Ngày 7/11, trước sức ép của phong trào tẩy chay, Hương Giang gửi đơn xin rút khỏi vị trí khách mời ở sự kiện của Hoa hậu Việt Nam 2020. Nữ ca sĩ cũng tuyên bố sẽ tạm dừng một số hoạt động nghệ thuật vì “công việc riêng”.
Làn sóng tẩy chay không chỉ khiến Hương Giang phải rút khỏi buổi diễn, còn tiếp tục khiến các nhãn hàng xem xét lại việc mời Hương Giang hợp tác. Trong buổi livestream gần đây, cô cũng bị cắt đến 95% cảnh, không thể lên hình.
Nhận xét về chuỗi hệ quả trên, đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử showbiz có một nghệ sĩ bị tẩy chay mà không một nghệ sĩ nào đứng ra bênh vực. Lần đầu tiên trong lịch sử showbiz Việt Nam cho thấy rằng thật sự có sức mạnh tẩy chay giống Kbiz hay những nền giải trí lớn khác trên thế giới”.
Rất nhiều ngôi sao Hàn Quốc đã “thân bại danh liệt” vì làn sóng tẩy chay của khán giả, dư luận. Đơn cử như Á hậu Lee Seung Yeon và vụ chụp bộ ảnh “ủy an phụ”, Moon Hee Jun (H.O.T) và Lee Sung Min (Super Junior) vì nói dối về tình yêu, hôn nhân, Kim Hyun Joong hay Park Yoo Chun, thậm chí cả Big Bang vì scandal ma túy, tình dục.
Tờ The Guardian từng nhận xét người hâm mộ, hay rộng hơn là khán giả, chính là thế lực ngầm đứng sau nền công nghiệp giải trí phát triển hàng đầu châu Á của Hàn Quốc. Tình yêu của khán giả có thể đưa một người lên thành sao chỉ sau một đêm, cũng có thể hủy hoại sự nghiệp của ngôi sao hạng A chỉ trong chớp mắt.
Irene và nhiều sao Hàn “thân bại danh liệt” vì phong trào tẩy chay của khán giả đại chúng. |
Daum từng viết: “Fan tạo cho nghệ sĩ một thế giới riêng, tôn sùng họ như tín ngưỡng”. Chính tình yêu trên tạo nên thế lực có thể khuynh đảo cả showbiz.
Vì sự nghiêm khắc của dư luận, nghệ sĩ Hàn luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh rất cao. Các công ty đào tạo nghệ sĩ mọc lên như nấm, luôn rèn luyện thực tập sinh không chỉ về ca hát, diễn xuất mà còn cả cách cư xử, lời ăn tiếng nói hay lối sống. Ở xứ sở kim chi, “nhân cách vàng”, “lối cư xử đẹp” là một trong những điều kiện tiên quyết để nhận được sự yêu mến của khán giả đại chúng.
Ở nền giải trí Hàn, nghệ sĩ không chỉ nỗ lực khẳng định thực lực, còn cố gắng giữ lối sống sạch, kín tiếng chuyện đời tư, cư xử với “tiền bối”, “hậu bối” đúng mực lễ phép, họ thể hiện đúng phép tắc trong từng chuyện nhỏ, ở mỗi sự kiện.
Và khi sự yêu mến của khán giả trở thành một thế lực, nghệ sĩ cũng cần phải cẩn thận để tránh khán giả trở thành dòng nước, “nâng được thì cũng lật được thuyền”.
Khán giả của các nền giải trí khác có thể chưa nghe qua, nhưng với người hâm mộ Hàn, việc gửi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) không còn là chuyện quá xa lạ. Dư luận Hàn từng gửi lá đơn kiến nghị có hàng trăm nghìn chữ ký lên Nhà Xanh yêu cầu giải tán nhóm nhạc T-Ara, IZ*One, X1.
Họ cũng dùng quyền lực vô hình trên để gây áp lực tới cơ quan chức năng, mở lại cuộc điều tra về cái chết của Jang Ja Yeon hay án quấy rối tình dục của Yang Ye Won.
Phong trào tẩy chay bài bản cũng xuất hiện ở các thị trường giải trí khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Nhưng chắc chắn, không ở đâu và không nơi nào tầm ảnh hưởng của antifan, của các chiến dịch “loại trừ” lại lớn mạnh như ở Hàn Quốc.
|
Khán giả Hàn từng gửi đơn lên Nhà Xanh yêu cầu xử tử Suzy. |
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ với Zing một trong những lý do khiến Hương Giang bị tẩy chay dữ dội là cô “dám” tuyên chiến với khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng khán giả sẽ không giận dữ đến thế nếu nữ ca sĩ không hùng hồn tuyên bố tất cả antifan của cô đều là người xấu, là những “kẻ không thiện chí”, chăm chăm nói xấu cô để “dìm hàng”.
Nhìn sang showbiz Hoa ngữ – môi trường giải trí với lượng người hâm mộ “khủng” bậc nhất, hiếm có ca sĩ, diễn viên nào làm “ra môn ra khoai” với khán giả dù mỗi ngày họ đều bị soi xét, đánh giá.
Tiêu Chiến cũng như nhiều ngôi sao Hoa ngữ hiếm khi khởi kiện antifan dù bị công kích trên mạng mỗi ngày. |
“Người hâm mộ đã dành nhiều tâm huyết để quảng bá và giúp thần tượng nâng cao danh tiếng, địa vị, vậy nên họ tin rằng họ có quyền tham gia quyết định về hành vi và đời sống cá nhân của thần tượng”, Jenna Gibson chuyên gia Hàn Quốc học tại Đại học Chicago (Mỹ) chia sẻ quan điểm với CNN.
Chính vì thế, thần tượng nói riêng, nghệ sĩ Hàn Quốc nói chung đều có tâm lý tránh làm mất lòng khán giả đại chúng. Giới nghệ sĩ thường truyền miệng câu “làm dâu trăm họ” để mô tả về nghề nghiệp của bản thân. Thực tế, không ai có khả năng làm hài lòng 100% khán giả bởi dư luận luôn “chín người mười ý”. Nghệ sĩ cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp nhất có thể để có được tình yêu thương nhiều nhất từ khán giả.
Giới truyền thông Hàn Quốc luôn cho rằng, sự nghiêm khắc của khán giả giúp nghệ sĩ chỉn chu hơn, hoàn thiện bản thân hơn trên con đường làm nghề cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở xứ sở kim chi, sự hà khắc quá đà của khán giả cũng gây ra muôn vàn hệ lụy.
Ở Việt Nam, Hương Giang không phải trường hợp đầu tiên bị tẩy chay mạnh mẽ. Phạm Anh Khoa cũng bị tẩy chay sau bê bối quấy rối vũ công Phạm Lịch vào năm 2018. Scandal của nam ca sĩ là vụ lùm xùm lớn nhất showbiz trong năm, Phạm Anh Khoa phải rút lui khỏi ngành giải trí.
Minh Béo cũng bị khán giả tẩy chay, không đến xem sân khấu kịch và không chấp nhận diễn viên hài này xuất hiện trở lại.
Trong những vụ việc trên, hành động tẩy chay mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, tuyên truyền trên mạng xã hội hoặc ngừng mua vé show diễn. Vào thời điểm đó, làn sóng tẩy chay chưa có nhiều hành động mang tính quyết liệt, tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế như phong trào tẩy chay Hương Giang những ngày qua.
So với nhiều nền giải trí phát triển, nơi diễn ra sự đào thải khốc liệt, khán giả có quyền lực lớn, họ có thể đồng loạt quay lưng với những nghệ sĩ thiếu tài, vướng scandal. Ở Việt Nam, khán giả được cho là “hiền” và ít có những phong trào tẩy chay bài bản như ở các nền giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ở showbiz Việt, nhiều nghệ sĩ vướng scandal vẫn có thể quay lại hoạt động nghệ thuật như chưa từng có điều tiếng gì xảy ra. Đơn cử như vụ Kiều Minh Tuấn và lùm xùm giả hẹn hò để PR phim. Sau vụ việc, nam diễn viên vẫn tiếp tục nhận phim, xuất hiện trên màn ảnh rộng và khán giả gần như đã quên mất vụ việc rùm beng cùng An Nguy vào năm 2018.
Kiều Minh Tuấn vẫn tiếp tục đóng phim dù từng bị tẩy chay vì scandal PR phim “bẩn” năm 2018. |
Với trường hợp của Hương Giang, nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, đây là một cuộc khủng hoảng thực sự, các chuyên gia đánh giá những hội nhóm antifan của Hương Giang hoạt động rất mạnh mẽ, bài bản.
Không còn anti theo lối “trẻ trâu” chỉ để lại bình luận chê bai trên mạng và nhanh quên, khán giả bắt đầu thay đổi theo hướng quyết liệt và có mục tiêu cụ thể, rõ ràng hơn. “Hương Giang tưởng antifan chỉ là những em học sinh cấp 2, cấp 3 hay các chị em nội trợ thiếu kiến thức. Nào ngờ, trong hàng trăm nghìn “anti” cô, có rất nhiều cử nhân đại học, du học sinh, thạc sĩ, luật sư… và họ sẵn sàng bày tỏ sự “anti” với cô đến cùng, theo một cách văn minh nhất” – một chuyên gia truyền thông trao đổi với Zing.
Đạo diễn Bảo Nhân của phim Gái già lắm chiêu cho biết từ góc độ của nhà sản xuất, anh nhận thấy thị hiếu của khán giả Việt Nam đã thay đổi. Họ đòi hỏi ở nghệ sĩ nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị. “Thay vì những hào nhoáng, bề nổi bên ngoài, công chúng cần những bài học, giá trị về tài năng thực sự từ người nổi tiếng. Từ vụ việc Hương Giang bị tẩy chay, có thể nhìn thấy rõ, khán giả đã thay đổi như thế nào”.
Từ góc nhìn của đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân, khi ngày càng tiếp cận với sản phẩm nghệ thuật có giá trị đỉnh cao của thế giới, khán giả sẽ ngày càng hiểu hơn trách nhiệm, tài năng, thực lực của nghệ sĩ – từ đó đặt ra cho họ những yêu cầu về chuẩn mực nhất định khi là người nổi tiếng, được yêu mến. Để được đông đảo người hâm mộ yêu mến, nghệ sĩ có những đặc quyền riêng, và cũng có cả những trách nhiệm xã hội riêng.
Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng, khán giả Việt đã và đang thể hiện sự nghiêm khắc, khắt khe của họ với giới nghệ sĩ. Họ sẽ ngày càng có những yêu cầu cao hơn với hình tượng người nổi tiếng, khi đã là thần tượng, phải có cả tài năng và lối sống chuẩn mực.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long thì cho rằng, khán giả Việt sẽ không cực đoan đến mực khắc nghiệt như khán giả Hàn, bởi người Việt luôn có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, khán giả Việt sẽ luôn biết đủ điểm dừng, khi nghệ sĩ vướng scandal hay mắc sai lầm, nếu có tài năng, có sự chân thành, biết nhìn nhận đúng sai, họ sẽ luôn có đường trở lại.
Theo Zing.vn