logo
Thứ bảy, 11/05/2024 14:39:37

Rơi nước mắt với vở kịch của đạo diễn Minh Nhật


(Dispatch.vn) - Với kịch phẩm “Lá mùa thu” đầy xúc động trong đêm thi thứ 10, phát sóng vào tối 10/9 trên kênh THVL1, đạo diễn Minh Nhật đã khiến cho giám khảo NSND Hồng Vân, NSƯT Công Ninh và nghệ sĩ Thanh Hằng cùng khán giả tại trường quay phải rơi nước mắt.

Sau nhiều đêm thi dẫn đầu liên tiếp, những tập gần đây của Kịch cùng Bolero 2018, đạo diễn Minh Nhật đã bất ngờ rơi xuống vị trí cuối bảng và có nguy cơ phải chia tay chương trình. Tuy nhiên, với kịch phẩm “Lá mùa thu” đầy xúc động trong đêm thi thứ 10, phát sóng vào tối 10/9 trên kênh THVL1, đạo diễn Minh Nhật đã khiến cho giám khảo NSND Hồng Vân, NSƯT Công Ninh và nghệ sĩ Thanh Hằng cùng khán giả tại trường quay phải rơi nước mắt. Anh xuất sắc nhận được số điểm cao nhất và trở lại vị trí dẫn đầu.

Kịch phẩm Lá mùa thu do Minh Nhật làm đạo diễn và viết kịch bản, nội dung nói về tình yêu thương con vô bờ bến của bà Sứ (NSƯT Kim Xuân) với người con trai là Minh (Công Danh). Chồng mất sớm, bà Sứ 1 mình nuôi Minh khôn lớn bằng nghề may vá. Không phụ lòng mẹ, Minh học rất giỏi và nhận được học bổng du học nước ngoài 5 năm. Trong thời gian đó, bà Sứ ở nhà mòn mỏi nhớ con đến mức lú lẫn, nhớ trước quên sau. Vốn là bạn thân lâu năm của vợ chồng bà Sứ, lại được chồng bà Sứ giao phó trách nhiệm chăm sóc cho 2 mẹ con bà trước lúc ông mất nên ông Tuấn (Thanh Tuấn) thường xuyên qua nhà thăm nom, trò chuyện để bà Sứ đỡ buồn. Biết bà Sứ muốn được ở cạnh con trai mình nên ông Tuấn đã xin việc cho Minh ở thị trấn gần nhà để mẹ con có thể ở gần nhau. Sau 5 năm du học, Minh quay về tìm mẹ. Bà Sứ vui mừng, hạnh phúc gặp lại con trai sau bao ngày xa cách. Minh dắt theo người yêu là Trang (Hồng Trang) để ra mắt mẹ. Là một cô gái mồ côi mẹ từ nhỏ nên Trang không hiểu hết được tình thương của một người mẹ dành cho con trai nên cô nghĩ rằng mình là người phụ nữ quan trọng số 1 đối với Minh. Cô làm áp lực buộc Minh về thành phố để lập nghiệp vì ở nơi đó có nhiều tập đoàn lớn, anh mới có điều kiện phát huy hết khả năng của mình nhưng Minh không đành lòng bởi anh không muốn để mẹ sống 1 mình. Tình cờ nghe được câu chuyện, vì thương con trai, bà Sứ giả vờ như không biết gì, ra sức ủng hộ Minh ra sống riêng với vợ và về thành phố để phát triển sự nghiệp. Sau đám cưới, 2 vợ chồng Minh và Trang lên thành phố sống, bà Sứ ở lại quê 1 mình. Hàng tháng, cả hai gửi tiền vào thẻ ATM để bà chi tiêu nhưng điều bà Sứ cần là được nhìn thấy con trai, con dâu. Tuy nhiên, công việc của Minh ngày càng nhiều,những chuyến về thăm mẹ của anh ngày một thưa dần, những cuộc điện thoại cũng ngắn gọn hơn…Bà Sứ cứ thế lầm lũi đợi con, nhớ con nhưng không dám gọi, đến bị bệnh bà cũng không dám kêu vì sợ phiền con… Rồi bà Sứ bị lẫn thật, suốt ngày bà nói chuyện với chiếc ma nơ canh kỷ niệm của bà và con trai từ những ngày Minh còn chập chững. Đau lòng trước tình cảnh đó, ông Tuấn gọi vợ chồng Minh về. Trên đường về gần nhà, nghe hàng xóm đồn bà Sứ thường hay nói chuyện với người lạ trong nhà suốt đêm, Minh đâm ra bực dọc vì nghĩ rằng mẹ và ông Tuấn có gian tình với nhau bởi anh biết thời trẻ ông Tuấn rất si mê mẹ anh nhưng không được đáp lại. Tức giận vì cho rằng đó là lý do khiến bà Sứ một mực muốn vợ chồng anh ra riêng để có thể thoải mái đến với ông Tuấn, ngay khi bước chân vào nhà, Minh đã vội trút hết tất cả bực dọc của mình. Nhưng, lúc này bà Sứ đã không còn nhận ra con trai của mình nữa. Bà gần như điên dại bên cạnh con ma nơ canh mà bà nghĩ là Minh. Được ông Tuấn cho biết toàn bộ sự thật, Minh sụp xuống trong đau khổ và hối hận nhưng tất cả đã quá muộn. Bà Sứ đã qua đời không lâu sau đó trong nỗi nhớ thương con da diết. Hình ảnh Minh quỳ sụp xuống trước người mẹ đang ôm con ma nơ canh trong khung cảnh lá vàng rơi xao xác và giai điệu của bài hát Lòng mẹ (sáng tác: Y Vân), đã khiến cho các giám khảo, MC và khán giả không cầm được nước mắt… Vở kịch hết thúc với hình ảnh Trang đau khổ cài lên ngực Minh bông hoa màu trắng trong ngày lễ Vu Lan với sự ray rứt và hối hận không nguôi. Cuối cùng thì Trang đã hiểu được sự bao la của tình mẹ, sự hy sinh vô bờ bến của một người mẹ dành cho con mình và không ai có thể thay thế được vị trí độc tôn của người mẹ trong lòng những người con.

Vở kịch của đạo diễn Minh Nhật đã khiến nghệ sĩ Thanh Hằng đã không cầm được nước mắt. NSND Hồng Vân sau nhiều lần cố kìm nén cảm xúc nhưng cuối cùng chị cũng đã khóc và nhói tim trước diễn xuất xuất thần của NSƯT Kim Xuân trong vai người mẹ. Ngoài NSƯT Kim Xuân, đạo diễn Minh Nhật đã thành công khi “chọn mặt gửi vàng” cho các diễn viên Công Danh, Thanh Tuấn và Hồng Trang. Tất cả đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. NSND Hồng Vân đã dành lời khen cho đạo diễn Minh Nhật: “Cô không có điểm nào để bắt lỗi con được, không dư không thiếu 1 điều gì, rào trước, đón sau, giăng bẫy ngay cả những người trong nghề như cô. Đặc biệt chi tiết khiến cô bị sốc là đoạn bà mẹ ôm ma nơ canh. Diễn xuất của chị Kim Xuân khủng khiếp, khi mời được chị Kim Xuân cho vai bà mẹ là con đã thành công đến 90% vở kịch. Con xử lý không gian quá thông minh, cảnh lá rơi tiêu điều rất đúng tâm trạng của người mẹ, lại rất “ăn” với chi tiết đầu tiên người mẹ nhặt không sót 1 bông sứ nào. Cô ngăn mấy lần nhưng không nổi phải òa khóc. Tương lai, chắc chắn con là đạo diễn cứng cựa”.

Là người theo dõi hành trình của đạo diễn Minh Nhật xuyên suốt chương trình, NSƯT Công Ninh không ngớt lời khen: “Tôi thấy không gian múa qua màn hình led và những chuyển động của cảnh trí, tôi thích em từ khi mở màn khi không đi theo lối mòn. Em rất giỏi khi đưa hình ảnh người dân thị trấn miền trung du thường sống bằng nghề may vá, nhất là phụ nữ, em đưa nhân vật vào rất hợp. Ban đầu khi các nhân vật tập trung quanh hình nộm là tôi đã nghi rồi nhưng câu chuyện cuốn hút khiến tôi quên đi và đùng 1 cái em tạo 1 cú bất ngờ kéo tấm màn người mẹ lẫn trí ôm hình nộm tưởng là con mình, phải công nhận tôi nể em. Có 2 ca khúc trong nghề đạo diện xử lý rất là khó đó là bài Lòng mẹ và Bông hồng cài áo, bản thân ca từ, giai điệu bài hát đã quá đầy đủ rồi nên đưa vào nhân vật hay tâm trạng nào đó không khéo sẽ bị làm quá. Nhưng lớp kịch của em đưa 2 bài hát vào ngọt ngai, không thể nào cầm được nước mắt”.

Không chỉ ghi điểm khi dàn dựng bối cảnh sân khấu kết hợp hiệu ứng màn hình led ấn tượng, thay đổi liên tục theo nhiều không gian và thời gian, đạo diễn Minh Nhật còn mang đến nhiều cảm xúc cho người xem khi lồng ghép khéo léo vào vở kịch các ca khúc Hoa sứ nhà nàng, Đèn khuya…. Với vở kịch xuất sắc mang đến nhiều cảm xúc, đạo diễn Minh Nhật nhận được số điểm là 29,75 điểm, cao nhất trong chủ đề “Em chỉ là người đàn bà thứ 2”.

Đạo diễn Bảo Châu mang đến vở kịch Người đàn bà dự bị được cảm tác từ tác phẩm Chuyện thời kẹt xe của tác giả Phạm Tân – Huỳnh Tuấn Anh. Nội dung tiết mục xoay quanh câu chuyện gia đình ông Nhẫn (Bảo Trí). Thời trẻ, ông Nhẫn yêu bà Nhàn (Mỹ Dung). Khi bà Nhàn mang thai, gia đình ông Nhẫn không chấp nhận và ruồng rẫy khiến bà đau khổ bỏ đi và âm thầm sinh con gái là Nhu (Dương Cẩm Lynh). Thời gian sau, ông Nhẫn cưới vợ là bà Lan nhưng chẳng may bà bị hậu sản không có con. Ông Nhẫn không muốn bà Lan đau khổ, lại không muốn lỗi đạo với bà Nhàn nên đã cho người đi tìm bà để trình bày ý định mang con gái về nuôi. Bà Nhàn chấp nhận giao con cho ông Nhẫn vì muốn con gái có cuộc sống tốt hơn, nhưng rồi vì quá nhớ con nên bà thuê căn nhà đối diện nhà ông Nhẫn để bán xôi kiếm sống và để hàng ngày được nhìn thấy con gái lớn khôn. Nhu lớn lên trong cảnh khá giả, được cha mẹ yêu thương nhưng trong lòng có 1 sự ám ảnh đối với người đàn bà bán xôi đối diện nhà, bởi từ khi bà xuất hiện, ông Nhẫn suốt ngày ăn xôi thay cơm và bắt cô ăn sáng bằng xôi của bà. Bà Lan qua đời chưa đầy 49 ngày, ông Nhẫn muốn nối lại tình xưa với bà Nhàn và quyết định nói sự thật cho con gái biết. Nhu bị sốc khi biết người lâu nay cô vẫn nghĩ là người phá hoại hạnh phúc gia đình mình lại chính là mẹ ruột nên nhất thời không chấp nhận được và đòi cắt tay dứt tình dòng máu với bà Nhàn. Hai cha con Nhu vì chuyện này bất hòa với nhau. Vì muốn 2 cha con bình yên, bà Nhàn gom đồ bỏ đi nhưng vừa ra khỏi nhà thì bị tai nạn giao thông qua đời. Vở kịch khép lại với hình ảnh Nhu hối hận gặp lại người mẹ ruột của mình trong giấc mơ. Trong vở kịch, đạo diễn Bảo Châu đã sử dụng các ca khúc Ngõ vắng xôn xao, Không phải tại chính mình, Tuyết lạnh, Bài ca không tên số 40.

Tiết mục đã nhận nhiều góp ý của các giám khảo vì sự thiếu hợp lý trong kịch bản và nhận được số điểm 24,5 – thấp nhất trong chủ đề này.

Tập thứ 10 đã khép lại chủ đề “Em chỉ là người đàn bà thứ 2”. Tổng số điểm sau 2 chủ đề “Nhà là nơi” (tập 7 và 8) và “Em chỉ là người đàn bà thứ 2” (tập 9 và 10), đạo diễn Minh Nhật vươn lên dẫn đầu với tổng điểm là 55,5 điểm, kế đến là đạo diễn Minh Tuấn (54,25 điểm) và Thái Kim Tùng (53,5 điểm). Với tổng điểm thấp nhất, đạo diễn Bảo Châu (51 điểm) đã phải chia tay chương trình. Bảo Châu cũng là đạo diễn nữ cuối cùng phải dừng cuộc chơi, sau 2 đạo diễn trước đó là Như Huỳnh và Thùy Dương. Cuộc chơi bây giờ chỉ còn lại 3 đạo diễn nam đó là Minh Tuấn, Minh Nhật và Thái Kim Tùng. Cuộc cạnh tranh của 3 đạo diễn nam chắc chắn sẽ rất thú vị bởi cả ba gần như ngang tài ngang sức. Minh Tuấn dù là đạo diễn nhỏ tuổi nhất nhưng lại cho thấy sự tiến bộ rõ rệt qua từng vòng thi. Thái Kim Tùng đầy cá tính, khác biệt, đó là một ưu điểm nhưng đôi khi cũng là khuyết điểm của anh. Minh Nhật đang vươn lên dẫn đầu nhưng sự trồi sụt thất thường. Tập tiếp theo của chương trình sẽ phát sóng vào lúc 21h thứ Hai ngày 17/9 trên kênh THVL1.

Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Dẫn chương trình là Quán quân và Á quân của Kịch cùng Bolero mùa 1: đạo diễn Ngọc Duyên và đạo diễn Vũ Trần.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan