Theo Zing.vn
Những ngày qua, vụ việc “phòng chat thứ N” bị phanh phui đang trở thành tâm điểm của dư luận Hàn Quốc. Nhiều nghệ sĩ, khán giả và chính trị gia đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi tàn ác của những kẻ đứng đầu phòng chat tình dục mới này.
“Hành động của thủ phạm trong vụ ‘phòng chat thứ N’ là hành vi tàn nhẫn có thể hủy hoại cuộc sống người khác”, Tổng thống Moon Jae In khẳng định với truyền thông chiều 23/3. Ông Moon cũng cho rằng hành vi này phản ánh vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền cơ bản.
Năm 2019, showbiz Hàn Quốc chấn động với scandal nhóm chat tình dục của Seungri và nhóm bạn. Thời điểm đó, hàng loạt nghệ sĩ nam như Yong Joon Hyung, Choi Jong Hoon, Roy Kim… bị phát hiện đã tham gia xem hoặc chia sẻ những video quay lén cảnh quan hệ tình dục hay thậm chí là hiếp dâm.
|
Seungri và scandal nhóm chat tình dục từng gây chấn động dư luận hồi tháng 3/2019. Ảnh: Star News. |
Vụ án này chưa đi đến hồi kết thì dư luận Hàn Quốc lại một lần nữa chấn động với “phòng chat thứ N”. “Phòng chat thứ N” gồm loạt phòng chat trên nền tảng Telegram, nơi người dùng chia sẻ công khai những video bạo lực, khiêu dâm, xúc phạm thân thể phụ nữ.
Theo số liệu thống kê, “phòng chat thứ N” có 74 nạn nhân, trong đó có 16 người là trẻ vị thành niên. Những kẻ này nắm giữ thông tin cá nhân của nạn nhân, đe dọa họ quay những video bị bạo lực tình dục. Những video này đã được bán cho khoảng 260.000 đàn ông khác nhau.
Lúc này, một số câu hỏi được đặt ra về những đối tượng đã trả tiền để mua video bạo lực tình dục trong “phòng chat thứ N”. Từ trường hợp của nhóm chat tình dục do Seungri và Jung Joon Young đứng đầu, nhiều ý kiến nghi ngờ có một số người nổi tiếng nam đã góp mặt trong 260.000 đàn ông đã mua video trong “phòng chat thứ N”.
Dân mạng Hàn Quốc cho rằng vì số lượng khách hàng của “phòng chat thứ N” quá lớn nên khó có thể loại bỏ trường hợp các nghệ sĩ nam mượn tên và số chứng minh thư của người khác để đăng nhập vào phòng chat Telegram.
Đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra những scandal xuất phát từ sở thích tình dục lệch lạc trong ngành giải trí.
Nghi phạm họ Cho và vụ việc “phòng chat thứ N” khiến người dân Hàn Quốc phẫn nộ. Ảnh: Naver. |
Gần nhất, hai tài tử danh tiếng Jang Dong Gun và Joo Jin Mo cũng bị phát hiện nhiều lần nhắn tin bình phẩm thô tục về phụ nữ cũng như tìm gái “mua vui” trong thời gian vắng mặt vợ.
Hay trường hợp của Seo Ha Joon (phim The Flower In Prison), nam diễn viên bị rò rỉ video tự quay hành động nhạy cảm vào năm 2016. Sự việc khiến Seo Ha Joon phải mở họp báo xin lỗi công chúng và rút khỏi ngành giải trí trong thời gian dài.
Một trong những sự việc gây chấn động dư luận nhất là vụ án của nữ diễn viên Vườn sao băng Jang Ja Yeon. Cô tự tử sau khi để lại thư tuyệt mệnh tố cáo nhiều nhân vật quyền lực trong showbiz đã cưỡng bức mình hàng trăm lần.
Bên cạnh đó, ngành giải trí còn chứng kiến rất nhiều vụ việc các nữ nghệ sĩ bị tung ảnh nóng hay video “giường chiếu” lên mạng như Goo Hara, Baek Ji Young, Ivy, Han Sung Joo, Oh Hyung Kyung, Ailee…
Những vụ việc này chỉ vẽ lên vài nét mờ nhạt về đời sống tình dục nhiều góc tối trong ngành giải trí nói riêng và xã hội Hàn Quốc nói chung.
Mại dâm và các ngành kinh doanh liên quan đến tình dục vẫn phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Từng có thời điểm, chính phủ nước này thừa nhận lợi nhuận từ ngành kinh doanh tình dục đã chiếm tới 4,1% tổng thu nhập quốc gia.
Con số 4,1% khiến nhiều người choáng váng, bởi con số này tương đương với số liệu thu được từ các ngành nông, lâm và ngư nghiệp.
Sở dĩ ngành kinh doanh tình dục tại Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ bởi chính phủ nước này từng có chính sách khuyến khích phát triển ngành mại dâm từ những năm 1950-1960 của thế kỷ trước. Vào năm 1953, có tới 350.000 gái mại dâm hoạt động trên phạm vi lãnh thổ Hàn Quốc.
Mại dâm là một vấn đề lớn tại xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Naver. |
Năm 1984, sau thời gian dài để các “nhà chứa” phát triển mạnh mẽ, Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn) đưa ra kế hoạch xóa bỏ tầm ảnh hưởng của hoạt động mại dâm với người dân xứ kim chi. Năm 2004, chính phủ chính thức thông qua đạo luật đặc biệt về kinh doanh tình dục. Theo đó, mại dâm trở thành hoạt động trái phép và những người vi phạm có thể bị phạt tiền 3 triệu won, ngồi tù lên tới một năm.
Tuy nhiên, việc để ngành kinh doanh tình dục phát triển mạnh mẽ, công khai trong nhiều thập kỷ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống của bộ phận lớn đàn ông Hàn Quốc.
Theo số liệu trên Daum, Viện nghiên cứu tội phạm Hàn Quốc từng tổng kết mỗi nam thanh niên ở độ tuổi 20 mua dâm ít nhất 4 lần mỗi tháng. Tương ứng, có tới 358.000 lượt mua dâm mỗi ngày trên toàn quốc.
Một khảo sát vào năm 2005 cũng đưa ra kết quả cứ 10 người đàn ông Hàn Quốc thì có 6 người từng mua dâm ít nhất một lần trong đời. Cứ hai nam giới đã kết hôn thì có một người từng nảy sinh quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. 40% số lượng đàn ông quan hệ “ngoài luồng” bày tỏ quan điểm mại dâm không phải hình thức phản bội gia đình.
Một khảo sát khác vào năm 2015 đưa ra kết quả cho thấy 23,1% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 18-69 thừa nhận từng mua dâm. Nhìn chung, dù đã có đạo luật nghiêm cấm mua bán mại dâm từ năm 2004 nhưng nam giới Hàn Quốc vẫn khó từ bỏ thói quen “bóc bánh trả tiền”.
Sau khi bị tước quyền kinh doanh công khai, hoạt động mại dâm được ngụy trang dưới các vỏ bọc như quán karaoke, quán rượu, tiệm massage hay tiệm gội đầu… Và hình thức này vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng nam giới. Nam ca sĩ Seven cũng từng vướng vào scandal trốn doanh trại đi “tìm vui” ở tiệm massage vào năm 2013.
Dịch vụ giải trí người lớn được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh ở xứ kim chi. |
Thực tế, theo điều tra của các chuyên gia xã hội học Hàn Quốc, việc kết hợp dịch vụ người lớn trong các bữa tiệc gặp bạn làm ăn hoặc chuyến công tác được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh của xứ kim chi.
Điều này cũng được khắc họa khá rõ ràng và chân thực trong các bộ phim truyền hình. Trong bất kỳ bộ phim nào, khán giả cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh một doanh nhân gặp đối tác trong quán nhậu, tay cụng chén, tay ôm một cô gái mặc trang phục hở hang.
“Khi đàn ông làm điều gì đó mờ ám và có lỗi cùng đối tác kinh doanh, điều đó có nghĩa là họ đã có chung bí mật, cùng tin tưởng nhau như anh em”, một chuyên gia xã hội học giải thích trong bản báo cáo hồi năm 2015.
Trang Irinsider từng đăng tải bài báo cho biết chỉ trong năm 2017, chính quyền thành phố Seoul đã phát hiện 6.500 trường hợp đặt máy quay lén thân thể phụ nữ trong các khu vực như buồng thử đồ, nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm… Giới chức nước này từng phải thuê tới 8.000 công nhân để kiểm tra nhà vệ sinh công cộng tại Seoul có bị đặt máy quay lén hay không.
Thời điểm đó, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ khi phát hiện không ít máy quay lén được chính các nam nhân viên an ninh tại địa điểm công cộng lắp đặt.
Thực tế cho thấy dù bị lên án kịch liệt nhưng số lượng các phòng chat khiêu dâm nói riêng cũng như hành vi phạm tội tình dục nói chung vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc.
Có ý kiến cho rằng chính phủ Hàn Quốc quản lý quá lỏng lẻo, không triệt để trừ bỏ các tệ nạn về mại dâm, dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu tình dục của con người để kinh doanh. Một số khác đưa ra ý kiến rằng chính bản thân người dân xứ kim chi cũng chưa ý thức được mình có nhận thức khá lệch lạc về quyền lợi và bình đẳng trong xã hội.
Phụ nữ Hàn Quốc thường xuyên bị quay lén, quấy rối tình dục tại nơi công cộng. Ảnh: Yonhap News. |
Không ít ý kiến cho rằng đa số đàn ông Hàn Quốc đều có tính gia trưởng, coi thường phái nữ. Nhiều bài báo và nghiên cứu chỉ ra phái mạnh xứ kim chi có xu hướng thích thể hiện uy quyền trong gia đình hoặc tổ chức, muốn phụ nữ phải phục tùng, làm theo mọi lời sai bảo của họ.
Năm 2017-2018, khi phong trào #MeToo nổ ra mạnh mẽ, phụ nữ Hàn Quốc từng xuống đường biểu tình để đòi lại công bằng cho nhiều hành vi quấy rối tình dục và nhân phẩm họ từng gặp phải tại các môi trường công sở, trường học, địa điểm công cộng… Bất chấp sự đấu tranh của phái nữ, nam giới nước này tỏ ra khá thờ ơ với thực trạng xâm hại tình dục trên.
“Một nhóm nam sinh của Đại học Hàn Quốc bị phát hiện đã bàn luận trong nhóm chat về các nữ sinh khóa dưới mà họ cho rằng có nhiều ‘tiềm năng’ để họ cưỡng bức”, giáo sư Michael Hurt của ngành xã hội học (Đại học Seoul) trả lời một bài phỏng vấn của truyền thông nước này.
Hurt tiếp tục chia sẻ: “Đàn ông Hàn Quốc đang biến máy ảnh, máy quay trở thành một loại vũ khí đáng sợ”.
Theo Zing.vn