logo
Thứ năm, 09/05/2024 02:20:46

Shark Tank tập 3 chứng kiến loạt sáng chế mới dựa trên những sản phẩm cũ, Startup tuyên bố không cần tiền, chỉ muốn cả thế giới biết Việt Nam là ai


(Dispatch.vn) -

Startup đầu tiên đến với chương trình là Phan Trung Kiên – Nhà sáng lập thương hiệu Trứng gà cà gai leo Sadu của những chú gà hạnh phúc khi nuôi lấy trứng lại được nghe nhạc và được ngủ trưa, không bị stress để có thể sinh ra những quả trứng thơm ngon. Anh đến với chương trình để kêu gọi số tiền đầu tư là 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Là sinh viên trường Đại học Nông Nghiệp 1, Trung Kiên cho biết mình luôn mong muốn tạo dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt. Khi anh làm việc với chuyên gia đến từ Nhật Bản thì biết được ở đất nước của họ có một loại trứng được nuôi bằng thảo dược và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên ở Nhật Bản, dược liệu không nhiều và phong phú như Việt Nam, thế nên quả trứng có giá rất cao, chỉ những người giàu, giới thượng lưu mới sử dụng được.

Đến năm 2015, anh bắt đầu trồng những cây dược liệu để chế biến cho người. Đến tháng 6 năm 2020 anh bắt đầu nuôi gà ăn thức ăn do anh tự làm chứ không ăn thức ăn công nghiệp, gà được ở trong môi trường mát, được nghe nhạc, được ngủ trưa. Những con gà nào không tồn tại được sẽ bị loại chứ không dùng thuốc kháng sinh để chữa.

“Với áp dụng như thế chúng em đã tạo ra được quả trứng có những đặc điểm như rất thơm, không tanh, trong quả trứng không hề tồn tại kháng sinh. Khi mang đi test, hàm lượng cholesterol trong trứng rất thấp, chỉ có 125,5mg/100gram trứng. Khi tìm kết quả đó trên inrernet, kết quả đó thấp nhất chúng em tìm được là 152,3. Do đó trứng gà của tụi em đang có hàm lượng cholesterol thấp nhất thế giới. Tuy nhiên giá của chúng em không hề đắt, 8.291VNĐ/1 quả, một hộp 12 quả thì em định giá 99.500VNĐ”, Startup cho biết thêm.

Khi được Shark Liên hỏi có giấy chứng nhận nào cho thấy cái cây cà gai leo là thức ăn cho gà để đẻ ra quả trứng này nó đặc biệt hơn trứng bình thường, startup cho biết cây cà gai leo được Viện dược liệu khẳng định giải độc gan rất tốt. Có những công trình nghiên cứu rất kỹ như công trình nghiên cứu của cô Bích Thu – Phó Viện trưởng Viện dược liệu đã nghiên cứu từ những năm 80. Năm 2015 anh bắt đầu trồng cây cà gai leo và làm sản phẩm trà cho người uống. Anh thấy rất tốt cho người nên muốn ứng dụng sang cho vật nuôi.

Shark Liên cho rằng như thế là startup đang làm theo kiểu cảm tính. Startup lý giải thêm rằng nghiên cứu trên người thì có, nghiên cứu trên vật nuôi thì chưa. Trước đây anh là nhân viên bán nguyên liệu cho nhà máy thức ăn chăn nuôi, thì các chuyên gia nói với anh rằng để con gà có sức đẻ tốt, đẻ bền, quả trứng ngon thì bắt buộc phải chăm sóc lá gan của con gà.

Khi Shark Hưng tò mò rằng sau khi ăn trứng thì trứng còn tác dụng thải độc gan không, Trung Kiên cho biết thật ra cho gà ăn thì con gà chỉ tạo ra quả trứng ngon thôi, dược tính ấy không còn tồn tại trong quả trứng.

Startup cũng chia sẻ thêm rằng chuồng trại của anh hiện ở Chương Mỹ – Hà Nội. Anh không chủ động xây trại mà đi thuê 4 trại, mỗi trại có diện tích khoảng 1,500m2, nuôi được 20 nghìn con gà.

Khi được hỏi có nghĩ mình đang cạnh tranh với một người khổng lồ rất lớn ở Việt Nam không, startup khẳng định thị trường của sản phẩm trứng gà công nghiệp các ông lớn đang đánh nhau rất “ác”. Sản phẩm trứng của anh thì lại nằm ở phân khúc khác, đó là trứng gà dược liệu, trứng gà cà gai leo.

Khi các Shark hỏi làm sao phân biệt được trứng thường và trứng dược liệu, làm sao để kiểm tra được trứng sạch, không may nhân viên bê quả thường bán ra thì sao… Lúc này startup lại lúng túng và chưa đưa ra được câu trả lời hợp lý. Anh chỉ cho rằng dựa vào uy tín là quan trọng nhất. Tuy nhiên Shark Phú không đồng tình, ông hỏi nếu ở các điểm bán, người khác mua của Sadu và trộn lẫn với các loại trứng khác để bán chung thì làm thế nào người dùng nhận biết được. Startup cho biết, có lẽ chỉ có cách là tìm những nhà phân phối uy tín chứ anh cũng chưa có giải pháp gì.

Shark Phú phân tích: “Chúng ta kinh doanh, chúng ta phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng là người ta nhận được trứng gà sạch. Đấy là một cái then chốt. Mà để đảm bảo được thì có 2 ý, một là người tạo ra cái trứng ấy phải cam kết và trung thực, em cam kết anh tin rồi. Nhưng cái người phân phối của em có trung thực hay không, mà em lại không kiểm soát được họ, nếu chỉ cần vài người làm điều đó, khách hàng họ mắc một lần thì họ sẽ không quan tâm ai bán mà họ quan tâm thương hiệu này”.

Starup thuyết phục thêm rằng trong thời gian hơn nửa năm, anh đã bán được gần 2 triệu quả trứng. sản phẩm này có chỗ đứng và đã được khách hàng công nhận ở mức độ nào đó rồi, có rất nhiều khách hàng của anh bây giờ không thể ăn được trứng công nghiệp.

Shark Phú vẫn chưa từ bỏ nghi vấn trong lòng. “Nguyên tắc đảm bảo có sạch hay không phải có đơn vị trung gian người ta chứng nhận thì người tiêu dùng mới tin. Thông thường là thông qua các cơ quan quản lý chất lượng của Nhà nước, hoặc tổ chức quản lý chất lượng trung gian, người ta đứng vào đảm bảo và đánh giá không ai làm giả được. Sản phẩm làm ra em phải làm sao cam kết được người dùng không bị lừa, có thể không phải lừa bởi em mà bởi những trung gian phân phối, đấy là cái nguy hiểm”.

Shark Hưng cũng đồng quan điểm và chia sẻ thêm rằng có những cách bảo vệ khác công nghệ hơn là cái tem này, tem này khá cổ điển và dễ làm giả. Hiện nay có những loại tem dùng công nghệ số không làm giả được, mà chỉ dùng điện thoại hoặc app mới phát hiện ra, quét là biết ngay trứng thật hay trứng giả, thậm chí có những dấu thẩm thấu mực qua lớp vỏ trứng và không thể nào tẩy đi được.

Shark Hưng lại hỏi tiếp rằng bao giờ sẽ x2 được số tiền đầu tư này nếu giả sử anh đầu tư cho Sadu, startup cho rằng con đường làm thực phẩm hơi dài hơi và anh tính là trong vòng 4 năm 3 tháng sẽ hòa vốn và sau đấy sẽ có lãi.

Shark Hùng Anh cho rằng sản phẩm này là thị trường ngách, và giá chênh gấp 4 lần giá sản phẩm gần giống tương đương. Và đặc biệt trứng gà là sản phẩm cho người có thu nhập thấp và trung bình. Nếu bán trứng gà vào thị trường này với giá rất cao thì thị trường không đủ được. Đánh giá lĩnh vực của startup không phải là thế mạnh của mình nên ông không đầu tư.

Shark Bình cho rằng quả trứng premium nó chẳng khác gì một cái túi hàng hiệu, Sadu đang định vị mình ở phân khúc premium – cao cấp, marketing cũng phải cao cấp và đồng thời nơi bán cũng phải premium. Nhưng để đồng bộ đến mức như vậy thì chi phí vận hành doanh nghiệp sẽ lên rất cao. Đây không phải là lĩnh vực thế mạnh công nghệ của ông nên ông không đầu tư.

Shark Hưng cho rằng đây là một hướng đi mà ông có quan tâm trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp siêu cao cấp. Shark Hưng chia sẻ, ông có làm về trà Hacoocha, một loại trà cổ 500-700 năm; có đầu tư vào giống bò wagyu nuôi tại Ba Vì đặt tên là Cobavi. Ông cũng gặp phải vấn đề như các Shark đã đặt ra là làm thế nào để phân biệt được sản phẩm cao cấp của mình. Ông chia sẻ quan điểm với startup rằng không bán theo cách thông thường, cũng không cạnh tranh với những sản phẩm thông thường mà chỉ hướng tới 1% khách hàng là đủ.

Shark Liên chia sẻ, gia đình bà có nhiều đời làm nông nghiệp nên bà thích quay trở về làm những việc liên quan đến nguồn gốc của mình. Bà tiết lộ mình muốn rút Golden Ticket để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Tuy nhiên khi được hỏi thích ai giữa 2 Shark, Trung Kiên tiết lộ thấy tư duy của mình với Shark Hưng khá giống nhau nên xin phép để tiếp tục deal (thưởng thảo) với Shark Hưng, do đó Shark Liên rút lui.

“Bây giờ cho phép em giữ nguyên tỷ lệ đó nhưng em góp thêm 5 tỷ nữa. Trong thời gian ấy Shark có thể xem xét những vấn đề em nói có đúng hay không, doanh thu em bán được có đúng hay không, xem xét con người em và có tiến độ giải ngân sau. Tiêu hết 5 tỷ của em trước rồi mới cần tới của Shark”. Startup đề nghị, sau đó lại hỏi tiếp rằng Shark Hưng có thể dành nhiều thời gian cho sản phẩm này và giúp anh không.

Shark Hưng khẳng định, nếu đến nhà máy ngồi với Kiên thì không, nhưng gọi điện thoại, trao đổi online với nhau thì thoải mái. Ông tin rằng mình có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển dòng sản phẩm cao cấp, khác biệt và hướng tới nhóm đối tượng, thậm chí 1/1000 giới siêu giàu của Việt Nam và thế giới. “Bán được cái này không phải dễ, chúng ta phải chơi cái gì khác biệt”, Shark Hưng khẳng định.

Trung Kiên cho rằng khi mà Shark đã nói thế thì kể cả Shark muốn 50% anh cũng “chơi”, nên anh đồng ý chốt deal với shark Hưng.

Startup tiếp theo đến với Shark Tank Việt Nam là ông Nguyễn Vĩnh Sơn – Kỹ sư, nhà sáng chế, đồng thời là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng Chế Việt nam, cùng con trai là Nguyễn Vĩnh Hưng hiện đang làm Kiến trúc sư tại một công ty ở Hàn Quốc.

Trải qua đợt Covid, cảm thấy muốn sống có ý nghĩa hơn và muốn phá bỏ sự sợ hãi, e ngại, ông quyết định đến với Shark Tank nhằm mang sản phẩm của mình ra ánh sáng, để lại những giá trị cho người Việt Nam. Ông muốn thế giới biết rằng người Việt rất thông minh, sáng tạo, mang lại sự tự hào cho người Việt.

Ông Sơn có khá nhiều sáng chế độc đáo và gần gũi với đời sống, điển hình là sản phẩm chiếc áo giáp chống lực dao đâm mà ông mang đến để làm quà tặng các Shark. Ông cho biết khi đọc được tin buồn về chuyện các “hiệp sĩ đường phố” tử nạn do bị kẻ thủ ác dùng dao đâm, ông bị thôi thúc muốn tạo ra sản phẩm chống đỡ lại điều đó. Ông chế tạo ra chiếc áo giáp đặc biệt, khi vũ khí đâm vào sẽ làm phân tán lực khiến đối tượng chỉ bị xô ra chứ không bị thương. Ông chia sẻ thêm rằng phiên bản tiếp theo còn chống được cả đạn ghém và súng điện.

Tuy nhiên, hai sản phẩm chính mà ông Sơn mang đến để kêu gọi đầu tư ở Shark Tank là vòng bi cổ xe (có bằng sáng chế của Việt Nam và bằng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Wipo) và bộ điều khiển giảm xóc (cũng đã có bằng sáng chế và đã được khai thác hơn 10 năm nay). Ông đã phát minh ra thiết kế đặc biệt với kích cỡ tương đồng với sản phẩm chính nhưng độ bền tăng gấp 3 đến 5 lần, giúp xe chạy êm hơn, giảm xóc, giảm trượt, và có thể sử dụng đến 10 năm không cần bảo trì.

Sau khi trải nghiệm thử bằng cách chạy xe có gắn vòng bi cổ xe và bộ điều khiến giảm xóc của ông Sơn, Shark Hưng gật gù, “Tôi thấy tính năng cơ khí của việc phân bổ lực quán tính ở trong ống giảm xóc của xe hoạt động khá ổn. Tôi cảm nhận rất rõ lực văng của xe bớt đi rất nhiều so với xe đối chứng là xe không lắp thiết bị đó. Tôi bóp phanh gấp trong lúc đang chạy với tốc độ 50 cây số/giờ mà vẫn cảm thấy không có lực văng, như là dính vô luôn”.

Startup Vĩnh Sơn mong muốn nhờ các Shark đưa sản phẩm ra xa khỏi biên giới Việt Nam với deal gọi vốn là 4 tỷ rưỡi cho 10%, và 20% nữa ông sẽ tặng tiếp cho Shark nào đi cùng với ông cho đến khi ông hoàn thành tâm nguyện là có 10 sản phẩm phụ tùng xe máy theo ý ông. Ông Sơn cũng cho biết mình đã ứng dụng sản phẩm này vào thực tế hơn 10 năm nay, lắp được cho trên 100.000 chiếc xe.

Shark Liên thắc mắc rằng với một sáng kiến quá tuyệt vời như thế, tại sao statup lại không gặp đúng nhà sản xuất ra xe máy để thỏa mãn cho người tiêu dùng. Ông Sơn lý giải rằng ông không cần bán cho hãng, chỉ cần bán cho thợ sửa xe thôi, vì số xe chạy hiện nay trên thị trường nhiều gấp 10 lần số xe một hãng bán ra.

Shark Phú cho rằng sáng chế này là một bộ phận của một sản phẩm, nên phải được một hãng tạo ra sản phẩm đó ứng dụng vào sản phẩm của họ và công nhận nó, thì mới có sự lan tỏa đến người dùng. Shark Hưng cũng đồng quan điểm khi cho rằng ở nước ngoài khi mua ô tô sẽ hay có các option (phiên bản) thay thế, nhưng chỉ khi hãng công nhận phụ tùng chi tiết đó được phép sử dụng cho xe thì mới bán đại trà được. Để nếu có sự cố xảy ra thì hãng đồng ý rằng không phải là vấn đề do sự thay thế đó tạo ra. Điều này rất quan trọng trong quá trình thương mại hóa.

Khi Shark Hưng hỏi thêm rằng startup có muốn bán hẳn sáng chế của mình cho một nhà đầu tư nào đó để họ thương mại hóa hay không, startup cho rằng đây không phải là vấn đề về quyền lợi của mình. “Người ta vẫn hay nói với tôi rằng ở tuổi này anh viên mãn rồi, cần tiền làm gì? Tôi nói, không, tôi còn một ước mơ cao lắm. Đó là tôi muốn cả thế giới này biết Việt Nam là ai. Thứ hai nữa là tôi muốn truyền đạt đến các startup trẻ rằng phải có niềm cảm hứng, và hãy làm gì đó thật hoàn chỉnh rồi hãy đến đưa cho các Shark, đừng làm nửa vời”.

Khi được Shark Phú hỏi vì sao anh không cùng ba mình nhân rộng mô hình này lên khắp toàn quốc, mass production (sản xuất hàng loạt), PR Marketing, thành lập đội Sale… Anh Hưng con trai ông Sơn cho biết nghề của anh là kiến trúc, thay vì truyền nghề cho anh thì ba anh truyền đam mê, và anh hiện đang dùng đam mê đó cho ngành kiến trúc của mình.

Được Shark Hưng hỏi thêm về chuyện kinh doanh của gia đình, anh Hưng cho biết gia đình anh mỗi ngày sửa từ 20 đến 30 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc là 600.000Đ, một năm thu được trên dưới 4 tỷ đồng. Shark Hưng kết luận rằng ông Sơn đến đây kêu gọi 4,5 tỷ không phải vì cần tiền mà để tìm người đồng hành, nên ông không chốt deal, nhưng có thể đồng hành cùng start up để kết nối với các nhà sản xuất xe hoặc tư vấn cho startup các cách để thương mại hóa.

Shark Phú cho rằng vì khác ngành nghề nên không thể đầu tư. Tuy nhiên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse đề nghị nếu startup thử nghiên cứu các sản phẩm đồ gia dụng như điều hòa, lò nướng… ông sẽ sẵn sàng mua lại và cùng với startup thương mại hóa nó.

Shark Hùng Anh cũng chia sẻ sản phẩm này không nằm trong hệ sinh thái của BIN Corporation Group nên ông cũng sẽ không đầu tư. Tuy nhiên nếu Startup có thể thương mại hóa được, shark sẽ hỗ trợ phần nào về tiếp thị và quảng cáo.

Dù rất thích tinh thần khởi nghiệp của startup và khuyên đừng bao giờ từ bỏ tinh thần này, nhưng Shark Liên cũng từ chối đầu tư vì không nằm trong hệ sinh thái của mình.

Vẫn lý do là sản phẩm không nằm trong hệ sinh thái của mình, tuy nhiên Shark Bình lại khẳng định mình là tuýp nhà đầu tư thích mạo hiểm. Shark Bình đưa ra đề xuất đầu tư số tiền 4,5 tỷ hoặc hơn, với điều kiện sẽ thẩm định lại tính khả thi của sản phẩm. Nếu khả thi, NextTech sẽ đầu tư và phụ trách các công việc liên quan đến mass production, kinh doanh và thương mại hóa… NextTech sẽ nhận 70% lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí. Đề nghị này sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm sáng chế của startup, bao gồm cả sản phẩm áo giáp.

Khi nhà sáng chế Vĩnh Sơn cho biết ông muốn trích 1% lợi nhuận của áo giáp cho anh em trong hội Sáng chế, Shark Bình đồng ý nhận 69%. Vì vậy startup đồng ý bắt tay với Shark Bình trong thương vụ này.

Startup thứ 3 đến với chương trình là Jolie Đặng (Đặng Thị Hoài Trinh) – Nhà sáng lâp và điều hành của anyLEARN. Theo lời giới thiệu của Hoài Trinh, anyLEARN là nền tảng kết nối giáo dục hàng đầu với slogan “học không giới hạn”. Hoài Trinh từng là MC truyền hình, có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, 11 năm kinh nghiệm làm mẹ và 6 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Trong suốt hành trình đó, chị đã tiếp xúc rất nhiều với cộng đồng phụ huynh và chị nhận thấy rằng, một nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ là làm sao có thể tìm được cho con mình một môi trường học tập an toàn về cơ sở vật chất, về tâm lý và tinh thần, về chất lượng giáo dục và về sự đầu tư tài chính cho con ở hành trình học tập dài hạn.

Chị nhận thấy còn những thực trạng trong trong giáo dục như học sinh đôi khi mất phương hướng trong học tập, học sinh bị căng thẳng, áp lực và trầm cảm, học sinh học trái ngành nghề… Những trăn trở đó cùng với việc nhận thấy thị trường đang có 23 triệu học sinh sinh viên, tương đương mỗi năm phải chi ra khoảng 23 tỷ USD để đầu tư cho giáo dục, chị cùng đội ngũ đã quyết định phát triển dự án nền tảng kết nối giáo dục anyLEARN – học không giới hạn với mong muốn định hướng đúng đắn ngay từ đầu cho học sinh, giúp học sinh có một lộ trình phát triển trong sự vui vẻ, hạnh phúc, học đúng được sở trường, đam mê. “Từ đó, rõ ràng tương lai chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng cao, nhân tài để phát triển cho đất nước” – Hoài Trinh nói về ý tưởng và sứ mệnh ra đời của anyLEARN.

Theo đó, chị đến Shark Tank để gọi vốn 200.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty và cho biết nếu các Shark đầu tư cho anyLEARN, công ty sẽ ghi tên các Shark vào danh sách cổ đông danh dự.

Trả lời thắc mắc của Shark Liên và Shark Hưng về điểm đặc biệt của dự án, Hoài Trinh cho biết anyLEARN định vị mình là nền tảng kết nối giáo dục hàng đầu, công ty đang làm việc với những đối tác là những tập đoàn giáo dục lớn.

Có 3 điều mà anyLEARN đang cam kết, thứ nhất là đảm bảo chất lượng của đối tác, bởi vì là mỗi đối tác của anyLEARN đều qua 4 bước chọn lọc, bao gồm truyền thông, pháp lý, tài chính và thương hiệu; thứ 2 nữa là các khóa học cũng đều sẽ được đánh giá chất lượng, khi các lớp học và khóa học hiển thị thì sẽ có 4 bước đánh giá, bước đầu tiên là đội ngũ của anyLEARN, sau khi thẩm định xong thì họ sẽ có một đánh giá để lại, bước thứ 2 là đội ngũ chuyên gia là những hiệu trưởng, là những giảng viên, là những chủ trường, họ đánh giá, bước thứ 3 nữa là chỉ có những người đã đăng ký, đã booking và học thì sau đó mới để lại đánh giá, bước cuối cùng là chúng ta sẽ đo lường thông qua độ yêu thích, tương tác của cộng đồng” – Hoài Trinh giải thích. Chị cũng cho biết anyLEARN thu tiền từ ngân sách mà các trường đang chi ra cho việc truyền thông và tuyển sinh của họ.

Lúc này Shark Hưng chỉ ra một bài toán khó giải cho anyLEARN khi có sự cạnh tranh không bình đẳng trong nền tảng này bởi có thể các trường ký hợp tác và trả tiền sẽ được lên hạng cao hơn trong app (ứng dụng) so với các trường không trả tiền. Hoài Trinh cho biết, anyLEARN vẫn tư vấn cho phụ huynh các trường công lập và sẽ tư vấn bổ trợ thêm nhiều môn phụ khác phù hợp theo từng giai đoạn.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình về kênh tìm khách, Hoài Trinh cho biết anyLEARN chạy song song trên cả online (trực tuyến) và offline (trực tiếp), bên cạnh nền tảng quảng bá và kết nối thì anyLEARN vẫn có những văn phòng đại diện để tư vấn cho phụ huynh. Shark Bình nhận xét, bản chất của startup là đi môi giới cho các cơ sở giáo dục, nên “long mạch” là đặt ở bán hàng nhưng Hoài Trinh vẫn chưa nói được mình giỏi bán hàng ở chỗ nào và đội ngũ sales (bán hàng) ra sao. Hoài Trinh chia sẻ, anyLEARN không tuyển đội ngũ sales về để bán hàng mà sẽ có các chuyên gia tư vấn và định hướng giáo dục. Sau khi chuyên gia đã vẽ ra một sơ đồ là học sinh nên học gì, như thế nào thì các admin sẽ hướng dẫn khách đăng ký. Bên cạnh đó, chị cũng marketing offline bằng cách tiếp cận các cộng đồng doanh nhân – những khách hàng tiềm năng của anyLEARN và thêm một cách nữa là chia sẻ tệp khách hàng với các trường.

Về câu hỏi số phần trăm chi phí hoa hồng anyLEARN thu của đối tác mà Shark Hùng Anh đặt ra, Hoài Trinh cho biết đối với những trường hệ chính quy thì phí hoa hồng là 10%, với các sản phẩm công nghệ (phần mềm học online) có thể lên đến 70%.

Shark Liên cho rằng tiêu chí và định hướng của startup rất đáng khuyến khích nhưng đường đi nước bước chưa chuẩn. “Ở đây em đang gọi một số vốn mà chị không hiểu em dựa vào đâu để em tính toán. Em đưa lên đến 1,8 triệu mà em chưa có gì trong tay cả. Làm sao các Shark có thể đi theo em được. Rất tiếc chị không thể đầu tư cho em được” – Shark Liên kết luận.

Shark Hưng nhận xét thêm, mô hình kinh doanh của startup đang có Conflict of Interest (xung đột lợi ích). “Bạn sẽ không giữ vị trí trung lập khi tư vấn trường đó cho phụ huynh học sinh mà nó bị xung đột lợi ích bởi chuyện nhà trường đó trả hoa hồng cho bạn. Bạn đang là Sellers Agent – tức là đại diện cho bên bán chứ không phải đại diện cho bên mua, bạn không phải là Buyers Agent bảo vệ và mang lại quyền lợi cho người mua là cha mẹ học sinh. Vì vậy nó sẽ có sự xung đột” – Shark Hưng nhận xét. Shark Hưng cũng khuyên startup nên tạo một cái phễu đánh giá trung lập và khách quan để khiến cho phụ huynh tin tưởng và truy cập vào, còn ông quyết định không đầu tư cho startup.

Trước khi đưa ra kết luận, Shark Phú hỏi thêm Hoài Trinh về đội ngũ và tổng số vốn mà chị đã đầu tư cho startup. Hoài Trinh cho biết mình có 3 co-founder (đồng sáng lập) và 30 chuyên gia là những giám đốc học viện hoặc là các chủ trường, họ đồng hành trong việc tư vấn, định hướng và xây dựng quy trình cho dự án này chuẩn nhất. Hoài Trinh cũng cho biết thêm, vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp là 5 tỷ, thực góp 2 tỷ và startup vẫn còn thừa số tiền để đi đến giai đoạn tiếp theo. Từ đầu đến giờ, doanh thu dựa trên commission (hoa hồng) là gần 1 tỷ. Tổng giá trị giao dịch từ đầu đến bây giờ là được 3 tỷ cho năm ngoái.

Về cơ bản, anh thấy hướng của em là đúng hướng. Tuy nhiên còn quá mới. Chính vì vậy để đánh giá hiệu quả hay sự cam kết lâu dài của em có sống chết với nó hay không thì anh rất là lo ngại và nó không phù hợp với định hướng đầu tư của anh. Lúc này, anh khuyên em nên tìm các nhà đầu tư thiên thần, họ có thể chung một niềm đam mê với em, thì anh nghĩ nó hợp lý hơn. Chính vì vậy anh quyết định không đầu tư” – Shark Phú kết luận.

Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư bởi chưa thấy được phương án kinh doanh của startup là khả thi.

Là nhà đầu tư kết luận cuối cùng, Shark Bình nhận xét, startup đã lên Shark Tank quá sớm. Shark cũng bất ngờ khi nhìn thấy kế hoạch tăng trưởng mà startup đã đặt ra là năm 2021 là 3 tỷ doanh thu, 2022 lên đến 180 tỷ, 2023 là 1.800 tỷ, 2024 là 7.200 tỷ, 2025 là 21.600 tỷ doanh thu. Cuối cùng Shark Bình cũng quyết định không đầu tư và khuyên startup nên khởi nghiệp cái gì mà mình giỏi nhất.

Startup cuối cùng đến Shark Tank Việt Nam tập 3 kêu gọi khoảng đầu tư 500.000 USD đổi lấy 8% cổ phần là 3 nhà sáng lập của Nerman gồm Đặng Thanh Thịnh, Nguyễn Văn Nhật, Hồ Xuân Hải. Trong đó, Đặng Thanh Thịnh giữ vai trò Tổng Giám đốc, Nguyễn Văn Nhật là Giám đốc Điều hành chung, còn Hồ Xuân Hải là Giám đốc Vận hành.

Theo giới thiệu của 3 nhà sáng lập, Nerman là thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nam giới cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm từ tắm rửa, skincare (chăm sóc da) đến makeup cho nam giới. Một sản phẩm có thể có nhiều function (công năng) như có thể vừa tắm, vừa rửa mặt, vừa gội đầu.

Nerman hiện đang bán hàng theo 2 hình thức là B2C (business to customer – bán lẻ trực tuyến) và O2O (online to offline – từ trực tuyến đến trực tiếp). Startup này hiện đang tập trung vào 3 thị trường lớn là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Bắt đầu mở bán từ đầu năm 2021, đến hết quý I/2022, Nerman đã có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm. Do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, doanh thu năm 2021 của startup đạt 848.000 USD với lợi nhuận trước thuế là 10%. Đến năm 2022, doanh thu trước thuế toàn quý I đạt 1,3 triệu USD. Dự kiến năm 2022 sẽ đạt doanh thu 10,2 triệu USD và tăng trưởng từ 50 – 100% trong các năm tiếp theo.

Nguyễn Văn Nhật cho biết cuối năm 2022, Nerman sẽ “đánh” sang thị trường Thái Lan. Nerman đã test (thử nghiệm) ở thị trường này trong một tháng và ghi nhận doanh thu khoảng 30.000 USD, fulfillment (hoàn tất đơn hàng) qua dịch vụ.

Nói về cách marketing (tiếp thị), Thanh Định cho biết Nerman đang sử dụng các kênh influencer (người có sức ảnh hưởng). Mỗi tháng Nerman có khoảng 300 video review (giới thiệu) và unbox (mở hộp), đạt trung bình hơn 10 triệu lượt xem/tháng. Tỷ lệ chuyển đổi đạt khoảng 7% trên tất cả các kênh. Trên các sàn thương mại điện tử thì tỷ lệ chuyển đổi cao hơn, rơi vào khoảng 11%. Nerman có khoảng 10 SKU (stock keeping unit – mã hàng hóa) và phối ra rất nhiều combo (nhóm sản phẩm). Một bộ nước hoa được startup bán với giá 599.000Đ, bộ sữa tắm, dầu gội có giá 399.000Đ.

Nói về bức tranh tài chính, Nguyễn Văn Nhật tiết lộ vốn thực góp của Nerman là 2 tỷ và đang có một nhà đầu tư góp 1 tỷ với 5% vào tháng 6/2021 với định giá 1 triệu USD. Nerman hiện có 8 tỷ tài sản gồm 4 tỷ tiền mặt, 4 tỷ nguyên phụ liệu, hàng tồn kho và startup hiện không có nợ.

Chi phí sản xuất của startup đang là khoảng 25% và có thể tối ưu xuống 20% khi sản xuất số lượng lớn hơn. Chi phí nhân công, văn phòng khoảng 11%. Chi phí vận hành, marketing khoảng 15 – 16%. Chi phí bán hàng khoảng 4-5%.

Trước thắc mắc của Shark Phú về lý do gọi vốn khi tình hình tài chính tốt, Thanh Định cho biết dự tính của Nerman gọi vốn vòng này là 1 triệu USD và đã có một nhà đầu tư vòng trước cam kết sẽ đi tiếp vòng này với 500.000 USD. Tổng Giám đốc Nerman lý giải rằng sự tham gia của các Shark sẽ giúp startup trở thành “top of mind” – đạt được mức độ nhận biết cao nhất như các thương hiệu đã từng làm ở Việt Nam.

Thanh Định chia sẻ rằng hiện tại có nhiều sản phẩm của Trung Quốc được bán tại Việt Nam. Tuy nhiên có một số ngành như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ ăn đồ uống đến từ Trung Quốc thì khách hàng rất nghi ngại. “Bọn em muốn tìm ra thị trường mà ở đấy bọn em có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định đối với các đối thủ nước ngoài”, Thanh Định bày tỏ.

Các sản phẩm của Nerman hiện đang được gia công tại Việt Nam từ nguyên liệu nhập khẩu châu Âu theo công thức mà startup cung cấp. Đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của Nerman hiện có 2 người. Thanh Định chia sẻ, công thức của mình có bản quyền và sản phẩm đã được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy công bố đủ điều kiện để phát hành ra thị trường. Ngoài ra startup cũng có kiểm nghiệm của VNTEST.

Tổng Giám đốc Nerman cho biết thêm rằng mô hình kinh doanh của Nerman là subscription (thu phí hội viên). Đã có kinh nghiệm gần 10 năm startup và “sập”, Thanh Định tiết lộ rằng ở startup trước mình phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn và khi không có vốn thì “chết chắc”. Do đó, khi đại dịch Covid xảy ra, anh xác định Nerman phải chuyển sang một mô hình kinh doanh đảm bảo “sống” được, đến khi có vốn sẽ phát triển thành một thương hiệu top 1. Dự kiến cuối năm, khi đã ổn định về vận hành, doanh thu tăng trưởng, Nerman sẽ quay trở lại mô hình subscription.

Khi Shark Hưng, Shark Hùng Anh và Shark Liên lần lượt từ chối đầu tư, “bể cá mập” chỉ còn lại Shark Bình và Shark Phú.

Shark Phú đánh giá kết quả kinh doanh của Nerman rất ấn tượng. Startup hiện bán chủ yếu là online và tập trung vào R&D sản phẩm. “Thực ra nếu anh đầu tư cho bọn em, bọn em sẽ được hưởng lợi là khi em mở rộng sang các kênh khác như siêu thị hay kênh truyền thống. Bọn anh đã phủ và bọn anh có lượng sales (nhân viên kinh doanh) rất lớn”, Shark Phú chia sẻ. Với những lợi thế hiện có, Shark Phú đề nghị đầu tư 500.000 USD đổi lấy 20% cổ phần của Nerman.

Về phía Shark Bình, ông cho rằng startup còn mới và việc bán online (trực tuyến) là yếu tố chưa chắc chắn vì khả năng cạnh tranh, sao chép, làm theo cao khi có nhiều nhóm bên ngoài có năng lực marketing. Với lợi thế sẵn có của NextTech là hệ sinh thái về e-commerce (thương mại điện tử), logistics (kho vận), Shark Bình cho biết việc “thổi” startup ra Đông Nam Á là điều đơn giản. Có “duyên” với mảng B2C khi đã từng đầu tư cho Coolmate tại Shark Tank mùa 4, giúp startup tăng định giá doanh nghiệp kên 4 lần, Shark Bình cho biết mình có thể giúp Nerman gọi vốn các vòng sau từ các quỹ đầu tư nước ngoài với định giá tăng lên nhiều lần. Từ những lợi thế như vậy, ông đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần.

Sau khi hội ý, Thanh Định đề xuất Shark Bình và Shark Phú cùng đầu tư cho mình. Hai Shark đồng ý nhưng Shark Bình đưa ra điều kiện sẽ tham gia ít nhất 20% cổ phần.

“Shark Phú hỗ trợ cả kênh offline (trực tiếp), đi ra các siêu thị. Tôi hỗ trợ mảng online, fulfillment ra Đông Nam Á”, Shark Bình thuyết phục.

Tuy nhiên, Thanh Định cho biết mình muốn đảm bảo sự công bằng với nhà đầu tư trước nên anh đề xuất mức 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần. Anh cũng cho biết mình có thể bỏ ra thêm 5% từ cổ phần của cá nhân mình để nâng tổng số cổ phần cho các Shark là 25%, như vậy sẽ không bị pha loãng và hợp lý với cả nhà đầu tư trước.

“Thật ra cái gì lên nhanh thì cũng có thể xuống nhanh và cái gì lên nhanh thì người khác cũng có thể lên nhanh được… Khi có nhiều đối thủ bạn bảo vệ thị trường như thế nào? Tôi với Shark Phú sẽ cùng với bạn để bảo vệ thị phần”, Shark Bình thuyết phục.

Những phân tích này khiến Thanh Định đưa ra đề xuất cuối cùng là 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần, trong đó 7% sẽ lấy từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập và nhận được sự đồng ý của Shark Phú và Shark Bình.


Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 3 


Từ Khóa:

Tin Liên Quan