Danh sách 10 bản hit Vpop nổi bật trong quý I năm 2020 vừa được công bố. Đây là những ca khúc bội thu lượt nghe lớn nhất trên Zing MP3 và đạt thứ hạng cao trên #zingchart trong 3 tháng đầu năm.
Đầu 2020, Việt Nam và thế giới gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Đây là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành công nghiệp giải trí nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung.
Mặc dù vậy, thị trường nhạc số vẫn được đánh giá diễn ra sôi động và có nhiều biến chuyển. Theo danh sách các bài hát nhạc Việt nổi bật trong quý I, khán giả có thể nhìn thấy 10 xu hướng được ưa chuộng trong 3 tháng qua.
(Video top 10 ca khúc Vpop nổi bật trong quý I năm 2020 vui lòng xem tại đây: https://bit.ly/3bYShvq)
Giai đoạn hoàng kim của nam ca sĩ
Điểm thú vị là top 10 được chiếm trọn bởi các giọng ca nam. Hai cô gái duy nhất hiện diện trong danh sách là DuUyen và Hương Ly. Thế nhưng, cả hai đều kết hợp trong sản phẩm song ca với Đạt G và Minh Vương M4U.
Giải thích cho hiện tượng này, có bình luận cho rằng đầu năm nay, các nam ca sĩ phát hành sản phẩm mới nhiều hơn nữ ca sĩ. Do đó, danh sách được thống lĩnh bởi phái nam là điều dễ hiểu.
Mô hình singer – songwriter tăng trưởng
Singer – songwriter là thuật ngữ chỉ các nghệ sĩ tự sáng tác tự hát. Đáng chú ý, các tên tuổi thuộc trường phái này đang áp đảo danh sách với 8 đại diện: Bánh mì không (Đạt G, DuUyen), Tình đẹp đến mấy cũng tàn (Việt), Yêu một người tổn thương (Nhật Phong), Lá xa lìa cành (Lê Bảo Bình), Duyên trời lấy 2 (Chung Thanh Duy), Hoa vô sắc (Jack, K-ICM), Cô đơn không muốn về nhà (Mr Siro), Phụ tình (Trịnh Đình Quang).
Ưu điểm của mô hình này là nghệ sĩ dễ dàng truyền đạt trọn vẹn cảm xúc khi viết ca từ và triển khai cấu trúc, giai điệu phù hợp với quãng giọng của mình. Từ đó sẽ sản sinh ra các tác phẩm giàu cảm xúc, cá tính và vừa vặn với người thể hiện, khiến khán giả dễ đồng cảm khi tiếp nhận.
Ngoài ra, trong tình hình dịch Covid-19 bất ổn, các nghệ sĩ chủ động tự sáng tác tự trình bày sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc ra mắt sản phẩm.
Vị thế độc tôn của nhạc số giữa đại dịch Covid-19
Dịch Covid-19 xáo trộn kinh tế – xã hội, show ca nhạc đóng băng, họp báo ra mắt sản phẩm mới hủy bỏ. Những viễn cảnh này tưởng chừng cho thấy thực trạng u tối của ngành công nghiệp giải trí nước ta. Thế nhưng, dòng chảy âm nhạc vẫn cuộn trào ở một nền tảng thời đại: trang nghe nhạc trực tuyến.
Trong danh sách trên, 10 ca khúc vẫn gặt hái thành tích đáng gờm khi bội thu hơn 50 triệu lượt nghe và chiếm lĩnh top đầu #zingchart.
Trong tháng 3, top 10 #zingchart real-time mỗi ngày được “thay máu” bởi hàng chục ca khúc ồ ạt đổ bộ: Đừng lo anh đợi mà (Mr Siro), Sao anh chưa về nhà (AMEE, Ricky Star), Ai đợi mình được mãi (Thanh Hưng), Trúc xinh (Minh Vương M4U, Việt), Hai phút hơn (Pháo), Muốn cả thể giới biết anh yêu em (Gin Tuấn Kiệt), Không phải anh đúng không (Khắc Việt), Sợ phải kết thúc (Nhật Phong), Cứ tưởng thế nào (Hương Ly), Cứ ngỡ là anh (Đinh Tùng Huy), Nghe nói anh yêu em, Chẳng gì là mãi mãi, Nếu em hết thương rồi (Châu Khải Phong), Yếu đuối cho ai xem (N Ly), Một lần dang dở, Em có biết (H2K), Xin lỗi để làm gì (Tăng Phúc, Par SG, Rock).
Loạt dẫn chứng trên phản ánh một thị trường nhạc số sôi động và biến chuyển không ngừng giữa bối cảnh phức tạp. Khi các hoạt động offline đình trệ, xu hướng online sẽ lên ngôi. Ngành công nghiệp nghe nhạc trực tuyến vốn thịnh hành, nay tiếp tục khẳng định vị thế độc tôn và là cánh cửa duy nhất để nghệ sĩ quảng bá sản phẩm lúc này.
MV drama gần thoái trào
Lá xa lìa cành, Hoa vô sắc, Cô đơn không muốn về nhà, Phụ tình là 4 sản phẩm được đầu tư MV phim ngắn trong danh sách. Trong khi đó, chiếm lĩnh top 4 đầu bảng là các bài hát không cần thực hiện MV drama: Hơn cả yêu, Bánh mì không, Tình đẹp đến mấy cũng tàn, Yêu một người tổn thương.
Có thể thấy, mô-típ MV kể chuyện kịch tính vẫn đón nhận lượng khán giả nhất định. Thế nhưng, tần suất xuất hiện trên thị trường và độ bàn tán từ công chúng giảm đi ít nhiều so với thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Khi nghệ sĩ ồ ạt xuất xưởng MV drama sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa, từ đó công chúng muốn tìm đến những hình thức khác để thưởng thức.
Tân binh cạnh tranh sao lớn
Danh sách top 10 phân ranh rõ rệt hai chiến tuyến. Một là lứa nghệ sĩ kỳ cựu, gồm Mr Siro, Đức Phúc, Minh Vương M4U, Lê Bảo Bình, Đạt G, DuUyen, Trịnh Đình Quang. Hai là các tên tuổi mới nổi, như Chung Thanh Duy (giọng ca mới toanh của năm nay), Jack, Việt, Nhật Phong, Hương Ly (ra mắt trong năm 2019).
Sự phát triển của nền tảng nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam, tiêu biểu là Zing MP3, đã mang đến cơ hội tỏa sáng công bằng cho các giọng ca mới. Không phân biệt tân binh hay cựu binh, miễn sản phẩm đầu tư chất lượng, nghệ sĩ sẽ được công chúng đón nhận.
Xu hướng hòa trộn truyền thống – hiện đại giữ nhiệt
Hoa vô sắc và Duyên trời lấy 2 – hai ca khúc giao thoa âm hưởng hiện đại và truyền thống – ghi tên trong top 10. Đầu năm nay, nhiều tác phẩm đi theo xu thế trên liên tục gây sốt #zingchart như Trúc xinh (top 4 #zingchart tuần), Hai phút hơn (top 5), Một lần dang dở (top 10). Trường phái này chưa hạ nhiệt sau thời kỳ bùng nổ năm 2019.
Âm nhạc lãng mạn lên ngôi
Thống lĩnh top 2 đầu bảng là hai bản hit mang màu sắc trong trẻo, vui tươi: Hơn cả yêu của Đức Phúc (top 1) và Bánh mì không từ Đạt G, DuUyen. Trong đó, ca khúc truyền tải thông điệp nhân văn về tình yêu của Đức Phúc gặt hái thành tích nổi trội nhất quý I: đứng đầu #zingchart suốt 7 tuần, 93 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Bài hát dễ thương của Đạt G và DuUyen đứng đầu #zingchart 3 tuần và đạt 128 triệu lượt nghe.
Bên cạnh đó, bản song ca tình cảm Nắm của Minh Vương M4U và Hương Ly hạ cánh ở vị trí thứ 8 trong danh sách.
Đề tài tình yêu lúc nào cũng thu hút, nhưng rơi vào dịp Valentine thì sẽ có điều kiện thuận lợi. Đơn cử như Hơn cả yêu ra mắt cận ngày Valentine. Hay Bánh mì không và Nắm phát hành gần Tết Nguyên Đán. Những dịp này, công chúng thích thưởng thức các tác phẩm mang không khí tươi trẻ. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng khán giả muốn tìm nghe ca khúc lan tỏa năng lượng tích cực trong thời gian chật vật với dịch Covid-19.
Nhạc buồn chiếm ưu thế
Có tới 7 bài hát nhạc buồn xuất hiện trong danh sách này. Nhìn sự phát triển của thị trường âm nhạc, khán giả Việt vẫn chuộng những ca khúc đầy tự sự. Thế nhưng, đó không phải kiểu nỗi buồn ủy mị và tiêu cực.
Lá xa lìa cành (Lê Bảo Bình), Duyên trời lấy 2 (Chung Thanh Duy), Phụ tình (Trịnh Đình Quang) mang sắc thái dằn vặt, oán trách. Trong khi đó, nội dung của Tình đẹp đến mấy cũng tàn (Việt), Yêu một người tổn thương (Nhật Phong), Hoa vô sắc (Jack, K-ICM), Cô đơn không muốn về nhà (Mr Siro) là nỗi cô đơn man mác và vị tha cho mối tình đã qua.
Ballad giữ vững ngôi vương
Có đến 6 ca khúc ballad ghi tên trong top 10: Hơn cả yêu, Tình đẹp đến mấy cũng tàn, Yêu một người tổn thương, Lá xa lìa cành, Nắm, Phụ tình. Thống kê này cho thấy ballad tiếp tục giữ vững danh hiệu “dòng nhạc quốc dân” suốt các thập kỷ qua. Giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi, ca từ đầy tự sự, chiêm nghiệm là những yếu tố mà ballad tạo sự đồng cảm với thính giả Việt Nam.
Pop R&B – đối thủ phế truất ngai vàng của ballad
Danh sách xuất hiện 3 đại diện của dòng pop R&B: Bánh mì không, Hoa vô sắc, Cô đơn không muốn về nhà. Trong khi đó, Duyên trời lấy 2 là bản nhạc điện tử duy nhất góp mặt.
Thống kê này chỉ ra pop R&B là thể loại được yêu thích thứ nhì trong quý I, bám sát vị trí thống lĩnh của ballad. Nhiều sản phẩm khác thuộc dòng này cũng công phá #zingchart đầu năm như Sao anh chưa về nhà (AMEE, Ricky Star), Khóc cùng em (Mr Siro, Gray, Wind), Trúc xinh (Minh Vương M4U, Việt), Xin lỗi để làm gì (Tăng Phúc, Par SG, Rock). Giai điệu uyển chuyển, bắt tai của pop R&B là nhân tố chủ chốt thu hút sự quan tâm của người nghe.
Box: #zingchart là bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất hiện nay trên thị trường nhạc Việt. Căn cứ vào số lượng người nghe thực (Unique Listener) theo giờ trên Zing MP3, #zingchart được giới chuyên môn đánh giá cao về tính tin cậy, độ chính xác trong việc đo lường sức hút tự nhiên của tác phẩm âm nhạc hay nghệ sĩ. Bên cạnh đó, việc cập nhật diễn biến theo giờ của #zingchart đã giúp phản ánh đầy đủ và rất kịp thời những xu hướng âm nhạc mới nhất của thị trường nhạc Việt.