logo
Thứ năm, 09/05/2024 02:24:58

Tung clip ‘mây mưa’ lên mạng: Đừng sống ảo để người khác phải tự tử


Theo chuyên gia, các bạn trẻ có thể sang chấn tâm lý khi bị rêu rao hình ảnh nhạy cảm trên mạng. Trong một số trường hợp, người vô can cũng chịu tổn thương vì nút share nhảm.

 
Bỗng dưng khốn khổ vì bị nhầm là má mì 9X, tội phạm hiếp dâm Chỉ vì trùng tên, tuổi hay có vẻ ngoài “na ná” nhân vật chính của những vụ bê bối trên mạng, nhiều người không liên quan bỗng dưng bị xúc phạm, doạ giết.

– Ai có link trà sữa Thái Nguyên không cho hóng với?

– Có full HD không che đây, check inbox.

Đó là một ví dụ về cách xin clip đôi trẻ bị bắt gặp khi đang “mây mưa” ngay trong không gian quán trà sữa ở đường Bắc Sơn (phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) hồi đầu tháng 8 vừa qua, khiến đoạn video được phát tán rộng hơn.

Cũng ngay trong đêm xảy ra sự việc, nhờ sự truy lùng ráo riết của dân mạng, thông tin, hình ảnh, Facebook… của hai nhân vật chính nhanh chóng được tìm ra và chia sẻ công khai.

Đó là mô típ quen thuộc khi trên mạng xuất hiện ảnh hay clip nóng: Bằng mọi cách tìm ra nhân vật chính là ai mà “dám làm điều khác người”. Sau đó, tấn công họ bằng những lời lăng mạ, xúc phạm, dè bỉu và cho nhiều người khác cùng “hóng với”.

Tung clip 'may mua' len mang: Dung song ao de nguoi khac phai tu tu hinh anh 1
Ngay khi “hóng” được ai đó bị tung ảnh, clip nóng, tìm mọi cách để có “link” là điều nhiều dân mạng thường làm đầu tiên. Ảnh chụp màn hình.

Một cái click chia sẻ ảnh, clip nhạy cảm lên rất đơn giản, nhưng hệ lụy từ hành động đó là khó lường. Theo chuyên gia, người trẻ có thể sang chấn tâm lý khi bị rêu rao trên mạng với hình ảnh nhạy cảm. Trong một số trường hợp, người vô can cũng chịu tổn thương vì nút share nhảm.

Bị hàng nghìn người lạ chửi bới, dọa giết

Có một sự thật khôi hài rằng khi hình ảnh, clip nóng được share mà chưa rõ “chân dung” nhân vật chính, dân mạng lại nháo nhác đào bới, lùng sục cho ra danh tính của họ.

Và khi gương mặt nào đó được “chỉ mặt đặt tên” là nhân vật chính trong đoạn video nhạy cảm, không cần kiểm chứng đúng sai, nhiều tài khoản vội ấn nút share cùng lời lẽ xúc phạm, dè bỉu.

Trong một số trường hợp, những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng kia khiến người vô can “dở khóc dở cười” khi bỗng nhiên hứng chịu “gạch đá” bất đắc dĩ từ hàng nghìn người lạ.

T.K.L. và Nguyễn Hoàng (Hải Phòng) là nạn nhân của nút share nhảm. Do T.K.L. trùng tên với nữ chính trong clip “mây mưa” trong quán trà sữa Thái Nguyên, cô bị dân mạng hiểu nhầm và thóa mạ không thương tiếc.

Bị các “anh hùng bàn phím” khủng bố tin nhắn, kéo vào trang cá nhân chế giễu, dọa đánh và giết, K.L. và người yêu đã bị sốc tâm lý. Thậm chí, lúc đến trường học, thiếu nữ 17 tuổi cũng bị một số người chỉ trỏ, bàn tán nên hoang mang đến mức không dám đi học.

Ngay cả khi đã đăng bài đính chính, hình ảnh của K.L.và Nguyễn Hoàng vẫn xuất hiện khắp các trang mạng với lời lẽ xúc phạm, bêu xấu. Nhiều ngày trôi qua, tâm lý của đôi trẻ vẫn chưa thể bình thường trở lại.

Sau đó, một tài khoản Facebook có tên N.V.T đăng tải thư xin lỗi vì đã tung clip, hứa sẽ bồi thường 30 triệu đồng cho T.K.L. Không rõ số tiền đó có được chuyển đến tay K.L. hay không, nhưng rõ ràng cô vẫn phải chịu sự tổn thương về tinh thần và cả rắc rối trong đời thật.

Cách đây không lâu, MC Nguyễn Minh Tiệp của VTC cũng “mất ăn mất ngủ” vì giống tên nam MC VTV bị tố đánh em vợ. Khi vào trang cá nhân, MC VTC không khỏi sốc trước những bình luận khiếm nhã, chửi bới cho hành động mình không hề liên quan.

Tung clip 'may mua' len mang: Dung song ao de nguoi khac phai tu tu hinh anh 2
MC Nguyễn Minh Tiệp của VTC từng “mất ăn mất ngủ” khi bỗng nhiên bị nhiều người lạ thóa mạ, chửi bới vì giống tên nam MC VTV bị tố đánh em vợ. Ảnh: NVCC.

Một thời gian sau “sự cố nhầm lẫn” đó, Minh Tiệp cho Zing.vn hay cuộc sống của anh đã ổn, không còn những lời hăm dọa hay tin nhắn khủng bố như trước.

“Khi ở giữa ‘tâm bão’, tôi rất lo sợ mọi người đánh nhầm mình và sợ gia đình, đặc biệt là đối tác, bạn bè không xác định rõ sự việc mà đánh đồng theo. Rất nhiều người bạn lâu năm không gặp nhắn tin, nghĩ là tôi đã kết hôn và đánh em vợ. Nhiều người khuyên bảo, nhiều người trách móc. Nhiều tin nhắn gửi tới mà hiện tại tôi vẫn chưa đọc hết”, Minh Tiệp nhớ lại.

Nam MC cho biết bên cạnh một bộ phận lan truyền thông tin sai thiếu ý thức, một số dân mạng đã giúp đính chính thông tin sau khi anh lên tiếng.

“Thay vì đi giải thích cho từng người hay cãi nhau với dư luận, tôi đã bình tĩnh lại. Biết được mấu chốt của sự việc là mình bị nhầm lẫn với đồng nghiệp cùng tên, tôi đính chính với mọi người bằng dòng trạng thái dài kèm thông tin chính xác để họ có sở tin điều đó. Theo tôi, đính chính một điều gì đó không khó, cái khó là đính chính thế nào cho phù hợp thời điểm và khéo léo để không mất lòng người khác”, anh chia sẻ.

Trước đó, công việc kinh doanh của Minh Tiệp bị ảnh hưởng vì nhiều người cố tình đặt hàng rồi không lấy. Hiện tình trạng đó không còn nhưng đôi khi một số khách nói đùa rằng chủ shop này là người bị nhầm BTV đánh vợ, nam MC cho biết anh vui nhưng cũng ngại vì mọi người vẫn còn nhớ tới mình với sự cố đó.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự MC Minh Tiệp, chàng trai L.H.H. cũng khổ sở vì ảnh cậu đứng đợi bạn gái ở cổng trường và tặng cho cô con gấu bông to hơn người bị ghép với tấm hình chụp bị cáo phạm tội giao cấu với trẻ em.

Thậm chí, một câu chuyện khá hợp lý được thêu dệt nên với nội dung: “Ngày 28/8, Nguyễn Văn Hải mặc sơ mi trắng, mượn xe SH và mua một chú gấu bông đến cổng trường đón em V.H.L., hiện là học sinh lớp 9 rồi dẫn vào nhà nghỉ để giao cấu. Sau khi về, em V.H.L. có nhiều biểu hiện lạ nên gia đình đã gặng hỏi”.

Do sức lan tỏa “chóng mặt” của bài đăng cùng áp lực dư luận, L.H.H. phải lên tiếng lấy lại danh dự cho mình. H. cũng yêu cầu một số diễn đàn đính chính để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống.

Trước đó, Nguyễn Thị Hảo – từng là lớp trưởng, tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội – từng chịu tổn thương vì bị nhầm là má mì bán dâm nghìn đô trùng tên với mình.

Tung clip 'may mua' len mang: Dung song ao de nguoi khac phai tu tu hinh anh 3
Nguyễn Thị Hảo (trái) chịu tổn thương vì bị nhầm là má mì bán dâm nghìn đô trùng tên với mình (phải). Ảnh: FB.

Khi đó, Hảo đã phải trả lời đến 20-30 cuộc điện thoại, khẳng định cô không liên quan má mì vừa bị bắt. Cô gái 23 tuổi cũng không nhận được lời xin lỗi từ ai chịu trách nhiệm cho việc ghép ảnh cô với má mì lan tràn trên mạng xã hội.

Khi không tìm ra đích danh người phát tán thông tin sai lệch về mình, MC Minh Tiệp, H.H. hay Nguyễn Hảo trong những câu chuyện trên đều phải tự mình vượt qua, lên tiếng đính chính bảo vệ danh dự của chính mình.

Theo bà Nguyễn Lan Hương – giám đốc tổng đài tư vấn 19006670, những người bị nói xấu, xâm phạm đời tư trên mạng xã hội sẽ bị ảnh hưởng tâm lý hơn cả làm nhục, bởi mức độ lan tỏa lớn.

Sang chấn tâm lý, tự tử vì trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận

Dưới góc độ tâm lý, nhân vật chính trong các clip nóng hay phản cảm bị phát tán lên mạng xã hội cũng phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận.

Khi bị quá nhiều người ghi nhớ gương mặt cùng danh tính, những thị phi có thể đi theo họ cả đời, hễ có vụ gì tương tự mới xảy ra, chuyện trong quá khứ sẽ lại được “đào mộ”.

TS tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ với Zing.vn rằng các bạn trẻ bị phát tán hình ảnh quan hệ ở nơi công cộng lên mạng sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý do hổ thẹn khi đi học, đi làm mọi người chê cười.

“Bản thân họ làm điều trái với văn hóa của dân tộc phải chịu búa rìu dư luận, không thể đòi hỏi mọi người thông cảm cho mình. Đây là bài học cho giới trẻ hiện đại. Khi các bạn làm chuyện sai trái bị xã hội chê cười, lên án thì phải rút kinh nghiệm. Các bậc cha mẹ cũng cần giáo dục con cái đừng làm chuyện như vậy”, TS Hòa nói.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy – giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Phát triển tinh thần Khơi Nguồn – cho rằng các bạn trẻ khi bị “ném đá” hội đồng có thể bị sang chấn tâm lý do sức ép lớn từ cộng đồng.

“Hành động quan hệ ở nơi công cộng có thể xuất phát từ việc một số bạn trẻ không kiềm chế được bản thân và không lường được việc bị phát tán clip. Khi bị cộng đồng đổ xô vào chửi bới, họ sẽ gánh chịu sức nặng tâm lý rất khủng khiếp, gặp nhiều khó khăn khi đối diện với gia đình, bạn bè, những người ngoài phạm vi tương tác mạng xã hội đã xem clip đó”, thạc sĩ Duy đánh giá.

Nam chuyên gia tâm lý cũng phản đối hành động phát tán hình ảnh, clip nóng lên mạng để “câu like”, “câu view” vì điều đó vi phạm quyền riêng tư của cá nhân xét về mặt luật pháp.

“Khi bị cộng đồng đổ xô vào chửi bới, nhân vật chính trong ảnh, clip nhạy cảm bị phát tán sẽ phải gánh chịu sức nặng tâm lý rất khủng khiếp” .

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy

Hệ lụy của việc này có thể là ai cũng tự cho mình như “quan toà” để kết án một cách thiếu văn hoá người khác trong nhiều trường hợp.

Từng có một số cái chết thương tâm xảy ra khi người trẻ không chịu nổi việc bản thân trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận nên đã nghĩ quẩn.

Như nữ sinh N.T.A.T. (15 tuổi, Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ vào năm 2013 sau khi phát hiện clip nóng của mình và bạn trai được lan truyền khắp mạng xã hội kèm vô số bình luận châm chọc, chế giễu.

Năm 2016, Bùi Quang Huy (sinh năm 2001, học sinh lớp 8A, trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) treo cổ tự tử. Người thân cho hay Huy hành động dại dột như vậy có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi đoạn video mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.

Tung clip 'may mua' len mang: Dung song ao de nguoi khac phai tu tu hinh anh 4
Người thân cho hay Bùi Quang Huy tìm đến cái chết có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Tây Bắc 24h.

TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ tuổi vị thành niên, thanh niên khi gặp khúc mắc chưa biết cách xử lý, thường sử dụng cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, gọi là “tự xâm kích”, mà cao nhất là tự tử. Bản thân các em không nghĩ tới hậu quả sự việc, mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc.

Bởi vậy, mạng xã hội là ảo nhưng có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc ngoài đời thực nếu như người sử dụng không có trách nhiệm với hành động, phát ngôn của mình. 

Luật sư Chu Bảo Khánh (đang công tác tại một công ty Luật ở Hà Nội) khẳng định các hành vi nói xấu, bêu tên, thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm của người khác lên trang mạng xã hội có thể xử lý hình sự về hành vi “làm nhục người khác” nếu mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm là nghiêm trọng.

Luật sư giải thích thêm việc đưa thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên Facebook để khống chế, khiến đối tượng đó cảm thấy xấu hổ, nhục nhã chính là xúc phạm nghiêm trọng.

Người phát tán hình ảnh, clip nóng, dù nhằm mục đích “câu like”, “câu view” hay cố ý làm nhục người khác, đều xứng đáng nhận hình phạt cho mình. Còn những người like hay share nội dung thiếu căn cứ tuy không bị ai bắt bớ, phạt, cũng nên hiểu đó là hành động thiếu trách nhiệm, có thể dồn người khác vào tuyệt vọng.

 
‘Mây mưa’ ở quán trà sữa và loạt hành vi phản cảm của người trẻ Ý thức kém, thể hiện tình cảm quá trớn hay thậm chí “mây mưa” ở nơi công cộng là những hình ảnh xấu xí về cách ứng xử của một số người trẻ hiện nay.

 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan