Trả lời Zing qua điện thoại, bà Hồng Phượng, đại diện bên trung gian liên hệ Công Vinh quảng cáo cho app BK* Live cho biết nhiệm vụ của mình chỉ là kết nối nam cầu thủ với phía cung cấp ứng dụng.
Trước đó, ngày 1/6, trên trang cá nhân, Công Vinh đăng tải bài viết đính chính thông tin quảng cáo cho app cá cược. Theo đó, cựu cầu thủ khẳng định mình đang bị lợi dụng hình ảnh trái phép.
“Bên Vinh có ký hợp đồng cho phép sử dụng hình ảnh đối với ** Livestream. Bên agency cam kết đây chỉ là ứng dụng xem trực tiếp bóng đá giải trí, không hề liên quan đến trang cá cược nào… Và dù mình có cố gắng cách mấy, đôi lúc cũng không tránh khỏi thiếu sót khi có nhiều đơn vị cố tình đánh tráo thông tin nguồn gốc từ họ”, trích nội dung bài viết của Công Vinh.
|
Đơn vị liên hệ Công Vinh quảng cáo app cờ bạc cho rằng nam cầu thủ đủ khả năng kiểm tra trước khi nhận hợp đồng. |
Tuy vậy, phía bà Phượng cho rằng phát ngôn này không thể hiện đúng bản chất sự việc. “Tôi là agency tự do (bên trung gian – PV), khi nhận được yêu cầu hợp tác quảng cáo từ các thương hiệu, nhiệm vụ của tôi là kết nối hai phía. Tôi không kề dao vào cổ Công Vinh để bắt anh ấy nhận hợp đồng quảng cáo”, bà Phượng cho biết.
Theo bà Phượng, trước khi liên hệ Công Vinh, bản thân bà cũng đã tải thử ứng dụng và không nhận ra vấn đề gì. “Tôi tải app từ Google Play và biết đây là ứng dụng xem bóng đá trực tuyến. Một số video trên đó chiếu lại giải Ngoại hạng Anh nhưng chỉ những đoạn nổi bật. Tuy vậy, việc kiểm tra ứng dụng này không nằm trong chuyên môn của tôi và hình ảnh của tôi cũng chẳng xuất hiện để quảng bá cho nó”, bà Phượng cho biết.
Bà Phượng cho rằng mảng thị trường quảng cáo qua người nổi tiếng tại Việt Nam vẫn tồn tại khái niệm “booking freelance” (liên hệ quảng cáo người nổi tiếng tự do). Có những hợp đồng rất dễ dãi trong mảng này. Thậm chí không cần hợp đồng, người nổi tiếng nhận tiền, quảng cáo xong việc thì đường ai nấy đi.
“Công Vinh là người trong nghề rất lâu rồi, anh ấy cũng có thời gian sử dụng sản phẩm như tôi. Anh ấy đồng ý quảng cáo cho ứng dụng nhưng khi xảy ra vấn đề lại đổ trách nhiệm. Nếu anh ấy nói mình là nạn nhân thì tôi cũng được quyền nói như vậy”, bà Phượng nói.
Sau khi trả lời qua điện thoại, bà Phượng có email đến Zing cho rằng cuộc sống của mình bị đảo lộn vì vụ việc với Công Vinh, đặc biệt là về công việc.
“Không chỉ tôi mà cả Công Vinh đều là nạn nhân của BK****. Không ai dại dột đánh đổi công sức làm việc trong nhiều năm của mình để chấp nhận làm việc hay quảng bá những sản phẩm vi phạm pháp luật như vậy. Sự thiếu kiến thức trong lĩnh vực, thiếu cẩn trọng trong khâu xác minh đối tác đã dẫn đến sự việc đáng tiếc. Đây là một bài học để đời để của tôi để nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc cách làm việc”, bà Phượng viết trong email.
Trên Facebook cá nhân, các bước xác thực thương hiệu BK* được Công Vinh đăng tải chỉ đơn giản là hỏi phía đối tác. “Nếu Công Vinh hỏi trực tiếp đối tác thì đó không phải là xác minh hoặc chỉ là xác minh cho có”, Minh Phương, chuyên gia truyền thông và quảng cáo từ Seaevent nhận định.
Chuyên gia truyền thông Phan Bình, sáng lập Bold Creative Lab cho rằng Công Vinh ký hợp đồng quảng cáo cần thực hiện nhiều bước. Đầu tiên là tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ mà mình quảng cáo. Bước tiếp theo là thương thảo các điều khoản, chi tiết sử dụng, thời gian. Cuối cùng mới là thương lượng mức tiền quảng cáo.
“Là một người nổi tiếng và làm ra tiền nhờ sự nổi tiếng, Công Vinh phải có ý thức về từng việc làm, lời mình nói khi làm việc. Công Vinh phải có trách nhiệm với công chúng. Trong trường hợp này, công chúng chưa thấy được trách nhiệm của Công Vinh. Không thể la lên là tôi bị lừa là xong chuyện”, chuyên gia truyền thông Đặng Thị Kim Chi cho biết.
Ngoài là nơi liên kết cá cược, BK* Live còn được giới thiệu là ứng dụng xem trực tiếp bóng đá nhưng hoàn toàn không có giấy phép hoạt động truyền hình OTT tại Việt Nam. Các chương trình được chiếu trên ứng dụng này trước đây đều không có bản quyền phát sóng mà chỉ stream lại từ các nền tảng lậu.
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn – Đoàn Luật sư TP.HCM, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, để được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet (còn gọi là OTT TV), các doanh nghiệp phải được Bộ TT&TT cấp giấy phép.
Nội dung trước khi cung cấp trên dịch vụ phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, biên dịch theo quy định của pháp luật về báo chí.
“Ở ý này, Công Vinh không thể nói mình bị lừa được. Chỉ có hai trường hợp là Công Vinh không muốn xác thực hoặc cố tình để bị lừa. Nếu ai cũng dễ bị lừa như vậy thì trong tương lai sẽ có nhiều thứ phi pháp được quảng cáo”, bà Kim Chi khẳng định.
Theo Zing.vn