Dù nghề chính là giảng viên tiếng Pháp nhưng TS. Lê Hồng Phước (Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) lại đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu và lý luận, phê bình lĩnh vực đờn ca tài tử và sân khấu Cải Lương. Khách mời Lê Hồng Phước trong Khoảnh Khắc Cuộc Đời là người từng đề xuất đờn ca tài tử và cải lương phải có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa TPHCM.
Năm 2009, Lê Hồng Phước đặt chân đến đất Pháp. Từ đây, anh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê đờn ca tài tử song song với việc học chuyên ngành. Thời điểm đó, anh làm việc tại Đài phát thanh quốc tế Pháp (Radio France internationale, RFI). Đầu tiên anh phụ trách về công tác điểm báo. Nhân cơ hội đó anh bắt đầu hình thành tạp chí cải lương, viết bình luận, phân bình lý luận về cải lương và được phát trên sóng quốc tế của đài phát thanh RFI Paris.
Năm 2010 nhân ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, anh nhiều lần hát ở trụ sở chính của UNESCO tại Paris, hát cho hội sinh viên Việt Nam ở Pháp. Trong một lần tình cờ, anh được nhờ đứng lên sân khấu hỗ trợ cho một người diễn vai tướng trong trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga. Kể từ đó anh kết hợp cũng người đó để đi diễn khắp nơi tại Pháp.
Về nước năm 2015, anh có dịp được gặp nhạc sư Vĩnh Bảo và đã trở thành một trong những học trò của nhạc sư: “Mình hát thì không hay nhưng nhạc sư lại rất thích mình ca. Nhiều lần đi dạy về ghé ngang qua bắt gặp hình ảnh người 40 tuổi và người 100 tuổi ngồi đàn ca 3 tiếng là chuyện bình thường. Có đôi khi trong nước, chúng ta thấy đờn ca tài tử hay cải lương hơi quê nhưng khi sống xa quê hương bỗng nhưng nghe thì không tả được đâu. Đó là cái để chung ta níu kéo về cái cội nguồn của dân tộc”, Lê Hồng Phước chia sẻ.
Khi biểu diễn đặc biệt là cải lương, anh quan niệm phải diễn và hoá thân cho ra được đúng nhân vật để tạo hình nhìn giống thật và đẹp nhất. Hai chữ thật và đẹp này phải luôn đi cùng nhau tạo nên một sân khấu thật chuyên nghiệp.
Khi được hỏi cần làm gì để vực dậy cải lương, Tiến sĩ Lê Hồng Phước chia sẻ cho rằng cần đưa cải lương tiếp cận với đối tượng khán giả trẻ và không cách nào hiệu quả bằng việc đưa vào trường học. “Không phải là bắt các em phải học hát cải lương mà là giới thiệu, truyền tải đến các em. Để các em biết cải lương là văn hoá của dân tộc cần phải biết giữ gìn. Các thanh niên trẻ có thể yêu hoặc không yêu cải lương nhưng các em bắt buộc phải biết cải lương là cái gì. Thứ nhất là góp phần gìn giữ. Thứ 2 để người nước ngoài vào mình còn kể cho người ta nghe được”, anh nói.
Khoảnh Khắc Cuộc Đời – Khách mời: Lê Hồng Phước