và 7,5 tỷ cho 36% cổ phần nhưng 3 Shark không đồng ý.

Cuối cùng Startup quyết định đồng ý với offer 5 tỷ cho 36% với sự đồng hành của Shark Louis, Shark Liên và Shark Linh.

Startup tiếp theo đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 8 gọi vốn 5 tỷ cho 25% cổ phần là Học viện Nghệ thuật tiếng Anh Diệu kỳ với đại diện là Phạm Thị Trúc Thi.

Thực tế, có nhiều bé học tiếng Anh từ lớp 1, lớp 2 đến đại học, mất mười mấy năm nhưng hỏi 3 câu đơn giản không biết trả lời. Với 20 năm kinh nghiệm làm giáo dục, sau một thời gian tìm giải pháp, Trúc Thi thấy được 5 vấn đề cũng chính là giải pháp, liên quan đến não bộ, tâm lý, văn hóa, kỹ năng và tử huyệt. Nếu giải quyết được 1 trong 5 yếu tố này, các bé có thể nói tiếng Anh một cách dễ dàng.

Nói về tiết mục mở màn khi các học viên của cô ra thuyết trình và hát tiếng Anh trước các Shark, cô cho biết, mình chỉ cần một buổi để làm được điều đó.

Trúc Thi kể lại, cô mất rất nhiều thời gian để ra phương pháp này. Hiện tại cô viết quy trình nhân bản cho tất cả mọi người, trong vòng 1 – 3 buổi, nếu không nói, diễn kịch hay diễn thuyết được bằng tiếng Anh, cô sẽ trả lại tiền.

Trúc Thi cũng chia sẻ thế mạnh của bản thân giúp cô tìm ra được phương pháp dạy tiếng Anh qua nghệ thuật. Cô có khả năng vẽ và biết được màu sắc kích hoạt não bộ như thế nào. Cô viết sách cho phụ huynh và cho doanh nhân. Ngoài ra cô còn có nhiều năm làm biên đạo múa nên am hiểu về ngôn ngữ hình thể kích hoạt não bộ thế nào cho người ta nhớ. Không những thế, Trúc Thi còn từng làm biên tập viên, MC ở Đài truyền hình và có kinh nghiệm sản xuất chương trình truyền hình. Do đó, cô biết hình ảnh kích hoạt và tạo cảm xúc cho người xem ra sao. Có khả năng chơi piano và sáng tác, Trúc Thi đã sáng tác gần 100 bài hát chỉ để học tiếng Anh.

Trúc Thi đã đi hơn 20 quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Nhật Bản… để nghiên cứu về con người, văn hóa, giáo dục và tìm ra cách có thể dạy ngay và luôn. Cô cũng đi đào tạo nhiều nên hiểu được tâm lý của người học và người dạy.

Ngắt lời Trúc Thi, Shark Linh cho biết bà muốn biết cụ thể về cách cô áp dụng lý thuyết đó để dạy một đứa bé. Trúc Thi chia sẻ cô phải mất 5 tiếng đồng hồ mới có thể giải thích hết được vấn đề này vì tất cả điều đó liên quan đến não bộ, văn hóa, tâm lý.

Con người có 8 loại hình thông minh. Trước khi chia sẻ với các Shark, cô cần tìm hiểu loại hình thông minh vượt trội của các Shark là gì, giống như bắt mạch rồi mới cho thuốc.

Nữ startup thử “bắt mạch” cho Shark Liên, Shark Liên cho biết bà không thích âm nhạc, không thích diễn xuất, bà muốn học tiếng Anh để kiếm tiền. Trúc Thi cho biết cô sẽ dạy tiếng Anh cho Shark Liên qua âm nhạc.

Trúc Thi lý giải, giai điệu của một bài hát cộng với ngôn ngữ hình thể sẽ làm cho học viên cảm thấy thú vị, bị cuốn vào. Có những bài hát chúng ta không hề thích nhưng nghe nhiều rồi sẽ hát theo, không kiểm soát được.

“Tại sao em nói là 5 yếu tố. Tại vì mình phải biết yếu tố của người không thích học hoặc là không đạt hiệu quả. Nó nằm ở yếu tố nào thì mình giải quyết yếu tố đó”, Trúc Thi lý giải.

Nói về sự khác biệt của học viện để mời các Shark đầu tư, Trúc Thi cho biết cô cho ra kết quả ngay sau 1 buổi học. Tất cả chương trình học của cô có giấy cam kết sau 1-3 buổi, nếu học viên không nói được tiếng Anh, không hát được, không có khả năng diễn thuyết cô trả lại tiền, không cần giải thích. Cô khẳng định hiện tại ở Việt Nam chỉ có duy nhất học viện của cô dám có một giấy cam kết.

Khi Shark Liên hỏi phương pháp dạy của Trúc Thi đã được công nhận hay chưa, nữ startup cho biết học viên là người công nhận bởi kết quả sẽ thấy ngay sau khi kết thúc buổi học. Trúc Thi đã dạy tiếng Anh qua nghệ thuật được 1 năm và đã có khoảng 50 học sinh.

Shark Louis chia sẻ, cam kết trả tiền không có nghĩa là thành công. Nếu Trúc Thi có cả chục ngàn học sinh thì ông sẽ tin vào điều đó.

Các Shark khác đều nêu ý kiến rằng chưa hiểu được phương pháp giảng dạy của Trúc Thi. Khi được Shark hỏi về yếu tố nổi trội nhất hiện nay, Trúc Thi cho biết cô đang giải quyết vấn đề rất lớn của thị trường và đã có kết quả. Shark Liên thắc mắc, số lượng mới có 50 học viên, Trúc Thi trả lời rằng vì cô không muốn nhiều.

Sau một hồi trao đổi, Shark Hưng phân tích, phương pháp có hiệu quả hay không phục thuộc vào số lượng học viên và doanh thu. “Tại sao bạn mới có 50 học viên trong một năm mà bạn lên đây gọi 5 tỷ cho 25%. Tức là giá trị doanh nghiệp tới 15 tỷ pre-money (giá trị doanh nghiệp trước khi được rót vốn)?”, Shark Hưng đặt câu hỏi.

Trúc Thi cho biết một khóa học online 3 tháng có chi phí 10 triệu. Với 50 học viên, cô đã có doanh thu 500 triệu. Chi phí phải trả cho giảng viên là 200.000Đ/buổi. Một năm cô lời khoảng 300 triệu, tiền lời từng khóa tùy thuộc vào số lượng học viên.

Trả lời câu hỏi của Shark Linh về đội ngũ vận hành, Trúc Thi chia sẻ đội của cô có 10 người. Nhìn lại thị trường có nhiều người học và không có kết quả, Trúc Thi đã tìm ra được nguyên do vì sao nó lại như thế.

Shark Linh bày tỏ lo lắng rằng không biết đội ngũ của Trúc Thi có khả năng mở rộng thị trường hay không. “Lý do mà chị làm việc này là bởi vì chị cảm thấy em không có khả năng vận hành công ty. Mỗi khi một Shark hỏi một câu hỏi là em cứ đi quá xa”, Shark Linh lý giải và tiếp tục đặt câu hỏi tìm hiểu 10 người vận hành trong công ty của Trúc Thi đang làm những vị trí nào.

Trúc Thi kể lại, cách đây 3 năm cô đã vận hành 3 chi nhánh và cô nhận ra mình không làm được việc đó, nó vượt quá khả năng của mình.

Shark Linh cho biết phân tích đó không phải là vấn đề vì nhà sáng lập có thể có người làm nghệ thuật, có người về kinh doanh. Bà tiếp tục hỏi về 10 nhân sự vận hành của Trúc Thi. Trúc Thi trả lời cô chính là người vận hành, 10 người mà cô nói đến là giáo viên.

Shark Hưng liên tục đặt câu hỏi để tìm hiểu về chi phí lương mà Trúc Thi trả cho các giáo viên. Tiếp đó, ông đặt câu hỏi về chi phí thuê địa điểm.

Trúc Thi cho biết cô không có địa điểm và hiện tại cô đang dạy online. Cứ mỗi sáng chủ nhật cô sẽ cho các bé diễn kịch. Mọi thứ được học trên online sẽ được thực hiện ở ngoài.

Khi Trúc Thi khẳng định cô chỉ mất một buổi để giúp học viên nói lưu loát, Shark Liên bày tỏ bà sẵn sàng “chuột bạch” luôn. Trúc Thi nói cô dư sức làm được điều đó trong vòng 1 tháng.

Shark Liên thắc mắc: “Giống như bây giờ một con vẹt, em nói gì nó nói đúng như thế trong vòng 1 ngày. Nhưng nó có hiểu cái gì không mới là vấn đề quan trọng”.

Shark Hưng cũng có cùng nghi vấn với Shark Liên: “Nó kỳ diệu đến mức chỉ sau 1 buổi mà nói được một tràng giới thiệu về môi trường, khí hậu rồi sự thay đổi sinh thái gì đó, những từ thuật ngữ rất là chuyên sâu, rất là chuyên nghiệp như bạn đầu tiên ra đây chào các Shark?”

Đáp lại, Trúc Thi cho biết, nếu một người chưa biết gì thì không thể. Một người chưa biết gì sẽ học theo cách khác và mất khoảng 3 tháng.

Shark Liên là người đầu tiên đưa ra quyết định với thương vụ này. Bà chia sẻ: “Từ bấy giờ không phải vui đâu, chị hỏi rất nghiêm túc đấy. Chị hỏi em nhưng em chưa tìm ra được giải pháp để thuyết phục chị. Em cứ nói là có rất nhiều kết quả rồi nhưng em chỉ có 50 học sinh. Mà 50 học sinh đấy chị chưa nhìn thấy kết quả”. Cảm thấy còn mông lung với doanh số, phương pháp, phương án của Trúc Thi, bà quyết định từ chối đầu tư.

Shark Hưng cho biết những gì Trúc Thi chia sẻ quá phức tạp dù ông đã cố gắng để hiểu. “Thực sự là để thuyết phục được tôi ở góc độ làm sao để hiểu được phương pháp của bạn, giáo trình của bạn, cách bạn triển khai nó ra sao và kết quả như thế nào thì tất cả những cái này đều rất mông lung vì nó quá phức tạp để có thể hiểu được”, Shark Hưng chia sẻ và quyết định không đầu tư.

Tiếp đó, Shark Linh cũng từ chối đầu tư bởi công ty không có đội vận hành thì tiền vào cũng không có ai sử dụng để tuyển người, xây dựng cơ cấu cho công ty. “Tiền mà không ai sử dụng đúng đắn thì nó cũng là bằng 0”, Shark Linh nêu quan điểm.

Về phía Shark Louis, ông đánh giá nếu phương pháp của Trúc Thi độc đáo đến mức độ dạy người ta nói hiểu trong vòng 1 tiếng đồng hồ là quá xuất sắc. Tuy nhiên cô không thuyết phục được các Shark nên ông cũng từ chối đầu tư.

Là người cuối cùng ra quyết định, Shark Bình đánh giá: “Tôi nghĩ bài trình bày vừa rồi của bạn có thể nói là một thất bại. Bạn đang bán sản phẩm của mình, bán startup của mình, bán doanh nghiệp của mình nhưng bạn không thể làm được cho khách hàng hiểu sản phẩm của bạn bản chất nó như thế nào, đem lại lợi ích gì mà chỉ đem lại cho người ta cảm giác rất tiêu cực, cảm giác phi lý”. Chính vì vậy, Shark Bình cũng từ chối đầu tư, khép lại thương vụ không thành công.

Startup tiếp theo xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 8 là Gill Carmo đến từ Lisbon, Bồ Đào Nha. Anh đến Việt Nam 10 năm trước trong chuyến công tác đầu tiên ở châu Á và đã gặp vợ mình 4 ngày sau đó. Vợ anh là người Việt Nam và với anh, Việt Nam là quê hương thứ hai.

Gill Carmo hiện là Nhà đồng sáng lập và điều hành của iMotobike – doanh nghiệp giúp người bán xe máy tìm người mua và tính phí dịch vụ. Công ty này ban đầu được thành lập ở Malaysia và có công ty mẹ tại Singapore. Công ty mẹ hiện sở hữu 100% vốn Malaysia tại Việt Nam.

Quy trình dịch vụ của iMotorbike bắt đầu từ việc cử nhân viên kỹ thuật đến 170 điểm kiểm tra xe máy và thiết lập bản báo cáo. Dựa trên bản báo cáo, iMotorbike đưa ra mức giá phù hợp để nhanh chóng bán được xe. Nếu người bán đồng ý với mức giá đó, hai bên ký hợp đồng công chứng, iMotorbike ứng tiền cho người bán và lấy xe về kho.

Bước tiếp theo, iMotorbike đảm bảo độ an toàn của chiếc xe và bán cho khách hàng muốn mua xe. Doanh nghiệp này hiện áp dụng chính sách hoàn trả trong 6 ngày và hoàn tiền 100% cho khách mua xe. Đồng thời, iMotorbike cũng cung cấp gói bảo hành 6 tháng cho người mua.

“Chúng tôi mang đến người tiêu dùng một trải nghiệm mua bán xe máy cũ dễ dàng, nhanh chóng và an toàn”, Gill Carmo khẳng định.

Việt Nam có 70 triệu xe máy được đăng ký, 10 triệu xe máy đổi chủ mỗi năm. Theo chia sẻ của Gill Carmo, tổng thị trường tại riêng Việt Nam có trị giá khoảng 20 tỷ USD và toàn Đông Nam Á là 140 tỷ USD.

Cho đến nay, iMotorbike đã giao dịch hơn 1.000 xe máy và tạo ra doanh thu hơn 1,1 triệu USD chỉ trong vòng 11 tháng. Biên lợi nhuận là 7% trong mỗi giao dịch. Chu kỳ hàng tồn kho trung bình là 26 ngày.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Gill Carmo kêu gọi các Shark đầu tư 600.000 USD cho 5% giá trị công ty.

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về việc phát triển các trạm dịch vụ kiểm tra xe, Gill Carmo cho biết iMotorbike xây dựng quy trình chuẩn cho kỹ thuật viên của mình, đảm bảo họ hiểu những khó khăn sẽ gặp phải trong công việc.

“Điều này rất quan trọng vì nó là cốt lõi của hoạt động kinh doanh, chính là việc kiểm tra và mua được xe đạt tiêu chí”, Gill Carmo nói.

iMotorbike hiện tập trung hoạt động ở TP. HCM và Kuala Lumpur. iMotorbike có nguồn cung từ khắp cả nước và có khoảng 120 xe máy trong kho. Trong đó 30 chiếc ở Việt Nam, số còn lại ở Malaysia.

Các kỹ thuật viên luôn có mặt khi đi mua xe máy và iMotorbike thường từ chối khoảng 7 – 8 trong số 10 chiếc xe mà doanh nghiệp này kiểm tra. Gill Carmo lý giải công ty đang hoạt động tinh gọn nên cần mua xe thật tốt và bán thật nhanh, đảm bảo không kéo dài thời gian tồn kho.

Gill Carmo cho biết thêm, iMotorbike từ chối 70 – 80% vì số lượng xe có thể mua còn giới hạn bởi doanh nghiệp này mua xe bằng dòng tiền của chính mình. Anh gọi thêm vốn đầu tư là để bổ sung vào khoản tài chính đó.

Trước đó, iMotorbike đã huy động được tổng cộng 1,5 triệu USD và đang xem xét huy động thêm 600.000 USD cho 5% dựa trên 1,1 triệu USD doanh thu với tỷ lệ tăng trưởng là 69x trong tháng qua.

Gill Carmo chia sẻ: “Và điều duy nhất giúp tạo ra một sự đột phá ngay lúc này là nâng cao khả năng tiếp nhận số lượng xe máy”.

Khi Gill Carmo chia sẻ lợi nhuận gộp của iMotorbike trong năm nay là 7%, Shark Louis thắc mắc lý do anh định giá doanh nghiệp là 12 triệu USD.

Gill Carmo giải thích rằng doanh thu hàng quý của iMotorbike luôn đạt mức ngang nhau. Ngoài ra, có thể so sánh tương đương với công ty mua bán xe hơi tương tự như Carro, Carsome.

Tuy nhiên Shark Louis cho rằng cách so sánh này không công bằng bởi người tiêu dùng ở Việt Nam không giống với các quốc gia khác.

Trả lời câu hỏi của Shark Linh về công nghệ, Gill Carmo cho biết iMotorbike có một chức năng nội bộ có thể hỗ trợ hoạt động nhưng còn xa so với kỳ vọng. Anh muốn tăng cường chức năng hỗ trợ để có thể sắp xếp hợp lý hoạt động từ mua, quản lý tồn kho đến bán xe máy. Gill Carmo cũng khẳng định doanh nghiệp của mình là kinh doanh dựa trên công nghệ.

Tuy vậy, Shark Bình – vị “cá mập” công nghệ lại không đồng tình với nhận định này. Ông phân tích trong trường hợp này, công nghệ không thể chuyển đổi gì nhiều. Thông thường mọi người lên mạng rao vặt, các trang web tìm thông tin và liên hệ trực tiếp với nhau rồi gặp nhau để giao dịch. Trước khi mua xe máy, ô tô thì sẽ mang đến xưởng gần nhất và yêu cầu kỹ thuật viên kiểm tra. Họ sẽ nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp của các kỹ thuật viên mà không cần thông qua nền tảng nào, hoàn toàn là C2C (Consumer to Consumer – người tiêu dùng đến người tiêu dùng).

Theo Shark Bình, mô hình kinh doanh của iMotorbike giống như C2B2C (Consumer to Business to Consumer – Người tiêu dùng đến doanh nghiệp đến người tiêu dùng), một mô hình thương mại. Như vậy, Startup cần chi phí cao bởi phải tuyển dụng nhiều kỹ thuật viên và sử dụng dòng tiền của mình để mua hàng, trong khi tồn kho là 26 ngày.

“Vậy đây là một mô hình sử dụng vốn rất nhiều và rất khó để cạnh tranh với thị trường C2C nói trên”, Shark Bình kết luận.

Về phía Shark Hưng, ông quan tâm đến mục tiêu và kế hoạch kinh doanh của Startup trong 2 – 3 năm tới.

Gill Carmo cho biết iMotorbike mình đang xem xét khả năng tăng trưởng 25 – 30%/tháng. Doanh nghiệp của anh cũng đang xem xét mở rộng sang nhiều quốc gia khác.

Shark Louis tính toán, với 1,1 triệu USD doanh thu trong 11 tháng, doanh thu hàng năm của startup có thể đạt 1,5 triệu USD. Với biên lợi nhuận 7%, giả sử lợi nhuận ròng gần bằng lợi nhuận gộp thì sẽ đạt khoảng 100.000 USD. Nếu định giá doanh nghiệp từ 12 – 15 triệu USD tức là PE 142 lần.

Shark Louis thắc mắc: “Anh đang muốn chúng tôi trả gấp 142 lần thu nhập của anh trong năm nay. Tính toán kinh doanh truyền thống để định giá, làm cách nào để anh chứng minh mình không “ngáo giá””?

Gill Carmo lý giải, việc định giá dựa trên mức độ tăng trưởng, hiệu quả và có xét đến quy mô thị trường cũng như khả năng đón nhận dịch vụ. “Thực tế cho thấy chúng tôi có lợi nhuận trên mọi giao dịch. Chúng tôi chỉ đang tìm kiếm sự hỗ trợ để đi nhanh hơn. Tuy nhiên hiện tại công ty không gặp phải khó khăn gì”, Gill Carmo cho biết.

Quan tâm đến môi trường, Shark Liên đặt câu hỏi về giải pháp tái sử dụng xe cũ mà không ảnh hưởng đến môi trường cũng như định hướng cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng xe máy điện.

Gill Carmo cho biết, doanh nghiệp của anh không sửa đổi bất kỳ loại xe máy nào để tác động tốt hơn đến môi trường vì không được phép làm như vậy. Thực tế trên toàn cầu là các quốc gia đang phải đối mặt với ô nhiễm không chỉ từ xe máy mà cả ô tô. Anh mong đợi một ngày khu vực Đông Nam Á dùng xe máy điện. Hiện nay doanh nghiệp của anh đã kinh doanh xe máy điện tại Việt Nam và anh tin rằng đó là con đường để đi.

Quay trở lại với bức tranh tài chính, Gill Carmo cho biết gần đây nhất, anh đã huy động được 757.000 USD vào 11 tháng trước cho công ty mẹ với định giá khoảng 4 triệu USD.

Anh chia sẻ: “Chúng tôi nhận khoản đầu tư đó khi công ty chưa hề có doanh thu và chúng tôi dùng số tiền đó để hoạt động kinh doanh”.

Shark Hưng nhận định mô hình kinh doanh của iMotorbike có tiềm năng ở Việt Nam. Nhưng dưới góc độ đầu tư ngắn hạn, ông không thấy khả năng thoái vốn với tỷ suất sinh lời cao. Ngoài ra, ông không muốn đầu tư nước ngoài vì khó quản lý. Vì vậy, Shark Hưng từ chối ra deal cho Startup này.

Shark Liên cho biết bà luôn quan tâm về vấn đề môi trường và không muốn tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực mà bà tác động đa chiều và giảm bớt lượng xe máy tham gia giao thông. Lĩnh vực hoạt động của Startup không nằm trong hệ sinh thái của bà nên bà không đầu tư.

Shark Linh cũng từ chối ra deal vì Startup không phù hợp với chiến lược đầu tư.

Shark Louis cho biết Startup định giá cao và thiếu lợi thế cạnh tranh. Do không thể chứng minh được hiệu quả đầu tư nên ông cũng rút lui khỏi thương vụ này.

Còn lại Shark Bình, ông chia sẻ quan ngại về mô hình kinh doanh của Startup. Ông nhận định mô hình kinh doanh của iMotorbike là mô hình hybrid, lai giữa một mô hình truyền thống và được hỗ trợ bởi công nghệ. Vì vấn đề trọng yếu đó nên ông quyết định không đầu tư.

Thương vụ khép lại và Startup không gọi được vốn trên Shark Tank Việt Nam.

Startup cuối cùng đến gọi vốn là công ty sản xuất thực phẩm gia vị chất lượng cao Tomato T&P với người sáng lập và điều hành là Nguyễn Tường Phương. Công ty lập ra để giải quyết vấn đề thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tomato T&P đã nâng cao những giá trị nguyên liệu bằng các dòng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thựcphaarm cũng như tiện lợi, dễ dàng sử dụng như bột phomai kem, bột phomai kem trứng và xí muội. Sản phẩm chủ lực của Startup là bột phomai, chiếm gần 70% doanh thu, sau đó là sản phẩm bột trứng muối chiếm gần 20% doanh thu.

Hiện tại các kênh phân phối của Tomato T&P là các kênh B2B (Business to Business – doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp) như rạp chiếu phim, các doanh nghiệp thực phẩm, các đại lý cũng như các kênh MT (Modern trade – kênh phân phối hiện đại) như siêu thị, các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc, các kênh thương mại điện tử. Tới quý 2 năm 2022, công ty ký hợp đồng được với 2 trong số các chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam. Doanh thu năm 2021 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng trưởng 9% bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid mang lại. TMT T&P đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 10 tỷ đồng cho 9% cổ phần.

Sau 10 năm, anh Phương đã đầu tư vào công ty khoảng 5 tỷ đồng, vốn điều lệ công ty là 3 tỷ đồng. Với 12,9 tỷ doanh thu năm 2021, lợi nhuận ròng của công ty là 3 tỷ 7. Startup kêu gọi 10 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay nhà máy của công ty đang là 400m2, nguyên liệu thành phần chính nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đan Mạch, còn các sản phẩm bột trứng muối, bột phomai kem, kem trứng có thành phần chính được sản xuất tại Việt Nam.

Shark Bình bất ngờ ra quyết định đầu tiên. Ông cho rằng Startup liên quan đến công nghệ thực phẩm – ngành rất truyền thống, không thuộc lĩnh vực ông hiểu biết, nên ông sẽ không tham gia deal này.

Khi Shark Linh hỏi sản phẩm này đã xuất khẩu chưa, Shartup chia sẻ mình muốn xuất khẩu bột phomai Tornadal tại vì rất nhiều nước như là Mỹ, Ấn Độ. Nhưng ngay lúc này quy mô nhà xưởng chưa đủ điều kiện để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Shark Liên cho biết rất thích sản phẩm của Startup. “Tôi có thể giúp bạn đem sang Châu Âu nếu bạn có kế hoạch còn hiện tại thì tôi không đầu tư”.

Shark Louis có thắc mắc rằng không hiểu vì sao Startup kêu gọi 10 tỷ cho 9%: “Nếu post-money (giá trị doanh nghiệp sau khi đầu tư) là 111 tỷ, số đó hơi lạ. Không hiểu tại sao em chọn số 9?”

Startup chia sẻ anh đang có dự định gọi 2 round (vòng): “Round đầu tiên thì em đang muốn gọi để phát triển mạnh nước xốt. Round thứ 2 sẽ bán thêm khoảng 10% cổ phần nữa để đầu tư 1 cái dàn máy lớn hơn”.

Shark Louis cho rằng post money bây giờ đang là 111 tỷ khoảng 5 triệu USD. Nếu lợi nhuận như Startup nói là 3,7 tỷ, tính PE 111 tỷ – 3,7 tỷ nó khoảng chừng 20 lần thì cái giá hơi cao.

Startup chia sẻ năm 2026 dự kiến sẽ đạt khoảng 5 triệu đô, nghĩa là tăng gấp 10 lần sau 4 năm.

Shark Linh thắc mắc rằng ngay lúc này Startup có lợi nhuận thì cứ tái đầu tư rồi dùng số tiền đó để mua máy mới, tạo sản phẩm mới. Không nhất thiết phải có nhà đầu tư để phát triển. Startup phản hồi rằng anh luôn để khoảng 70% tiền tái đầu tư cho nhà máy cũng như cho công ty. Hiện tại thì thời điểm này là tuy doanh thu lợi nhuận rất tốt nhưng để đầu tư một dàn máy đóng gói nước xốt hoàn chỉnh tốn khoảng hơn 10 tỷ. Trong 2 năm sẽ hoàn vốn số tiền 10 tỷ đó.

Shark Hưng cho rằng sau 2 năm hoàn vốn được 10 tỷ thì thật ra Nhà đầu tư bỏ ra 10 tỷ được có 9% của phần đó, như vậy Nhà đầu tư phải mất đến 22 năm mới hoàn vốn được.

Shark Linh nhận xét Startup lúc này chỉ có khoảng 3-4 khách hàng lớn, chưa đi đủ sâu trong những sản phẩm mình đang có ngay lúc này. Starup cần phải đầu tư vào con người hơn là vào máy. “Tốt nhất là lấy 3,7 tỷ lời của năm trước tuyển thêm đội sale để có thể bán thêm. Chị nghĩ là em nên đi hướng đó hơn là gọi vốn lúc này. Cái điều tốt ở đây là em có lợi nhuận, số tiền đó mình có thể dùng để tiếp tục phát triển Marketing và Sale, đừng có làm những việc khác. Chị nghĩ là em có thể tập trung trong vòng 1-2 năm tới thì tới lúc đó cũng không cần các Shark. Và lý do vì vậy chị không đầu tư”.

Shark Hưng cũng thừa nhận đây là lĩnh vực dễ sống, phát triển mạnh thì khó. “Với doanh thu như hiện nay, khoảng độ hơn 10 tỷ mà bạn gọi vốn định giá doanh nghiệp 5 triệu USD là mức định giá cũng rất cao, kể cả lợi nhuận ròng của bạn là 3,7 tỷ đi chăng nữa. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu rất tốt, gần 40%, 3 mấy phần trăm là rất là tốt nhưng mà giá trị doanh nghiệp, giá trị dựa trên doanh thu này thì là quá cao. Cá nhân tôi thì là tôi không đầu tư”.

Shark Louis cũng quyết định không đầu tư. Ông chia sẻ: “Vấn đề là tôi không thể tìm hiểu được sản phẩm của bạn vào thị trường Mỹ có khả năng xuất khẩu được hay không. Cách tốt nhất là tiếp tục liên lạc. Khi mà bạn chứng minh được có thể xuất khẩu qua 1 thị trường khác hay là tìm kiếm 1 khách hàng bên Mỹ thì tôi có thể hỗ trợ đầu tư và mở rộng hơn. Thời gian bây giờ thì chắc tôi phải tạm thời đợi một chút.


Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 8

 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan