Trưa 16/7, Thiện Nhân livestream chia sẻ về mâu thuẫn gia đình khi cô công khai chuyện tình đồng giới. Trước đó một ngày, gia đình nữ ca sĩ phát thông báo cầu cứu vì không thể liên lạc với con gái.
Giải thích về lùm xùm, Thiện Nhân cho biết cô đã đưa bạn gái về Bình Định giới thiệu và xin cưới, nhưng cha mẹ và anh chị kịch liệt phản đối mối quan hệ này. Đỉnh điểm, cô cắt đứt liên lạc với gia đình, một phần do tranh chấp quyền quản lý fanpage mang tên Thiện Nhân.
Thiện Nhân mong muốn mọi người không chỉ trích chuyện cô yêu đồng giới. Theo cô, ai cũng có quyền hạnh phúc riêng của bản thân và cộng đồng LGBT cũng có nhu cầu kiếm tìm hạnh phúc, miễn không làm gì sai.
Quán quân Giọng hát Việt nhí 2014 không phải trường hợp duy nhất bị gia đình phản đối chuyện yêu đương đồng giới. Với nhiều người thuộc cộng đồng LGBT, vượt qua được định kiến từ gia đình luôn là một cửa ải khó khăn.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, nhiều phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT khó tránh được trở ngại tâm lý và tinh thần khi con come out. Họ cũng cần thời gian, sự đồng hành để hiểu, chấp nhận giới tính và chuyện tình cảm của con mình.
Chris Jewell (Australia) đã rơi nước mắt sau trận cãi nhau căng thẳng với bạn trai yêu 5 năm. Quá đau khổ, Chris quyết định gọi điện cho mẹ mình.
Từ khi còn nhỏ, Chris là đứa trẻ ngoan và luôn làm cha mẹ vui lòng. “Tôi có một người anh trai hư hỏng, phải vào tù ra tội. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng không để cha mẹ phải phiền lòng gì thêm. Tôi luôn đạt điểm cao, là cậu bé vàng”, Chris kể với The Guardian.
Mọi thứ đảo lộn vào năm Chris 28 tuổi. Cầm điện thoại lên, anh gọi và kể cho mẹ nghe về xung đột vừa xảy ra.
“Mẹ ơi, con thực sự rất buồn. Con cần nói chuyện với mẹ. Con vừa cãi nhau to với Brendan…”, anh nói, giọng run run.
Mẹ Chris tỏ ra ngạc nhiên, khuyên con trai nên tìm một người bạn cùng phòng mới.
“Mẹ, Brendan không phải bạn cùng phòng, anh ấy là bạn trai của con”, Chris nói. Dứt câu, mẹ anh dập máy.
“Tôi đã sụp đổ. Tôi bị tổn thương vì những gì vừa xảy ra. Tôi cảm thấy bản thân hoàn toàn đơn độc”, Chris nhớ lại cảm xúc khi ấy.
Ngày hôm sau, bà Yvonne, mẹ của Chris, hẹn gặp con trai ở một quán cà phê. Thay vì một cái ôm trấn an, bà nói những câu lạnh lùng mà đến tận sau này vẫn còn khắc sâu vào trái tim anh.
Bà nói rằng anh sẽ cô độc, sẽ không có bạn bè. Cuối cùng, bà yêu cầu anh trả lại chìa khóa nhà.
Rút chiếc chìa khóa nhà ra khỏi chùm, trượt nó qua bàn trả cho mẹ, Chris đã nói: “Một ngày nào đó, trên giường bệnh, mẹ sẽ hối hận vì chối bỏ đứa con trai luôn làm mọi điều đúng đắn”.
Câu chuyện ấy xảy ra vào năm 2004. Và suốt 12 năm sau đó, hai mẹ con không trò chuyện với nhau.
Năm 2017, Chris chuẩn bị làm đám cưới với Grant, bạn trai người Florida, Mỹ. Trong chương trình truyền hình thực tế Bride and Prejudice của Australia, Chris đã tiết lộ với cha mẹ chuyện gặp được tình yêu của đời mình và hỏi liệu họ có tới Florida để dự hôn lễ hay không.
Cha mẹ anh đã từ chối. Lúc anh hỏi liệu họ có muốn gặp nói chuyện với Grant một lần không, phụ huynh đã đáp lại: “Không, chúng ta không muốn tham dự bất kỳ phần nào trong câu chuyện này. Chúng ta muốn con tôn trọng điều đó”.
May quay lia sang Chris ngay sau lời từ chối. Cố gắng kìm những giọt nước mắt, cuối cùng anh thốt lên: “Tôi không có cha mẹ. Đó là những gì tôi cảm nhận”.
Sau 3 năm, đến năm 2020, Chris khi đó 42 tuổi vẫn còn nhớ như in cảm xúc đau lòng. Sau khi chương trình phát sóng, trong khi đa số người xem ủng hộ anh, cha mẹ anh lại trở thành “những phụ huynh bị ghét nhất Australia”.
Chris chỉ là một trong nhiều người đồng tính bị gia đình chối bỏ chuyện tình cảm. Ngay cả ở những quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới, nhiều cặp đôi đồng tính vẫn bị gia đình ngăn cấm yêu đương.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của YouGov cho tổ chức từ thiện Albert Kennedy Trust của Anh, 1/4 số phụ huynh cho biết họ sẽ không vui vẻ nếu con mình come out (công khai giới tính thật). Cứ 10 người thì có một người nói rằng không thoải mái khi sống chung nhà nếu con là LGBT.
Nữ diễn viên gốc Anh Miriam Margolyes từng kể với Australian Women’s Weekly về những trải nghiệm của bản thân khi công khai là người đồng tính với gia đình.
“Đối với những phụ huynh mang tư tưởng truyền thống sâu sắc như cha mẹ tôi, việc có một cô con gái đồng tính là một cơn ác mộng. Khi tôi come out, mẹ tôi hoàn toàn thất vọng, còn bố tôi kinh hoàng và sợ hãi”, bà bày tỏ.
Thực tế, không phải cha mẹ nào cũng được trang bị đủ kiến thức để hiểu về sự đa dạng giới. Khi con công khai là người đồng tính, đó có thể là cú sốc lớn với phụ huynh, bởi họ không hiểu và không biết phải ứng xử ra sao.
Những phản ứng đầu tiên của cha mẹ có thể là tức giận, chối bỏ.
Một nghiên cứu được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington vào năm 2019 cho thấy phần lớn phụ huynh của các thanh niên thuộc cộng đồng LGBT đều gặp khó khăn để điều chỉnh thái độ và cảm xúc sau khi con come out.
Dựa trên mẫu khảo sát lớn, các khảo sát khác nhau cho thấy phản ứng tiêu cực của cha mẹ giảm dần theo thời gian, và hai năm đầu là giai đoạn khó khăn nhất của họ.
David Huebner, một trong những tác giả chính của nghiên cứu trên và là giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington, cho biết đây là khảo sát đầu tiên đo lường được phản ứng thực tế.
Trước đây, các mẫu nghiên cứu chủ yếu được tuyển chọn từ môi trường thân thiện, như PFLAG – một tổ chức dành cho cha mẹ của những người LGBTQ.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt bước tiến lớn, 80% (phụ huynh trả lời khảo sát) chưa bao giờ được gặp một nhóm hỗ trợ hay nhà trị liệu nào. Họ là nhóm cha mẹ chưa từng được nghiên cứu”, Huebner nói.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho biết nghiên cứu sẽ vẫn có lỗ hổng tiềm ẩn khi không hỏi được hai nhóm: những phụ huynh “siêu từ chối”, và nhóm cha mẹ dễ dàng chấp nhận xu hướng tính dục của con mà không tìm đến bất kỳ nhóm hỗ trợ nào.
Huebner hy vọng rằng những thông tin đưa ra sẽ cho phép những người ủng hộ tạo ra các tài liệu để cha mẹ có thể chuẩn bị tốt hơn và biết yêu thương con cái mình nhiều hơn.
“Chúng tôi biết rằng khi cha mẹ chấp nhận con là người đồng tính, những đứa trẻ sẽ ít bị trầm cảm và ít nguy cơ gặp nguy hiểm hơn”.
Theo Zing.vn