Tính đến ngày 6/11, TP.HCM đã trải qua hơn một tháng thực hiện Chỉ thị 18, từng bước mở cửa trở lại. Ngành giải trí cũng hồi sinh sau thời gian dài đóng băng. Các nghệ sĩ quay lại với guồng công việc như ghi hình, thu âm, ra sản phẩm mới.
Tuy nhiên, các phòng trà trên địa bàn vẫn tỏ ra thận trọng và chưa dám sáng đèn trở lại. Theo khảo sát nhanh của PV Zing, tính đến thời điểm hiện tại, phòng trà của Hà Thanh Phúc (sinh năm 1988) là nơi đầu tiên mở cửa đón khách vào tối 4/11.
Giảm giá vé, hạn chế khách khi mở cửa
Chia sẻ với Zing, Hà Thanh Phúc cho biết sau nhiều ngày theo dõi tình hình dịch bệnh, nghiên cứu về thị trường, khán giả, anh đã mạnh dạn đưa ra quyết định mở cửa phòng trà trở lại sau 6 tháng.
Anh mất khá nhiều thời gian trong việc tu bổ, vệ sinh, trang trí lại không gian phòng trà cũng như tuyển nhân viên, nhạc công.
“Toàn bộ nhạc công, nhân viên của phòng trà đều về quê, có người thì ở ngoài Bắc, chưa trở lại thành phố. Để đảm bảo an toàn, tôi phải tìm địa điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho mọi người, test PCR để họ đủ điều kiện di chuyển vào TP.HCM. Một số người chưa kịp tiêm mũi vaccine thứ hai, tôi cũng không cho làm việc trở lại. Ban nhạc vì thế cũng phải tuyển thêm thành viên mới”, anh kể lại.
Nhân viên của phòng trà trang bị găng tay, kính chống giọt bắn và khẩu trang. Ảnh: NVCC.
Chủ phòng trà sinh năm 1988 chia sẻ để đủ nhân viên cho ngày mở cửa đầu tiên, anh phải liên lạc nhiều nơi, bỏ ra số tiền lớn để chạy quảng cáo, tìm người trên các nền tảng mạng xã hội.
Sau khi sắp xếp ổn thỏa về mặt nhân sự, Hà Thanh Phúc lại đối diện với nỗi lo tăng giá cả nhiều mặt hàng, số lượng khách đến nghe nhạc cũng như giá vé phù hợp trong thời điểm hiện tại. Cuối cùng, anh quyết định giảm giá vé để thu hút khách.
Đêm nhạc đầu tiên diễn ra vào tối 4/11, kéo dài trong hai giờ. Trước đây, show thường diễn ra vào lúc 21h hoặc trễ hơn. Hiện tại, anh phải mở cửa sớm lúc 19h và kết thúc vào 21h để đảm bảo công tác phòng dịch.
Số lượng khách là 85 người, hoạt động 50% công suất so với trước dịch. Người đến nghe nhạc đều thực hiện 5K, đảm bảo tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 và được tiến hành đo nhiệt độ, khử khuẩn trước khi bước vào ghế ngồi. Nhân viên được trang bị găng tay, kính chống giọt bắn và đeo khẩu trang N95.
“Những ngày qua, một mình tôi phải tự làm mọi thứ để giảm chi phí. Kinh phí quảng cáo cho các đêm nhạc tăng nhưng giá vé giảm vì tôi hiểu hiện tại, ai cũng gặp khó khăn về kinh tế. Quyết định tổ chức show lúc này, lượng khách chỉ còn một nửa là rất khó khăn. Nhưng tôi vẫn làm vì muốn duy trì thói quen đi nhạc của người dân”, anh nói.
Theo Hà Thanh Phúc, phòng trà ca nhạc vốn dĩ là một phần văn hóa của TP.HCM. Anh hy vọng các phòng trà khác trên địa bàn cũng sớm mở cửa trở lại.
Nhiều phòng trà chưa sẵn sàng sáng đèn trở lại
Lần đầu hát trước khán giả phòng trà sau 6 tháng nghỉ ở nhà vì dịch, Văn Mai Hương tỏ ra xúc động. Trong đêm nhạc, cô vừa hát, vừa giao lưu với khán giả. Giọng ca Đốt thể hiện 15 ca khúc ở nhiều thể loại.
“Tôi hạnh phúc, xúc động khi gặp lại khán giả trong đêm nhạc đầu tiên. Mọi người có mặt trong đêm nhạc hôm nay thật tuyệt vời. Họ đã dành hai tiếng để nghe tôi hát và không ai đứng dậy ra về. Trước khi bước vào đêm nhạc, tôi đã rất lo lắng về việc khán giả đã gạt bỏ những nỗi sợ hãi của dịch bệnh để đến đây nghe mình hát hay chưa”, cô chia sẻ.
Văn Mai Hương xúc động trong ngày đi hát trở lại. Ảnh: NVCC.
Tâm sự thêm với Zing, Văn Mai Hương nói khi vừa nhận lời mời từ chủ phòng trà, cô ngay lập tức đồng ý vì “thèm hát”. Nữ ca sĩ cũng chỉ nhận cát-xê với mức tượng trưng và hỗ trợ hết mức vì hiểu khó khăn khi tổ chức show ở thời điểm này.
“Ban đầu, tôi định hát 2 đêm thôi vì mấy ngày nay bắt đầu trở về với guồng quay công việc rất đuối. Tuy nhiên, sau một ngày bán vé và được khán giả hưởng ứng, mua hết, tôi quyết định làm thêm đêm nhạc thứ ba. Đây sẽ là thử thách đối với tôi, vì mỗi đêm nhạc phải hát 15-20 bài liên tục trong 3 ngày. Tôi sẽ cố gắng để không phụ lòng khán giả”, cô cho biết.
Nhưng hiện ở TP.HCM, rất ít sân khấu sáng đèn trở lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ với Zing, anh dự tính mở cửa phòng trà vào tháng 12. Tác giả Hoa nở không màu nói khi tổ chức mini show trở lại, anh sẽ giới hạn 50 khách và 100% khách tuân thủ 5K, tiêm đủ vaccine để đảm bảo an toàn.
Sau 6 tháng đóng cửa, nam nhạc sĩ gặp nhiều khó khăn vì chi phí duy trì ngày càng tăng. Để tránh đối diện với nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn, anh buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên.
“Khó khăn lớn nhất chính là duy trì kinh tế để hoạt động phòng trà. Mọi thứ đều giảm đồng nghĩa doanh thu thiệt hại đáng kể. Nhưng với tình hình hiện tại, việc hoạt động trở lại đã là một may mắn, nên dù khó khăn thế nào đi nữa tôi vẫn cố duy trì”, anh bày tỏ.
Theo Zing.vn