logo
Thứ năm, 09/11/2023 18:16:20

Shark Hùng Anh bất ngờ chốt luôn hai deal, lần đầu có startup hỏi ngược lại nhân sinh quan của Shark trước khi nhận deal


(Dispatch.vn) - Shark Tank Việt Nam mùa 2 chào đón 4 startup: startup giày xăng-đan cho giới trẻ, startup phát hành sàn NFT, startup ứng dụng hẹn hò và startup sản xuất cánh tay robot công nghiệp. Startup nào sẽ nhận được đầu tư của các Shark? Startup nào sẽ phải ra về tay trắng?

Xuất hiện đầu tiên trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Thông Hiệp, Nhà sáng lập và điều hành Shondo – thương hiệu giày sandal (xăng-đan) dành cho giới trẻ. 

Đến chương trình để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần, startup của Shondo đưa ra 3 lý do thuyết phục các Shark. Thứ nhất, mẫu mã đẹp, khác biệt, do startup tự sản xuất và thiết kế. Thứ hai, thị trường giày dép ở Việt Nam rất tiềm năng. Thứ 3, Shondo đã bán được hơn 1 triệu đôi giày và hiện đang có 20 cửa hàng, 2 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc. Số vốn đầu tư sẽ được Shondo đầu tư vào hàng hóa, mở rộng nhà máy và mở thêm 20 điểm bán.

Thông Hiệp cho biết anh khởi nghiệp cách đây 8 năm. Với số vốn 7 triệu, anh làm được 50 đôi giày đầu tiên và bán trên Facebook. Sau đó anh có bán trên các sàn thương mại điện tử và hiện tại vẫn bán trên website. 

Thông Hiệp muốn mở thêm nhiều cửa hàng vì giá bán ở cửa hàng cao hơn và khách hàng có thể trải nghiệm trước khi mua hàng online. Mục tiêu của anh là mở phủ toàn quốc vì đối tượng khách hàng chính là học sinh, sinh viên.

Về bức tranh tài chính, Thông Hiệp đã đầu tư khoảng 3 tỷ vào Shondo, tổng tài sản hiện khoảng 30 – 40 tỷ, tổng nợ khoảng 1,5 so với doanh thu. Chi phí mặt bằng hiện nay chiếm 15%. Doanh thu 40 – 50% đến từ bán lẻ, 30% đến từ các đại lý và 20% đến từ online (bán hàng trực tuyến). Năm 2021 dù chỉ bán được 4 tháng nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 60 tỷ. 

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về thời gian có thể hoàn vốn, exit (thoái vốn) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, Thông Hiệp cho biết khoảng 3 – 5 năm sau các Shark có thể hoàn vốn và năm thứ 6, thứ 7 sẽ có lãi với tỷ suất lợi nhuận 15%.

Tuy nhiên Shark Hùng Anh và Shark Hưng cho rằng với 1 triệu USD trong 10 năm thì lãi kép trong ngân hàng cũng đã cao hơn rồi. Còn Shark Bình thì đánh giá Shondo đang yếu về kỹ năng kiến thức tài chính và chưa biết cách tài chính hóa doanh nghiệp của mình. 

Shark Hùng Anh cũng thắc mắc Shondo sẽ làm thế nào khi sản phẩm hết trend (xu hướng). Thông Hiệp cho biết sẽ giảm giá nếu không bán được. Các Shark đều tỏ ra không bằng lòng vì cho rằng giảm giá sẽ hết lợi nhuận, và giảm giá nhiều quá sẽ khiến khách hàng có thói quen chờ đợi giảm giá, khi ra mẫu mới không có người mua.

Một vấn đề được Shark Hưng lưu ý với startup là chi phí cố định cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của startup. Nếu startup đầu tư xây dựng hệ thống flagship (cửa hàng lớn và hiện đại để tạo trải nghiệm cho khách hàng) thì “không làm gì mở mắt ra đã phải trả tiền thuê nhà rồi trả tiền nhân công, nhân sự”. Ngoài ra, Shark Hưng cũng chỉ ra điểm yếu của startup là lượng tồn kho lớn dẫn đến “chết” vốn lưu động và nợ nhà cung cấp.

Ông cho rằng câu chuyện phức tạp nhất của startup là quản trị marketing (tiếp thị) và quản trị tài chính. Thông Hiệp cho biết hai lợi thế anh có thể phát triển được là thiết kế mẫu mã và có fanpage gần 1 triệu like cũng như được khách hàng các trường cấp 2, cấp 3 ủng hộ. 

Shark Liên cho biết bà có thể giới thiệu dòng sản phẩm của startup đến giới trẻ. Tuy nhiên vì startup không cùng lĩnh vực nên bà quyết định không đầu tư.

Trong khi đó, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 23 tỷ cho 45% Shondo. Đánh giá đề nghị của Shark Hùng Anh khá hấp dẫn với startup nên Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.

Trước khi ra quyết định, Shark Phú muốn biết rõ hơn về tình hình tài chính của startup. Thông Hiệp cho biết chi phí một đôi giày giá niêm yết là 500.000Đ, nguyên liệu chính chiếm khoảng 120.000Đ, khấu hao thêm các chi phí khác khoảng 170.000Đ. Trừ thêm chi phí cho các khâu trung gian, lãi gộp đạt khoảng 40 – 50%.

Tuy nhiên khi Shark Phú hỏi về chi phí bán hàng và marketing, Thông Hiệp cho biết anh không nhớ.

Cho rằng startup không nhớ được con số thì bức tranh tài chính khá mù mờ nhưng Shark Phú vẫn quyết định đề nghị đầu tư 23 tỷ với giá trị công ty là lợi nhuận bình quân 2 năm gần đây nhân với 15 lần (tương đương PE bằng 15). Ông cho biết, Sunhouse là một công ty sản xuất từ nguyên vật liệu cho đến gia công lắp ráp, phân phối làm thương hiệu. Chính vì vậy, Shark Phú có thể giúp cho Shondo nền tảng cơ bản để quản trị doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp lên nghìn tỷ.

Shark Bình cho rằng ông có thể giúp startup hai thứ là chiến lược kinh doanh và tổ chức bán hàng. Với hệ thống kho Boxme thương mại điện tử có sẵn ở khắp Đông Nam Á, ông sẽ giúp startup bán hàng online và mở rộng ra khu vực này. Với lợi thế của mình, Shark Bình đề nghị đầu tư 23 tỷ đổi lấy 35% cổ phần của Shondo.

Trước sự cạnh tranh với Shark Phú và Shark Bình, Shark Hùng Anh thay đổi đề nghị đầu tư, ông đưa ra con số 23 tỷ để ở hữu 30% cổ phần của Shondo. “Anh kinh doanh quốc tế, anh sẽ đưa sản phẩm của em ra thị trường nước ngoài. Anh có nhiều chi nhánh ở Mỹ, Âu, Singapore và Hồng Kông rồi.” 

Trước lời đề nghị của 3 Shark, Thông Hiệp cho biết mình muốn lắng nghe nhân sinh quan của các Shark.

Shark Phú cho biết ước mơ của ông khi khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm bằng chính bàn tay con người Việt Nam, có năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân và lan tỏa ra các nước khác. Và khi đầu tư ông cũng mong muốn sẽ hỗ trợ được cho startup như vậy để cùng phát triển. 

Shark Hùng Anh cho biết ông nhận thấy nhiệt huyết trong mắt Thông Hiệp và khuyến khích anh có niềm tin vào những gì bản thân đã làm. “Anh quyết định đầu tư để cho em làm chứ không phải can thiệp quá sâu vào công việc của em. Anh sẽ là người đồng hành với em để trao đổi, những gì khó khăn sẽ hỗ trợ mức tối đa cho em”, Shark Hùng Anh khẳng định.

Trong khi đó, Shark Bình cho biết với ông hạnh phúc là khi những gì mình có nhỏ hơn hoặc bằng những gì mình muốn. Chính vì vậy nếu cố mãi không được thì hãy giảm những gì mình muốn xuống để được hạnh phúc hơn.

Sau khi nghe chia sẻ của các Shark, Thông Hiệp cho biết anh thích nhất Shark Hùng Anh nên sẽ chốt deal 23 tỷ cho 30% cổ phần với Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation. 

Startup tiếp theo đến Shark Tank Việt Nam gọi vốn là VMeta – sàn phát hành NFT (Non-fungible token – tài sản không thể thay thế). Theo đó, startup này kêu gọi các Shark đầu tư 50.000 USD cho 5% giá trị công ty.

Theo giới thiệu của hai nhà đồng sáng lập Nguyễn Lê Vương và Trương Thành Đạt, trên thị trường có rất nhiều sách giả khiến người sở hữu sách thật khó chứng minh quyển sách của họ là thật. Trong khi đó NFT đang phát triển trong những năm qua. Công nghệ này giúp tạo ra những đoạn mã thông báo không thể thay thế và duy nhất. Khi gắn những đoạn mã này với các sản phẩm, chủ sở hữu có thể chứng minh cuốn sách của họ là sách thật và không ai có thể sao chép được những NFT này. Chính vì vậy, VMeta đã ra đời để giúp các nghệ sĩ, những nhà sáng tạo, những người nổi tiếng ở Việt Nam phát hành những sản phẩm của họ dưới dạng NFT.

Thông qua đó, VMeta mong muốn xây dựng bộ sưu tập về văn hóa, nghệ thuật để lan tỏa giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đến bạn bè thế giới. 

Không chỉ mong muốn mang đến những NFT tĩnh, hai nhà đồng sáng lập của VMeta còn muốn mang đến những NFT động mang giá trị thực cho cuộc sống như đầu bếp, bác sĩ, nghệ sĩ. Lê Vương lấy ví dụ rằng người dùng có thể mua NFT vật lý trị liệu và tự tập tại nhà, tiết kiệm được thời gian đến bệnh viện và đợi đăng ký.

Nói về tiềm năng phát triển của công nghệ NFT, Thành Đạt cho biết theo thống kê, có 17% người sử dụng internet tại Việt Nam sở hữu NFT, tương ứng cứ 6 người Việt Nam sẽ có 1 người sở hữu NFT. Công nghệ NFT phát triển từ năm 2017, đến năm 2020 doanh số ở lĩnh vực này là 80 triệu USD và đến năm 2021 là 25 tỷ USD. Những công ty đang phát hành NFT trên toàn cầu được định giá từ 100 triệu USD cho đến 12 tỷ USD. “Và tại sao với sức sáng tạo của người Việt Nam chúng ta không làm một sàn đứng ngang với họ”, Thành Đạt nêu quan điểm.

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về cách thức kiếm tiền của sàn NFT, Thành Đạt cho biết mô hình của mình giống với OpenSea, Rarible, SuperRare. Tuy nhiên về vấn đề thanh toán, startup sẽ sử dụng những phương thức thanh toán tại Việt Nam và những phương thức thanh toán của quốc tế được các quốc gia đó chấp nhận.

Khách hàng có thể phát hàng các nội dung số NFT và đăng bán tại nền tảng của VMeta. Nếu khách hàng không hiểu về công nghệ muốn NFT hóa sản phẩm thì startup sẽ hỗ trợ làm thủ tục lên sàn và marketing (tiếp thị) cho sản phẩm.

Trước thắc mắc của Shark Hùng Anh về cách quảng bá cho sàn thương mại của mình khi Google, Facebook hạn chế quảng cáo những sản phẩm liên quan tới NFT, Thành Đạt cho biết chiến lược lõi của mình là kết hợp với những nghệ sĩ, những người nổi tiếng tại Việt Nam để phát hành ra những collection (bộ sưu tập) về NFT. Fan (người hâm mộ) của những người nổi tiếng sẽ biết đến VMeta và startup sẽ có user (người dùng) ban đầu.

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng lý do không khởi nghiệp ở Đức khi phần lớn các nước châu Âu đã chấp nhận NFT, Lê Vương cho biết, khi đã bùng nổ, các quốc gia sẽ có NFT về văn hóa của quốc gia họ. Vậy thì Việt Nam cũng cần có bộ sưu tập NFT riêng. 

Ngoài ra, anh cũng muốn mang đến nguồn thu nhập cho các artist (nhà mỹ thuật). “Em cảm thấy sáng tạo của người Việt Nam rất mạnh, rất lớn. Các bạn làm ra được sản phẩm của mình rất đẹp, rất hay. Nhiều khi bên nước ngoài người ta thấy hay quá, đẹp quá người ta mua xong post (đăng tải) lên sàn thế giới và người ta bán ra, có thể kiếm ra hàng trăm ngàn, hàng triệu USD từ sự sáng tạo của các bạn. Trong khi giá trị các bạn hưởng được rất nhỏ”, Lê Vương cho biết.

Ấn tượng trước ý tưởng kinh doanh của startup, Shark Liên quyết định rút Golden Ticket (Vé Vàng) để giành quyền ưu tiên đàm phán với startup. Điều đó đồng nghĩa với việc các Shark khác bị loại khỏi cuộc đàm phán với startup.

“Chính giới trẻ của các em đang tạo ra xu thế. Vì vậy chị đồng ý với đề xuất này. Và sau đó chúng ta sẽ có những buổi làm việc đánh giá thực tế xem các em có được cái gì. Chúng ta phải làm rất nhiều việc và phải đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ mà chúng ta đang làm”, Shark Liên cho biết khi chốt đầu tư 50.000 USD cho 5% cổ phần của VMeta.

Startup tiếp theo đến với Shark Tank tuần này là Denise Sandquist (tên tiếng Việt là Trần Thanh Hương) – nhà điều hành và đồng sáng lập FIKA. Theo chia sẻ của Denise, FIKA là một trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò. FIKA được sáng lập dựa trên cảm hứng khi Denise từ Thụy Điển về Việt Nam tìm mẹ ruột và nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt. “FIKA có nhiệm vụ và mục tiêu trở thành ứng dụng toàn cầu giúp đỡ mọi người tạo dựng và duy trì những mối quan hệ có ý nghĩa” – Denise trình bày.

Denise cho biết FIKA ra mắt vào cuối năm 2020, hiện có 1,5 triệu lượt tải về và đang là ứng dụng hẹn hò lớn thứ 2 tại Việt Nam với hơn 100.000 người sử dụng hàng tháng. Đây là ứng dụng hẹn hò miễn phí tốt nhất trên nền tảng Google Play và đứng thứ 4 về ứng dụng đời sống trên nền tảng App Store tại Việt Nam. 

Denise dẫn chứng thêm rằng đã có nhiều ứng dụng hẹn hò thành công với mô hình này như Tinder – ứng dụng hẹn hò lớn nhất thế giới, trong năm 2020 đã có doanh thu cao hơn những công ty như Youtube TikTok và Netflix; Bumble – một ứng dụng hẹn hò hướng đến phái nữ trong năm qua đã đem về 8 tỷ USD; TanTan – ứng dụng hẹn hò được tạo ra bởi 2 doanh nhân người Hoa gốc Thụy Điển được bán với giá 680 triệu USD vào năm 2018, chỉ 3 năm sau khi được thành lập. Nhận thấy một cơ hội lớn đang chờ đón tại thị trường này, Denise cùng người đồng sáng lập Oscar đã phát triển ứng dụng FIKA dựa trên đối tượng khách hàng là người Châu Á và hướng đến phụ nữ với sự liên kết về chiêm tinh học, bài Tarot, kiểm tra tính cách và tích hợp cả trí tuệ nhân tạo và với 100% người dùng được xác thực. Chính vì vậy, cô mời các Shark đồng hành cùng mình với con số 3.000.000 USD cho 2% cổ phần với tham vọng trở thành một kỳ lân công nghệ mới tiếp theo tại Việt Nam.

Shark Bình thắc mắc 100% người dùng đã được FIKA xác thực bằng cách nào. Denise cho biết, FIKA xác thực tất cả người dùng bằng phương cách thủ công với 40 nhân viên làm công việc xác minh này. Shark Bình nhận xét cách làm này không tối ưu vì đã có nhiều thuật toán trí tuệ nhân tạo tự động xác minh ảnh trên giấy tờ tùy thân hoặc hộ chiếu, hoặc một số phương pháp quét khuôn mặt theo thời gian thực. Denise cho biết FIKA đã gọi vốn được 1,6 triệu USD vào năm qua và công ty mong muốn tự phát triển công nghệ riêng. Phản đối ý kiến này, Shark Bình cho rằng đã có rất nhiều công ty trí tuệ nhân tạo đã có sẵn các thuật toán để xác minh, FIKA không cần thiết phải tự tạo ra công nghệ riêng. 

Tiếp tục trả lời câu hỏi của Shark Bình về cơ cấu doanh thu, Denise cho biết FIKA theo mô hình kinh doanh quảng cáo để tạo doanh thu và bên cạnh đó sẽ có thu phí đăng ký, ban đầu người dùng sẽ được sử dụng miễn phí, nhưng nếu muốn sử dụng các gói cao hơn, người dùng phải đăng ký và trả phí. 

Với những ứng dụng hẹn hò, tầm 10-15% người dùng thực đang trả tiền cho các gói đăng ký. FIKA đưa ra mức 150.000 VND/tháng và mức này thấp hơn Tinder tại Việt Nam. Và giả sử rằng FIKA có 100.000 người dùng tích cực hàng tháng và 10% của con số đó là 10.000 người trả phí đăng ký. Tương đương 50.000USD nhân cho 12 tháng. Đây là một mô hình kinh doanh rất có lợi nhuận. Tôi và người đồng sáng lập đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2020, Tinder đã kiếm được nhiều tiền hơn Netflix, Tiktok và Youtube. Vì vậy để thu phí đăng ký thực sự không khó.” – Denise trình bày.

Trước thắc mắc của Shark Hùng Anh khi công ty chưa tạo ra doanh thu nhưng lại định giá công ty tương đương 150 triệu USD, Denise so sánh với những ứng dụng hẹn hò khác như Tinder và Bumble, có bội số hẹn hò từ 50-120 và liên quan đến lượt tải xuống của ứng dụng. “Nếu bạn có 1,5 triệu lượt tải xuống và nhân 10, nó sẽ trở thành 150.000.000 USD” – Densie giải thích cho cách tính định giá công ty mình.

Vì vậy, 3 triệu USD không đủ ngay cả khi trở thành một công ty trí tuệ nhân tạo lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, với 30 triệu USD cho 20% thì tôi có thể biến FIKA trở thành một kỳ lân công nghệ tại Việt Nam.” – Densie tự tin trình bày với các Shark.

Khi Shark Bình cảm thấy không thuyết phục vì các ứng dụng kia đã thực sự kiếm ra được doanh thu còn Fika thì chưa, Denise phản biện rằng Tinder đã mất 2 năm để tạo ra doanh thu, Facebook, Youtube, và Twitter mất 3-5 năm không tạo ra doanh thu nên FIKA không có nghĩa là sẽ không bao giờ có doanh thu. Cô cũng tiết lộ, chi phí thu hút khách hàng của FIKA từ 3.000 đến 8.000 VND/một người dùng.

Trước nghi ngại của Shark Liên về việc nhiều phụ nữ lên app bị lừa tiền, lừa tình, Denise cho biết mỗi một người dùng lên app FIKA tìm người phù hợp sẽ có 3 bước: tìm hiểu mình là ai với các bài kiểm tra cá nhân; tìm hiểu mình muốn gì, và thứ 3 là tìm được một người phù hợp nhất trong FIKA, bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận, mình không thể kiểm tra một người đã có vợ hoặc có chồng lên ứng dụng hẹn hò này.

Chị rất yêu những người phụ nữ dấn thân và con đường làm công nghệ nhưng rất tiếc em đang đánh giá giá trị của công ty em chị không thể hình dung ra được, và nó chưa có gì cả nên vì vậy chị không đầu tư” – Shark Liên là vị “cá mập” đầu tiên từ chối đầu tư vào FIKA.

Nhận thấy có quá nhiều lỗ hổng và rủi ro, Shark Hùng Anh cũng quyết định không đầu tư.

Định giá công ty quá cao, mô hình kiếm tiền cũng không dễ, Shark Phú cũng quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cho rằng Denise đến Shark Tank tương đối sớm vì FIKA vừa hoàn tất và đang chưa có doanh thu, chưa có điều gì chắc chắn cho sự thành công. Vì vậy Shark Hưng cũng quyết định không đầu tư và khuyên Denise nên cần thêm một chút thời gian hoặc có thể tìm kiếm một nhà đầu tư thiên thần khác.

Về phía Shark Bình, ông tính toán ước chừng tổng chi phí thu hút khách hàng của FIKA tầm 200.000 USD. Và nếu đưa ra ước tính lợi nhuận 20 lần, Shark Bình tính toán định giá của FIKA không hơn 4 triệu USD. Shark Bình cũng tiết lộ, mình từng thẩm định một số ứng dụng hẹn hò và hầu hết đã biến mất sau một vài năm. Việc tìm kiếm người dùng, thu hút người dùng cho ứng dụng này rất đơn giản nhưng tạo ra được doanh thu từ đó là điều gần như không thể. 

Vì vậy tôi đánh giá cao bạn là một người phụ nữ, nhưng nếu bạn là nam thì tôi nói rằng đó là ngáo giá. Đây là một trong trong những lời đề nghị ngáo giá nhất tại Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay trong suốt 5 mùa. Thành thật mà nói vì vậy tôi sẽ không đầu tư” – Shark Bình kết luận.

Startup cuối cùng đến Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Đoàn Hồng Trung – Nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần công nghệ IMWI, một công ty chuyên về cánh tay robot và trí tuệ nhân tạo. Hồng Trung cho biết anh đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi đầu tư với hai phương án là 300.000 USD cho 5% cổ phần1,5 triệu USD cho 20% cổ phần.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Hồng Trung giới thiệu sản phẩm đầu tiên của công ty là cánh tay Robot Delta X. Đây là cánh tay robot ứng dụng trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Hiện tại startup có 3 mẫu sản phẩm là Delta X1 với mã nguồn mở để phục vụ cho mục đích giáo dục, các phòng nghiên cứu hoặc cộng đồng yêu thích robot. Delta X2 là sản phẩm cao cấp hơn được sử dụng trong các phòng nghiên cứu R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) để thử nghiệm ý tưởng. Delta XS là phiên bản công nghiệp, cũng là sản phẩm chủ đạo của startup.

Hồng Trung cho biết đây là loại robot có cấu trúc hình học delta, thường được sử dụng trong công nghiệp ở những ứng dụng gắp thả sản phẩm. Anh chia sẻ rằng giá thành robot delta trên thị trường đang rất cao, không phù hợp với cá nhân hay tổ chức có nguồn vốn hạn hẹp. Chính vì vậy anh đã sáng tạo ra Delta X với giá cả phải chăng.

Nói về bức tranh tài chính, Hồng Trung cho biết doanh thu năm 2021 là 4,1 tỷ với lợi nhuận gộp khoảng 3,2 tỷ, lợi nhuận ròng 1,5 tỷ. Hồng Trung tự tin rằng khi gọi được vốn, có khả năng sản xuất hàng loạt, đưa chứng chỉ vào robot thì startup của anh có thể bán được 3.000 đơn vị trong 1 – 2 năm sau.

Anh có các đối tượng khách hàng chính là startup hoặc doanh nghiệp cung cấp hệ thống tự động hóa mua robot về để xây dựng hệ thống; hoặc là người dùng cuối muốn đưa giải pháp vào nhà máy của họ. Ngoài ra anh còn bán robot và các hệ thống phần cứng, phần mềm liên quan, ứng dụng cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như đóng gói thực phẩm, linh kiện điện tử, phân loại rác, hạt điều, cà phê… Trong 2 năm qua, startup của anh có khách hàng đến từ 45 nước trên thế giới, chủ yếu đến từ Mỹ và Châu Âu, và đặc biệt có một đơn hàng lớn đến từ một công ty sản xuất khẩu trang của Hàn Quốc.

Hồng Trung cho biết công nghệ của anh đặc biệt nhất là firmware (chương trình máy tính điều khiển phần cứng) vì nó khắc phục được tất cả nhược điểm của các thành phần cơ khí và điện tử rẻ tiền. Điều đó tạo ra lợi thế là chi phí robot của anh thấp, chỉ bằng 5 – 20% giá thành so với các sản phẩm trên thị trường nhưng hiệu năng đạt từ 60 – 80%.

Trả lời câu hỏi của các Shark về lý do gọi vốn 1,5 triệu USD, Hồng Trung cho biết anh muốn xây dựng nhà máy sản xuất và xây dựng một hệ sinh thái các cánh tay robot khác.

Hồng Trung cho biết cách đây 2 năm anh đã nhận được lời đề nghị đầu tư 50.000 USD cho 5% cổ phần đến từ một khách hàng. Gần đây anh lại tiếp tục nhận được đề nghị đầu tư 300.000 USD cho 5% cổ phần kèm điều kiện sang Mỹ định cư một năm để lắp đặt dây chuyền 1.000 con robot, nhưng anh đã từ chối. “Suốt 2 năm qua, bọn em nhận được rất nhiều lời đề nghị xây dựng nhà máy ở châu Âu, Ấn Độ và Canada nhưng bọn em từ chối vì muốn làm điều đó ở Việt Nam”, Hồng Trung giải thích.

Shark Phú đưa ra đề nghị ông sẽ lo toàn bộ nguyên liệu, vật tư, nhà máy, còn Hồng Trung lo thiết kế, chế tạo, bán hàng. Lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên Hồng Trung từ chối và cho biết anh muốn đặt nhà máy ở Đà Nẵng vì đã có nhiều người giỏi bỏ Đà Nẵng ra đi và bản thân anh muốn làm gì đó cho Đà Nẵng, miền Trung. “Mục đích em làm là để tạo công ăn việc làm chứ không phải chỉ để tạo lợi nhuận cho riêng mình”, Hồng Trung cho biết thêm

Quan điểm này của anh không nhận được sự đồng tình của các Shark. Shark Bình cho rằng yêu quê hương đất nước là điều tốt nhưng có thể sản xuất ở nơi sẵn có để tối ưu thời gian, chi phí. Ông cũng nêu ví vụ rằng Apple được thiết kế ở California nhưng sản xuất tại Trung Quốc. Shark Hưng thì cho rằng phần đầu tư máy móc thiết bị chế tạo máy lớn startup có thể làm ở ngoài Hà Nội, còn linh kiện lắp ráp, thủ công bằng tay thì chuyển về Đà Nẵng. 

Cuối cùng Shark Bình quyết định không đầu tư vì không cùng lĩnh vực với startup. Shark Liên, Shark Hưng, Shark Phú cũng lần lượt từ chối đầu tư. Còn lại Shark Hùng Anh, ông quan tâm đến quy mô công ty và tỷ lệ cổ phần hiện tại của doanh nghiệp. 

Shark Hùng Anh cho biết ông thích nghị lực, ý chí của startup. Chính vì vậy ông sẽ đầu tư cho Hồng Trung 10 tỷ đổi lấy 35% cổ phần. “Mình muốn hỗ trợ bạn trong vấn đề về điều hành. Mình thấy bạn chỉ đam mê về kỹ thuật chứ chưa có khả năng về điều hành, chưa có khả năng launching (ra mắt) một business (doanh nghiệp) nào hoàn chỉnh quy mô mà bán ra được nước ngoài đâu”, Shark Hùng Anh nhận xét.

Hồng Trung cho rằng sản phẩm của mình nếu không tiềm năng thì trong 2 năm đại dịch vừa qua anh đã không có 98 khách tiếp cận mua sản phẩm. Tin rằng bản thân mình mới dẫn dắt startup đi đúng hướng, Hồng Trung đề nghị Shark Hùng Anh lấy 35% lợi nhuận cho đến khi thu hồi vốn và giảm cổ phần kiểm soát công ty lại khoảng 10 – 15%.

Sau một hồi thương thảo, Shark Hùng Anh nhấn mạnh rằng đây là phi vụ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, ông đưa ra đề nghị sẽ giữ 35% cổ phần và 35% lợi nhuận cho đến khi Hồng Trung có thể nâng vốn để Shark giảm tỷ lệ xuống còn 15% cổ phần. 

Cuối cùng Hồng Trung đồng ý với đề nghị đầu tư này của Shark Hùng Anh.

Đón xem Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 tại: https://youtu.be/7Z76QQHii-shttps://youtu.be/4tbvH9AebSE


Từ Khóa:

Tin Liên Quan