logo
Chủ nhật, 12/05/2024 11:53:52

Phương Mai tranh cãi gay gắt về sự vô cảm


(Dispatch.vn) - Phương Mai lần đầu tiên đã có cuộc tranh luận nảy lửa với host Phương Hiếu về việc Phương Hiếu cho rằng cô đang quy chụp người khác vô cảm trong khi “nạn nhân” không hề lên tiếng nhờ giúp đỡ.

Sau khi chia tay ca sĩ Lều Phương Anh và MC Minh Xù ở tuần trước, Quyền Lực Ghế Nóng 2018 còn lại 6 nghệ sĩ tham gia tranh luận. Trong tập 7 của chương trình, vừa phát sóng vào tối 28/11 trên VTV3, 6 nghệ sĩ được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm tranh luận 1 chủ đề khác nhau. Giám khảo của đêm thi là tiến sĩ Lê Thẩm Dương và Hoa hậu đền Hùng Giáng My.

Nhóm đầu tiên gồm có nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, diễn viên Nam Thư và MC Thanh Vân Hugo tranh luận về chủ đề “Tâm Linh”. Đây là một chủ đề nhạy cảm nhưng được giới nghệ sĩ rất quan tâm. BTC đã đưa ra một đoạn kịch do đạo diễn Ngọc Duyên và Vũ Trần dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên: Thùy Trang, Công Danh, Khả Như, Tấn Phát, Lâm Thắng. Nội dung đoạn kịch nói về vợ chồng Công Danh và Thùy Trang đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng trong bệnh viện thì mẹ chồng của Trang cho người mời thầy cúng Tấn Phát và Khả Như đến bệnh viện để cúng kiếng và coi ngày đẻ may mắn cho Trang. Tuy nhiên, cơn đau đẻ của Trang đến trước ngày thầy phán đến 2 ngày nên gây ra cảnh dở khóc dở cười khi 2 thầy trò thầy cúng tìm cách ngăn Trang đẻ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, anh có tìm hiểu vấn đề tâm linh, phong thủy nhưng với sự tò mò và tìm hiểu là chính chứ bản thân anh là người không đặt nặng vấn đề này. Theo anh, không có vị thần nào có thể giúp một người xấu biến thành người tốt, người kém trở thành người giỏi, tất cả là do tự bản thân rèn luyện. Anh thấy nhiều người đi Chùa đều cầu lợi cho bản thân như: cầu Tiền, cầu Danh, cầu Tình Duyên. Anh khẳng định từ xưa tới giờ anh không cầu xin cái gì cả. Và đối với anh, việc đốt vàng mã là 1 điều phi lý, cần phải lên án. Anh chia sẻ, lúc anh còn nhỏ, mẹ anh có mời thầy đến xem bói, thầy bói nói anh không giữa được tiền, nhưng đến bây giờ anh chính là người giữ tiền trong gia đình. Năm thứ 2 sau khi cưới vợ, 2 vợ chồng anh cãi nhau rất dữ dội, tưởng đâu ly hôn, mẹ anh cũng mời thầy bói đến và theo lời thầy bói là phải gắn trái châu trước cửa nhà, ai ngờ sau khi gắn hai vợ chồng cãi nhau càng dữ dội hơn. Sau đó, trái châu bị trộm và 2 vợ chồng anh vẫn hạnh phúc đến tận bây giờ. Anh cho rằng không phải tín ngưỡng nào cũng sai, quan trọng là con người phải có kiến thức để chọn lọc. Chỉ có kiến thức mới làm con người không mê tín dị đoan.

Nữ diễn viên Nam Thư cho biết khi còn đang là sinh viên năm thứ 1, cô từng chứng kiến 1 người chị họ đi lấy chồng phải vào nhà chồng bằng cửa sau do không hợp tuổi. Theo cô, Ngũ hành nằm trên chính bàn tay con người, quan trọng là đặt niềm tin như thế nào. “Niềm tin nằm ở con tim và trí óc. Tại sao lại đốt vàng mã? Với Nam Thư, điều đó thể hiện sự biết ơn. Lúc nào cô cũng tin trên đầu mình có 3 lớp. Lớp đầu tiên là cửu huyền thất tổ (gia đình), lớp thứ hai là tổ nghề, lớp thứ 3 là tín ngưỡng. Tâm linh khác với mê tín dị đoan. Mê tín khác với dị đoan. Bạn có thể mê tín nhưng bạn đừng dị đoan, phải bài trừ”. Cô chia sẻ khi mua nhà, cô cũng làm lễ cúng, đơn giản vì đó là tấm lòng của cô. Khi thất tình, cô cũng đi xem bói. Cô cho biết mình là người rất tâm linh nhưng biết chọn lọc thông tin để tin. Ở chủ đề “Vô cảm”, Nam Thư tuy không tham gia bình luận trực tiếp nhưng ở phòng hậu trường, cô chia sẻ người yêu đầu tiên mà cô quen trong 6 năm đã dạy cô 1 điều rằng: “Tất cả những việc gì mà em có thể tự làm được thì hãy cứ làm đi”. Từ câu nói đó mà về sau Nam Thư quen dần với việc sống tự thân, tự lập, rất ngại làm phiền kể cả với người yêu, dù điều đó khiến cô vất vả và tủi thân. Cô cho biết bản thân cô là một người rất cô đơn trong tình yêu. Thời gian cô dành riêng cho bản thân mình là từ 12h – 3h sáng. Và đến 1 lúc, cô đã không chịu đựng được điều đó nữa và cảm thấy bản thân làm việc một mình tốt hơn…

MC Thanh Vân Hugo cho biết cô là người luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. “Với Vân, tâm linh tín ngưỡng giúp con người vượt qua nỗi sợ, cảm thấy được an toàn, che chở trong một khoảnh khắc nào đó, không có gì là xấu cả, nó hoàn toàn nằm ở trái tim. Ngày xưa, bạn bè rủ Vân đi xem bói, Vân có đi để xem đó là cái gì nhưng thực chất Vân chỉ tin vào chính mình. Vân tin những gì Vân đang làm trong hiện tại sẽ có nhân quả, kết quả trong tương lai. Sau khi đi du học về thì Vân càng thấy điều đó đúng hơn. Ở nước ngoài tuy không đốt vàng mã nhưng họ cũng có những tập tục riêng để theo đuổi tín ngưỡng tâm linh của họ. Không có đúng hay sai ở đây, chỉ là phù hợp hay không phù hợp. Với bản thân Vân, ngay khi gặp biến cố, thất bại, Vân luôn tập nhìn vào đó như là một phần bản thân phải trả giá cho những việc làm trước đó. Nếu tâm linh có thể giúp chúng ta có được sự thoải mái, an yên trong tâm hồn thì hãy làm nhưng nếu tâm linh làm ảnh hưởng đến sức khỏe như trong vở kịch thì những người con cần phải lên tiếng để bố mẹ hiểu bởi không phải gia đình nào cũng có thể hiểu được tâm linh, mê tín dị đoan một cách văn minh”.

Giám khảo khách mời Giáng My cũng là một người tâm linh. Chị chia sẻ: Tâm linh, lễ nghĩa là do ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu, những nét văn hóa ấy tôi cho rằng càng giữ được thì càng tuyệt vời. Tôi trân trọng mọi tín ngưỡng nhưng tôi cũng đả kích tất cả những gì thuộc về quá mê tín dị đoan. Với chị, những tín ngưỡng, những kinh nghiệm dân gian mà ông cha ta ngày xưa đúc kết lại đến bây giờ vẫn còn rất nhiều câu nói chính xác nên nhiệm vụ của thế hệ bây giờ là phải học để bổ sung và phát triển những điều đó lên chứ không được chê. Văn hóa truyền thống thì cần phải được bảo tồn. Ngay trên cơ thể con người đã có ngũ hành và trong vũ trụ mọi thứ đều có liên quan với nhau, từ cây cối đến trăng sao… nên chúng ta cần hướng tới điều thiện, cần có tâm linh văn hóa gia đình để không bị lung lay bởi những yếu tố bên ngoài.

Giám khảo Lê Thẩm Dương nhận xét: Hãy tôn trọng tâm linh của nhau. Ở góc nhìn này, tâm linh không có gì là xấu cả. Thế giới chia thành 2 trường phái giải thích về tâm linh: 1 là tin vào thế giới này là không thể cải tạo, 2 là tin vào thế giới có thể cải tạo được. Ở đâu, tâm linh theo hướng thiện, an toàn thì của cải không tăng nhưng tuyệt đối không được phản đối. Bản thân tâm linh là hệ quy chiếu rất tốt nhưng bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến những biến tướng thành mê tín dị đoan, trong đó phong thủy cũng bị lợi dụng. Tôi đồng ý với chương trình là hãy phê phán, phải lên án, phải giúp nhau không mê tín dị đoan. Anh Chung nói đúng, gốc của vấn đề mê tín đó chính là vấn đề dân trí, mất tự tin nên phải đi tìm hư vô để giải thích và tuy nhiều người có trình độ dân trí cao nhưng bản lĩnh cuộc sống không cao nên mê tín có đất sống. Tóm lại, anh Chung phân tích được nguyên nhân và sự khác nhau giữa tâm linh và mê tín. Chị Thư thì tự tin, thẳng thắn, rõ ràng nhưng sẽ hay hơn nữa nếu thể hiện một cách rõ ràng cho khán giả hiểu. Chị Vân bị mâu thuẫn, ban đầu lý thuyết rất hay nhưng cuối cùng vẫn mê tín.

Nhóm thứ hai tranh luận về chủ đề “Vô cảm” gồm có ca sĩ/diễn viên Trương Thế Vinh, siêu mẫu Phương Mai và ca sĩ Đinh Mạnh Ninh. BTC cho cả 3 nghệ sĩ xem một đoạn kịch nói về một lớp học thể dục dành cho các thai phụ do Khả Như làm giáo viên hướng dẫn. Sau giờ học, trong khi ai cũng có chồng đến đón về, thậm chí một bà bầu trong lớp còn được chồng bế về, duy chỉ có Thùy Trang là lủi thủi một mình. Cô gọi điện cho chồng nhưng anh chồng không nghe máy vì đang bận chơi đá banh. Cô gọi taxi thì vì kẹt đường nên không có xe đón. Khi người chồng (Công Danh) đến, Khả Như đã trách anh ta vô tâm với vợ nhưng anh ta vẫn không thấy mình sai vì anh ta cho rằng mình đã rất mệt mỏi đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, cũng cần có thời gian giải trí để tái tạo sức lao động…

Chia sẻ về chủ đề này, Trương Thế Vinh cho biết trước đây anh từng là một người vô tâm giống như nhân vật người chồng. Khi còn trẻ, anh cũng từng lao vào vào niềm đam mê nghệ thuật, vào việc kiếm tiền, tạo dựng tương lai, sự nghiệp và cho rằng kiếm được tiền và thành công đó là điều mà ba mẹ mong muốn, sẽ làm cho anh chị em vui và tự hào. Và khi tạo dựng được chút thành công nào đó, anh cũng về nhà biếu tiền, mua chút quà cáp cho gia đình giống như nhân vật người chồng. Bây giờ nghĩ lại, anh cảm thấy buồn cười với chính mình ở giai đoạn đó. Với câu chuyện mà chương trình đưa ra, Trương Thế Vinh cảm thấy hoang mang không biết nhân vật người chồng ở đây là vô tâm hay vô cảm. Riêng bản thân anh, anh đã từng gặp phải trường hợp như vậy trong chính gia đình của mình và nó đặt ra cho anh câu hỏi: Liệu sau này khi anh lấy vợ và có con thì anh sẽ như thế nào? Và theo anh, điều quan trọng nhất là phải đặt câu hỏi cho bản thân rằng mình muốn gì. Khi xác định được điều quan trọng với mình là yêu thương người trong gia đình thì điều mình làm đã đúng với điều mà người kia mong muốn hay không? Theo anh, đôi khi người ta vô tâm, vô cảm là vì chính bản thân họ không nhận thức được điều đó và cho rằng điều mình làm là đúng. Trong gia đình, với anh, sự QUAN TÂM là điều quan trọng nhất, bởi chỉ khi có quan tâm bạn mới thật sự để tâm, để ý đến đối phương. Nhân vật người chồng trong câu chuyện theo anh là người không lắng nghe. Anh khẳng định, người đàn ông phải là người chủ động hỏi vợ của mình để hiểu được điều vợ cần và muốn là gì.

Đinh Mạnh Ninh đưa ra quan điểm phân biệt giữa vô tâm và vô cảm. “Theo tôi, vô tâm giống như mình quan tâm đến bản thân mình nhiều quá, không để ý đến người thân xung quanh mình muốn gì. Còn vô cảm là biết được người ta muốn gì nhưng cũng mặc kệ, nghĩ rằng người ta sẽ ổn mà không cần sự tác động, quan tâm của mình. Theo tôi, anh chồng trong vở kịch có cả sự vô tâm và vô cảm với người vợ”.

Trong khi Trương Thế Vinh và Đinh Mạnh Ninh tranh luận về khái niệm vô tâm và vô cảm, siêu mẫu Phương Mai cắt ngang phần: Trong khi mọi người đang tranh cãi về việc vô tâm và vô cảm, em phát hiện ra lúc học tiểu học chúng ta ít để tâm đến việc học từ, hiểu từ. Bản thân mình là người Việt Nam mà mình còn không hiểu được ngôn ngữ của mình thì làm sao trao đổi với nhau đây?! Bản thân em bây giờ cũng không tự tin trả lời. Theo em, “tâm” trong từ vô tâm có thể là tâm trí, tâm hồn, là suy nghĩ. Còn “cảm” trong chữ vô cảm là không cảm xúc. Theo Phương Mai, cả vô tâm và vô cảm đều đem lại sự tổn thương. Sự vô tâm và vô cảm phải đi chung với nhau. Tựu chung lại, nhân vật người chồng không muốn tìm hiểu thật sự đối phương cần gì, muốn gì. Và trong vở kịch có đến 2 nhân vật vô tâm – vô cảm đó là nhân vật người chồng và nhân vật cô gái nũng nịu đòi chồng bế về.

Trong chủ đề này, Phương Mai lần đầu tiên đã có cuộc tranh luận nảy lửa với host Phương Hiếu về việc Phương Hiếu cho rằng cô đang quy chụp người khác vô cảm trong khi “nạn nhân” không hề lên tiếng nhờ giúp đỡ. Cuộc tranh luận căng thẳng đến mức Đinh Mạnh Ninh xin phép chen vào nhưng Phương Mai từ chối. Nội dung phần tranh luận của Phương Mai là trong mối quan hệ vợ chồng, người chồng cần có sự thấu hiểu, quan tâm và nhìn thấy được vợ mình cần gì. Phụ nữ vốn yếu đuối và nhạy cảm và trong trường hợp mang thai suốt 9 tháng như vậy thì chắc chắn việc người vợ không lên tiếng có nghĩa là cô ấy đã tuyệt vọng. Và trong bối cảnh của lớp học thể dục thì nhân vật cô gái đòi chồng bế về đã nghe thấy mọi người nói về trường hợp của người vợ đang buồn bã vì không có chồng đến đón thì cô cần phải tinh tế để không “chọc ngoáy” nỗi đau của người khác bằng cách làm nũng với chồng trước mặt người vợ ấy. Điều đó về lý không sai nhưng về tình rất ác. Đây là điều mà xã hội ngày nay thiếu rất nhiều (sự quan tâm).

Giám khảo Giáng My chia sẻ: Tôi rất vui vì các bạn có cảm xúc để tranh luận với nhau 1 đề tài mà theo tôi đang là 1 căn bệnh của xã hội. Sự vô tâm – vô cảm không chỉ là ở nhân vật người chồng, đôi vợ chồng trong lớp học mà cả với những người làm nghề chỉ để thu tiền. Họ vô cảm với tất cả những người xung quanh. Tôi rất cảm tình với quan điểm của Phương Mai, khúc chiết và không lan man. Còn Trương Thế Vinh thì như đứa trẻ trong hình hài của một người đàn ông, lẫn lộn khái niệm vô tâm và vô cảm làm tôi rất thú vị. Đinh Mạnh Ninh nói ít nhưng cũng đưa ra những điều gì đúng và điều gì sai.

Giám khảo Lê Thẩm Dương làm rõ khái niệm vô tâm và vô cảm. Theo ông, Vô tâm tức là nói trước quên sau, Vô cảm là bệnh của hành xử, lối sống, được hiểu là trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ thậm chí máu lạnh với mọi hiện tượng xung quanh, trừ chính mình. Có 4 dạng người như sau: Rất vô tâm nhưng không vô cảm, vô tâm và vô cảm, để tâm nhưng vô cảm, để tâm và thấu cảm. Cái thứ 4 là cái mà mọi người luôn phấn đấu tới. Nếu đã để tâm thì tự biết số lượng việc phải làm. Nếu anh cảm nhận được thì anh là người nói ra. Đừng bắt vợ nói ra. Làm thế nào để chữa được vô tâm – vô cảm? Theo ông, thứ nhất là phải nhận thức được, thứ hai là hướng về nhau, thứ ba là gia tăng độ tha thứ vì tha thứ là vĩ đại. Cuối cùng, cần tập trung giải quyết những vấn đề cần tập trung giải quyết. “Bản thân chủ đề này rất khó. Phương Mai lờ mờ phân biệt được vô tâm với vô cảm. Trương Thế Vinh rất rõ ràng và mạnh mẽ. Đầu tiên mình muốn gì thì phải hiểu rõ mình đã, đúng vô cùng. Anh Ninh nói được 2 ý đúng lắm đấy. Hồi tôi bằng các bạn, còn lâu tôi mới bằng 1 nửa nhận thức của các bạn. Các bạn trẻ xông lên kinh quá! Thế hệ sau phủ nhận thế hệ trước. Nhìn thấy xã hội tiến bộ rồi. Tuyệt vời là chỗ đó!

Tập thứ 7 của Quyền Lực Ghế Nóng khép lại với sự bứt phá và nổi bật của siêu mẫu Phương Mai, sự bản lĩnh, điềm đạm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, sự mạnh mẽ quyết đoán của Trương Thế Vinh và sự tiết chế ngày càng đáng yêu hơn của Nam Thư. Thanh Vân HugoĐinh Mạnh Ninh có lẽ cần phải phá bỏ vùng an toàn của mình để tạo đột phá nhiều hơn. Chương trình Quyền lực ghế nóng 2018 do Đài Truyền hình Việt Nam và công ty Truyền thông Khang phối hợp thực hiện, phát sóng vào 20h30 thứ Tư hàng tuần trên kênh VTV3. Giám khảo xuyên suốt của chương trình Lê Thẩm Dương, host Phương Hiếu.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan