logo
Thứ năm, 09/11/2023 18:16:28

Mang Hộp Háo Hức lên Shark Tank gọi vốn, nữ MC truyền hình khiến các Shark liên tục tranh cãi và cái kết


(Dispatch.vn) - Startup đầu tiên đến với Thương Vụ Bạc Tỷ là Minh Trang, nhà sáng lập Hộp Háo Hức và người đồng sáng lập Đức Thành.

Startup đầu tiên đến với Thương Vụ Bạc Tỷ là Minh Trang, nhà sáng lập Hộp Háo Hức và người đồng sáng lập Đức Thành. Chị Minh Trang cũng được biết đến với vai trò là cựu MC của đài Truyền hình Việt Nam. Chị đến và gọi vốn 8 tỷ cho 10% cổ phần.

Hộp Háo Hức là mô hình hộp sách và đồ chơi giáo dục được giao định kỳ hàng tháng, phù hợp với từng nhóm tuổi: từ 0 – 3 tuổi, 3 – 6 tuổi và 6 – 10 tuổi. Bố mẹ có thể lựa chọn các gói cho con là độ dài khác nhau: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và dài nhất hiện giờ là 12 tháng.

“Chỉ cần đặt 1 lần và sẽ được giao định kỳ hằng tháng đến cho gia đình. Hộp Háo Hức cũng giúp gắn kết tình cảm gia đình. Trong tất cả các hộp có thêm phần quà nữa là phần quà của các Brand (nhãn hàng) thông qua Hộp Háo Hức tiếp cận đối tượng khách hàng.” Anh Đức Thành chia sẻ.

Hộp Háo Hức đã hoạt động được 3 năm, tổng doanh thu đến thời điểm hiện tại là 44 tỷ 500 triệu, lợi nhuận là 15%. Trung bình 1 tháng bán được 7.000 hộp, doanh thu tháng gần nhất là 800 triệu.

Về lý do thành lập, chị Minh Trang chia sẻ bản thân mình và anh Thành đều có 4 con nhỏ. Có một điểm chung ở những em bé được tiếp xúc với sách từ nhỏ, ngoài việc có khả năng ngôn ngữ rất phát triển, có sự tư duy và vốn hiểu biết đa dạng, thì các bạn ấy đều biết cách cư xử, có tinh thần tự lập, tự giác và tư duy tích cực.

Hộp Háo Hức bán hàng 100% qua web, trong đó 80% là đến từ Facebook, chạy quảng cáo, sử dụng KOLs. Ngoài ra Hộp Háo Hức cũng đã lên các sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Tỷ lệ khách hàng hiện tại là 65% khách hàng mua từ tháng đầu tiên sẽ quay lại vào tháng sau hoặc 2 tháng sau và mua gói dài hơn (Returning Customer).

Khi được Shark Liên hỏi điều khó khăn nhất là gì, Startup đã chia sẻ rằng phần lớn khách hàng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, ra khỏi bán kính khoảng 25km từ trung tâm thành phố thì tỷ lệ giảm rất nhiều. “Em cũng đang vận hành 1 trải nghiệm tên là Làng Háo Hức. Khi em tiếp xúc với bố mẹ xung quanh làng, họ không nghĩ đầu tư 200 nghìn/tháng để có sách cho con là thứ quan trọng hơn những việc khác của họ. Thậm chí mình mang hộp đến tặng cho họ, họ mang cho con họ, nhưng họ không chơi với con”, anh Thành cho biết thêm.

Shark Bình đưa ra “lời khuyên triệu đô” cho Startup, “Không phải họ tiếc gì với con, vì cha mẹ Việt Nam là một trong những bậc cha mẹ thương yêu và chiều con nhất trên thế giới. Có thể do em bị đánh sai tệp khách hàng. Tệp của em chạy là qua Facebook, nhắm vào đối tượng là bố mẹ. Đúng nhưng chưa đủ. Bố mẹ là người chi tiền, nhưng người quyết định mua là trẻ con. Em phải thiết lập kênh Marketing nhắm đối tượng là trẻ con, xây dựng các cộng đồng cho trẻ con. Trẻ con giờ nó chỉ xem Youtube thôi, đưa vài cái tin “fun fun” lên đấy, xong build (xây) lên vài triệu subscriber (người theo dõi) là trẻ con, sau đó lồng nội dung này em bán.”

Shark Hưng muốn tranh luận một chút với Shark Bình về vấn đề này khi ông cho rằng mình cũng có 1 Startup đồ chơi thông minh cho trẻ em. “Một trong những mục tiêu của tôi là kéo trẻ con rời xa tivi và điện thoại. Nếu quảng cáo trên Youtube thì vô hình chung lại kéo các bạn vào Youtube. Bản thân việc tương tác với màn hình khiến cho thị giác, não tập trung quá cao vì nó quá hấp dẫn. Vì vậy não sẽ có vấn đề, phát triển ko bình thường, nhiều lúc rơi vào tình trạng các bạn không nhận thức được cái gì xảy ra xung quanh, gọi không thưa….”

Shark Bình cho rằng không khuyến khích trẻ con dùng quá nhiều nhưng người kinh doanh không thể chối bỏ thực tại là hiện nay, phần lớn thời gian của phần lớn trẻ con tập trung vào Ipad và Youtube.

Shark Liên cũng đồng tình với Shark Hưng về phương diện giáo dục trẻ em. “Chị rất thích về sách. Các em lại giúp cho các bạn trẻ, bố mẹ trở về với câu chuyện gần gũi với sách để thoát ra chuyện cầm cái màn hình. Chị ủng hộ và khích lệ các em.”

Shark Linh là người đầu tiên ra deal. “Chị rất thích mô hình này. Thấy được là mình đã chạy được rồi, mình chỉ cần tìm cách tăng quy mô. Với chị thì mình chưa quan tâm đến những người ngoài thành phố, mình cứ tập trung đến những khách hàng đã tự động đến mình rồi. Và mình cứ tìm thêm, vì 40 triệu người cũng là khá nhiều. Những yếu tố này thì rất là thú vị. Chị muốn tham gia. Chị quyết định là 8 tỷ cho 40% cổ phần.”

Đức Thành cho biết thêm rằng nếu gọi vốn thành công, việc đầu tiên Hộp Háo Hức làm chính là cải thiện trải nghiệm của khách hàng để họ quay trở lại, việc thứ 2 là chuyển dịch dần qua các sàn khác, thứ 3 là cái chi phí cho nguyên vật liệu. Team R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ phải phát triển đủ mạnh để có thể mua được bản quyền của các sách nước ngoài. Và cuối cùng là dành ngân sách bổ sung cho hoạt động kinh doanh và Marketing truyền thông.

Minh Trang tâm sự thêm rằng, bản thân cô có 4 em bé và từ khi có con, cô đam mê việc nuôi dạy con. Khi đi du học ở Mỹ, cô nhận thấy học sinh Việt Nam có điểm rất là thiệt thòi so với học sinh quốc tế là không có văn hóa đọc ở trong gia đình, không được khuyến khích đọc sách từ nhỏ. Vì vậy vốn hiểu biết xã hội lẫn kỹ năng đọc thua so với các bạn đồng trang lứa. Nếu bố mẹ không có thói quen đọc sách thì làm sao tạo không khí đọc sách và khuyến khích con cái đọc sách được? Thế nên cô muốn thay đổi điều này, muốn em bé nào của Việt Nam cũng được bố mẹ đọc sách từ khi còn nhỏ, được quan tâm, được chia sẻ, được trao đổi tất cả chủ đề.

Shark Liên rất thích những chia sẻ của Minh Trang, đặc biệt bà rất thích gia đình đông con của cựu MC VTV. “8 tỷ cho 49%. Em vẫn điều hành. Chị sẽ hỗ trợ cho tất cả những gì mà em đang thiếu và chị em mình làm sao lan tỏa vấn đề đọc sách, thậm chí không phải chỉ tuổi của em đâu mà kể cả cho phụ huynh.”

Shark Hưng lại có quyết định khác. “Về mặt dòng tiền đầu tư thì tôi không nhìn thấy lắm sự hấp dẫn đối với tôi ở góc độ là một nhà đầu tư. Và thật ra để tránh chuyện sau này conflict (xung đột) với các sản phẩm tương lai của tôi đưa ra, cho nên tôi từ chối đầu tư.”

Shark Phú cũng từ chối đầu tư với lý do quy mô hơi nhỏ.

Shark Bình cho rằng ông có thể hỗ trợ Startup về việc đưa sản phẩm khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là năm nay một trong những khẩu vị của ông là đầu tư vào startup D2C (Direct to Consumer – Bán hàng trực tiếp đến khách hàng). Ông không muốn được nhìn nhận vai trò như một nhà đầu tư mà là vai trò của một Co-founder đến muộn. Vì vậy, Chủ tịch HĐQT NextTech đưa ra đề nghị số tiền 8 tỷ cho 35%.

Shark Linh cũng đưa ra đề nghị đầu tư mới cho Hộp Háo Hức. “Bên chị mỗi năm không có đầu tư nhiều, vì vậy có thể dành thêm thời gian để đồng hành với từng startup. Chị cũng là cố vấn cấp cao của Open Space Ventures, 1 quỹ đầu tư ở bên Sing có 650 triệu USD để huy động. Nói chung là muốn mở rộng thị trường Đông Nam Á là không phải khó với chị. Chị có thể giới thiệu qua nhiều quỹ khác nữa. Chị đổi offer (đề nghị) 8 tỷ lấy 30%.”

Đức Thành đề xuất 12 tỷ cho 15% cổ phần, và anh muốn có sự đồng hành của 3 Sharks.

Giữ quan điểm đầu tư một mình nên Shark Liên từ chối đầu tư chung.

Shark Bình cho rằng “Khi nhốt 3 con hổ vào chuồng thì chuồng phải to một tý, như vườn bách thú. Còn mình như cái củi nhỏ, nhốt 3 con hổ vào”. Ông cũng điều chỉnh xuống 8 tỷ cho 30%, tương tự như Shark Linh để Startup có thêm sự lựa chọn.

Đức Thành đưa ra offer cuối cùng là 8 tỷ cho 20% cổ phần, và vẫn mong muốn có 2 Sharks đồng hành.

Lúc này, Shark Linh đề nghị đầu tư 8 tỷ cho 25% nhưng Startup không đồng ý. Shark Bình tiếp tục đưa ra đề nghị mới, 10 tỷ cho 30% và Startup sẽ có sự đầu tư của cả 2 Sharks.

Đức Thành thương lượng 8 tỷ cho 20% và muốn đi cùng với Shark Bình.

Shark Bình hỏi Startup có cam kết KPI không? “Nếu không đạt được kế hoạch kinh doanh thì sao?”

“Bọn em sẽ trả lại tiền đầu tư cho Shark”, Đức Thành tự tin trả lời và được Shark Bình đồng ý. Thương vụ khép lại thành công với mức đầu tư đầu tư 8 tỷ cho 25% cổ phần.

Startup tiếp theo đến với Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 7 là Lưu Vỹ Thòn – Nhà sáng lập và điều hành của 8K Creative, đơn vị kinh doanh và thiết kế sản xuất mô hình theo quy trình thủ công và bán thủ công.

Startup này hiện có 15 nhân sự, vừa làm dịch vụ cho khách hàng, vừa có những sản phẩm sáng tạo riêng. Năm 2020, doanh thu của 8K Creative là 803 triệu, năm 2021 là 2,077 tỷ.

Đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 gọi vốn 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, Lưu Vỹ Thòn cho biết 10% vốn anh sẽ sử dụng để marketing các sản phẩm thương hiệu, 10% dùng để đào tạo phát triển nhân sự, 20% đưa vào quỹ và 60% đầu tư phát triển nhà xưởng sản xuất.

8K Creative cung cấp trọn gói về dịch vụ, thiết kế và sản xuất mô hình. Startup này có 2 nhóm khách hàng là khách mua hàng trực tiếp và các thương hiệu. Vỹ Thòn cho biết, năm 2021 do dịch bệnh, những dự án bán trực tiếp cho khách hàng chưa đưa ra ngoài được. 8K Creative hiện đang tập trung phát triển về dịch vụ và chủ yếu làm với các thương hiệu, trong đó có cả những thương hiệu quốc tế. Các thương hiệu sẽ đặt hàng làm quà tặng khách hàng hoặc tạo thành một mã sản phẩm để bán.

Các sản phẩm của 8K Creative được làm từ nhựa. Startup này liên kết với nhà cung cấp ở nước ngoài để có được loại nhựa chuyên dùng trong sản xuất mô hình.

Ngoài làm mô hình, Startup này còn nhận làm nội dung liên quan đến các món đồ chơi. “Đó là tham vọng của tụi em. Tụi em muốn build (xây) ra hệ thống sinh thái IP để kinh doanh”, Lưu Vỹ Thòn cho biết. Anh phân tích các thương hiệu nào cũng đều có người hâm mộ, có nguồn khách hàng nhất định. “Sản phẩm của em làm sản phẩm của họ tiếp cận càng nhiều hơn các fan. Đó là một dây chuyền cộng sinh”, Lưu Vỹ Thòn nhận định.

Chia sẻ sâu hơn về mô hình kinh doanh, Lưu Vỹ Thòn cho biết trong lĩnh vực quà tặng, các thương hiệu sẽ gặp vấn đề là có ít sự lựa chọn trong khi họ cần nhanh chóng và số lượng không rõ ràng. Khắc phục điều đó, 8K sẽ đưa ra những ý tưởng, cách sản xuất phù hợp mong muốn của khách hàng với khoảng thời gian, số lượng mà họ chấp nhận được. Ngoài các sản phẩm vật lý, Startup này cũng có thể làm hình ảnh, hoạt họa để đăng tải trực tuyến hoặc xây dựng câu chuyện quanh sản phẩm.

Giải thích sâu hơn về quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Vỹ Thòn cho biết xu thế hiện nay là tạo dựng ra các nhân vật nền. Khách hàng sẽ lựa chọn IP thích hợp với câu chuyện họ đưa ra.

Vỹ Thòn cho biết: “Ở bước đầu tiên, team 8K sẽ sử dụng hình ảnh là những câu chuyện dân gian của Việt Nam về cõi Âm Ty để tạo thành câu chuyện nền thu hút các khách hàng. Và sau đó, nếu khách hàng mong muốn sử dụng hình ảnh của nhân vật thì bắt đầu bán những hình ảnh, sử dụng những nhân vật này cho họ”.

Trả lời câu hỏi của Shark Liên về lý do đặt tên thương hiệu là 8K, Vỹ Thòn cho biết anh khởi nghiệp lúc còn 8.000Đ. 8K Creative đã hoạt động từ năm 2017 nhưng khi đó chưa có tên. Khi khách đặt hàng, họ nói muốn làm việc thì phải có thương hiệu. “Sau đó, khi ra ngoài công viên mua chai nước, em móc trong túi còn đúng 8.000Đ. Em mua. Em nói là, ok bây giờ mình làm logo 8K”, Vỹ Thòn kể lại. Shark Hưng trêu anh: “Uống nước cầm hơi khởi nghiệp đấy”.

Đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn, Vỹ Thòn bộc bạch anh còn cần Shark tư vấn về vấn đề bản quyền, về sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và hướng dẫn về sản xuất vì anh không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Dù nhận thấy lĩnh vực của Startup tiềm năng nhưng không phù hợp với hệ sinh thái Sunhouse nên Shark Phú quyết định không đầu tư.

Shark Bình chia sẻ, khẩu vị đầu tư của ông là các mô hình kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao dù có thể rủi ro một chút. Do đó, dù rất thích sản phẩm của Startup nhưng vì không phù hợp khẩu vị nên ông cũng rút khỏi thương vụ này.

Chưa ra quyết định đầu tư, Shark Hưng đặt câu hỏi về số lượng đặt hàng tối thiểu và chi phí để sản xuất một sản phẩm của Startup. Vỹ Thòn cho biết con số này phụ thuộc vào đơn hàng của khách. “Ví dụ anh cần thăm dò thị trường khoảng 500 – 1.000 sản phẩm, tụi em vẫn có thể đáp ứng cho anh”, Vỹ Thòn chia sẻ.

Trong khi đó, Shark Linh quan tâm đến mục đích sử dụng 60% vốn đầu tư cho nhà xưởng. Vỹ Thòn cho biết hiện tại 8K Creative đã có nhà xưởng, tất cả các sản phẩm đều do bên anh tự sản xuất và anh muốn mở rộng quy mô hơn.

Shark Liên chia sẻ, câu chuyện khởi nghiệp của Lưu Vỹ Thòn đã thuyết phục được bà. Bà muốn đầu tư 5 tỷ cho 18% cổ phần và mong muốn con mình sau này sẽ được Startup dìu dắt, định hướng khởi nghiệp.

Shark Hưng đánh giá mô hình của 8K Creative có vài điểm thú vị khi cùng lĩnh vực với một doanh nghiệp của ông. Đánh giá những gì Startup đã đầu tư, đang có và giá trị doanh nghiệp tại thời điểm này, ông đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 45% cổ phần.

Shark Linh đánh giá sản phẩm của Startup có chất lượng rất tốt. Bên cạnh bán các sản phẩm vật lý, Startup cũng có thử sức làm các ấn phẩm trực tuyến như với WebAR, NFT. Do đó, bà đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 35% cổ phần.

Sau khi hội ý với đội ngũ của mình, Lưu Vỹ Thòn đàm phán Shark Linh đầu tư 5 tỷ cho 19% cổ phần.

Shark Linh cho biết lý do bà thích dự án này là bởi vì mô hình kinh doanh của Startup giống như một agency (đơn vị cung cấp giải pháp) nhưng có thể làm toàn diện, vừa tư vấn, vừa đưa ra chiến lược. Đã từng có kinh nghiệm trực tiếp làm những việc đó nên bà có thể tham gia vào để hỗ trợ Startup. Bên cạnh đó, Shark Linh có quen biết với các agency nước ngoài và có thể giới thiệu làm việc chung với Startup. Với những giá trị đó, bà đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 25% cổ phần.

Sau khi cân nhắc, Lưu Vỹ Thòn quyết định nhận deal 5 tỷ cho 25% cổ phần với Shark Linh.

Startup thứ 3 đến với chương trình là Nguyễn Ngọc Hương – Sáng lập công ty cổ phần thực phẩm Quảng Thanh. Chị mang đến chương trình sản phẩm Orama, nghĩa là Ồ Rau Má, Organic Rau Má, với lời gọi vốn 5 tỷ cho 10 % cổ phần. Năm nay chị đặt mục tiêu doanh số 15 tỷ, trong 3 năm tới sẽ đặt mục tiêu doanh số 25 tỷ, trở thành doanh nghiệp nông sản triệu đô.

Rau má là loại ra nhiều chất dinh dưỡng, uống vào ngày hè rất mát. Để tránh cho người dùng mất nhiều thời gian và công sức chế biến, cũng như đoán trước xu hướng tiêu dùng thực phẩm tương lai, năm 2015, chị Hương về Củ Chi mở trang trại trồng rau má. Chị nghiên cứu quy trình trồng, sau đó ứng dụng công nghệ chế biến bột rau đã học từ người Nhật và người Ấn để tạo ra bột rau má dùng thay cho rau má tươi.

Qua 7 năm, Orama đạt được những chứng nhận như chứng nhận FDA để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, chứng nhận Haccp và ISO, CODEX của Châu Âu. Từ năm 2019, Orama đã phân phối ở Châu Âu, bán mạnh nhất ở Anh, Đức, Hà Lan, đồng thời được hội đồng khoa học đề cử đạt công nhận OCOP 5 sao. Hiện nay Orama đang phân phối sản phẩm này qua các kênh online. Do có được công nhận OCOP nên sản phẩm có những đặc quyền để phân phối vào 2 hệ thống phân phối lớn đó là Satra và Co.op. Mỗi năm doanh thu tăng trưởng bình quân 20%, đặc biệt năm 2019 – 2020 đã tăng gấp 10 lần doanh số.

Hiện tại trong một gói rau má Orama có tỷ trọng khoảng 75% đường, khoảng 3g bột rau tươi tương đương với ăn khoảng 30-40gr rau má tươi. Xu hướng tương lai Orama cũng có một sản phẩm dùng năng lượng đường lạnh để giữ vị ngọt nhưng năng lượng đường rất thấp, và một phiên bản nữa không có đường, 100% là rau.

Startup cho biết thêm Orama có vùng nguyên liệu ở 2 nơi đó là Củ Chi – TpHCM, do Startup sở hữu và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp với các nông hội ở đó. Tổng đầu tư đến thời điểm này là gần 20 tỷ, trong đó máy móc cơ sở thiết bị khoảng 10 tỷ, 8 tỷ diện tích bất động sản, còn lại 2 tỷ là vốn lưu động. Orama đang vay vốn với chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của bên phía Thành Đoàn Tp.HCM.

Giá thành đến tay người tiêu dùng là 8.000đ/tuýp, giá vốn khoảng 45% là khoảng 3.000đ, giá xuất ra là 5.500. Chi phí Marketing hiện tại là 1%. Chi phí logistics là 1% vì sản phẩm có packing (bao bì) nhỏ và khách hàng sẽ chịu phí vận chuyển, Orama chỉ tốn phí ở khâu vận chuyển từ kho trung tâm cho đến đơn vị vận chuyển. Các chi phí khác khoảng 20-25%. Lãi ròng khoảng 20%.

Startup cho biết thêm hiện tại công ty có 3 cổ đông với vốn thực góp là 1 tỷ, trong đó chị Hương là cổ đông chính với 500 triệu, một cổ đông 75 triệu và một cổ đông 25 triệu.

Shark Phú đặt câu hỏi về 12 tỷ mà trước đó Startup đề cập, chị Hương cho biết số tiền đó nằm trong nguồn lực sản xuất do công ty chị sở hữu. Nó nằm ở công ty cung ứng và chị có phần vốn góp trong công ty cung ứng đó.

Điều này khiến Shark Liên thắc mắc “Thế công ty kia gọi vốn là cái gì?”, còn Shark Hưng cho rằng “có vấn đề loằng ngoằng về sở hữu”.

Đáp lại, Startup cho rằng không loằng ngoằng vì tài sản công ty chị đang là 12 tỷ, trong đó 8 tỷ nhà xưởng, 2 tỷ là vật tư trang thiết bị và 2 tỷ vốn lưu động là tổng 12 tỷ. Nhưng khi các Shark hỏi sâu hơn, chị cho biết đó là nguồn lực của công ty sản xuất, là một công ty khác của chồng chị.

Chị Hương cho biết thêm công ty chồng chị chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa, công ty của chị phân phối và làm thương hiệu về hàng hóa. Và chị gọi vốn vào công ty phân phối của chị.

Các Shark đồng loạt cho rằng Startup không rõ ràng. Shark Hưng cho rằng khi gọi vốn cho công ty mình mà Startup lại liệt kê tài sản công ty của chồng, gây hiểu lầm. Ông cho rằng cơ cấu sở hữu loằng ngoằng, tài sản thực tế không có, nhập nhằng về vốn và chuyển giá là những thứ ông không thể kiểm soát. Vì vậy Shark Hưng từ chối đầu tư.

Shark Bình cho Startup lời khuyên với cơ cấu như thế thì chị sẽ chẳng gọi được vốn từ ai bởi vì có nguy cơ chuyển giá và sự không minh bạch trong việc tái cơ cấu từ đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp.

Shark Liên cũng cho biết Startup chưa phân định được rõ ràng, nên bà cũng không đầu tư.

Shark Linh là người tiếp theo từ chối đầu tư. Bà cho rằng bản thân sản phẩm rất quan trọng. Ở Việt Nam mọi người đã biết rau má rồi và có thói quen uống ngọt, nhưng nếu đưa ra nước ngoài với 70% tỷ lệ là đường thì sẽ không ai mua. Bà đề xuất Startup nên xem lại cách làm ra sản phẩm chuẩn và thực sự tốt cho sức khỏe.

Shark Phú hỏi Startup có đồng ý sáp nhập 2 công ty để đầu tư vào 1 công ty hay không. Chị Hương cho biết mình chưa sẵn sàng nên vẫn muốn các Shark đầu tư vào công ty phân phối. Vì vậy shark Phú quyết định không đầu tư.

Cùng quan điểm với các Shark, Shark Bình cũng không đầu tư vào công ty của Startup.

Thương vụ thất bại khi không có thỏa thuận đầu tư nào giữa Shark và Startup.

Xuất hiện cuối cùng trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 7 là Phan Thanh Huy Cường – Nhà sáng lập và điều hành của Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt. Anh đến để kêu gọi đầu tư 2 tỷ cho 10% cổ phần của công ty.

Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt chuyên cung cấp các giải pháp về IoT (Internet of Things – Internet vạn vật), phần mềm giám sát vận hành các thiết bị toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp. Giải pháp này giúp cho các nhà máy, nhà thầu có thể dễ dàng kiểm soát được điện, nước, năng lượng, CO2, các trạm xử lý nước thải, nước sạch cũng như hệ thống lạnh của tòa nhà trung tâm, tất cả chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh.

Theo Huy Cường, năm 2019 – 2020, công ty của anh đã giúp các nhà thầu, nhà máy nước xử lý nước nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long giám sát vận hành toàn bộ các thiết bị xử lý nước mặn thành nước ngọt, tăng cao hiệu suất chất lượng nước tốt đến cho bà con trong vòng 7 ngày và cấp được hơn 1.000 khối nước trong 1 ngày.

Hiện nay, công ty của anh đã có khách hàng ở các nước như Mỹ, Ả Rập, Indonesia, Myanmar trải nghiệm sử dụng phần mềm. Ngoài ra, công ty cũng phát triển một số phần cứng để có thể kết nối nhanh với các hệ thống như thiết bị đo nước, kiểm soát chất lượng nước.

Huy Cường chia sẻ, xuất phát từ khó khăn trong vấn đề vận hành và chi phí số hóa nền công nghệ công nghiệp cho người dân sử dụng, đội ngũ của anh bắt đầu nghiên cứu phát triển giải pháp từ năm 2018. Năm 2020 anh mới bắt đầu thành lập công ty. Khi có công ty, đội ngũ của anh tập trung vào đăng ký bản quyền tác giả phần mềm, sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm của công ty Đại Việt được nghiên cứu và phát triển tại Vườn ươm Công nghệ cao thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM và mới bắt đầu phát triển kinh doanh vào tháng 3.

Shark Hưng đánh giá sản phẩm của Startup hay nhưng phụ thuộc nào năng lực chuyên môn của đội ngũ. Ông và Shark Phú cũng đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu về tổng chi phí thiết lập hệ thống từ thiết bị cứng, cảm biến đến cài đặt lập trình đưa lên ứng dụng và hiệu quả hoạt động.

Có đôi chút lúng túng nhưng Huy Cường cũng giải đáp được rằng tất cả các nhà máy nước, các trạm xử lý đều có tủ điều khiển, cảm biến, nút mạng. Công ty của anh kết nối hạ tầng phần cứng đó và đưa lên server (máy chủ), giúp quản lý nhanh, tối ưu hóa vấn đề bảo trì, sản xuất cũng như lập KPI mục tiêu một cách nhanh nhất

Một bộ như phần cứng gateway (bộ chuyển đổi giao thức) hiện đang được công ty của anh phát triển có giá 3 – 3,5 triệu đồng. Toàn bộ nhà máy nước sẽ cần đầu tư từ 40 – 60 triệu. Doanh nghiệp của anh sẽ tư vấn cho khách hàng phương án đơn giản, giảm chi phí. Huy Cường nêu ví dụ khách hàng có 100 trạm nước hay bị rò rỉ đường ống, áp suất thì chỉ cần gắn một cảm biến khoảng 3 triệu và một bộ gateway thì họ sẽ quản lý được 100 trạm.

Khi Shark Hưng đặt câu hỏi về khả năng thay thế con người của sản phẩm, Huy Cường cho biết phần mềm được phát triển để giúp con người có thể quản lý được nhiều hơn, nhiều trạm hơn và vận hành dễ dàng hơn. Công ty anh ưu tiên về kiểm soát chất lượng hơn tiêu chí thay thế nhân công.

Hiện tại, công ty Đại Việt có sẵn thư viện các dây chuyền về hệ thống nước, năng lượng, điện nên vẽ mô hình rất nhanh, có thể hỗ trợ cho khách trải nghiệm ngay. Công ty đang có tệp khách hàng khoảng 30 nhà thầu và 200 người dùng đang sử dụng, thuộc các lĩnh vực như xử lý nước, nước thải, nước sạch, hệ thống lạnh, hệ thống nước…

Về bức tranh tài chính, từ năm 2018 đến nay, công ty Đại Việt đã đầu tư khoảng hơn 3,5 tỷ. Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 10 tỷ, lợi nhuận đạt từ 30 – 35%.

Shark Bình chia sẻ ông cũng hiểu về lĩnh vực này. Ông đánh giá mô hình kinh doanh của startup nên tìm kiếm nguồn vốn thông qua công cụ vốn vay hơn là công cụ vốn đầu tư cổ phần.

“Gọi vốn bằng vốn cổ phần thường cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao và có kế hoạch có thể nhân gấp 5, gấp 10 quy mô sản lượng và dịch vụ của mình trong một thời gian ngắn”, Shark Bình giải thích và ra quyết định không đầu tư cho Startup.

Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Phú cho rằng Startup không cần quá nhiều tiền vì chủ yếu là năng lực của Startup và đi bán B2B (Business to Business – doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp). Vì vậy ông quyết định không đầu tư.

Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực của startup và không thể tạo giá trị cho Startup nếu đầu tư nên Shark Linh cũng từ chối ra deal cho Startup này.

Shark Liên cho biết doanh nghiệp của bà đã có sẵn nền tảng sản phẩm như của công ty Đại Việt nên bà có thể trở thành khách hàng của Startup. Trong khuôn khổ chương trình bà cũng không đầu tư.

Shark Hưng phân tích sản phẩm của công ty Đại Việt có thị trường nhưng ứng dụng công nghiệp B2B thì thị trường nhỏ, không thể trở thành sản phẩm đại chúng mà toàn dân sử dụng được. Nhận thấy không thể tác động nhiều khi đầu tư nên ông cũng từ chối thương vụ này.


Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 7


Từ Khóa:

Tin Liên Quan