“Tôi đã tìm thấy một người mà mình có thể ở bên cả cuộc đời này. Mọi chuyện xảy đến tự nhiên nhưng phải chăng cũng chính là định mệnh”, diễn viên Son Ye Jin viết trên trang cá nhân hôm 10/2.
Một giờ sau, tài tử Hyun Bin cũng đăng tải thư tay gửi người hâm mộ. “Tôi đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là kết hôn. Tôi sẽ nói lời thề nguyện với cô ấy, người luôn khiến tôi mỉm cười. Chúng tôi sẽ cho các bạn thấy hình ảnh của Jeong Hyuk và Seri, từ trong phim ra ngoài đời”.
Cùng ngày, công ty đại diện của Son, MS Team, lên tiếng xác nhận đám cưới của cặp đôi sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.
Tin kết hôn của Son Ye Jin và Hyun Bin, hai diễn viên nổi tiếng xứ Hàn cùng đóng chính trong phim Hạ cánh nơi anh (2019), được đông đảo người hâm mộ đón nhận và chúc phúc.
Nhưng đồng thời với sự ngưỡng mộ dành cho bộ đôi, nhiều người thừa nhận rằng giống như tình yêu của Jeong Hyuk và Seri trong phim, câu chuyện của Son Ye Jin và Hyun Bin trên thực tế là một điều gì đó quá xa vời.
“Chuyện tình của cả hai không khác gì phim họ đóng. Tất cả đều quá đẹp, quá lãng mạn và tất nhiên không phải ai cũng may mắn như vậy”, một người bình luận ẩn danh trên theqoo, mạng xã hội phổ biến tại Hàn Quốc.
Son Ye Jin và Hyun Bin cùng sinh năm 1982, thuộc thế hệ đầu tiên có những phản kháng với hôn nhân ở xứ kim chi.
Trong khi cặp diễn viên sẽ nắm tay nhau tiến vào lễ đường, phần lớn những người xấp xỉ tuổi của họ chưa lập gia đình.
Theo báo cáo năm 2021 của cơ quan thống kê Hàn Quốc, hơn 50% người ở độ tuổi cuối 30, đầu 40 không kết hôn. 44% nhóm 40-44 tuổi vẫn sống cùng cha mẹ.
Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến lối sống độc thân của thế hệ này, trong đó, lý do không tìm được người phù hợp để xem nhau là “định mệnh” chỉ là một phần rất nhỏ.
Lee Ji Yeon, thuộc bộ phận thống kê dân số Hàn Quốc, từng nhận định với The Hankyoreh vào năm 2017: “Những đứa trẻ thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh, sinh từ năm 1979 đến năm 1982, đã ở độ tuổi cuối 30. Nhóm này có tỷ lệ kết hôn thấp dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.
Các yếu tố kinh tế và xã hội gây ra sự suy giảm trong hôn nhân, bao gồm nền kinh tế kém ổn định và thanh niên thất nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, sự thay đổi nhận thức về hôn nhân cũng tạo ra một ảnh hưởng phức tạp”.
Trong khi đó, Park Jin Kyung, giáo sư nghiên cứu về Hàn Quốc và quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, cho rằng nhận thức về hôn nhân và quyền làm mẹ có nhiều thay đổi trong giai đoạn cuối những năm 1980 và những năm 1990, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 ở Hàn Quốc.
“Vào thời điểm không chắc chắn đó, có những lo lắng sâu sắc về việc làm, nhà ở, gia đình tan vỡ và việc nghỉ hưu không được chuẩn bị trước. Thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ này thường xác định mục tiêu sự nghiệp là ngang bằng hoặc thậm chí quan trọng hơn cả hôn nhân”, bà Park giải thích.
Dữ liệu của cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy số lượng các cuộc hôn nhân hàng năm giảm mạnh từ 302.828 vào năm 2015 xuống còn 213.502 vào năm 2020.
So với năm 2020, số người kết hôn trong năm 2021 giảm 9,7%. Trong số 8 thành phố lớn và 9 tỉnh ở Hàn Quốc, Seoul có mức giảm mạnh nhất, 16,9%.
Tại quốc gia có tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ thuộc hàng thấp nhất thế giới, giới trẻ có rất nhiều lý do để chọn sống một mình.
Áp lực tài chính là nguyên nhân dễ nhận thấy nhất.
Sở hữu một ngôi nhà được xem là điều kiện tiên quyết để kết hôn ở xứ củ sâm. Nhưng trong 4 năm qua, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi.
Việc nuôi dạy con cái cũng trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí giáo dục tư nhân tăng cao đã khiến nhiều người phải tạm hoãn kế hoạch lập gia đình, sinh con đẻ cái.
Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng giới cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ Hàn xa lánh hôn nhân hơn nam giới.
Hàn Quốc có mức độ chênh lệch lương theo giới cao nhất trong số các nước OECD. 9 năm liên tiếp, quốc gia này đứng cuối cùng trong danh sách đánh giá chỉ số GCI của The Economist. GCI đo lường môi trường cho phụ nữ cơ hội đi làm kết hợp dữ liệu về giáo dục đại học, tham gia lực lượng lao động, trả lương, chi phí chăm sóc trẻ em, quyền thai sản…
Đại dịch đang khiến xu hướng độc thân lan rộng hơn nữa.
Trong cuộc khảo sát năm ngoái với 2.000 nam giới và phụ nữ từ 25-29 tuổi của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, 78,1% người độc thân chưa kết hôn cho biết họ “không có kinh nghiệm gặp gỡ hoặc tìm hiểu người mới” trong năm qua.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 10,9% nam giới và 20,7% phụ nữ cho biết họ “không muốn kết hôn”.
Theo Zing.vn