Nước mắt loài cỏ dại ám ảnh người xem từ khung hình đầu tiên khi cậu bé Khang tay cầm chiếc đèn bão đi vào hang gió tối om, nơi lũ dơi từng đàn thỉnh thoảng lại ùa ra, kêu rợn người khiến cậu bé hoảng sợ. Hình ảnh một bóng người mặc áo dài đỏ đứng ở vách đá với mái tóc đen xõa khiến cậu bé hoảng hồn chạy bán sống bán chết. Sự mở màn đó đầy tính ẩn dụ và ám ảnh người xem.
Khung cảnh trở về bình yên với ngôi biệt thự của gia đình tại Đà Lạt đầy nguy nga, tráng lệ. Các tuyến nhân vật dần xuất hiện. Đó là Việt – con trai của Phương – con dâu thứ trong gia tộc. Trái ngược với vẻ cô độc, lầm lũi của Khang, Việt được mẹ hết lòng cưng chiều. Cậu luôn miệng được mẹ dạy rằng mình là cháu đích tôn duy nhất của gia đình, ngay cả khi Việt đề cập đến Khang. Phương còn dạy con trai cách lấy lòng bà nội, người vốn ưu ái Việt hơn hẳn một phần so với Khang. Thậm chí, khi bà Hai Đài xuất hiện, Phương còn nghi ngờ Khang không phải là cháu nội của gia đình bởi tính cách không hề giống bố. Cô nhắc lại chuyện năm xưa về Ngọc – mẹ của Khang dù bà Hai Đài nhất mực khẳng định đó là cháu nội của mình.
Hai phân cảnh mở màn giữa sáng và tối cho thấy hai bức tranh đối lập hoàn toàn. Bề ngoài những tưởng mọi thứ thật bình yên nhưng trong nội bộ gia tộc giàu có này sự ganh ghét, đố kỵ, hơn thua… đã quá rõ ràng. Người chủ gia tộc – bà Hai Đài bắt đầu xuất hiện đầy quyền lực trong khi cô con dâu thứ tên Phương lắm mưu mô thủ đoạn. Cậu bé Khang thiệt thòi, ấm ức bao nhiêu thì “cậu ấm” Việt cũng giống hệt tính mẹ, cậy thế, biết diễn trò và luôn lên mặt.
Và, những trang ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại của từng nhân vật bắt đầu dần hiện lên, rõ nét hơn, đầy bi kịch và lắm góc khuất.
Về phần bà Hai Đài – chủ gia tộc vốn là người lạnh lùng, lắm âm mưu, thủ đoạn, xảo biện và cả sự tàn nhẫn. Chỉ cần chi tiết, bà quyết sai đám gia nhân trong nhà đi vào hang gió cuốc ngôi mộ cha mẹ của một cô gái nghèo với thái độ đầy quyết tâm đã bộc lộ tính cách đó. Trớ trêu hơn, hai gia đình từng có nhiều năm thân thiết trước khi toàn bộ đất đai, gia sản của gia đình kia rơi vào tay bà. Bất chấp việc cô gái van xin bà đừng đào mồ cha mẹ mình lên, bà vẫn không tiếc tay. Ngay cả khi, cô gái bị đẩy vào đường cùng, cảnh báo bà trong tương lai cũng sẽ gặp quả báo bà vẫn dương dương tự đắc, không hề sợ sệt gì vì nghĩ với thân phận thấp hèn đó cô gái có thể làm được gì mình và gia tộc.
Nhưng, những hành động của bà Hai Đài không dừng lại ở đó.
Với người ngoài đã vậy, với con cái trong nhà bà cũng thể hiện sự độc tài, độc đoán, chỉ thích làm theo ý mình. Đề cập đến cô con gái duy nhất tên Kiều, bà có chút day dứt vì bị con oán hận, bỏ nhà ra đi bao năm không quay về. Năm xưa, Kiều trót yêu anh giáo nghèo nhưng vì không môn đăng hộ đối bà ra sức cấm cản. Thậm chí, bà nhiều lần lên trường học sỉ vả, mắng nhiếc anh không tiếc lời. Đôi lứa nhất quyết đến với nhau, có cô con gái tên Thảo mọi chuyện vẫn không bình an.
Không chấp nhận con rể nghèo hèn, bà ép cả hai ly hôn, cấm cha con gặp nhau. Cô Kiều đã phải thốt lên: “Tại sao mẹ độc ác như vậy” bà vẫn không mảy may quan tâm. Với bà, cô con gái duy nhất này phải được gả cho nơi tương xứng và luôn lấy lý do làm tất cả vì con nhưng Kiều đáp trả cứng rắn “Mẹ thương con hay lo cho danh dự của mẹ”. Khi Kiều mang con đi nơi khác sống biệt tích, bà lại ép cô mang cháu ngoại về, phải đi bước nữa.
Đỉnh điểm câu chuyện khiến tình mẹ con rạn nứt đó là khi Kiều thề dù có ăn mày cũng không bước chân về nhà bởi “hành động của mẹ đã giết chết con”. Bà Hai cũng không vừa khi tuyên bố nếu cô vẫn cứ quyết ra đi sẽ xóa tên khỏi gia phả, cắt đứt quan hệ.
Kiều của thì hiện tại mắt ngấn lệ nhớ về những gì đã qua và bây giờ, cô đã không còn hận mẹ mình nhưng bà Hai nào hay biết. Cô cũng nói với đứa con gái bé bỏng không được phép oán hận bà ngoại.
Với Kiều là vậy, với cậu con trai cả, bà Hai còn làm những chuyện động trời hơn. Khi Thành đem lòng yêu cô gái nghèo, cũng vì sự sang hèn đó bà đến gặp cô gái và đặt điều kiện hoặc cô phải rời xa Thành đi lấy người khác hoặc mộ phần người cha vừa mất hơn một năm sẽ bị đào lên vì đất đai nhà cô đã thuộc về tay bà. Cô gái ngậm ngùi chấp nhận còn Thành vật vã trong đau khổ.
Bà quyết mai mối Thành cho Ngọc – con gái một nhà giàu có khác với lý do nhà đó lắm tiền nhiều của lại là con gái một nên gia sản sẽ thuộc về mình bất chấp việc Thành khẳng khái “con lấy họ hay lấy của cải nhà họ”. Chính bà là người dàn xếp lúc Thành say xỉn, ép Ngọc phải ở lại chăm sóc.
Khi cả hai vợ chồng bắt đầu có tình cảm quấn quýt, biết tin gia đình thông gia hóa ra chỉ còn cái vỏ, cơ ngơi, gia sản, địa vị đều mất hết bà trở mặt với Ngọc. Bà ép Thành ly hôn Ngọc, tỏ thái độ ra mặt với cô. Sau này, chính Thành nhắc lại chuyện “mẹ là người đẩy Ngọc đến chỗ chết”. Thành gà trống nuôi Khang bấy nhiêu năm, không biết bao lần bà muốn anh đi bước nữa để bà “chết được nhắm mắt” nhưng anh đã lập lời thề ở vậy suốt đời. Không biết, có phải vì Thành mà bà Hai luôn lạnh nhạt, nghiêm khắc với Khang đến thế.
Hóa ra, những tưởng “sống chung với mẹ chồng” đã là vạn lần khổ đau thì hai người con ruột của bà Hai sống với mẹ đẻ, còn cơ cực, cay đắng gấp bội phần. Bi kịch, đớn đau cuộc đời họ cũng do bà mà ra.
Những biến cố trong gia đình bà Hai Đài cũng nảy sinh từ chính những người trong gia đình báo hiệu cho những tháng ngày sóng gió phía trước. Trong đó, người ngấm ngầm đứng sau đẩy mọi chuyện đi không ai khác chính là Phương – cô con dâu thứ.
Chính bà Hai không yên tâm giao công việc làm ăn của gia tộc ở Sài Gòn cho Minh – con trai thứ vì biết anh này không thể làm nên trò trống gì trong khi Phương nổi tiếng vung tay quá trán. Minh dù bản chất không xấu nhưng là người chỉ thích ăn chơi, không có chí làm ăn và hoàn toàn phụ thuộc vợ. Năm xưa, bà Hai đã mất vài chục mẫu đất khi giao cho Minh cai quản chuyện trồng dâu nuôi tằm nhưng công việc đổ bể.
Phương, bề ngoài răm rắp nghe theo lời mẹ chồng. Cô luôn ngon ngọt muốn mẹ giao cơ ngơi ở Sài Gòn cho vợ chồng cô quản lý. Cô lại luôn miệng nói sẽ giúp mẹ và cô Út gắn kết tình cảm nhưng kỳ thực chỉ muốn cả hai chia cắt nhau luôn. Bà Hai muốn nói xin lỗi con gái, Kiều đã tha thứ cho mẹ nhưng người bắc cầu là Phương chỉ “miệng thơn thớt, bụng ớt ngâm”. Vậy nên, những lời nhắn để hai mẹ con có thể đoàn tụ không đến được với tai cả hai.
Với Khang, sở dĩ Phương ra mặt ghét cậu bé cũng chỉ vì Thành. Hóa ra, người mà Phương muốn cưới làm vợ chính là Thành chứ không phải Minh. Và hiện tại, cô quyết tâm “tôi không có được hạnh phúc thì anh cũng đừng hòng”. Liệu Phương có liên quan gì đến cái chết của Ngọc vợ cũ của Thành vẫn là câu hỏi mở?
Việt dù là cháu trai thứ trong nhà nhưng Phương luôn dạy con cách vượt mặt anh họ. Cô gieo vào đầu Việt tư tưởng Khang không phải cháu đích tôn, lại là đứa mồ côi, luôn miệng gọi Khang là thằng khiến Khang hơn một lần chịu ấm ức. Nhưng, Việt cũng rất biết “diễn tuồng” như mẹ khi trước mặt bà Hai hay Thành đều diễn tròn vai mình là người bị ức hiếp, ngoan ngoãn. Những thói hư, tật xấu của Việt, Minh đều biết hết nhưng vì nhu nhược anh không thể nói được vợ con mình.
Không dừng lại ở đó, mối quan hệ của Phương và người anh em họ làm ăn sa cơ lỡ vận cũng ẩn chứa nhiều khuất tất. Người đàn ông này chính là tay sai giúp Phương làm những chuyện mờ ám, muốn đẩy Thành trở thành con người ăn chơi trác táng nhưng không thành.
Hai tập đầu tiên, nhân vật bà quản gia câm cũng xuất hiện. Người phụ nữ lam lũ này cũng luôn ở bên bênh vực những lúc Khang bị ghẻ lạnh, ấm ức và là nơi Khang giãi bày tâm sự của mình.
Bức màn về gia tộc bà Hai Đài đã được vén lên và tiếp tục còn lộ diện trong những tập phát sóng tiếp theo, lên sóng lúc 14g các ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên VTV3.