logo
Thứ bảy, 11/05/2024 13:41:03

Những khác biệt thú vị giữa bản điện ảnh và nguyên tác của siêu phẩm kinh dị Doctor Sleep


(Dispatch.vn) - Hãy cùng điểm qua những thay đổi “nhè nhẹ” giữa phiên bản truyện và phim “Doctor Sleep” nào.

Tuyệt tác phim kinh dị “The Shining” ra mắt năm 1980 do Stanley Kubrick làm đạo diễn dù được đánh giá là một trong những bộ phim kinh dị xuất sắc nhất nhưng lại bị nhà văn Stephen King chê bai thậm tệ do thay đổi quá nhiều tình tiết, khiến tinh thần chính của câu chuyện cũng bị bóp méo.

Tới năm 2019, siêu phẩm “Doctor Sleep” – tựa Tiếng Việt: “Doctor Sleep: Ký Ức Kinh Hoàng” ra đời vừa là phần tiếp nối bản phim 1980, lại vừa là chuyển thể điện ảnh cho phần hậu truyện cùng tên do chính King sáng tác. Trái với phần trước, sản phẩm điện ảnh lần này lại được “ông hoàng kinh dị” đón nhận một cách nồng nhiệt. “Doctor Sleep” của đạo diễn Mike Flanagan ngoài trung thành sát sao với chất liệu nền tảng, còn sở hữu những yếu tố hấp dẫn thu hút khán giả hiện đại. Tuy vậy, không dễ để chuyển tải toàn bộ tiểu thuyết đồ sộ này trong hơn 150 phút phim, thay đổi là không thể tránh khỏi. Hãy cùng điểm qua những thay đổi “nhè nhẹ” giữa phiên bản truyện và phim “Doctor Sleep” nào.

(Bài viết tiết lộ nội dung phim, khán giả cân nhắc trước khi đọc)

Danny và Abra: Ruột thịt trong truyện, người dưng trên phim

Theo nguyên tác, có một phân đoạn truyện xoay quanh việc nhân vật Danny (Dan) đi tìm bà ngoại của Abra, và phát hiện ra rằng mẹ của Abra là con ngoài giá thú của cha anh – Jack Torrance, và cũng là em gái cùng cha khác mẹ của Danny. Điều này đồng nghĩa với việc Dan và Abra là thực sự là hai cậu – cháu ruột thịt. 

Đến khi lên màn ảnh rộng, chi tiết này không được nhắc đến. Song, Abra thường gọi Dan bằng một danh xưng thân mật là “chú/cậu Dan”, như để gợi nhắc đến người xem về mối quan hệ của cả hai trong tiểu thuyết.

Lý do hội The True Knot săn lùng cô bé Abra

Từ truyện lên màn ảnh, phe phản diện là những kẻ trở nên trường sinh nhờ hút sự sống từ những đứa trẻ “dị biệt” “thấu thị” giống mình. Trong bản tiểu thuyết, chúng đã gặp xui khi nạn nhân cuối cùng mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Kết quả là cả bọn đều bị nhiễm bệnh, và thủ lĩnh Rose the Hat của chúng cho rằng sinh khí từ cô bé Abra đủ mạnh mẽ để chữa lành cho đồng bọn của ả.

Trên màn ảnh, chi tiết này đã được loại bỏ hoàn toàn để giúp mạch phim đỡ rắc rối. Thay vào đó, Rose the Hat (Rebecca Ferguson) nhận thấy rằng năng lượng tâm linh của bé Abra quá mạnh mẽ, một ngày nào đó sẽ vượt qua cả ả. Khi sự ghen tức cũng như bản năng sinh tồn trỗi dậy, lũ dị nhân độc ác quyết tâm săn lùng cô bé trước khi quá trễ. 

Khác biệt về bối cảnh

Theo tiểu thuyết của King, khách sạn Overlook nơi diễn ra sự kiện “The Shining” đã không còn nữa, mà thay vào đó là địa điểm cắm trại của hội kín True Knot. Vì thế nếu như trong phim chúng phải lái xe qua những đường đèo hiểm trở và xa xăm để đụng mặt hai nhân vật chính, thì ở bản gốc, chúng chiến đấu trên chính “sân nhà” của mình.

Sở dĩ, theo nguyên tác “The Shining”, khách sạn đã bị thiêu rụi. Còn phiên bản phim năm 1980, khách sạn này chỉ bị chôn vùi trong bão tuyết mà thôi. Việc để khách sạn Overlook tiếp tục được tồn tại trong bản phim vừa là sự kết nối với tác phẩm của đạo diễn Stanley Kubrick, cũng là một cách tri ân của Mike Flanagan dành cho bậc tiền bối. Cũng từ đây, những fan của “The Shining” có dịp hồi tưởng từng hành lang ô vuông đỏ, từng góc đèn chùm tự bật sáng, và quầy bar nơi người pha chế rượu thoắt ẩn thoắt hiện. Những hồn ma với “gương mặt thân quen” của khách sạn cũng có dịp trở lại, hù dọa kẻ ngoại đạo như Rose the Hat một phen ra trò. 

Thay đổi ở đoạn kết

Bản tiểu thuyết có vẻ dành nhiều thời gian hơn để Dan tha thứ cho người bố quá cố của mình. Trong “The Shining”, Jack Torrance hóa điên mà cầm rìu rượt đuổi vợ con. Thì trong truyện “Doctor Sleep”, chính linh hồn ông và cậu con trai nay đã lớn khôn cùng hợp sức chống lại những kẻ thù mới. Ở bản truyện, Jack đã có dịp mỉm cười từ biệt Danny.

Đến phiên bản điện ảnh, nhân vật Jack Torrance tuy có xuất hiện, nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh mà Danny phải vượt qua. Thay vào đó, những người giúp anh “đánh trùm” lại chính là các hồn ma khách sạn, từ ma nữ khỏa thân trong bồn tắm, vị quản gia trầm lặng, cho đến cặp đôi song sinh… Rose the Hat đã quá ngu muội khi quyết định mở những “chiếc hộp chứa ma quỷ” trong đầu Danny. 

Đồng thời nếu đoạn kết của bản điện ảnh kết thúc cuộc đời của Danny khi anh quyết định hy sinh trong lò hơi nước, thì ở nguyên tác, Danny có một cái kết viên mãn, sống khỏe mạnh, cai hẳn được rượu và kịp đến dự buổi tiệc sinh nhật 15 tuổi của Abra.

Kết thúc trong phim của Mike Flanagan cũng được đánh giá rất cao. Trong phim “The Shining” do Stanley Kubrick chuyển thể, khách sạn bị chôn vùi trong bão tuyết. Trong phim “Doctor Sleep”, Danny thiêu rụi khách sạn, thanh tẩy nó. Hai bộ phim, hai cái kết của băng và lửa mang ý nghĩa sự kết thúc và khởi đầu. 

Nhìn chung, phiên bản điện ảnh của “Doctor Sleep” hài hòa giữa chất liệu nguyên bản, đồng thời cũng khéo léo chiều chuộng các fan của bản phim “The Shining” ngày trước. Một trong những giá trị nhân văn lớn nhất của phim vẫn là việc Danny vượt qua những cơn ác mộng trong quá khứ để trưởng thành và trở thành một con người tốt đẹp hơn. 

Xét về phương diện giải trí, “Doctor Sleep” là tác phẩm điện ảnh hoàn toàn thỏa mãn được kỳ vọng của đại chúng, xứng đáng là “người cầm đuốc” thừa hưởng cơn sốt thành công từ hai phần phim kinh dị “It” (Gã Hề Ma Quái).

DOCTOR SLEEP: KÝ ỨC KINH HOÀNG khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ 08.11.2019


Từ Khóa:

Tin Liên Quan