logo
Thứ năm, 09/11/2023 18:17:02

Shark Tank Việt Nam mùa 5 – tập 1: Shark Tank trở lại với luật mới Golden Ticket, vừa tham gia bể Cá Mập, Shark Hùng Anh đã thách đấu với Shark Hưng giành quyền đàm phán với startup


(Dispatch.vn) - Tiếp tục sứ mệnh kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư, Shark Tank Việt Nam chính thức quay trở lại mùa 5 vào 20h00 tối chủ nhật hàng tuần trên VTV3, bắt đầu phát sóng tập 1 từ 5/6/2022.

Sau khi phát sóng mùa 4, Shark Tank Việt Nam ghi nhận 5 startup vượt qua vòng thẩm định doanh nghiệp và nhận giải ngân đầu tư từ các Shark. Tiếp tục sứ mệnh kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư, Shark Tank Việt Nam chính thức quay trở lại mùa 5 vào 20h00 tối chủ nhật hàng tuần trên VTV3, bắt đầu phát sóng tập 1 từ 5/6/2022.

Bên cạnh nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư, Shark Tank Việt Nam mong muốn sẽ khơi thông dòng vốn từ các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư cá nhân nhằm đa dạng hóa các kênh rót vốn cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

Quay trở lại mùa 5, Shark Tank có nhận diện mới sang trọng với sự góp mặt của những thương hiệu nội thất hàng đầu châu Âu, thể hiện cho sự khát khao về một Việt Nam thịnh vượng. Shark Tank mùa này cũng áp dụng thêm hai luật chơi mới là Golden Ticket – Vé vàng giành quyền ưu tiên đàm phán và Duel Pitch – Song đấu, tăng thêm sự kịch tính đồng thời mang đến nhiều cơ hội hơn cho startup.

Tập 1 của Shark Tank Việt Nam chào đón 3 mô hình kinh doanh: một startup mở tour du lịch mạo hiểm, một startup cung cấp giải pháp chăm sóc khách hàng tự động bằng Voicebot AI, một startup kinh doanh vàng tích lũy trên nền tảng công nghệ 4.0.

Startup nào sẽ nhận được đầu tư? Startup nào phải ra về tay trắng?

Sau kết thúc phát sóng Shark Tank mùa 4, hoạt động của các doanh nghiệp bị chao đảo bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, sự đồng hành của các nhà đầu tư từ dòng vốn, kinh nghiệm quản trị quý giá đến đúng lúc đã giúp các startup vượt qua thử thách khắc nghiệt này.

Bước vào vòng thẩm định doanh nghiệp sau khi nhận được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình, Shark Tank Việt Nam mùa 4 ghi nhận 5 startup thẩm định thành công và được giải ngân bao gồm: Coolmate, Vua Cua, Anhome, BluSaigon và Cello Fundamento. Trong đó, Vua Cua là startup được giải ngân ngay thời điểm tâm dịch, và đã được rót vốn vòng thứ 2 từ Shark Đỗ Liên.

Là một trong những kênh gọi vốn cho các công ty khởi nghiệp, Shark Tank Việt Nam đã đem lại hiệu ứng tích cực cho các startup lên sóng truyền hình.

Phạm Chí Nhu – Nhà sáng lập và điều Coolmate cho biết, sau Shark Tank mùa 4, cùng với việc nhận được 500.000 USD từ Shark Bình đã giúp Coolmate có sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ trong năm 2021. Việc đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm và sản xuất đã giúp doanh số của Coolmate tăng lên tới 3 lần. Hiệu ứng truyền thông và marketing mà Shark Tank mang lại đã giúp website của Coolmate đã vượt hơn 1 triệu lượt truy cập hàng tháng. Số lượng đơn hàng xử lý cũng tăng trưởng 20% hàng kỳ, trong đó có những với ngày cao điểm xử lý tới 10.000 đơn hàng.

Thu Hằng – Nhà đồng sáng lập và điều hành Wiibike cũng tiết lộ, sau một năm kên sóng Shark Tank, doanh thu của Wiibile đã tăng trưởng hơn 6 lần, tốc độ tăng trưởng hơn 500%, nhân sự tăng 200, đạt điểm hòa vốn.

Anh Thư – Nhà sáng lập và điều Vua Cua cũng hào hứng chia sẻ, doanh số tăng trưởng gấp 3 lần, traffic website tăng 300%, được rất nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước để tìm hiểu cơ hội được đầu tư.

Về phía BluSaigon, nhà sáng lập Tôn Nữ Xuân Quyên cho biết, doanh số của BluSaigon tăng 13 lần, lượng truy cập website tăng 40 lần, nhận diện thương hiệu tăng mạnh và được 5 giải thưởng uy tín. Chị cũng bày tỏ, khi đến với Shark Tank, các nhà sáng lập không còn một mình. “Bạn có Shark, bạn có hàng triệu khách hàng ủng hộ và có chúng tôi – cộng đồng founder, cùng chí hướng, cùng đóng góp cho hai chữ Việt Nam” – Xuân Quyên tự hào chia sẻ.

CEO của Dh Foods – ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, đã có hơn 100 bài báo viết về công ty Dh Foods. Năm 2021, mặc dù đại dịch, công ty Dh Foods tăng trưởng trên 51%, hàng tháng có 1,2 triệu sản phẩm được bán ra. “Thành công rất mỹ mãn nhờ tham gia chương trình Shark Tank” – Ông Dũng nói. Vì vậy, ông gửi lời khuyên đến các startup, nếu có cơ hội tham gia chương trình Shark Tank, hãy bắt lấy ngay cơ hội, đó có thể là cơ hội có 1 không 2.

Người sáng lập và tổ chức chuỗi hòa nhạc quốc tế “Cello Fundamento” – Đinh Hoài Xuân cũng hé lộ, Shark Hưng đã giúp chị và ekip kết nối với nhiều nhà tài trợ uy tín để giúp cho Cello Fundamento 6 được hoành tráng hơn. Chị tự tin đây sẽ là một hoạt động vô cùng ý nghĩa của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.

Bùi Thành Ninh – Nhà sáng lập và điều hành Anhome cũng tiết lộ, số lượt truy cập vào website của AnHome đã tăng đột biến gấp 30 lần và doanh nghiệp đã nhận hàng loạt các cuộc điện thoại từ phía nhà đầu tư và các đối tác. Sau hơn 1 năm Anhome đã có hơn 60 đại lý và 20 nhà phân phối.

Tôi tin rằng cứ đi rồi sẽ tới, các bạn hãy luôn nỗ lực và kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng – Bùi Thành Ninh nhắn gửi đến các startup tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 5. 

Trải qua 4 mùa phát sóng, Shark Tank Việt Nam đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những hình ảnh, không gian quen thuộc. Luôn mong muốn Shark Tank Việt Nam đem đến nguồn cảm hứng cho Nhà đầu tư và nhấn mạnh với các startup hãy phá vỡ giới hạn, Đạo diễn Nguyễn Nam – Đạo diễn của chương trình Shark Tank Việt Nam cùng ekip đã tìm kiếm sự thay đổi cho Shark Tank Việt Nam mùa 5. Đạo diễn Nguyễn Nam cho biết, ông sẽ đem tới cho các khán giả, các Shark và các startup “một Shark Tank độc bản”.

Để làm được điều này, Đạo diễn Nguyễn Nam đã tìm tới thương hiệu nội thất EuroStyle. Đội ngũ EuroStyle đã dành 6 tháng để chuẩn bị mọi ý tưởng, kế hoạch và nguồn lực, để đem đến cho khán giả một Shark Tank với diện mạo mới, một Shark Tank độc bản.

KTS Gia Huy – Giám đốc sáng tạo EuroStyle Studio cho biết khó khăn khi thiết kế chương trình Shark Tank là đã có quá nhiều ý tưởng xuất sắc cho sân khấu Shark Tank các mùa trước và trên thế giới. Bên cạnh đó, đây là còn sân khấu được thiết kế trong phim trường. “Đối với chúng tôi, thử thách là cơ hội. Chúng tôi muốn chinh phục sự hoàn mỹ bằng chính trí tuệ và khả năng của những nhà thiết kế người Việt. Và thông qua chương trình này, chúng tôi sẽ dành cho các bạn một sự bất ngờ, một cái nhìn mới lạ về Việt Nam, đó là một Việt Nam phát triển và thịnh vượng”, KST Gia Huy cho biết.

Đến với Shark Tank mùa này, EuroStyle đã mang đến Legend Armchair – Chiếc ghế được chế tác độc bản dành cho các Cá mập quyền lực. Legend Armchair mong muốn lan tỏa thông điệp về 1 Việt Nam đầy khát vọng về tương lai thịnh vượng hội nhập quốc tế. Cùng với đó là két Vàng Boca Do Lobo Jewelry Safe | Millionaire Gold chứa Golden Ticket (Vé Vàng) và thảm Dibbets Matt Rug. Thảm được thiết kế bo tròn, làm nổi bật vị trí đứng của start-up, đưa startup trở thành trung tâm của cuộc thương thuyết với ý nghĩa “Thành công của startup chính là thành công của Nhà đầu tư”.

Golden Ticket – Vé vàng giành quyền ưu tiên đàm phán và Duel Pitch – Song đấu là 2 luật chơi mới được áp dụng tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 để tăng thêm kịch tích, đồng thời đem đến nhiều cơ hội hơn cho startup.

Với luật Golden Ticket, Shark sẽ sử dụng Golden Ticket khi muốn chiêu mộ startup và loại các Shark khác để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Golden Ticket có giá trị khởi điểm là 100 triệu đồng. Shark có quyền tăng giá trị mỗi lần trả giá với mức tối thiểu là 10 triệu đồng và không giới hạn khoản tăng tối đa. Khoản tiền Shark trả cho Golden Ticket sẽ thuộc về startup, kể cả trong trường hợp thương thuyết hoặc thẩm định sau cam kết trên sóng không thành công.

Điểm mới thứ 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 5 là luật Duel Pitch – Song đấu. Luật Song đấu dành cho 2 sản phẩm có cùng lĩnh vực tham gia gọi vốn. Sau màn thuyết trình, chỉ có 1 startup được tiếp tục đi vào vòng gọi vốn và 1 startup phải ra về với đặc quyền trở lại Shark Tank vào mùa tiếp theo.

Startup mở màn cho Shark Tank Việt Nam mùa 5 là Jungle Boss – công ty hoạt động ở mảng du lịch mạo hiểm, khám phá hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình. Đại diện Jungle Boss đến Shark Tank gọi vốn là Lê Lưu Dũng – Nhà sáng lập và điều hành của công ty. Theo đó, Lưu Dũng đến chương trình để kêu gọi 12 tỷ cho 10% cổ phần công ty và bày tỏ mong muốn đồng hành cùng các Shark để mang con người đến gần hơn với thiên nhiên và vượt qua giới hạn của bản thân mình.

Theo giới thiệu của nhà sáng lập, hiện Jungle Boss đang khai thác 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm với nhiều cấp độ, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, sản phẩm du lịch khám phá hố sụt Kong Collapse với trải nghiệm đu dây 100m thẳng đứng ở trong lòng hang động là tour du lịch chiếm số lượng khách và nguồn doanh thu lớn nhất của Jungle Boss tại thời điểm hiện tại. Sản phẩm này đã được Ủy ban tỉnh thẩm định và cấp phép để làm độc quyền sau khi nhận được đề án khai thác từ Jungle Boss.

Lưu Dũng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Jungle Boss đã đón khoảng hơn 40.000 lượt khách. Kênh bán hàng chủ yếu của Jungle Boss là online, chiếm đến 90%. Trước đại dịch, số lượng khách nước ngoài chiếm 90%, khách Việt Nam chiếm 10%, tuy nhiên sau đại dịch thì con số quay ngược lại, khách Việt Nam chiếm đến 90%.

Khi được các Shark hỏi về doanh thu và lợi nhuận trước đại dịch, nhà sáng lập Jungle Boss chia sẻ, doanh thu năm 2018 là 17 tỷ, lợi nhuận 4 tỷ; năm 2019 là năm đạt đỉnh điểm doanh thu với con số 23 tỷ, lợi nhuận 5 tỷ.

Trả lời thắc mắc của Shark Bình về khả năng mở rộng quy mô để tăng doanh thu, Lưu Dũng cho biết, những năm trước chưa có tour đu dây, sản phẩm thời điểm đó đơn giản, giá thành rẻ dẫn đến doanh thu không cao. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm tour đu dây đang thu hút rất nhiều khách, giá tour cũng cao nên khả năng tăng doanh số là hoàn toàn khả thi. Anh cũng tiết lộ, 4 tháng đầu năm, Jungle Boss đã bán được tour đu dây này cho gần 500 khách. Anh cũng cho biết, với 8 sản phẩm của Jungle Boss, công ty chỉ mới đạt khoảng chưa tới 30% công suất.

Nhà sáng lập chia sẻ thêm, hiện công ty sẽ phát triển thêm 2 sản phẩm nữa để tăng doanh thu đó là dù lượn và glamping – cắm trại cao cấp. Anh kêu gọi 12 tỷ từ các Shark chính là để đầu tư phát triển các sản phẩm mới.

Là một nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề môi trường, Shark Liên đặt ra câu hỏi cách mà Jungle Boss đã làm để vẫn tăng doanh số nhưng vẫn bảo vệ được hệ sinh thái của khu du lịch. Lưu Dũng liền tiết lộ, mình xuất thân là từ một nhà bảo tồn thiên nhiên, từng làm bảo tồn thiên nhiên cho một dự án của Đức và sau đó mới chuyển qua làm du lịch. Anh đã có những đề án nghiên cứu để vừa phát triển kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường, thiên nhiên và hang động.

Jungle Boss đã có các phương án bảo tồn, bảo vệ môi trường để được Ủy ban tỉnh phê duyệt. Số lượng khách phải hạn chế để phù hợp với sức chứa của hang động và đảm bảo an toàn cho khách. Tất cả thức ăn, trang thiết bị đều được nhân viên phục vụ mang vác vào hang và đưa ra, kể cả rác thải. Lưu Dũng cho biết nhà vệ sinh được làm dưới dạng compost – ủ vi sinh, dùng bằng trấu để ủ, để hút ẩm và du khách không được đi vệ sinh bừa bãi.

Shark Phú thắc mắc: “Doanh số 23 tỷ, lãi 5 tỷ thì thừa sức để tái đầu tư rồi. Mức lợi nhuận của em rất tốt thì lý do gì em cần phải gọi vốn”. Chính vì vậy, Shark Phú muốn nghe thêm về sứ mệnh và tầm nhìn của Jungle Boss cũng như khả năng tăng trưởng của công ty trong dài hạn có tương ứng với vốn cần thiết.

Trả lời Shark Phú, Lưu Dũng chia sẻ, anh dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác. Anh cũng bày tỏ kỳ vọng, năm nay doanh thu dự kiến sẽ là 20 tỷ nhưng sang năm sẽ rơi vào khoảng 60 tỷ và các năm tiếp theo thì sẽ đạt mốc 100 tỷ.

Shark Phú và Shark Hưng tiếp tục hỏi thêm về số lãi 5 tỷ mà Jungle Boss đã đạt được trong năm 2019 cũng như giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp. Đứng trước câu hỏi về các con số của các Shark, nhà sáng lập Jungle Boss có phần lúng túng nhưng sau cùng, anh cũng cho biết, tổng tài sản của mình rơi vào khoảng 32 tỷ, trong đó vốn chủ là 25 tỷ và nợ ngân hàng 7 tỷ. Lưu Dũng cũng cho biết, nếu gọi vốn thành công, mình sẽ đầu tư mở rộng chứ không đi trả nợ ngân hàng ngay.

Cho rằng với tỷ suất lợi nhuận hiện tại, startup không cần gọi thêm vốn, đồng thời lĩnh vực hoạt động của Jungle Boss không tương đồng với hệ sinh thái Sunhouse nên Shark Phú từ chối đầu tư.

Shark Liên cũng quyết định không đầu tư nhưng Shark cam kết sẽ trở thành đơn vị cung cấp bảo hiểm cho Jungle Boss với mức phí hấp dẫn “và chị sẽ trích ra một phần để cùng các em trồng rừng, chị cũng sẽ giới thiệu khách hàng cho em” – Shark Liên nói.

Sau khi hai Shark “rời bể”, 3 Shark còn lại là Shark Hùng Anh, Shark Hưng và Shark Bình đều quyết định đầu tư cho Jungle Boss. Nếu như Shark Hưng ra deal 12 tỷ cho 28,5%, Shark Bình là 12 tỷ cho 25% thì Shark Hùng Anh quyết định tăng số vốn rót cho Jungle Boss với offer (đề nghị) 20 tỷ cho 30%. Các Shark liên tục chiêu dụ startup bằng những thế mạnh vốn có của mình cũng như cách sẽ giúp Jungle Boss phát triển trong tương lai.

Bất ngờ Shark Hưng tiến đến két vàng rút ra chiếc vé vàng – Golden Ticket để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Shark Hùng Anh cũng lấy chiếc vé vàng thứ 2, loại Shark Bình khỏi “cuộc đua”.

Ngay sau khi Shark Hưng đưa ra con số 100 triệu cho chiếc vé vàng của mình, Shark Hùng Anh liền nâng lên 150 triệu. Hai Shark tiếp tục “giằng co”, con số trên vé vàng liên tục tăng lên, từ 160 triệu, 200 triệu, 250 triệu, 270 triệu, 300 triệu, 310 triệu. Sau cùng, Shark Hưng chốt con số 400 triệu trên vé vàng, chính thức loại Shark Hùng Anh khỏi vòng thương thuyết với startup.

Trở lại với cuộc thương thuyết với startup, trong khi Shark Hưng kiên định với con số 12 tỷ cho 25% thì Lưu Dũng thuyết phục Shark đồng ý với con số 20%. Sau quá trình thương thảo, Lưu Dũng chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Hưng với 12 tỷ cho 25% cổ phần, đưa Jungle Boss trở thành thương vụ thành công đầu tiên của Shark Tank mùa 5.

Chia sẻ sau khi được cam kết đầu tư, Lưu Dũng cho biết đây là deal cực kỳ đặc biệt với mình. “Golden Ticket nó thể hiện cho sự quan tâm đặc biệt của các Shark đối với Jungle Boss. Và mình cảm thấy rất hào hứng và đã sẵn sàng để cùng sự đồng hành của Shark phát triển Jungle Boss” – Lưu Dũng nói.

Startup tiếp theo đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 gọi vốn là Lê Ngọc Trí – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup EM & AI, Võ Hữu Trường Ân – phụ trách sản phẩm và trải nghiệm khách hàng.

Hai đại diện của EM & AI đến Shark Tank gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần để cung cấp ra toàn cầu giải pháp Voicebot AI – tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo.

Theo khảo sát của EM & AI, quy mô thị trường Việt Nam với giải pháp Voice AI là hơn 240 triệu USD. Ngọc Trí cho biết hiện tại startup này đang đẩy nhanh quá trình R&D và triển khai phiên bản tiếng Anh để cung cấp dịch vụ cho toàn cầu với quy mô thị trường ước tính hơn 23,5 tỷ USD.

Mới được startup này cho ra mắt từ tháng 3/2022, hiện tại giải pháp này đã có hơn 30 khách hàng với 10.000 cuộc hội thoại diễn ra mỗi ngày bởi AI. Theo giới thiệu của Trường Ân, một khách hàng bất động sản của EM & AI khi ứng dụng giải pháp này đã giải quyết được khối lượng công việc 1 tháng chỉ trong 2 ngày, từ 7 nhân sự giảm xuống còn 1 nhân sự vận hành, chi phí chỉ chiếm 20% so với trước đây.

EM & AI đã đóng gói thành công theo dạng AI as-a-service (dịch vụ có sẵn). Hiện tại startup này đang áp dụng 2 hình thức thu phí: thu phí định kỳ 6 hoặc 12 tháng và thu phí theo cam kết. Ngoài Voicebot AI, startup này còn cung cấp các giải pháp khác như AI chatbot; Virtual QC đánh giá tổng đài viên qua môi trường điện thoại; giám sát, hỗ trợ nhân viên theo thời gian thực; gắn nhãn và huấn luyện AI.

Shark Bình đánh giá con bot (robot) nói chuyện chưa được tự nhiên. Ông nghi ngại nếu người dùng phát hiện ra đây là bot sẽ ngay lập tức dập máy, gây ra tỷ lệ churn rate (rời bỏ), làm ảnh hưởng xấu đến nhãn hàng. Ông cho rằng sản phẩm của startup đang như “một trời một vực” so với Google.

Tranh luận với Shark Bình dưới góc độ kỹ thuật, Ngọc Trí cho rằng khi Shark nghe băng thông rộng như dùng ứng dụng thì tần số âm thanh khoảng 48kHz, nghe rất rõ. Trong khi đó, Voicebot AI do EM & AI triển khai là ứng dụng qua môi trường viễn thông, thuộc về băng thông hẹp nên âm thanh bị nén xuống với tần số chỉ còn 8kHz. Nếu chọn một API của Google gắn vào giải pháp và so sánh trực diện 2 giọng, EM &AI tự tin trội hơn một chút.

Để tăng trải nghiệm cho người dùng khi nhận cuộc gọi từ Voicebot, EM & AI đã cho khách hàng toàn quyền thu âm giọng thực của mình dựa trên từng đoạn văn bản phản hồi với khách hàng đầu cuối. Thậm chí khi khách hàng muốn tư vấn chuyên sâu hơn thì giọng bot thu âm chuyển ngay cho người thu để tạo 2 giọng liền mạch với nhau.

Ngọc Trí cho biết thêm 4 công nghệ hiện có của EM & AI được phát triển dựa trên nguồn open source (mã nguồn mở) và hiện tại startup đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ.

Khuyến khích người Việt Nam tự làm chủ công nghệ AI, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT NextTech vẫn lo ngại rằng cuộc chơi AI này không đơn giản cho startup. “Em có thể phát triển đến 98% nhưng từ 98 lên 99% thì có thể phải đầu tư 100 triệu USD”, Shark Bình cho biết.

Shark Liên cho biết bà muốn công ty bảo hiểm tư nhân có khoảng hơn 30 triệu khách hàng của mình được ứng dụng toàn bộ bằng công nghệ. Do đó bà muốn biết con bot AI này giúp gì cho khách hàng được trải nghiệm nhiều hơn.

Trường Ân cho biết hệ thống của startup sẽ gửi thông báo cho cấp trên khi khách có dấu hiệu không hài lòng trong cuộc hội thoại với Voicebot AI. Khi đó, cấp trên có thể trực tiếp nghe được cuộc điện thoại và chỉ đạo nhân viên giải quyết. Chỉ sau 1-2 giây, nhân viên sẽ nhận được chỉ đạo và giải quyết cho khách hàng.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, Ngọc Trí cho biết EM & AI bắt đầu từ năm 2017 và đây là lần khởi nghiệp thứ 7 của anh. Sau 5 năm, doanh nghiệp này đã “đốt” 1,8 triệu USD tiền mặt, trong đó 40% là tiền từ đội ngũ sáng lập, 60% đến từ các angel investor (nhà đầu tư thiên thần). Ngoài ra, hơn 8 tỷ đến từ hơn 15 giải thưởng trong và ngoài nước cũng được startup đầu tư cho doanh nghiệp. Đội ngũ founder (sáng lập) đã làm việc không lương trong 5 năm, tương ứng với số tiền khoảng 700.000 USD.

Ngọc Trí cũng tiết lộ thời gian và chi phí xây dựng giải pháp theo nghiệp vụ cụ thể sẽ tùy thuộc vào cấu trúc, mức độ phức tạp, số lượng kịch bản, tình huống. Nếu nghiệp vụ đơn giản, khoảng 100 intent (trạng thái) sẽ mất khoảng 1 tháng với chi phí khoảng 200 triệu đồng.

Chia sẻ về doanh thu, Nhà sáng lập cho biết năm 2021 EM & AI thu về 500.000 USD từ hợp đồng với một khách hàng enterprise (doanh nghiệp). Hiện tại nguồn thu chính của startup đến từ voucher (phiếu mua hàng) của giải pháp AI Self-Service. Tính đến thời điểm tham gia Shark Tank, doanh thu EM & AI đã đạt 330 triệu đồng. Dự kiến cuối năm 2022, doanh thu của startup sẽ đạt 500.000 USD với mục tiêu 1.000 khách hàng. Cost (vốn) vận hành hiện tại là 4 USD/phút, chi phí hàng tháng khoảng 45.000 USD.

Nói về thời gian thu hồi vốn đầu tư, Ngọc Trí cho biết các Shark có 2 hình thức thu hồi vốn. Thứ nhất là đợi startup gọi vốn vòng tiếp theo thì Shark sẽ bán cổ phần. Thứ 2 là startup sẽ IPO vào cuối năm 2024. Để IPO thì điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có lãi. Dự tính đến tháng 3/2023 EM & AI đã đạt break-even (hòa vốn).

Tuy nhiên Shark Hùng Anh đánh giá bức tranh tài chính của startup gần như thua lỗ. Nếu tiếp tục đầu tư thêm 1 triệu USD thì sẽ tiếp tục lỗ, startup “đốt” trong 2 năm là sẽ hết. “Cái quan trọng của startup là không hình dung được khi nào mình sẽ có lãi, mình quản lý chi phí ra sao chứ không phải chuyện công nghệ. Công nghệ này anh không làm được thì người khác cũng làm được”, Shark Hùng Anh nêu quan điểm.

Tranh luận với Shark, Ngọc Trí cho biết tất cả các công ty đều đang bơm tiền để có user pay (người dùng trả tiền). Riêng startup của anh đã tự build (xây dựng) 4 core enzyme (giá trị lõi), chi phí vận hành cực kỳ thấp, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 70%. Ngoài ra, giải pháp của EM & AI chạy được trên tất cả các đám mây trong và ngoài nước như Amazon Web Services, Google…

Shark Phú cho rằng đã nghe startup nói nhiều về sản phẩm tuy nhiên bức tranh tài chính chưa sáng sủa để có thể thu hồi vốn. Do đó ông quyết định không đầu tư.

Đồng quan điểm với Shark Phú, Shark Hùng Anh cho rằng dự án này tiềm năng nhưng vì không tin tưởng về mặt quản trị tài chính của startup nên anh quyết định không đầu tư.

Shark Bình chia sẻ rằng ông không nghi ngờ gì về việc starup sẽ đạt điểm break even và có lãi trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên ông cho rằng điều quan trọng nhất trong xây dựng các phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh không nằm ở kỹ thuật mà nằm ở dữ liệu. Và doanh nghiệp hiện đang nắm được nhiều nhất dữ liệu về âm thanh và giọng nói của người Việt Nam là Facebook, Google, Microsoft… khi mỗi ngày có hàng tỷ phút gọi của người Việt qua các ứng dụng của những doanh nghiệp này. Với nguồn dữ liệu lớn như vậy thì các doanh nghiệp có thể phát triển ra các con bot hoàn toàn tự nhiên như con người và họ ở gần vạch đích nhất. Chính vì thế ông quan ngại startup sẽ khó cạnh tranh được về mặt sản phẩm.

Đánh giá định giá của startup cao so với các nguy cơ trong tương lai mà người Việt Nam có thể gặp phải trong lĩnh vực dữ liệu nên ông quyết định không đầu tư.

Thuyết phục Shark Hưng và Shark Liên chốt deal (thương vụ), Ngọc Trí vẫn giữ nguyên mức đề xuất 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên, anh cam kết rằng nếu cuối tháng 3/2023 startup không đạt được điểm hòa vốn như đã nói thì anh sẽ trả lại cho Shark 2% cổ phần của riêng anh.

Ngọc Trí tiết lộ thêm rằng dự kiến cuối tháng, EM & AI sẽ chốt một deal khoảng 5 triệu USD cho 25% cổ phần từ một công ty chuyên về công nghệ đã sử dụng giải pháp của công ty. Anh cho rằng các Shark khi đầu tư vào startup sợ nhất là mất vốn, thứ 2 là sản phẩm dễ copy-paste (sao chép) thì doanh nghiệp của anh đã khắc phục được 2 điểm này. Ngọc Trí cũng cho biết hiện tại Cen Land cũng đang là đối tác của mình.

Shark Hưng cho rằng nên duy trì mối quan hệ đối tác giữa hai bên và Shark sẽ kiểm tra lại hiệu quả triển khai trong doanh nghiệp, nghiên cứu để giúp startup có thêm thị trường mới, khách hàng mới. Tuy nhiên trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam, ông không đầu tư cho startup.

Shark Liên chia sẻ bà thực sự cần một đội ngũ công nghệ đứng bên cạnh mình. Muốn đi đường dài cùng startup, bà đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 35% cổ phần của startup. Khi tái tục được khách hàng, trừ tất cả các chi phí, còn lại tiếp tục cùng sở hữu.

Ngọc Trí cho biết anh không giảm giá, vẫn giữ nguyên đề nghị 1 triệu USD cho 5% cổ phần. Tuy nhiên anh đề xuất Shark ký quỹ trước 100.000 USD. Sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt anh sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cho Shark. Cuối cùng Shark Liên đồng ý đề xuất này của startup EM & AI.

Startup cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 1 là Hana Ngô – Nhà sáng lập và điều hành HanaGold.

Hana Ngô cho biết khi còn là cô bé 5-6 tuổi, cô đã nhìn thấy hình ảnh người bà, người mẹ hàng tháng dành từng chút tiền để cuối tháng mua những chỉ vàng tích lũy. Điều đó khiến cô nung nấu ý định làm thế nào để người dân Việt Nam có thể tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn. Chính vì vậy, HanaGold ra đời.

Theo giới thiệu của nữ sáng lập, HanaGold là chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh. Tại đó, khách hàng có thể mua vàng tích lũy online (trực tuyến) chỉ từ 100.000 VND và nhận vàng offline (trực tiếp) tại cửa hàng HanaGold hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Bên cạnh đó, HanaGold còn xây dựng mô hình tiệm kim hoàn 4.0 với số vốn đầu tư là 500 triệu đồng. HanaGold hiện đã có 100 mẫu sản phẩm vàng trang sức đã được đăng ký bản quyền. Dự kiến sắp tới sẽ tăng lên 1.000 mẫu.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Hana Ngô kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần.

Giải thích chi tiết hơn về mô hình của mình, Hana Ngô cho biết đây là hình thức đặt cọc mua vàng. HanaGold xây dựng website và ứng dụng điện thoại để khách hàng nạp tiền, mua vàng tích lũy chỉ từ 100.000 đồng. Khi nào đủ 1 chỉ thì sẽ ra tiệm vàng của HanaGold để nhận vàng vật chất về.

Trước thắc mắc của Shark Hưng và Shark Hùng Anh về việc làm thế nào khi giá vàng biến động, Hana Ngô cho biết giá vàng sẽ tính tại thời điểm khách mua. Còn việc cân đối dòng tiền khi giá vàng chênh lệch giữa thời điểm khách mua và thời điểm giao vàng là trách nhiệm của Hana Gold.

Điều này khiến Shark Hưng quan ngại rủi ro. “Anh mua vàng của em giá thời điểm này đang gần 70 triệu. 7 tháng sau anh mới nhận thì lúc ấy lên 100 triệu thì em không có tiền mua vàng vật chất trả cho anh”, Shark Hưng bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của Shark Phú về tình hình kinh doanh, nữ sáng lập cho biết HanaGold thành lập từ năm 2020 và hiện đã có 3 cửa hàng. Startup hiện có hơn 15.000 khách hàng dùng ứng dụng điện thoại. Trong đó có khoảng 30% đã mua hàng.

Trước thắc mắc của các Shark về việc đảm bảo trách nhiệm với người mua nếu chẳng may phá sản, Hana Ngô cho biết HanaGold hiện có cơ chế trích lập quỹ dự phòng như các ngân hàng. Cô cho rằng vấn đề này “nằm ở niềm tin”.

Tuy nhiên lời giải thích này không nhận được sự đồng tình từ các Shark. “Trong nguyên tắc về đầu tư đặc biệt là đầu tư tài chính thì cơ chế mới là quan trọng. Tất nhiên phải có niềm tin nhưng tin là tin về cơ chế, tức là không lừa đảo, không gian dối chứ không phải tin vào một cá nhân nào cụ thể”, Shark Hưng phân tích.

Khi các Shark cho rằng mô hình kinh doanh quá rủi ro, Hana Ngô nêu quan diểm rằng nếu mô hình mới không có rủi ro thì sẽ không có bước tiến xa.

Nói về bức tranh tài chính, Hana Ngô cho biết vốn điều lệ của doanh nghiệp là 10 tỷ đến từ 3 cổ đông. Hana Ngô hiện nắm giữ 60% cổ phần. Tổng chi phí từ khi thành lập vào năm 2020 đến nay doanh nghiệp đã sử dụng hết 7 tỷ. Về doanh thu, riêng năm 2020, 2021 doanh nghiệp bị “đóng băng”. Doanh thu quý I/2022 dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Nữ sáng lập cho biết HanaGold không chỉ là một công cụ để quản lý mà nó còn là nơi để cho rất nhiều người tham gia và họ có thể kiếm lợi nhuận, kiếm tiền từ đây. Nói về mô hình nhượng quyền tiệm kim hoàn, Hana Ngô cho biết bất cứ ai có nhu cầu có thể đầu tư với số vốn chỉ từ 500 triệu đồng.

Khi Shark Bình thắc mắc con số 500 triệu thì có thể bày được mấy miếng vàng, Hana Ngô cho biết đó chính là điều mà HanaGold làm được trong khi các tiệm kim hoàn khác không làm được.

Là người đầu tiên chốt deal, Shark Liên cho rằng mô hình kinh doanh của startup có độ rủi ro cực kỳ cao. Chính vì thế bà không đầu tư cho startup.

Đồng quan điểm với Shark Liên, Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình.

Shark Hưng phân tích rằng việc giá vàng lên xuống sẽ ảnh hưởng quyết định của startup tại thời điểm bàn giao vàng cho khách vì khi đó có thể mất cân đối với dòng tiền đã thu. Hơn nữa, các thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi startup giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì startup đã thu. Chính vì vậy, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư cho startup.

Shark Bình cũng cho rằng mô hình nhượng quyền mà startup đưa ra là không khả thi. Ngoài ra việc token hóa việc mua vàng đang gặp phải vấn đề pháp lý. Ông cho rằng 4.0 hay công nghệ không phải là cây đũa thần và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do không tin tưởng vào tương lai thành công của mô hình kinh doanh, ông quyết định không đầu tư cho startup.

Shark Phú phân tích rằng startup bán vàng đã chuẩn bị 2 năm, triển khai 3 tháng mà doanh thu chỉ 1 tỷ là một vấn đề. Nó thể hiện rằng khách hàng chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. “Không ai biết đến em, em bắt người ta đưa tiền trước cho em giữ xong em tuyên bố ‘tôi có bí quyết để tôi cân đối được, tôi dự phòng’… Ví dụ Ngân hàng Nhà nước trích lập tiền dự phòng, ngân hàng thương mại phải đưa cho Ngân hàng Nhà nước giữ thì mới có ý nghĩa dự phòng. Chứ tôi dự phòng trong két, mai tôi rút két ra thì đâu phải dự phòng”, Shark Phú phân tích. Đánh giá mô hình kinh doanh của startup khó thành công, Shark Phú cũng quyết định không đầu tư.


Tập 1 Shark Tank Việt Nam mùa 5

 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan