“Chúng ta muốn gì? Trả tự do cho Britney”.
“Chúng ta muốn điều đó xảy ra khi nào? Ngay bây giờ”.
“Quyền giám hộ phải được hủy bỏ!”.
Những câu nói đó vang lên bên ngoài phiên xử quyền giám hộ của Britney Spears ở thành phố Los Angeles, Mỹ vào sáng 22/6 (giờ địa phương).
Hơn 100 người đã kéo đến và đứng chờ Britney. Họ mang theo loa phóng thanh, căng băng rôn, cầm biển ngữ kêu gọi #FreeBritney. Đám đông vừa đi vừa hô hào, mong muốn đòi công bằng cho nữ ca sĩ.
Dòng người biểu tình coi quyền quản thúc là phương tiện độc đoán, được thúc đẩy bởi lòng tham nhằm mục đích kiểm soát cuộc sống và tài sản của Britney.
Jakeyonce – một người hâm mộ Britney – dừng lại chia sẻ với New York Times: “Britney đang nói ra tất cả. Đây là điều tôi mong chờ nhất. Tôi cảm giác như cô ấy đã không thể được phát ngôn trong 13 năm qua. Và chúng ta cuối cũng được nghe những gì Britney giãi bày. Đây là cơ hội cuối cùng của Britney, là phép màu của cô ấy”.
Vài giờ trước khi hay tin Britney Spears sẽ gặp thẩm phán ở New York, rất nhiều người đến từ Las Vegas, Detroit, Charlotte… đã có mặt trước nơi diễn ra phiên tòa để thổi bùng phong trào #FreeBritney.
Kevin Wu – nhà phân tích dữ liệu sống ở Hollywood – đứng ra tổ chức những cuộc phản đối tương tự vào tháng 5/2019. Kể từ thời điểm đó, sự ủng hộ Britney đã lên một tầm mới, ngày càng đông người tham gia với quy mô hoành tráng hơn.
Theo người đàn ông gốc Á, quyền kiểm soát được áp đặt lên Britney là sự bóc lột, cho thấy quyền công dân của cô bị xâm phạm. Việc trái công lý này cần phải được sửa chữa, và điều đó sẽ không trở thành hiện thực nếu không có sự phẫn nộ của công chúng.
Lời khai của ngôi sao nhạc pop đã khiến Kevin bị sốc bởi thực tế tồi tệ hơn anh nghĩ. “Dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu vì cô ấy”, anh nhấn mạnh.
Kevin Wu đứng ra tổ chức các cuộc phản đối chống lại ông Jamie, đòi tự do cho Britney Spears. Ảnh: Billboard. |
New York Times cho biết những người xuất hiện hôm 22/6 có cả nhà hoạt động cải cách chế độ bảo hộ. Họ phản đối sự kìm kẹp Britney không chỉ vì tình yêu âm nhạc, mà còn từ trải nghiệm cá nhân.
Trong số đó có Terri Black, một cựu kế toán đã trở thành người vận động toàn thời gian cho Trung tâm Cải cách Quản lý Bất động sản. Terri có quyết định này sau cái chết của cha vào năm 2015.
“Cha tôi là nạn nhân của kẻ giám hộ lừa đảo”, người phụ nữ sống ở Charlotte chia sẻ. Terri thấy những điểm tương đồng giữa hoàn cảnh của Britney và cuộc đấu tranh của chính cô trong việc giành lại quyền kiểm soát tài sản của cha cô.
Sau khi phiên tòa kết thúc, Britney lặng lẽ ra về, Lisa MacCarley – luật sư ở Los Angeles chuyên về luật chứng thực di chúc và bảo hộ – đã bước ra giải tán đám đông. Cô không dùng thái độ gay gắt mà ngược lại còn khẳng định: “Những người trẻ của #FreeBritney. Các bạn đã đúng”.
Năm 2008, khi ông Jamie Spears được công nhận sẽ thay con gái quản lý tài chính và những thứ khác, cộng đồng người hâm mộ đã hoài nghi về những gạch đầu dòng trong quyền giám hộ được áp dụng lên Britney.
Họ không ngừng đặt ra câu hỏi: “Liệu quyền giám hộ có mang đến lợi ích tốt nhất cho Britney?”.
Làn sóng #FreeBritney – Trả tự do cho Britney bắt đầu hình thành từ giai đoạn đó. Phong trào này đã lan rộng toàn cầu sau khi một tập của podcast Britney’s Gram lên sóng. Trong đó, vị luật sư ẩn danh (người từng thuộc công ty giám sát quyền giám hộ Britney) lo ngại ông Jamie đang điều khiển cuộc sống của con gái.
|
Những biểu ngữ có nội dung bảo vệ, ủng hộ Britney Spears được người hâm mộ sử dụng. Ảnh: New York Times. |
Theo People, cụm từ “Free Britney” có nguồn gốc từ BreatheHeavy.com, trang web do người hâm mộ lập ra vào năm 2009.
Chủ sở hữu trang web là Jordan Miller cho biết anh từng nhận cuộc gọi giận dữ và đe dọa sẽ làm bốc hơi BreatheHeavy.com từ Jamie Spears. Nhưng nhanh chóng sau đó, phong trào #FreeBritney đã bắt đầu thu hút nhiều người tham gia, cũng như nhận được sự quan tâm của những đồng nghiệp Britney.
“Miley Cyrus đã hét lên cụm từ #FreeBritney trong buổi hòa nhạc năm 2019. Và bộ phim tài liệu Framing Britney Spears mà The Times phát hành hồi tháng 2, càng làm phổ biến hơn phong trào này”, New York Times viết.
Theo Harper’s Bazaar, cũng vào năm 2009, trang web FreeBritney.net ra đời và đưa ra tuyên bố rằng công chúa nhạc pop không cần quyền bảo hộ.
Trang này phân tích: “Suốt thời gian chịu sự quản thúc, Britney đã lưu diễn khắp thế giới, phát hành album và xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình. Người giám hộ nắm quyền quyết định Britney có nên làm việc hay không. Britney không thể tự ký hợp đồng vì bản thân cô ấy đang chịu các vấn đề pháp lý. Britney cần sự cho phép của ông Jamie mới được rời khỏi nhà hoặc tiêu tiền của riêng mình”.
Hình ảnh Britney Spears vui vẻ chụp hình cùng fan cách nay nhiều năm. Ảnh: Pinterest. |
Khi trò chuyện trực tiếp với Chánh toà Thượng phẩm Brenda Penny hôm 22/6, Britney đã nói rõ điều này. Cô nhấn mạnh rằng nếu không nghe theo Jamie và đội ngũ của ông, cô phải chịu sự trừng phạt và bị đối xử chẳng khác nào nô lệ.
Một trong những hình phạt khủng khiếp nhất với Britney là bị giam cần trong căn nhà ở Beverly Hills, làm việc 7 ngày/tuần từ sáng đến đêm, không được gặp bạn trai và các con riêng.
Chính vì lẽ đó, #FreeBritney đã bùng lên mạnh mẽ hơn nhằm kêu gọi sớm chấm dứt nỗi đau mà nữ ca sĩ gánh chịu. Năm ngoái, 100.000 người ký vào đơn nộp lên Nhà Trắng, yêu cầu chính phủ can thiệp vào phiên tòa quyền giám hộ của Britney.
Những người này cho rằng nữ ca sĩ không có biểu hiện bất ổn tâm lý, vẫn biểu diễn và phát hành nhạc một cách bình thường trong nhiều năm qua.
Cộng đồng yêu mến giọng ca …Baby One More Time đã trích một bình luận tâm đắc, viết rằng: “Sai lầm của team Jamie là đã đánh giá sai các fan của Britney. Chúng ta yêu Britney vì chính bản thân cô ấy, không phải Britney – một ngôi sao nhạc pop. Chúng ta muốn Britney được tự do. Chúng ta đã để mất Michael Jackson, Amy Winehouse và Whitney Houston. Chúng ta không thể để mất Britney Spears nữa”.
Theo People, Britney rời tòa Los Angeles trong trạng thái nhẹ nhõm vì đã trút bỏ bầu tâm sự giấu kín bấy lâu nay. Paparazzi nhìn thấy cô đích thân ngồi ghế lái, chở bạn trai và vệ sĩ về nhà.
Thế nhưng, trước sự ủng hộ của người hâm mộ vượt ngoài trí tưởng tượng, một lần nữa Britney đã không kìm được cảm giác xúc động.
Cô trải lòng trên Instagram đêm 24/6: “Tôi có bí mật nhỏ để kể. Chúng ta đều muốn sống hạnh phúc như trong chuyện cổ tích và theo cách tôi đăng, có vẻ cuộc sống của tôi khá tuyệt. Tôi nghĩ đó là những điều chúng ta đều phấn đấu có được”.
Tuy nhiên, Britney thừa nhận rằng cô chưa bao giờ cảm thấy ổn. Những bài cô đăng trên mạng xã hội thể hiện sự vui vẻ, vô tư tập gym, khiêu vũ… đều là nói xạo. Trước nay, cô che giấu vì không dám đối mặt.
Ngay cả tuyên bố: “Tôi biết rằng đã có rất nhiều bình luận và rất nhiều người đã nói vô số điều khác nhau về tôi, nhưng tôi chỉ muốn cho các bạn biết rằng tôi vẫn ổn” từ tháng 11/2020 – cũng là giả.
Xem ra giờ đây, bằng sự dũng cảm đương đầu với sự thật, Britney cho rằng điều đầu tiên cô cần nói là cảm ơn, cũng như xin lỗi tới các fan: “Tôi xin lỗi vì đã giả vờ như mình vẫn ổn. Tôi đã làm điều đó vì lòng tự hào của mình và tôi rất xấu hổ khi chia sẻ những gì đã xảy ra. Nhưng thành thật mà nói, ai mà không muốn chia sẻ những điều hạnh phúc và tích cực trên mạng xã hội, đúng không?”.
|
Nữ ca sĩ cảm ơn vì sự ủng hộ quá lớn từ người hâm mộ. Ảnh: Today. |
Theo New York Times, phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14/7. Không thể khẳng định trước kết quả sẽ như thế nào, song tờ này cho rằng tính bước ngoặt đối với phong trào #FreeBritney đã được thể hiện qua những gì đã và đang diễn ra.
Theo Zing.vn