logo
Thứ hai, 29/07/2024 14:32:35

Nhạc sĩ Hoài An: Từ kỹ sư phần mềm, võ sĩ cừ khôi đến giám đốc âm nhạc tài hoa


(Dispatch.vn) - Nhạc sĩ Hoài An vốn nổi tiếng với nhiều sáng tác tình ca lãng mạn, tuy nhiên ít ai biết rằng anh còn là một võ sĩ cừ khôi và từng là kỹ sư phần mềm trước khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng.

Nhạc sĩ Hoài An vốn là “hit-maker” đình đám trong làng nhạc Việt khi tạo nên nhiều tên tuổi cho các ca sĩ ngôi sao. Với bề dày kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Hoài An còn đảm nhiệm vị trí giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình nổi tiếng. Tuy nhiên ít ai biết rằng trước khi trở thành “cỗ máy tạo hit”, nhạc sĩ Hoài An từng là chàng trai kỹ sư phần mềm.

Chia sẻ với MC Minh Ngọc trong chương trình Chuyện Tối Cùng Sao, tác giả ca khúc Tình thơ bật mí, từ nhỏ các anh em trong gia đình Hoài An đều yêu thích toán học, vì ba của anh là giáo viên dạy toán. Sau đó, nam nhạc sĩ quyết định theo đuổi ngành kỹ sư phần mềm.

Đến khi ra trường, nhạc sĩ Hoài An làm biên tập viên cho một tạp chí chuyên về công nghệ thông tin trong khoảng 5 năm. Tuy nhiên, nam nhạc sĩ cảm thấy rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi anh phải dành nhiều thời gian để cập nhật thông tin liên tục. Vì vậy, Hoài An quyết định “cắt duyên” với ngành công nghệ máy tính để tiếp tục đam mê âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Hoài An, từ nhỏ đã chơi nhạc và từng đánh đàn tại các đám cưới, trong các buổi văn nghệ của trường từ lớp 10 đến lớp 12. Khi Hoài An chuẩn bị thi đại học, ba của anh không muốn con trai xao nhãng chuyện học tập nên khuyên anh tạm ngưng việc chơi nhạc. Đáng chú ý, từ năm lớp 10, nam nhạc sĩ đã có sáng tác đầu tay với ca khúc Nhớ Trưng Vương. Đây là bài hát mà anh dành tặng cho ngôi trường cấp ba Trưng Vương của mình. Sau khi sáng tác, Hoài An gửi bài hát đến báo Mực Tím và được nhạc sĩ Trần Minh Phi, bút danh Nguyễn Phi đăng tải trên báo.

Thậm chí, nhạc sĩ Trần Minh Phi còn viết một bài để giới thiệu Hoài An trên báo Mực Tím. Điều này là một động lực lớn cho Hoài An và cả gia đình anh, khi ba mẹ nhận thấy việc anh yêu thích âm nhạc không phải là sai lầm. Bởi trước đó ba của nam nhạc sĩ không định hướng các con đi theo âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Hoài An, anh được gia đình cho học guitar từ năm 9 tuổi nhưng vì chỗ học quá xa và không thuận tiện di chuyển nên đành gác lại đam mê. Sau đó, nam nhạc sĩ may mắn được anh nhà bên dạy chơi đàn guitar bài hát Gimme! Gimme! Gimme! của nhóm nhạc ABBA. Với những kiến thức guitar cơ bản như đệm đàn, mỗi khi học bài mới, Hoài An hình thành ý niệm hình dung các loại nhạc cụ phối cùng cách đệm đàn.

Từ đó đến năm lớp 9, nhạc sĩ Hoài An tự học đàn là chủ yếu. Cũng kể từ đây, nam nhạc sĩ chính thức học đánh guitar điện và bắt đầu chơi nhạc tại đám cưới hay vũ trường. Ngoài guitar điện, Hoài An còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác như đàn nguyệt, đàn kìm, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh,… Nam nhạc sĩ khiêm tốn cho biết: “Tôi bây giờ cũng gần 50 tuổi nên có nhiều thời gian chủ động hơn. Tôi có thể chơi tàm tạm đàn nguyệt, đàn kìm, đàn tỳ bà. Bây giờ học thêm một chút về đàn nhị, đàn tranh. Mỗi lần tôi biết thêm một nhạc cụ giống như mở ra một cánh cửa đến thế giới mới. Ngôn ngữ trong thế giới đó chính là nhạc cụ”.

 

Nhớ lại những sáng tác đầu tay được khán giả đón nhận, nhạc sĩ Hoài An không khỏi bồi hồi. Theo nam nhạc sĩ, ba bài hát mà anh phát hành cùng lúc vào năm 1998 là bài Tình thơ, Nếu phôi pha ngày mai, Bên em mùa xuân. Trong đó, bài hát Tình thơ là ca khúc được nhiều người nghe và biết đến nhất. Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoài An tiết lộ bài hát Tình thơ không có điểm nào đặc biệt ngoài âm vực cực hẹp, chỉ hơn quãng tám một chút nên ai cũng có thể hát được. Có thể vì điều này mà bài hát được phổ biến rộng rãi và chạm đến trái tim của đông đảo khán giả với lời ca nhẹ nhàng, gần gũi.

Hé lộ cảm hứng sáng tác ca khúc Tình thơ, nhạc sĩ Hoài An kể rằng anh bị lay động bởi chuyện tình học trò đơn phương trong trẻo khi dựng chương trình văn nghệ cho trường cấp ba Lê Quý Đôn vào năm 1998. Thời điểm đó, nam nhạc sĩ đang là sinh viên năm ba. Khi đang dựng chương trình văn nghệ, anh vô tình nhìn thấy một cậu học sinh “phải lòng” cô bạn đang hát trong đội ca. Khoảnh khắc dễ thương ấy khiến nhạc sĩ Hoài An nhớ lại thời học sinh của mình. Vì thời áo trắng của nhạc sĩ Hoài An trôi qua nhanh nên những cảm xúc ấy vẫn còn day dứt trong lòng vì chưa được thổ lộ, tỏ bày. Từ đó, nam nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc Tình thơ.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoài An tiết lộ đoạn đầu bài hát “Hàng ghế đá xanh tàng cây góc sân trường, Hành lang ấy xa dần xa bước chân người, Bạn thân hỡi, ta khắc ghi trong lòng, Những ước mơ hồng ngày tháng chờ mong…” vốn là điệp khúc. Tuy nhiên, nam nhạc sĩ khó chuyển đoạn này thành giai điệu nên đã đưa lên đầu bài và viết thêm đoạn khác chính là “Bao yêu thương trong ta tìm về, Một thoáng trường xưa đã nghe thời gian thoi đưa, Nghe bâng khuâng trong tim một thời, Tìm bước ngày xưa, ước mơ người còn đâu nữa…”. Với nhạc sĩ Hoài An, đây chính là một kỷ niệm khó phai khi nhắc về sáng tác Tình thơ.

Clip Nhạc sĩ Hoài An bật mí câu chuyện tình trong trẻo đằng sau ca khúc Tình thơ:

 

Tác giả ca khúc Tình khúc vàng cho biết thêm, anh vốn là một người yêu âm nhạc nên chưa bao giờ suy nghĩ đến việc làm nhạc để kiếm tiền mà chỉ làm hoàn toàn bằng đam mê. Do đó, khi nam nhạc sĩ biết thêm một nhạc cụ tương tự như việc học thêm một ngoại ngữ, đặc biệt đối với các nhạc cụ phương Tây. Đối với nhạc cụ dân tộc Việt Nam, Hoài An quan niệm biết thêm một nhạc cụ là hiểu thêm về “tiếng” của ông bà ngày trước, hiểu thêm về chất liệu âm nhạc dân gian. Vì vậy, nhạc sĩ Hoài An khẳng định việc am hiểu các nhạc cụ giúp anh có lợi về nhiều mặt. Chẳng hạn khi nam nhạc sĩ buồn hay vui, anh đều chơi đàn để giải tỏa cảm xúc. Đồng thời, kiến thức về nhạc cụ còn giúp nhạc sĩ Hoài An hòa âm phối khí và quan trọng nhất nhất là đưa chất liệu âm thanh ấy đưa vào sáng tác của mình.

Trước thắc mắc của MC Minh Ngọc về việc nam nhạc sĩ chuyển từ tình ca sang sử ca trong thời gian gần đây, Hoài An tiết lộ anh vẫn sáng tác sử ca từ lâu. Chủ nhân ca khúc Trương Chi – Mỵ Nương tâm sự: “Sử ca là vệt sáng tác mà tôi vẫn theo đuổi và duy trì từ đến nay. Vấn đề sử dụng nhạc cụ dân tộc để đưa vào bản phối thì tôi vẫn thực hiện từ xưa. Chỉ cần nhạc cụ phù hợp, giúp bài hát thăng hoa thì tôi sẽ sử dụng”.

 

Về việc chuyển chủ đề sáng tác từ tình ca sang sử ca, nhạc sĩ Hoài An khẳng định không có điều này. Nam nhạc sĩ giải thích: “Tôi bây giờ cũng lớn tuổi, bắt đầu khó yêu nên khó viết tình ca hơn. Tôi có viết bằng những cảm xúc cũ, nhưng để viết bằng cảm xúc mới thì không”.

Bật mí về cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ Hoài An tiết lộ anh lấy cảm hứng những chuyện bản thân đã trải qua và từ những người xung quanh như bạn bè, người thân hay thông qua sách vở, phim ảnh. Những điều chạm đến trái tim làm nam nhạc sĩ xúc động đều truyền cảm hứng để anh viết nên những ca khúc mới.

Ngoài công việc kỹ sư phần mềm hay nhạc sĩ, Hoài An còn có thời gian tham gia giảng dạy về võ thuật. Nam nhạc sĩ tiết lộ đây là một đam mê khác của bản thân. Anh vốn tập võ từ nhỏ đến lớn nên có một sức khỏe bền bỉ, nhanh nhạy và dẻo dai. Theo nhạc sĩ Hoài An, việc tập võ không chỉ bảo vệ bản thân mà còn có thể bảo vệ người thân khi cần thiết. Song, nam nhạc sĩ cũng bật mí trên cơ thể anh gặp không ít các chấn thương. Cứ ngỡ ba khía cạnh công nghệ, võ thuật và âm nhạc không liên quan nhưng khi kết hợp lại giúp nam nhạc sĩ cân bằng cuộc sống.

Nếu như làm việc trong ngành công nghệ thông tin giúp anh rèn luyện tính logic, khoa học và chính xác thì võ thuật giúp anh xả stress và duy trì đam mê âm nhạc lâu dài. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, nam nhạc sĩ thường tập võ để xả stress một cách tích cực. Chính nhờ sự kết hợp này mà nhạc sĩ Hoài An có thể duy trì được công việc sáng tác cũng như tiếp tục đóng góp cho nền âm nhạc. Tác giả ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống thổ lộ: “Máy tính là một môn khoa học, là ngành nghề mà tôi được đào tạo để làm việc chuyên nghiệp. Công việc kỹ sư lập trình là nhận thông tin như một hộp đen và phải viết đầu vào (input) cũng như đầu ra (output). Tôi chỉ là một mắt xích vô cùng nhỏ để tạo ra sản phẩm. Do đó, ngành công nghệ thông tin nhất là kỹ sư lập trình phải chính xác, tỉ mỉ và dành thời gian để cập nhật”.

 

Nhạc sĩ Hoài An tiết lộ đến hiện tại đôi khi anh vẫn còn giật mình mơ thấy đang ngồi lập trình, đồng nghĩa anh vẫn rất đam mê công việc này. Đối với âm nhạc, nhạc sĩ Hoài An xem đây như thể một người bạn mà anh có thể nhớ đến mỗi khi buồn. Riêng võ thuật mang đặc điểm nhanh mạnh, dứt khoát nên kết hợp cùng khía cạnh khoa học máy tính và âm nhạc giúp anh cân bằng cuộc sống. “Lúc nào tôi chán viết nhạc thì xách một binh khí hay dùng tay không để tập với bao cát. Những lúc cuộc sống căng thẳng hay thất vọng, tôi có thể lấy bao cát để tập để xả stress theo nghĩa tích cực. Nhờ có võ thuật nên tôi mới duy trì âm nhạc được lâu như vậy”, nhạc sĩ Hoài An bộc bạch.

Ngoài những tâm tình về sự nghiệp công việc, nhạc sĩ Hoài An còn hé lộ nhiều thông tin cá nhân thú vị trong phần Bật mí bí mật của chương trình Chuyện Tối Cùng Sao. Theo nam nhạc sĩ, anh đoạt giải Mai Vàng vào năm 2001. Thời gian trung bình mà anh sáng tác bài hát trong khoảng 30 phút đến một giờ đồng hồ. Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hoài An có tên Nhớ Trưng Vương. Bên cạnh khả năng sáng tác, anh còn có thể chơi nhiều nhạc cụ như guitar, trống, keyboard, melodion, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh,…

Đối với nhạc sĩ Hoài An, món ăn nào cũng cảm thấy ngon miệng. Riêng động vật mà anh yêu thích nhất, đó là mèo. Thói quen mà nam nhạc sĩ muốn từ bỏ nhất chính là thức khuya. Xuất hiện trong chương trình Chuyện Tối Cùng Sao, nhạc sĩ Hoài An còn tham gia thử thách nhìn lời bài hát đoán tên ca khúc. Chỉ với một câu hát, nam nhạc sĩ dễ dàng đoán ra những sáng tác từ lâu của bản thân như Khung trời ngày xưa, Tình thơ Tình khúc vàng.

Tập 60 Chuyện Tối Cùng Sao phát sóng lúc 21h50 thứ Tư ngày 31/7 trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan