logo
Thứ năm, 09/05/2024 14:25:15

Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2019: Hơn cả một đội tuyển


Khi Bùi Tiến Dũng ăn mừng cú đá chốt hạ Jordan bằng cách đưa tay chào kiểu nhà binh và mỉm cười, anh đã làm tốt một điều hơn cả cú đá thành bàn, hơn cả một suất đi tiếp thuần túy.

Highlights Asian Cup 2019: Jordan 1-1 Việt Nam Sau 120 phút bất phân thắng bại, đội tuyển Việt Nam vượt qua Jordan trên chấm luân lưu với tỷ số 4-2 để sở hữu tấm vé đầu tiên lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2019.

Anh đã đúc nên một bức tượng trong lòng của công chúng, khắc vào trí tưởng tượng của họ bằng những đường nét mạnh mẽ của nội tâm.

Cựu tiền vệ tài hoa Nguyễn Hồng Sơn từng chào như thế ở SEA Games 1999 và khiến các CĐV nhớ đến anh không chỉ với hình ảnh cầu thủ giỏi, mà trên hết là con người với đầy đủ những phẩm chất đáng ngưỡng vọng: Sáng tạo, trung thành, quả cảm, gói gọn trong hình ảnh đã trở thành biểu tượng lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Nhưng Hồng Sơn là danh thủ rất hiếm hoi của thế hệ cũ có thể khiến dư luận nhắc đến mình (một cách tích cực) không chỉ vì thành công trên sân cỏ.

Còn đây không phải là lần đầu các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam cùng thế hệ với Bùi Tiến Dũng tạo ra hình ảnh có thể khuếch đại thành công sân cỏ lên nhiều lần như thế.


Những hình ảnh truyền cảm hưng như Bùi Tiến Dũng giơ tay chào kiểu nhà binh không hề hiếm gặp ở tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.

Hơn cả một đội bóng

Sau tiếng còi kết thúc trận chung kết AFF Cup 2018, thủ môn Đặng Văn Lâm không vội vàng chạy lên chia vui với các đồng đội. Anh quay lưng bước về phía cầu môn, ra dấu cầu nguyện, ôm lấy cột và nức nở. Màn ăn mừng của người không chỉ nhìn khung thành như một khung gỗ vô cảm, mà còn là thực thể sống có linh hồn.

Đặng Văn Lâm không chỉ là thủ môn giỏi. Anh còn là người có đức tin, và sự cảm thụ mãnh liệt về tinh thần.

Sau trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Đỗ Duy Mạnh đã lấy lá cờ Tổ Quốc cắm lên “ngọn núi tuyết” mô phỏng và cúi đầu chào. Màn ăn mừng của một người không chỉ hình dung cơn mưa tuyết ấy như một biểu hiện giá lạnh của thời tiết đơn thuần, mà còn là biểu trưng của những khó khăn đã phải vượt qua để thắp lên một ngọn lửa tự hào.

Đỗ Duy Mạnh không chỉ là trung vệ giỏi. Anh còn là người rất lãng mạn và đầy tự hào.

Phạm Đức Huy sau trận chung kết AFF Cup đã đi từ bục nhận huy chương đến sau tấm biển quảng cáo và ngồi phía sau nó với tư thế đúng với cách anh đã ngồi 10 năm trước, nhưng với vai trò là một cậu bé nhặt bóng ở AFF 2008, xem thế hệ của Lê Công Vinh vô địch Đông Nam Á: “Chúng tôi lẽo đẽo chạy theo các anh để ăn mừng ké, để xin áo và xin những đôi giày các anh đang đi…”, Huy kể lại.

Đức Huy không chỉ là tiền vệ giỏi. Anh còn là người kể chuyện thú vị, hài hước (như cách anh thể hiện trên mạng xã hội), mà cũng không kém phần sâu sắc.

Và chắc cũng không ai quên được hình ảnh Vũ Văn Thanh đứng khoanh tay, “mặt lạnh như tiền” sau cú đá penalty đưa U23 Việt Nam vào chung kết, pha ăn mừng mà sau này anh có kể lại rằng “bộc phát, không thể giải thích được”.

Văn Thanh cũng như Bùi Tiến Dũng, không chỉ là những người chốt hạ phạt đền lạnh lùng. Họ còn là người có khả năng biểu đạt cảm xúc tuyệt vời.


Vì đội tuyển, những người như Văn Quyết hay Văn Lâm đã hy sinh, đã nhẫn nại với sự thấu hiểu và ý chí vì tập thể tới tận cùng.

Nguyễn Văn Quyết – đội trưởng và cũng là đàn anh ở đội tuyển, đã phải trải qua cảm giác không hề dễ chịu: anh phải ngồi dự bị hầu như cả giải AFF Cup. Đấy là cảm giác tương đồng với việc Đặng Văn Lâm bị loại khỏi danh sách dự ASIAD 2018, hình ảnh mà sau này vài tờ báo đã giật hình ảnh ủ rũ của Lâm trên băng ghế dự bị như để tô đậm nỗi thất vọng của cầu thủ này.

Nhưng Quyết và Lâm đã vượt qua được sự khó chịu ấy vì tập thể và cũng được tập thể đền đáp công bằng: Quế Ngọc Hải trả lại băng đội trưởng cho Văn Quyết một cách trang trọng sau trận chung kết AFF, còn Lâm vừa đẩy một quả penalty sống còn giúp Việt Nam tiếp tục dấn bước tại Asian Cup.

Quế Ngọc Hải và Nguyễn Trọng Hoàng – những người từng để lại ấn tượng xấu về lối chơi thô bạo, cũng tự điều chỉnh và thích nghi tốt để giữ mức độ chơi bóng ở trạng thái quyết liệt, dấn thân, nhưng không phải triệt hạ.

Chúng ta thấy nhiều hơn một đội bóng ở tập thể đội tuyển Việt Nam trong năm thần kỳ vừa qua. họ không chỉ là những vận động viên bóng đá, mà còn là tập thể đoàn kết, biết hy sinh, biết giao tiếp để vượt qua những cảm xúc khó khăn “tế nhị”, có những thành viên có tố chất lãnh đạo và khả năng làm việc một cách kỷ luật.

Đấy tựu trung là những phẩm chất rất “con người”, được thể hiện ở một đẳng cấp cao. Và đấy có thể là lời giải cho màn trình diễn bất chấp giới hạn vật lý một vận động viên thuần túy của các cầu thủ Việt Nam trong một năm qua (những cầu thủ trụ cột như Quang Hải đã chơi hơn 60 trận). Họ không chiến thắng bằng sức mạnh thể chất đơn thuần, mà còn là những điều vượt hơn thế. Những điều trừu tượng.


Không chỉ là trình độ hay kỹ thuật, thế hệ của HLV Park Hang-seo mang tới nguồn cảm hứng mạnh mẽ với sự đoàn kết, sự cảm thông. Họ đứng bên nhau trong những khó khăn và chia sẻ với nhau từ những điều nhỏ nhất.

Sức mạnh tinh thần

Lò đào tạo trứ danh của CLB Ajax Amsterdam có một công thức để đánh giá các cầu thủ trẻ “chuẩn Ajax”: TIPS, viết tắt của bốn từ Technique (Kỹ thuật), Insight (hoặc Intelligent, thông minh, nhận thức tốt), Personality (Nhân cách) và Speed (Tốc độ).

Ưu tiên của các tuyển trạch viên Ajax là ba chữ I,P và S. Lý do đơn giản: Kỹ thuật là thứ có thể thay đổi nhiều nhờ tập luyện được, nhưng tốc độ chỉ có thể cải thiện phần nào (do cơ địa cầu thủ), còn tư duy thông minh (để ra quyết định, quan sát, phân tích, suy nghĩ tình huống) và nhân cách (để làm việc tập thể, giao tiếp, lãnh đạo, làm chủ tình huống) thường là bẩm sinh, hoặc để “luyện tập” được nhân cách tốt, thì một lò đào tạo không bao giờ là đủ.

Carles Folguera, Giám đốc lò La Masia (Barcelona) cũng từng tiết lộ cách mà trung tâm này lựa chọn các ngôi sao tương lai trên trang Barcablaugranes: “Chúng tôi thường tìm kiếm những mẫu cầu thủ có thể không giàu sức mạnh, nhưng rất tốt về tư duy, những người có thể ra quyết định, những người tài năng, nhanh nhẹn và lanh lợi”.

Có lẽ các lò đào tạo bóng đá hàng đầu thế giới đều đặt những phẩm chất trừu tượng lên trên kỹ thuật và thể chất không chỉ vì tính chất “khó rèn luyện” của những phẩm chất con người, mà còn bởi những cầu thủ nhí có phẩm chất con người tốt thường là những người đi xa hơn, phát triển tốt hơn. Một cầu thủ tốt thực sự nên và phải là con người có phẩm cách tốt.


Công Vinh từng là biểu tượng của sự vươn lên không ngừng, là bằng chứng cho thấy những phẩm chất như nỗ lực, tận hiến, kiên trì vẫn giá trị cao hơn tài năng thiên bẩm.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều lứa cầu thủ có tài năng bẩm sinh nhưng không thể tiến xa, thậm chí còn lao dốc không phanh mà Phạm Văn Quyến là điển hình. Một đại diện cho thế hệ những tài năng kiểu “lúa trời” có đôi chân bạc tỷ, nhưng nhận thức vô cùng bản năng và đơn thuần.

Ngược lại với Văn Quyến là Lê Công Vinh, với xuất phát điểm chỉ là tiền đạo trẻ kỹ thuật không quá xuất sắc, đã kéo dài sự nghiệp của mình, đi vào lịch sử như một trong những tiền đạo tốt nhất Việt Nam từng có và sở hữu một cuộc sống sau sân cỏ chắc chắn, viên mãn. Anh bắt đầu sự nghiệp không phải bằng tài năng kiệt xuất, mà bằng nhận thức đúng đắn, và nghị lực hiếm có.

Dư luận ác miệng từng gọi hành động bán độ của các cầu thủ trước đây là “bán rẻ Tổ quốc”, nghe thật vô lý và phũ phàng, nhưng đúng là nếu trong nhận thức của họ có những điều trừu tượng, cao quý hơn vài chục triệu tiền nhận độ, nếu ở đó là niềm tự hào, là sức mạnh nội tâm, thì có lẽ họ đã đủ mạnh mẽ để khước từ lời mời của quỷ dữ.

Thế hệ hiện tại chứng minh rằng họ không chỉ có thể nghĩ đến những điều trừu tượng cao quý, mà còn biểu đạt được và thậm chí chiến đấu vì niềm tin gắn vào những điều tưởng tượng ấy. Nói đơn giản, họ không chỉ đá một quả bóng, mà còn đang chiến đấu vì danh dự, tự hào, vì Tổ quốc, và những điều thiêng liêng hơn một quả bóng.


Khác với những người đàn anh, thế hệ Quang Hải không chỉ có tài năng. Họ còn hiểu sâu sắc giá trị của lao động, của sự nỗ lực, hiểu được rằng những vinh quang chỉ thực sự đến thông qua giọt mồ hôi đổ xuống trên sân cỏ hay trong phòng tập.

Đẳng cấp chơi bóng của đội tuyển Việt Nam hiện tại, về mặt kỹ thuật, chưa hẳn là vượt trội những đối thủ từng giáp mặt trong một năm thi đấu thần kỳ vừa qua. Họ vẫn có nhiều sai lầm lặp lại, vẫn có những người phong độ trồi sụt, vẫn thể hiện sự non nớt trước các đối thủ giàu kinh nghiệm. Nhưng bù lại, các cầu thủ thể hiện tinh thần ở đẳng cấp cao: Họ quả cảm, giàu nghị lực, trách nhiệm, có sức chịu đựng đáng nể và đáng tin cậy.

Và đấy mới là những nguồn cảm hứng. Anh không chỉ đá bóng giỏi, mà phải là một con người thu hút và có phẩm chất. Cảm hứng chỉ có thể lan truyền, khiến những đứa trẻ mê bóng đá hơn và khuyến khích các ông bố bà mẹ đưa con đến sân tập bóng đá khi đại diện cho nó là những biểu tượng thật sự.

Các cầu thủ Việt Nam đang kể câu chuyện vượt quá xa kích thước một quả bóng. Câu chuyện có thể lăn đi suốt nhiều năm. Một bàn thắng và chiếc cúp chỉ tạo ra những ấn tượng trí nhớ cơ học, nhưng để chạm đến cảm xúc và tạo thành ký ức, cho chúng ta khóc cười dù chỉ là khi hồi tưởng thôi, thì cần hơn cả một đội tuyển thuần túy. Như lúc này. 

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan