Nhiều người đánh giá sai lầm lớn nhất của Phạm Anh Khoa là nói lời xin lỗi quá muộn. Không phải. Sai lầm lớn nhất không chỉ của Phạm Anh Khoa, mà còn của giới giải trí Việt Nam, của phần đông công chúng và truyền thông, là quá coi thường sức mạnh lay chuyển thế giới của phong trào chống lạm dụng tình dục (#MeToo chỉ là một đại diện).
Đã đến lúc giới showbiz Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung không thể ngủ quên trong căn nhà bé nhỏ của mình, hãy nhìn ra thế giới.
Và nếu vậy, Phạm Lịch phải được các tổ chức xã hội ghi nhận như người khởi đầu phong trào #MeToo ở showbiz Việt Nam. Nếu là ở Mỹ, cô và Nga My, M.P sẽ được vinh danh như những “silence breakers” (người phá vỡ im lặng) đích thực, như tạp chí Time đã làm với Taylor Swift, Ashley Judd và 4 phụ nữ khác ngoài ngành giải trí, khi chọn họ là Nhân vật của năm 2017.
Nhưng đây là ở Việt Nam. Các cô gái thậm chí còn phải đối mặt với cơn bão chỉ trích rằng họ “đu bám Phạm Anh Khoa để nổi tiếng”. Chính nam ca sĩ khi nói lời xin lỗi cũng đã nói mọi người “hãy ngừng tấn công Phạm Lịch, Nga My, M.P bằng bàn phím”.
Trả lời Zing.vn, Phạm Lịch từng nói cô không đơn độc vì “sau khi lên tiếng trên trang cá nhân, tôi đã nhận được rất nhiều lời động viên từ các anh chị em, bạn bè”. Nhưng không. Chính xác là cô vẫn đơn độc.
|
Phạm Lịch xứng đáng được công nhận là người khởi đầu phong trào #MeToo trong showbiz Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc. |
Những lời động viên đó chỉ mang tính chất cá nhân, riêng tư (thậm chí còn qua tin nhắn chứ không đăng công khai) và không thể sử dụng để củng cố cho lời tố của nữ vũ công. Để cô không đơn độc, phải có những tiếng kêu khác, công khai, đích danh, không chùn bước.
Và sau 8 ngày kể từ khi Phạm Lịch lên tiếng mới có người thứ hai. Từ Phạm Lịch (27/4) đến Nga My (5/5) là một quãng lặng tưởng chừng như mọi chuyện sắp chìm xuống. Trước đó, một vài sao nữ bóng gió trên trang cá nhân rằng họ đã được gạ gẫm bởi “một nam ca sĩ” nhưng lắc đầu khi được đề nghị lên tiếng chính thức.
Họ quên mất rằng mọi môi trường tệ và bẩn thỉu hơn không chỉ vì “những con sâu”, mà vì “những người tốt im lặng”.
Vũ công Nga My cũng là một “silence breaker” dũng cảm khi ở thời điểm cô lên tiếng, tên tuổi Phạm Lịch đang bị bủa vây bởi những lời bình luận đầy ác ý dày đặc.
|
Nga My lên tiếng lúc sự việc chuẩn bị chìm xuống như mọi thị phi showbiz thường tình. Ảnh: Bá Ngọc. |
Với nhiều người khác, đó sẽ là “tấm gương mờ” để họ im lặng. Nhưng Nga My không. Còn trẻ (23 tuổi), cách nói chuyện ngượng nghịu trước những phóng viên lần đầu gặp mặt, cô vẫn có thể gọi thẳng tên Phạm Anh Khoa và công khai các tin nhắn rủ rê vào ban đêm.
Sau Nga My, tình trạng “đổ lỗi cho nạn nhân” vẫn tiếp diễn. Cả 2 cô gái tiếp tục bị nhiều khán giả và cư dân mạng gán mác “PR bản thân”.
Phạm Anh Khoa vẫn tiếp tục không lên tiếng. Những tiếng nói vốn đã đơn độc lại đứng trước nguy cơ tan vào hư không.
Rồi stylist M.P xuất hiện với một câu chuyện mạnh hơn tất cả. Danh tính của cô gái này đến nay vẫn là bí mật. Trên trang bìa tạp chí Time ấn bản Person of the Year năm ngoái cũng có một người phụ nữ giấu mặt. Trong bức ảnh, cô chỉ để lộ một cánh tay. Đó là một người phụ nữ hái dâu gốc Mexico – đã đứng lên tố cáo ông chủ của mình.
Trong khi một phần đông dư luận vẫn coi đây là những eo sèo thị phi showbiz bình thường, những tiếng nói ít ỏi đó vẫn đang tạo nên những thay đổi lớn.
Cần khẳng định Phạm Anh Khoa không phải là trường hợp duy nhất bị cho là quấy rối tình dục trong showbiz Việt. Nam ca sĩ cũng không phải là đối tượng của một kế hoạch “tìm diệt” nhắm vào cá nhân anh.
Vẫn còn những người khác ở ngoài kia. Không ít nữ diễn viên, ca sĩ ở showbiz Việt từng tiết lộ họ bị người này quàng vai, người kia gạ gẫm. Tuy nhiên, ngoài Phạm Lịch, Nga My và M.P, chưa có ai khác lên tiếng công khai về những trường hợp bị quấy rối.
Phong trào #MeToo ở Việt Nam nói chung, và showbiz Việt nói riêng, không thể dừng lại tại đây. Nếu vậy nó vẫn quá yếu ớt và ít ỏi. Nếu vậy nó cũng không hề có sức lan tỏa như chính phong trào này ở các nước lớn.
Khi phong trào #MeToo bùng cháy như một đám cháy rừng nhiệt đới ở showbiz Mỹ, hàng trăm nhà sản xuất, diễn viên, đạo diễn, biên kịch đình đám bị lột mặt nạ, hiện nguyên hình là những con thú săn mồi.
|
Việc M.P giấu mặt, ẩn danh không khiến tiếng nói của cô bớt đi sức nặng. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Chúng ta thấy gương mặt của Harvey Weinstein, Bill Cosby, Louis C.K., Kevin Spacey, James Franco, Lars von Trier, James Franco, Bryan Singer, Steven Seagal, Brett Ratner, Dustin Hoffman, Oliver Stone, Ben Affleck, John Lasseter, Stan Lee, Nelly, Sylvester Stallone…
Khi danh sách trở nên quá dài, khiến nhiều người thân bại danh liệt, người hâm mộ cuống cuồng bênh vực: “Nếu cứ bóc trần như vậy thì còn đâu những tài năng điện ảnh, âm nhạc?”.
Đến đây thì phải trích lại lời nữ diễn viên giấu mặt tố đạo diễn Kim Ki Duk và nam diễn viên Cho Jae Hyun hãm hiếp cô nhiều lần “như những con linh cẩu”. Cô nói: “Vì sao những kẻ đó có thể tự do theo đuổi ước mơ còn những người như tôi lại phải từ bỏ ước mơ của mình?”.
Nữ diễn viên này đã rời khỏi showbiz Hàn Quốc và sang Mỹ sống sau khi gặp phải cú sốc quá lớn đó trong thời gian làm việc với Kim Ki Duk và Cho Jae Hyun.
Bởi vậy, nếu được công bằng theo đuổi đam mê, biết đâu những nạn nhân cũng sẽ là các nghệ sĩ lớn không kém gì những kẻ quấy rối họ?
Chính Phạm Anh Khoa cũng cúi đầu xin lỗi đồng nghiệp trong showbiz và hứa: “Các bạn hãy luôn đặt niềm tin vào việc chúng ta sẽ có một nền giải trí hoạt động lành mạnh trong tương lai”. Chữ “lành mạnh” rất vô cùng, nhưng chẳng phải ít nhất đó là nơi những người có đam mê và tài năng sẽ được lựa chọn theo đuổi ước mơ của họ?
|
Phạm Anh Khoa đã cúi đầu, nhưng showbiz Việt cần thêm hành động để sạch hơn. Ảnh: Bá Ngọc. |
Phạm Anh Khoa nhiều lần nhắc đến việc “có niềm tin vào nghề để tiếp tục làm nghề” khi nói lời xin lỗi Phạm Lịch, Nga My và M.P. “Mong rằng Phạm Lịch có thể giải tỏa được một phần ức chế của mình và có lại niềm tin trong sáng với việc làm nghề”, nam ca sĩ nhấn mạnh.
Hậu #MeToo không phải là những cuộc đời tan vỡ. Hậu #MeToo phải là những thế hệ nghệ sĩ đứng thẳng hơn trên đôi chân của mình, bớt được nỗi sợ về những quy tắc ngầm xấu xí không biết do ai đặt ra và có từ bao giờ. Đó mới là mục tiêu chính của phong trào này, chứ không phải hủy hoại tên tuổi một nghệ sĩ đơn lẻ.
Chính Hollywood cũng tuyên chiến với nạn quấy rối tình dục trong ngành công nghiệp, thứ đã tồn tại hàng thập kỷ, sừng sững như một tượng đài đen tối. Showbiz sạch hơn, tại sao không?
Diễn biến 3 tuần vụ Phạm Anh Khoa bị tố gạ tình, tấn công tình dục:
– 27/4: Vũ công Phạm Lịch đăng bài trên trang cá nhân, tố đích danh Phạm Anh Khoa gạ tình bằng lời lẽ thô tục (trong đó có câu “Anh đã sờ soạng cơ thể em bằng ý nghĩ”) và đặt biệt danh tục tĩu.
– 30/4: Phạm Lịch trả lời phỏng vấn báo chí, cho biết việc gạ tình, quấy rối diễn ra trong vòng một tuần vào tháng 3 – khi cả hai cùng làm việc trong chương trình “Trời sinh một cặp”. Cô cho biết, Phạm Anh Khoa từng quấn khăn tắm khi cô đến nhà tập.
– 1/5: Phạm Anh Khoa lần đầu phản hồi gián tiếp qua trang cá nhân, tuyên bố “Bà Phạm Lịch đang vu không, bôi nhọ tôi” và cho biết sẽ thuê luật sư bảo vệ mình
– 5/5: Vũ công Nga My lên tiếng tố Phạm Anh Khoa từng nhiều lần gạ gẫm, rủ qua khách sạn, nhà riêng vào nửa đêm, 1h sáng trong vòng hơn 1 tháng
– 11/5: Stylist M.P (giấu mặt) lên tiếng tố Phạm Anh Khoa từng tấn công tình dục (ép vào tường, khóa tay, sờ soạng trong 15 phút). Sự việc khiến M.P bị trầm cảm, mất ngủ và bỏ việc.
– 12/5: Phạm Anh Khoa lần đầu phản hồi qua cuộc trò chuyện với trung tâm CSAGA, xin lỗi “những ai từng bị tôi làm tổn thương”. Lời xin lỗi của anh gây phẫn nộ dư luận vì bị đánh giá là không chân thành, không nhận lỗi.
Sau cuộc trò chuyện đăng tải ngày 12/5 với tổ chức CSAGA, Phạm Anh Khoa vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận và giới nghệ sĩ. Nam ca sĩ lần lượt bị Quỹ dân số Liên hợp quốc chấm dứt hợp tác, CSAGA cũng phải công khai xin lỗi, chương trình rockshow Rock ‘n Share loại khỏi danh sách biểu diễn, chương trình Trời sinh một cặp rút bỏ hình ảnh…
– 15/5: Phạm Anh Khoa lần đầu tổ chức gặp gỡ báo chí về vụ việc, nói lời xin lỗi đến tất cả cá nhân và tổ chức liên quan đến vụ việc