Trong khuôn khổ cuộc thảo luận trực tuyến góp ý Luật Điện ảnh sửa đổi, giới làm phim bày tỏ những bức xúc về vấn đề kiểm duyệt phim đồng thời đề xuất một số giải pháp.
Nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo cho biết cô và ê-kíp sốc khi Vị – đứa con tinh thần của mình không được cấp phép phát hành ở Việt Nam. Lý do được hội đồng kiểm duyệt đưa ra trước đó là phim có cảnh nude dài 30 phút, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Nhà sản xuất cho hay để bộ phim được “sống”, cô và đạo diễn Lê Bảo đã chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả của phim. Quyền sở hữu của bộ phim hiện thuộc về nhà sản xuất người Singapore.
“Tôi khẳng định trong phim không có cảnh nào dung tục như một số nhận xét. Bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt, được nhiều quỹ hỗ trợ, liên hoan phim đầu tư vốn sản xuất. Phim đã được làm trong 7 năm. Không ai bỏ cả quãng thời gian dài như vậy, đối diện với bao khó khăn để thực hiện một bộ phim dung tục. Các quỹ điện ảnh sẽ không cấp tiền nếu tác phẩm đó không có giá trị và Liên hoan phim Berlin 2021 cũng không thể trao giải cho một phim tệ”, nhà sản xuất nói.
Đối với cô và ê-kíp phim Vị, lệnh cấm phát hành như bản án tử hình. Cô mong phim Vị sẽ được duyệt lại, để phim đến được với phân khúc khán giả phù hợp như các liên hoan phim ở Việt Nam.
Đồng Thị Phương Thảo cho hay: “Tôi hy vọng Luật Điện ảnh có điều khoản dành cho các nhà làm phim trẻ độc lập. Chúng tôi phải chật vật ra nước ngoài tìm nguồn kinh phí. Trong nước, nếu không hỗ trợ về tiền thì hãy hỗ trợ về tinh thần”.
Đồng cảm với nhà sản xuất phim Vị, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết bây giờ anh vẫn chưa hiểu vì sao Bụi đời Chợ Lớn có cảnh nào vi phạm, phân đoạn nào cổ xúy bạo lực.
“Làm phim hành động vốn đã khó khăn, qua được khâu kiểm duyệt càng khó hơn. Tôi hy vọng luật Việt Nam sẽ có thay đổi, khuyến khích sáng tạo của nhà làm phim”, anh nói.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cho hay sau phim Mùa hè chiều thẳng đứng, anh không nghĩ làm phim ở Việt Nam nữa. Anh cũng chưa thể thuyết phục được các nhà sản xuất ở Pháp về nước làm phim vì không đảm bảo phim sẽ qua được cửa kiểm duyệt.
Băn khoăn về những bộ phim từng bị cấm phát hành, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đặt câu hỏi liệu phim có thể xin cấp phép lại. Cô nói: “Quyết định cấm là từ hội đồng kiểm duyệt cũ. Bây giờ, hoàn cảnh khác, tư duy khác, dự thảo sửa đổi, có cơ hội nào phim được duyệt lại không? Điều này cần được ý kiến và gửi cho ban soạn thảo luật”.
Luật sư Hirota cho biết cơ quan nhà nước khi đưa ra quyết định hành chính như cấm phim phát hành chưa phù hợp có thể thu hồi lại. Ông cho rằng: “Việc thu hồi lại không có nghĩa quyết định ban đầu trái luật. Chỉ là ở thời điểm hiện tại, nó không phù hợp nữa”.
Ông cho biết thêm ở Nhật Bản không có Luật Điện ảnh, không có điều cấm với nhà làm phim. “Ở Nhật, Bộ văn hóa chỉ đưa ra các biện pháp để hỗ trợ phát triển điện ảnh, không có điều nào kiềm chế, kiểm soát điện ảnh. Việt Nam nên tham khảo các nước để có những quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi cởi mở và khuyến khích sáng tạo hơn”.
Đạo diễn, nhà sản xuất Quang Huy cũng cho rằng nội dung Luật Điện ảnh hiện kiểm soát rủi ro, chưa thấy cách giúp phát triển điện ảnh. Theo anh, điều luật đang bó buộc khiến nhà làm phim không dám mạo hiểm. Muốn tồn tại, họ không dám thử nghiệm, sáng tạo, mà phải làm phim hài, gia đình.
“Với sự kiểm soát chặt chẽ, tôi sợ tới lúc nào đó, các nhà làm phim phải mang máy đi quay đám cưới vì khán giả bỏ phim Việt. Họ xem phim nước ngoài vì hấp dẫn hơn nhiều”.
Theo Zing.vn