Hay em thử quan hệ tình dục với đàn ông đồng tính xem sao, để biết mình thực sự là ai trước khi chuyển giới?
6 năm trước, Trần Phương Thảo và rất nhiều người khác từng khuyên Phong như vậy. Đơn giản vì nữ đạo diễn nghĩ rằng Phong đang là nam giới, nếu thích đàn ông sao không quan hệ đồng tính như nhiều người khác. Tại sao phải mạo hiểm chuyển giới, chấp nhận đau đớn, thậm chí có thể là cái chết.
“Nhưng Phong không đồng ý vì từ lâu Phong đã biết mình là con gái trong thân xác của một chàng trai. Tôi và nhiều người khuyên Phong như vậy vì không hiểu kỹ về giới. Sau này, tôi biết mình đã sai khi nói vậy. Phong không phải người đồng tính, Phong là người chuyển giới nữ”, đạo diễn Trần Phương Thảo thành thật.
Trước khi phẫu thuật chuyển giới, theo lời của chị Thảo, Phong đã là một cô gái tự tin, cởi mở. Phong không ngại vận đồ con gái, không ngại khiến các chàng trai “đổ gục”. Thậm chí, vài ba tuần lại thấy thất tình, dù có thể là tình đơn phương. Nhưng, Phong không bao giờ đi quá giới hạn.
Trần Phương Thảo – đạo diễn của phim tài liệu về người chuyển giới Đi tìm Phong. Ảnh: Đức Phạm. |
“Phong giữ gìn lắm. Dục vọng luôn có ở mọi giới, nhưng nói thật là, trước khi chuyển giới Phong chưa quan hệ tình dục với ai. Phong là kiểu con gái công, dung, ngôn, hạnh…”, Thảo nói.
– Hay em cứ như thế này, tiêm hormone thôi, đừng phẫu thuật chuyển giới?
Một lần nữa là đề nghị với Phong của Trần Phương Thảo. Lúc ấy, bộ phim về hành trình chuyển giới đã đi được gần hết chặng đường. Không ai nghĩ rằng, lời khuyên đó lại xuất phát từ chính đạo diễn. Thảo bảo lúc ấy chị đã coi Phong như em gái, như người thân trong gia đình.
Như bố mẹ Phong, như anh chị em ruột thịt của Phong, Thảo cũng sợ. Người ta bảo phẫu thuật chuyển giới là 50-50, sống hoặc chết, không phải ca nào cũng thành công. Nhiều người còn hối hận sau khi chuyển giới. Thảo không muốn Phong phải mạo hiểm, phải đánh đổi quá lớn. Cứ như hiện tại, chẳng hơn à!
– Chị không phải là người chuyển giới, chị không hiểu!
Phong trả lời chị Thảo bằng thái độ thẳng thắn. Khi ấy, đạo diễn Trần Phương Thảo đã hiểu khao khát được là chính mình, khao khát được làm con gái trong Phong lớn đến mức nào. Khao khát vượt qua mọi lắng lo, mọi hiểm nguy. Khao khát ấy chiến thắng tất cả nỗi sợ hãi của đau đớn hoặc cái chết.
Phong phẫu thuật chuyển giới vào năm 24 tuổi, cách đây 6 năm. |
Trước ngày Phong sang Thái Lan để tiến hành ca phẫu thuật, Thảo bất ngờ đề nghị phải cho người thân của Phong đi cùng. Dù từ trước đến nay chẳng mấy ai chuyển giới có người thân bên cạnh, nhưng Thảo mong muốn Phong có được điều đó.
“Tôi đã hoảng hốt. Tôi là ai mà có thể ở bên Phong suốt hành trình ấy, ngay cả khi Phong thực hiện ca phẫu thuật. Tôi đã chiếm quá nhiều vị trí, trong khi vị trí ấy phải thuộc về gia đình của Phong. Tôi thấy mình có lỗi, tôi hối hận vô cùng trước khi đi đến quyết định đề nghị anh chị của Phong sang Thái cùng em gái mình”, Thảo bộc bạch.
Ca phẫu thuật thành công. Khao khát của Phong đã thành hiện thực. Và phim đã kết thúc trong niềm hân hoan ấy, khi Phong là “con gái thật tuyệt”.
Trần Phương Thảo đã định kể thêm câu chuyện về Phong và người bạn trai, người đã ở bên Phong suốt 6 năm, từ khi Phong chưa phẫu thuật. Nhưng cuối cùng, Thảo quyết định dừng lại ở phút thứ 90, cho một hành trình trọn vẹn. Cuộc sống sau đó, như thế nào, là của Phong, và do Phong quyết định.
Nhưng những kỷ niệm suốt 2 năm làm phim là câu chuyện không thể nào quên được.
Trần Phương Thảo và Lê Ánh Phong không ngẫu nhiên gặp nhau. Hai người biết đến nhau qua một người bạn chung. Người bạn ấy là một nhà sản xuất phim, từng xem nhiều phim tài liệu của Thảo và rất thích. Anh ấy cũng lại quen biết Phong.
Phong lúc ấy chưa đầy 24 tuổi, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, dáng người thon thả, ăn nói nhỏ nhẹ. Phong đang có ý định phẫu thuật chuyển giới. Phong bảo muốn trở thành con gái trước 30 tuổi, khi trẻ và đẹp nhất.
“Tôi gặp Phong ở tâm trạng ấy, với sự tin cậy lẫn nhau, tôi đề xuất được theo Phong trong hành trình của em. Phong có một năm để suy nghĩ trước khi quyết định. Cuối cùng, Phong đồng ý”, Thảo nhớ lại.
Phong trong ấn tượng đầu tiên của Thảo là một cô gái mắt bồ câu, mũi dọc dừa, rất duyên dáng, nhẹ nhàng. |
Như nhiều phim tài liệu khác, nữ đạo diễn và Phong có một bản cam kết. Theo đó, Phong được quyền dừng quay phim bất cứ lúc nào, phim hoàn thành, Phong là người được xem. Và tất nhiên, Phong cũng có quyền cho phép phim có được chiếu rộng rãi hay không.
Điều thú vị hơn, không phải Thảo, Phong mới là quay phim đầu tiên của Đi tìm Phong. Đó là những thước phim nhật ký, được Phong tự ghi lại bằng máy quay nhỏ, do đạo diễn và nhà sản xuất cung cấp. Phong đứng trước ống kính, nói lên cảm xúc của mình. Mỗi ngày, những hình ảnh đó được gửi đến Thảo để chị hiểu Phong đang nghĩ gì.
Đoạn nhật ký có phần hơi nặng nề với người xem, nhưng thực sự là chân thực với bộ phim và nhân vật.
Người viết từng ngồi xem với Trần Phương Thảo trong một buổi tập huấn báo chí. Lúc ấy, phim còn chưa có kế hoạch ra rạp, và Thảo cũng không biết bao giờ tác phẩm của mình mới đến được với khán giả. Phim kết thúc, người viết thành thật với Thảo “Những phút đầu tiên của phim nặng nề quá vì quá chân thực, Phong khóc rất nhiều”. Chị Thảo đồng tình.
Với bản ra rạp, Thảo chia sẻ chị đã tiết chế hơn, giảm bớt một chút thời lượng của phần nhật ký cho bớt nặng nề. Nhưng quan sát tại rạp, Thảo nhận thấy nhiều khán giả nữ thích phần đó. Nhiều người khen Phong vì Phong đã luôn gọi đúng tên cảm xúc của mình. Đó là sự dũng cảm mà không phải ai cũng có được.
Một cảnh trong phim khi Phong hạnh phúc khoe với mẹ về việc cơ thể đang thay đổi. |
Ngoài phần nhật ký, Thảo có nhiều cân nhắc trong suốt quá trình dựng phim. 200 tiếng phim chỉ còn 90 phút là một cuộc đấu trí cam go, không đơn giản. Nhiều chi tiết Thảo tâm đắc, thấy thú vị nhưng đã không cho vào phim vì nghĩ đến tổng thể, nghĩ đến nhân vật, và hơn nữa là khán giả.
“90 phút là vừa vặn, với nhiều cảm xúc. Với Đi tìm Phong, khán giả cười nhiều lắm vì phim rất vui. Làm phim về hành trình coming out thường đau khổ, nhưng đây lại là phim về hành trình con người, và cuộc sống của Phong thì thực sự nhiều màu sắc”, Thảo tâm sự.
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, Trần Phương Thảo không muốn nói nhiều đến khó khăn. Chị luôn tự nhận mình là người may mắn. May mắn vì đã được làm điều mình thích, may mắn vì được nhân vật coi như người thân trong gia đình. May mắn vì có nhà sản xuất đằng sau. Và còn may mắn vì được làm phim cùng chồng.
Chồng Thảo là một người đàn ông Pháp – Swann Dubus. Hai người hiện sống ở Hà Nội, và theo đuổi nghiệp phim tài liệu. Thảo cho biết chị và ông xã đã làm cùng nhau ba phim, với những phối hợp tương tự như Đi tìm Phong.
“Việc ê-kíp chỉ có 2 người, lại là vợ chồng rất thích vì linh động được. Hai người cùng là đồng đạo diễn, còn ở hiện trường, một người quay phim, một người thu thanh. Chúng tôi cùng làm với nhau như vậy, cùng đi những liên hoan phim, và cùng chẳng mấy khi chụp ảnh”, Thảo cười.
Phong là một người chuyển giới may mắn khi luôn được gia đình yêu thương, ủng hộ. Mẹ Phong từng rất buồn, nhưng vẫn ủng hộ con gái. |
Giữa những may mắn ấy, Thảo tiết lộ khó khăn nhất trong hành trình làm phim là thời điểm kết nối với gia đình Phong. Phẫu thuật chuyển giới là quyết định đau đớn, thời gian đó, gia đình Phong nói nhiều đến cái chết. Việc có một đạo diễn đến một gia đình vào hoàn cảnh ấy, và đề nghị làm phim, theo Thảo là “vô duyên”.
“Nhưng Phong thực sự là một bà mối tốt, là cầu nối cho chúng tôi và gia đình. Ngạc nhiên là gia đình hết mực yêu thương Phong, từ bố mẹ, đến anh chị. Bố mẹ Phong cho Phong những lời khuyên rất chân thực, mà có lẽ phải xem phim mọi người mới hiểu được. Phong đã may mắn vì có một gia đình như vậy”, Thảo nhấn mạnh.
Gia đình Phong hết sức tin tưởng Trần Phương Thảo. Khi Phong ở Hà Nội, ngày nào mẹ hay chị gái không gọi được cho Phong, họ sẽ gọi cho Thảo.
“Người chuyển giới luôn luôn có mơ ước tự tử. Thế nên từ ngày Phong lên Hà Nội học và làm việc, không ngày nào là chị gái và mẹ Phong không gọi điện. Đôi khi chỉ hỏi một câu ‘Ăn cơm chưa?’. Một lần không gọi được cho Phong, cả gia đình lo lắng và gọi cho tôi. Nhưng tôi trấn an ngay vì tôi biết từ khi quyết định phẫu thuật và uống thuốc để cơ thể ngày càng giống nữ giới, Phong luôn rất vui. Đôi khi không gọi được chỉ vì Phong vui quá. Phong từ lâu không còn ý định tự vẫn”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Trong phim Đi tìm Phong có nhiều nhân vật phụ thú vị, đó là những người xung quanh cuộc sống của Phong. |
Trần Phương Thảo cho biết gia đình không chỉ chấp nhận Phong mà còn đồng hành với chính bộ phim. Ngày phim ra mắt tại Sài Gòn, cả anh chị của Phong đều đi xem. Đó cũng là buổi chiếu đầu tiên, Phong xem trọn vẹn từ đầu đến cuối hình ảnh của mình.
Khán giả cười nghiêng ngả. Những nụ cười khiến gia đình Phong được giải tỏa. Sau buổi công chiếu, Thảo có ngồi cà phê với anh chị Phong, họ xúc động, và không khỏi tự hào vì em gái. Khi đó, gia đình đã hiểu rằng, xã hội cũng chấp nhận Phong, yêu thương Phong, chẳng ai có thể chê cười.