NSƯT Nhất Sinh là một ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi với nhiều ca khúc để đời như: Tơ hồng, Chim Sáo Ngày Xưa, Hát Về Cây Lúa Hôm Nay,…Nổi tiếng qua nhiều bài hát sống mãi cùng năm tháng nhưng ít ai biết cái duyên mang người nghệ sĩ có cái tên “lạ” Nhất Sinh đến với nghệ thuật là rất tình cờ. Khi đang còn là một cậu học sinh thì Nhất Sinh được một người chị giới thiệu vào đoàn văn công của tỉnh Quảng Ngãi. Vốn đam mê âm nhạc nên chàng thanh niên 20 tuổi đã đồng ý đi theo đoàn. Tuy có sẵn chất giọng đẹp nhưng vì chưa được rèn luyện chuyên môn nên khi vào đoàn Nhất Sinh chỉ được làm những việc vặt như: kéo màn, đóng vai phụ trong những vở diễn,…Thế nhưng cậu trai năm ấy không nản chí bởi “giờ chưa hát được kéo rèm có sao đâu!”. Để rồi sau thời gian dài kiên trì, năm 1977 Nhất Sinh được đứng trên sân khấu đầu tiên và con đường âm nhạc của anh cũng bắt đầu từ đó.
Trong quá trình ca hát, Nhất Sinh tự tìm tòi viết lời, sáng tác nhạc. Tìm thấy sự kết nối giữa mình và những con chữ, Nhất Sinh dần rút lui khỏi ánh đèn sân khấu, chuyển từ ca sĩ sang sáng tác và sau này anh chính thức hoạt động âm nhạc với tư cách là một nhạc sĩ.
Tính đến thời điểm hiện tại, kho tàng sáng tác của vị nhạc sĩ đã lên đến 200 bài và tất cả các bản nhạc của Nhất Sinh đều mang âm hưởng dân ca. Anh thường thay đổi chủ đề sáng tác của mình theo từng giai đoạn. Khi mới chập chững viết nhạc, Nhất Sinh chọn chủ đề tình yêu để nói về, thời gian sau đó anh chuyển qua sáng tác những bản nhạc về quê hương, đất nước và ở thời điểm này nam nhạc sĩ thường cho ra những ca khúc về tình mẹ.
Đến với sân khấu Dấu Ấn Huyền Thoại, NSƯT Nhất Sinh đã có những giây phút trầm lắng khi nói lên tiếng lòng của mình cũng như những phút giây thăng hoa khi được hát và nghe ca sĩ hát các ca khúc do mình sáng tác.
Bài hát đầu tiên mà NSƯT Nhất Sinh mang đến cho khán giả Dấu Ấn Huyền Thoại là Tơ Hồng – sáng tác đầu tay của nam nhạc sĩ. Ở ca khúc này, anh song ca cùng NSƯT Vân Khánh, nữ ca sĩ miền Trung sở hữu chất giọng ngọt ngào, da diết. Sau phần biểu diễn, NSƯT Nhất Sinh đã có đôi lời nói về quá khứ, về cảm hứng để anh sáng tác nên tác phẩm đầu tiên cũng như việc anh làm để đưa Tơ Hồng đến gần hơn với khán giả. Nam nhạc sĩ kể: “Năm 1988, tôi là ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen do nhạc sĩ Hồ Bông làm trưởng đoàn. Anh Hồ Bông là người Sa Đéc và trong một đợt dẫn Bông Sen về miền Tây diễn thì ảnh dẫn tôi tới nhà một người bạn của ảnh rồi tôi thấy trong nhà chồng là người Nam mà vợ miền Bắc thì mới hỏi, hỏi ra thì mới ờ tụi tôi quen nhau trong chiến tranh nên mới hứa với nhau là “khi nào hoà bình lập lại thì anh sẽ về, anh ra Bắc anh rước em về”. Tôi thấy cái tứ hay quá rồi tôi mới về chấp bút viết bài Tơ Hồng, 4 tháng. Mấy năm đó thì thường vào mùa mưa tháng 6 là Bông Sen đi diễn từ đây ra tới Bắc. Từ Sài Gòn ra Hà Nội 4 tháng là viết xong bài hát này. Đài truyền hình trung ương quay đoàn Bông Sen một chương trình thì lúc đó anh Hồ Bông không làm trưởng đoàn mà anh Trương Châu Mỹ làm trưởng đoàn. Tôi có xin anh Trương Châu Mỹ, nói là: “Anh Mỹ ơi, tôi với ca sĩ Tuyết Hoa tập kỹ bài này rồi xin anh cho hát trong chương trình” nhưng ảnh không tin và ảnh không cho tôi hát. Nhưng mà tôi chai mặt lắm, trên đường đi về lại, tức là diễn sau miền Bắc rồi trên đường về ghé Đà Nẵng diễn 3 đêm nữa rồi mới từ Đà Nẵng về TPHCM, là tháng 12 đó. Tới Đà Nẵng tôi tiếp tục xin. Chai mặt mà không có sợ nữa. Tôi xin tiếp thì đêm đó mới cho tôi hát. Tôi ôm guitar thùng ra tôi hát với ca sĩ Tuyết Hoa của nhà hát Bông Sen. Đêm đó người ta yêu cầu hát lại thì từ đó về sau Bông Sen ảnh mới cho tôi hát bài này.”. Có thể thấy, sự kiên trì của NSƯT Nhất Sinh đã khiến cho ca khúc Tơ Hồng được nhiều người biết đến hơn và “trái ngọt” năm ấy đã mở rộng con đường sự nghiệp của nhạc sĩ Nhất Sinh sau này.
Sau Tơ Hồng, Tình sử Huyền Trân là ca khúc tiếp theo được NSƯT Vân Khánh thể hiện. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Vân Khánh hát Tình sử Huyền Trân trên sóng truyền hình bởi trước đây ca khúc kể về câu chuyện của nàng công chúa đời nhà Trần chỉ được thu âm trong băng, đĩa.
Tiếp nối chương trình là phần song ca của NSƯT Nhất Sinh và ca sĩ Quang Linh với ca khúc bất hủ Chim Sáo Ngày Xưa. Hội ngộ cha đẻ của bài hát đưa tên tuổi của mình đến gần hơn với khán giả, giọng ca miền Trung chia sẻ: “Quang Linh rất là vui, rất là vinh dự khi được tham gia Dấu Ấn Huyền Thoại. Thật ra cái bài Chim Sáo Ngày Xưa là ca khúc mà Quang Linh thu âm năm 1994…Sau khi thu xong một thời gian thì cũng cỡ năm 90 mấy hai anh em có nói chuyện nhưng bẵng đi một thời gian dài rồi hôm nay mới gặp lại anh Sinh. Quang Linh xin gửi lời cảm ơn đến anh vì với một ca sĩ thì bài hát đầu đời trong sự nghiệp của họ rất là quan trọng. Anh là ca sĩ, nhạc sĩ chắc anh cũng cảm nhận được điều đó cho nên đây là Dấu Ấn Huyền Thoại của anh Sinh nhưng đồng thời cũng là dấu ấn trong tâm hồn của em là bởi vì nhờ bài hát của anh mà em đã có được nhiều khán giả hơn, đi nhiều nước trên Thế Giới hơn, gặp những người yêu mến mình nhiều hơn nó đã trở thành một dấu ấn trong sự nghiệp của của mình”. Đồng thời, Quang Linh gửi tặng thêm cho khán giả bài hát Thuở Ban Đầu sau nhiều năm vắng bóng trên truyền hình.
Bên cạnh các tiết mục song ca đặc sắc, NSƯT Nhất Sinh còn có dịp khoe giọng hát bền vững mặc thời gian qua phần trình diễn đơn ca với các ca khúc: Nắng Gió Phương Nam, Còn Mãi Lời Ru.
Trước khi khép lại đêm nhạc đáng nhớ, NSƯT Nhất Sinh đã giới thiệu cậu con trai út tài năng của mình mang tên Sĩ Phú, hiện là tay trống của ban nhạc pop-rock Chillies đến với khán giả. Nam nghệ sĩ tiết lộ, Sĩ Phú được TPHCM cho đi học đàn tam thập lục bên Trung Quốc từ năm 12 tuổi. Trong thời gian đó, Sĩ Phú học thêm trống. Sau khi tốt nghiệp cậu đã về nước, tiếp tục học trống và trở thành một phần của ban nhạc Chillies. Với tâm huyết dành cho nghệ thuật, Sĩ Phú chắc hẳn sẽ để lại dấu ấn trong lòng khán giả hâm mộ như bố anh đã từng.
Đón xem tập 8 Dấu Ấn Huyền Thoại sẽ được phát sóng vào lúc 20g35 Thứ Tư ngày 30/06/2021 trên kênh HTV7.