Chương trình có sự tham gia của các diễn viên Thanh Ngọc, Thủy Cúc, Chánh Trực, Đình Toàn, Điền Trung, Lê Nam, Phạm Huyền Trâm, Lê Trang, Kiều Ngân, Di Dương, Nguyên Yunie, Ngọc Tân, Tuấn Kiệt và các chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: Phó giáo sư – tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Tiến sĩ Tâm lý – Lê Thị Linh Trang, Luật sư Nguyễn Chí Thiện.
Dị ứng rượu thuốc
Chánh Trực được bạn tặng cho chai rượu thuốc nên rủ Đình Toàn, Ngọc Tân uống. Anh cho rằng rượu thuốc trị được bá bệnh, bổ gân bổ cốt, tốt cho huyết áp. Đình Toàn xúi Chánh Trực ngâm thêm tắc kè, mật gấu, bìm bịp để bình rượu có tác dụng “tốt” hơn nữa. Ai dè sau khi uống Chánh Trực liền bị ngứa ngáy khắp người. Anh vốn có tiền sử gan nhiễm mỡ, bác sĩ khuyến cáo không nên uống rượu.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế cho biết, có nhiều loại rượu thuốc bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa ăn ngon ngủ ngon, hỗ trợ đỡ đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, thuốc ngâm rượu để uống có thành phần khác với rượu thuốc xoa bóp. Những thành phần độc, mạnh như mã tiền, ô đầu… cần lưu ý không được uống, gây nguy hiểm sức khỏe. Dân gian thích ngâm rượu với thảo dược, động vật. Tuy nhiên, không nên tự ý kết hợp nhiều loại khác nhau, sẽ vô tình sản sinh ra các chất tương tác tạo nên độc tố. Đặc biệt ngâm rượu từ động vật phải sơ chế kỹ lưỡng, có quy trình nghiêm ngặt thì mới giảm bớt tác dụng phụ, phát huy hết dược chất.
Những người gan thận kém, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, đái tháo đường khi uống rượu sẽ bị tác động xấu. Nếu sau khi dùng 5-10 phút bị nổi mẩn ngứa, nóng phừng mặt, bị phản ứng xấu từ rượu thì cần đi kiểm tra bác sĩ.
Mẹ hay osin? Người già sợ chết
Điền Trung, Di Dương xem mẹ Thanh Ngọc như osin trong nhà. Cả hai hết nhờ mẹ lau giày, giặt quần áo, nấu ăn cho đến đưa đón cháu đi học. Không những vậy, con dâu Nguyên Yunie mời bạn đến nhà ăn tiệc cũng kêu mẹ nấu đồ ăn. Bà Thanh Ngọc thấy tủi thân khi con cái kêu mẹ lên sống chung để hưởng phước, ai dè bị đối xử như osin.
Được người bạn mách bảo, bà Thanh Ngọc giả bộ bệnh để được con cái chăm sóc, quan tâm. Từ đó, Điền Trung, Di Dương mới hiểu tâm lý của người mẹ.
Thấy bà Bảy hàng xóm chết, bà Thanh Ngọc đâm ra sợ chết. Bà đề nghị con cái mua cái hòm để sẵn trong nhà để được sống lâu hơn. Cả Điền Trung, Di Dương ngỡ ngàng trước ý định của mẹ.
Tiến sĩ Tâm lý – Lê Thị Linh Trang chia sẻ, hiện nay có nhiều gia đình trẻ kêu bố mẹ đến sống chung nhà không hẳn vì tình thương với bố mẹ mà là do thiếu người giúp việc nhà. “Chúng ta nên nhớ mẹ là mẹ không phải là osin hay giúp việc. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu người trợ giúp, ông bà là người trợ giúp hiệu quả, tuy nhiên, chúng ta cũng phải có nghĩa vụ trợ giúp lại ông bà, phân công công việc rõ ràng, hỗ trợ bằng tình yêu thương. Đừng lợi dụng tấm lòng của cha mẹ. Cách chúng ta đối xử với ba mẹ là bài học nhãn tiền cho con cái. Mai này chúng ta trở thành người già, con cái chúng ta cũng đối xử như vậy. Chính sự hời hợt, thiếu quan tâm, thiếu cách bày tỏ tình yêu thương khiến người già cảm thấy bị tổn thương. Một lời nói, một bữa ăn, một chuyến du lịch là món quà ý nghĩa đối với ông bà hơn là của cải, vật chất”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Lấn chiếm lòng lề đường
Lê Trang sửa nhà, để đồ đạc, vật liệu lấn chiếm lòng lề đường, lối đi chung. Kiều Ngân đi làm về không dắt xe vô nhà được, còn Phạm Huyền Trâm không ra khỏi nhà được do đồ đạc của Lê Trang che hết lối đi. Một lần Kiều Ngân chạy xe va phải đồ đạc bị té xe. Cô yêu cầu Lê Trang bồi thường thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Chí Thiện (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định, lòng đường, hè đường được sử dụng vào mục đích giao thông. Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải được sự cho phép của UBND cấp tỉnh. Người nào để, đổ vật liệu, chất phế thải trong phần đất của lòng đường sẽ bị xử phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Trường hợp là tổ chức bị xử phạt gấp đôi. Ngoài ra, người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, gây ra thiệt hại cho người khác sẽ phải bồi thường.
Bệnh tiểu đường và biến chứng nguy hiểm
Tuấn Kiệt báo tin ông Bảy hàng xóm bị bệnh tiểu đường, biến chứng mù mắt, hoại tử, khiến bà Thủy Cúc hoang mang lo sợ. Một lần bà thấy con trai Lê Nam sau khi đi tiểu xong thì có kiến bu quanh bồn cầu, bà nghi con trai bị tiểu đường. Riêng Lê Nam không tin vì anh thấy bản thân đang rất khỏe mạnh.
Phó giáo sư – tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, những người có lượng đường trong máu tăng cao sẽ ảnh hưởng mạch máu nhỏ, sau đó ảnh hưởng thần kinh thị giác. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện co mạch, gây viêm, tăng sinh các mạch máu mới không theo quy luật, làm ảnh hưởng thị giác như nhìn thấy mờ, quáng gà, nhìn ban đêm không rõ, thị lực giới hạn, thấy bóng, đốm ruồi bay…, nếu bị xuất huyết mạch máu có thể dẫn đến mù mắt.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn biến chứng mạch máu ở chi dưới, có thể bị cắt cụt chi. Đây là bệnh nguy hiểm, bệnh nhân cần phải lưu ý. Khi bị tê bì, đau nhức tay chân xương khớp, rối loạn cảm giác, cảm xúc, đạp gai, bị trầy xước mà không biết thì nên đi khám bác sĩ. Để điều trị, cần kết hợp ba phương pháp bằng cách ăn uống, uống thuốc và tập thể dục.
Vitamin Hạnh Phúc là một chương trình thường thức gia đình thể hiện bằng các tiểu phẩm hài kịch tình huống. Mỗi tập phát sóng là mỗi chủ đề phong phú, cung cấp những kiến thức bổ ích về sức khỏe, giáo dục gia đình và những vấn đề thường gặp trong xã hội. Chương trình Vitamin Hạnh Phúc phát sóng vào lúc 19 giờ 40 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.