logo
Thứ ba, 14/05/2024 18:37:25

Trần Đức An: Thạc sĩ kinh tế và niềm đam mê sâm Ngọc Linh


(Dispatch.vn) - Góp sức đưa cây sâm Ngọc Linh có “chỗ đứng” trên thế giới, anh Trần Đức An đã có nhiều trăn trở, không chỉ muốn bảo tồn loại sâm quý hiếm của Việt Nam mà còn ước mơ được phát triển, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc gia và thế giới.

Tuần này, Nông Dân Xin Chào sẽ đưa khán giả ghé thăm Kon Tum với nông dân Trần Đức An. Sau đó khán giả sẽ đến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với nông dân Nguyễn Văn Sang và cuối cùng là nữ nông dân Phạm Thị Phượng (Vĩnh Long) trong tập 21.

Thu hút sự quan tâm và theo dõi của người xem bởi sự tính cách thật thà, mộc mạc và chân phương của người nông dân, Nông Dân Xin Chào không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những người nông dân mà thông qua đó chương trình còn mong muốn kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu những làng nghề truyền thống đến với khán giả truyền hình, ca ngợi tinh thần hăng say làm việc của con người Việt Nam.

Tại đây, người nông dân còn có cơ hội gặp gỡ cùng những nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, ảo thuật,… để cùng hát ca, giao lưu, thể hiện tài năng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Mỗi tập phát sóng của Nông dân xin chào có cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 phác họa chân dung và thành tựu của nhân vật. Phần 2 là giao lưu về con đường đi đến thành công, những sáng tạo, sáng chế đột phá giúp phát triển ngành, lĩnh vực mà người nông dân đó đang tham gia sản xuất. Cuối cùng là phần giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.

Đầu tiên, khán giả sẽ ghé thăm Kon Tum với sự tham gia của anh Trần Đức An (Giám đốc điều hành Công ty Cổ Phần Sâm Ngọc Linh Tumorong). Khởi nghiệp lần đầu tiên bị thất bại, mất trắng hai tỉ đồng, Trần Đức An đã vực dậy, ngược đường trở lại vạch xuất phát để đưa sản phẩm vươn tầm thế giới. Với sự quyết tâm và nỗ lực của mình, anh được trao tặng giải thưởng Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019.

Góp sức đưa cây sâm Ngọc Linh có “chỗ đứng” trên thế giới, anh Trần Đức An đã có nhiều trăn trở, không chỉ muốn bảo tồn loại sâm quý hiếm của Việt Nam mà còn ước mơ được phát triển, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc gia và thế giới. Người con ấy của núi rừng đã nhận thức được những công dụng cũng như giá trị kinh tế của loại thảo dược mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất quê mình. Anh đã hiện thực hóa ước mơ của mình bằng việc chú tâm xây dựng và phát triển một vườn sâm Ngọc Linh trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó lâu đời với các cây thuốc, dù đã là Thạc sĩ kinh tế và có nhiều cơ hội lập nghiệp, nhưng chính chữ “duyên” trong nghề đã kéo anh Trần Đức An về với đam mê bảo tồn các vị thuốc quý. Trong một dịp tình cờ, anh nghe mẹ nói mua nhiều sâm nhưng không bán được. Chứng kiến khó khăn của gia đình, anh đã đăng thông tin lên các trang rao vặt trực tuyến và nhanh chóng bán được hàng, thu lợi nhuận cao. Từ câu chuyện đó, chàng nông dân trẻ nhận thấy được tiềm năng và thị trường sâm Ngọc Linh là rất lớn. Năm 2011, anh quyết định nghỉ dạy ở trường, chuyển hẳn sang kinh doanh.

Để có thương hiệu sâm Ngọc Linh phát triển với quy mô lớn như hiện nay, người nông dân trẻ tài ba này đã trải qua nhiều khó khăn. Ở lần trồng thử nghiệm đầu tiên, anh thất bại khi toàn bộ những giống cây con anh thu mua được có giá trị gần 300 triệu đồng đã mất trắng. Không nản chí, trong lần trồng sâm thứ hai, anh An tìm được nơi trồng sâm phù hợp tại huyện Tu Mơ Rông. Lúc này, cây sâm phát triển rất tốt trong năm đầu tiên, tỷ lệ sâm chết rất ít. Tuy nhiên, một vấn đề không may đã xảy ra, trận lũ lụt lớn đã quét toàn bộ những cây sâm đang phát triển xanh tốt theo dòng nước. Sau hai lần trồng sâm tiêu tốn hàng tỷ đồng, anh vẫn mạo hiểu quyết định trồng lần 3 và may mắn đã mỉm cười. Anh Đức An hiện sở hữu vườn sâm Ngọc Linh rộng 5 hecta.

Anh chia sẻ: “Điều mà mình cảm thấy hối tiếc nhất khi quyết định gắn bỏ cuộc đời mình với cây sâm Ngọc Linh là ở xa gia đình vì lo phát triển thị trường nên thời gian chăm sóc bố mẹ không nhiều. Cứ chạy đi, chạy về trên vườn cũng rất là vất vả”.

Sau cuộc trò chuyện, với sự hỗ trợ của nữ ca sĩ Bích Tuyền và nhóm Tình Ca Việt, chàng nông dân đa tài Trần Đức An đã thể hiện tài năng ca hát của mình với ca khúc Tiếng chày trên sóc BomBo.

Tạm biệt mảnh đất Kon Tum, Nông Dân Xin Chào tiếp tục hành trình của mình để đến trò chuyện cùng nông dân Nguyễn Văn Sang tại Củ Chi. Anh đang là Giám đốc Công ty CP Trùn quế Củ Chi với diện tích nuôi trùn quế hơn 1000m2, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Nông lâm TP.HCM, sau một năm không tìm được việc làm, anh Sang trở về phụ gia đình chăn nuôi và tập tành khởi nghiệp với một đàn gà 200 con nuôi theo mô hình chuồng trại. Anh cho biết gia đình nuôi trùn quế nhưng không được bán. Cũng trong thời điểm đó, công việc chăn nuôi gặp trục trặc khi đàn gà được 6 tháng chuẩn bị đem bán thì lại rơi trúng ngay đợt dịch, bắt buộc anh Sang phải đem đi tiêu hủy toàn bộ.

Không tỏa ra nản chí sau thất bại, ngược lại anh tiếp tục tìm kiếm đường đi mới. Anh Sang lên mạng tìm hiểu cách sử dụng sao cho hiệu quả và lợi ích của trùn quế. Tự mình góp nhặt thông tin, tài liệu của nước ngoài, rồi viết bài chia sẻ trên diễn đàn nông nghiệp, các bài viết của anh nhận được sự quan tâm, bàn luận của nhiều người.

Trước đây các thương lái thu mua trùn quế khá nhiều để bán cho hộ nuôi tôm miền tây với giá là 30.000/kg. Lúc khan hiếm có thể lên tới 150.000. Các hộ chăn nuôi ồ ạt mở rộng diện tích chăn nuôi và chuồng trại dẫn đến cung lớn hơn cầu. Giá trùn quế tăng cao, nhiều người chuyển sang loại thức ăn khác làm cho giá trùn quế giảm xuống thấp chỉ còn 10.000/kg. Khi đó, anh quyết định thành lập công ty để bao tiêu đầu ra cho người dân. Trong thời gian này, anh tích lũy rất nhiều kinh nghiệm bán hàng, đặc biệt là về marketing online. Tận dụng kênh quảng bá trực tuyến, Sang chạy thử quảng cáo, viết bài giới thiệu sản phẩm.

Sau khi suy tính, anh Sang quyết định chỉ tập trung vào phân khúc cung cấp sản phẩm cho người trồng rau sạch. “Trong trùn quế có nguồn vi sinh vật tự nhiên rất có lợi với nhiều axit amin kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng, đặc biệt là cho rau sạch”, anh giải thích. Ngoài sản phẩm từ phân trùn quế, anh còn phát triển mảng trùn giống. Hiện mỗi tháng công ty cung cấp 100 tấn phân bón cho thị trường sỉ và lẻ.

Kết thúc câu chuyện khán giả sẽ được thưởng thức màn song ca đến từ nhạc sĩ Sơn Hạ – nông dân Nguyễn Văn Sang với ca khúc Anh Ba Khía.

Vĩnh Long sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của Nông Dân Xin Chào trong tuần này. Tại đây, khán giả sẽ gặp gỡ khách mời – nông dân Phạm Thị Phương, chủ sở hữu nhãn hiệu mứt vỏ bưởi Vân Phượng.

Trước khi khởi nghiệp với vỏ bưởi, cô Phượng gắn bó với công việc thợ may. Đến năm 2018, khi đi nuôi người bệnh ở TP Hồ Chí Minh, cứ đi đi về về giữa Mỹ Hòa và TP Hồ Chí Minh, mỗi lần về là cô mang theo đặc sản bưởi Năm Roi. Lúc đó ăn bưởi xong bỏ nhiều vỏ, thấy tiếc quá nên cô mới thử làm mứt vỏ bưởi bán cho những người quen. Thời gian đầu bán rất chạy nhưng càng về sau càng ế do người dùng ngày càng chú ý tới sức khỏe hơn, hạn chế ăn nhiều đường. Từ đó, cô nghĩ ra nhiều sản phẩm không chỉ để ăn chơi mà còn dùng để hỗ trợ một số bệnh như giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, huyết áp, hỗ trợ tiêu hóa,…

Hiện hộ kinh doanh của cô Phượng cung cấp 40kg vỏ bưởi sấy giòn trong một ngày, sản phẩm đi khắp nơi như: TP.HCM, Bình Dương, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… Bạn bè của cô Phượng ở nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đặt hàng để làm quà biếu, như một sản vật của địa phương. Cô Phượng cũng kết hợp bán thêm tinh dầu từ vỏ bưởi.

Với sự nhiệt huyết, niềm đam mê và kiên định với con đường đã chọn, cô Phượng đã góp sức mình quảng bá, nâng tầm sản vật của địa phương và khẳng định “không bao giờ là muộn để khởi nghiệp. Mỗi người cần một thời điểm thích hợp, chỉ cần tích góp đủ kinh nghiệm, đam mê và không bỏ cuộc khi khó khăn”.

Tuy chỉ mới xuất hiện trên thị trường gần 1 năm nay nhưng sản phẩm đã góp phần tăng giá trị trái bưởi, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Cô tâm sự: “Sắp tới cô muốn mứt vỏ bưởi Vân Phượng được vươn xa hơn nữa, giúp đỡ cho mọi người ở quê hương mình có được một cuộc sống tốt hơn”.

Kết thúc câu chuyện, nông dân Phạm Thị Phượng đã thông qua bài hát Con gái của mẹ để bày tỏ tình cảm với người con đang đi du học ở xa. Tiết mục có sự tham gia của ca sĩ Phi Nhung.

Trong 3 tập tiếp theo, khán giả sẽ có dịp ghé thăm nông dân Ngô Khánh Huy, Trần Anh Nguyên và Vũ Bá Quan. Nông dân xin chào do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Truyền thông Khang thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng lúc 7h15 thứ 5 – 6 – 7 hàng tuần trên THVL1. Tập 22 – 23 – 24 phát sóng từ ngày 10/6 đến 12/06.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan