Nếu được vẽ chân dung của người nghệ sĩ, người giảng dạy và là người gìn giữ nét đẹp thuần túy của nền âm nhạc dân tộc Hải Phượng chắc có lẽ người ta sẽ sử dụng những gam màu đến từ các từ miêu tả như chịu khó, miệt mài, khổ luyện, kiên trì…
Gắn bó với đàn tranh từ năm lên 5 tuổi, NSƯT Hải Phượng xem đó như một cái duyên mà cái duyên đó đã thay đổi cả cuộc đời của bản thân mình. Bởi lẽ, cây đàn cho cô cơ hội chu du khắp nơi trên thế giới, để quảng bá không chỉ đến với khán giả Việt mà người yêu âm nhạc của nước bạn được biết và thưởng thức giai điệu mượt mà từ một loại nhạc cụ mang tên Đàn Tranh. Năm 1993, cô sang Paris cùng giáo sư Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc mang tên Đàn Tranh Xưa Và Nay của hãng Ocora và giành 2 giải thưởng từ chính phủ Pháp. Bước ngoặt này cũng đánh dấu con đường phát triển mới trong sự nghiệp đàn tranh của NSƯT Hải Phượng. Cô và đàn tranh được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và tham gia các liên hoan âm nhạc, giao lưu quốc tế. Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, cô đã ghi dấu ấn với những album chất lượng như Tình Ca Quê Hương, Bến Xuân, Tiếng Xưa, Làn Điệu Cội Nguồn, Tiếng Đàn Hải Phượng.
Từ suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ rằng: “Khi Phượng còn nhỏ, mỗi giờ tập là Phượng sẽ để một cái đồng hồ. Khi nào hết giờ, nó reng lên là mình được đi chơi. Thích lắm. Cứ chờ nhiều khi nhìn sao đồng hồ nó không chạy, nó cứ đứng hoài à” cho đến khi tiếng đàn tranh hòa chung với nhịp thở của bản thân, cô nhận ra: “Càng lớn thì mình càng được có thêm nhiều kỹ thuật, mình có những cái tình cảm. Cho đến bây giờ, mình có thể nói được trên cây đàn tranh với tình cảm của mình thì tập đàn không còn là giờ nữa mà tập đàn đến khi mình thích hoặc là mình đàn cho mình nghe khi nào mà mình buồn, vui. Mình có thể thả hồn vào cây đàn. Đến bây giờ thì là chơi đàn chứ không còn tập đàn nữa”. Tình yêu dành cho cây đàn của cô cứ vậy mà lớn thêm mỗi ngày. Chẳng cần biết ngày dài tháng rộng, 45 năm trôi qua là khoảng thời gian cô dồn hết tâm tư vào cây đàn tranh. Nhạc cụ này như là cuộc sống thứ 2 của NSƯT Hải Phượng. Để đến hiện tại, cô truyền lửa và vun đắp tình yêu nhạc cụ dân tộc nói riêng và đàn tranh nói chung trong tim của thế hệ trẻ.
45 năm biết và chạm những ngón tay lên cây đàn tranh, NSƯT Hải Phượng cũng sẽ có những suy nghĩ và góc nhìn riêng về loại nhạc cụ này. Đứng trên cương vị một người nghệ sĩ hay khi cô đứng trên bục giảng rồi cuối cùng là lúc NSƯT Hải Phượng trở thành cầu nối gìn giữ, phát triển nền âm nhạc dân tộc nói chung và đối với nhạc cụ mang tên đàn tranh nói riêng: “Đánh để cho mình cảm và đánh để cho mọi người cảm thì không hề đơn giản tí nào. Và đàn tranh của Việt Nam làm được. Những nhấn nhá của nó có thể nói rằng mình cảm giác là nhấn đứt ruột á”.
Mỗi một góc nhìn từ từng vị trí khác nhau từ NSƯT Hải Phượng đều cho khán giả thấy được trái tim của cô luôn hướng về cây đàn tranh. Từ những tiết mục biểu diễn: hòa tấu Lưu Thủy – Bình Bán – Kim Tiền, Dạ Cổ Hoài Lang, Tương Tư Khúc, Thương Về Miền Trung … cùng với các nghệ sĩ khách mời: NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Vân Khánh, Tú Uyên và học trò từ khóa dạy đầu tiên trong Dấu Ấn Huyền Thoại sẽ giúp khán giả thấu được tình yêu đó. Đồng thời nghe NSƯT Hải Phượng và học trò tâm tình chuyện thế hệ trẻ trót yêu đàn tranh ngày ấy và bây giờ.
Đón xem tập 3 Dấu Ấn Huyền Thoại được phát sóng vào lúc 20g35 Thứ Tư, ngày 26/05/2021 trên kênh HTV7.