Đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của nghệ sĩ vi phạm đạo đức từ đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà thu hút sự quan tâm, bàn luận của giới làm phim, khán giả trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội những ngày qua.
Quan điểm của nữ đại biểu được đưa ra trong bối cảnh showbiz Trung, Hàn cũng có những động thái quyết liệt đối với các nghệ sĩ có hành vi đạo đức lệch chuẩn như cấm sóng, hủy toàn bộ lịch trình liên quan đối với bộ phim, yêu cầu đền bù thiệt hại…
Nhìn từ góc độ đạo đức, đề xuất này hướng đến mục đích làm trong sạch showbiz Việt, đồng thời nhà sản xuất (NSX) chú trọng tới công tác lựa chọn diễn viên. Và hơn bao giờ hết, nghệ sĩ đưa vấn đề giữ gìn hình ảnh, tôn trọng khán giả cũng như bản thân lên hàng đầu.
Đạo diễn, NSX Nam Cito nói với Zing anh quan tâm đến văn hóa nghệ sĩ trước khi lựa chọn diễn viên cho phim của mình. Khi ký kết hợp đồng, anh luôn đưa ra các điều khoản như diễn viên không vi phạm đạo đức, pháp luật, không để xảy ra scandal.
“Nghệ sĩ là người của công chúng vì thế phải có ý thức giữ gìn hình ảnh, chú trọng đạo đức. Họ nên tập trung phát triển tài năng của mình và không vướng vào lùm xùm đời tư. Diễn viên hãy tôn trọng bản thân, khán giả của mình để có chỗ đứng vững chắc trong thánh đường nghệ thuật cũng như trái tim người hâm mộ”, anh nói.
Đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ trong thời đại này, công chúng ngày càng khắt khe, yêu cầu cao. Vì thế, nghệ sĩ cũng cần phải nghiêm khắc với bản thân.
Trong bài phỏng vấn với Zing, nam đạo diễn chia sẻ khi bắt đầu hợp tác với các diễn viên trẻ, anh luôn yêu cầu họ tham gia các lớp học do anh chỉ định. Thông qua các lớp học, mỗi diễn viên có cơ hội được học hỏi, rèn luyện để nâng cao nền tảng của mình.
“Việc học có thể không giúp gì được các bạn quá nhiều khi thời gian học ít ỏi, nhưng sẽ tạo được nền móng quan hệ tốt hơn khi họ bước vào dự án. Qua quá trình học và tiếp xúc với các giảng viên có tâm và có tầm, họ hiểu được về lao động nghiêm túc”, Bảo Nhân khẳng định.
Theo đạo diễn Nam Cito, hình phạt lớn nhất đối với người nghệ sĩ là sự quay lưng đối với khán giả. Những diễn viên từng bị công chúng tẩy chay ít khi được NSX mời hợp tác ở những dự án kế tiếp.
“Đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức phải căn cứ vào mức độ vi phạm đó là gì. Nếu chỉ là vi phạm đạo đức ở mức độ nhỏ, đề xuất này quá nặng. Còn vi phạm pháp luật phải dựa vào kết luận của cơ quan chức năng để tính toán tiếp”, anh cho biết.
Cùng quan điểm, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng nếu đề xuất trên được đưa vào luật thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có nội dung cụ thể, rõ ràng các mức độ vi phạm của diễn viên khiến phim phải ngừng chiếu, rút giấy phép.
“Điện ảnh là sản phẩm tổng hợp với sự tham gia của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Vị trí nào cũng quan trọng để cấu thành sản phẩm. Nếu một ai đó vi phạm, tác phẩm phải dừng chiếu thì không đúng. Nhà sản xuất cũng không quản lý hết được đời sống cá nhân của toàn bộ nhân viên. Vì có những phim quay 2-3 năm và thuê nhân viên theo thời vụ. Nếu xảy ra sự cố, diễn viên cũng không đủ tiền để đền bù cho dự án”, anh thông tin thêm.
Đạo diễn 578: Phát đạn của kẻ điên nêu quan điểm diễn viên nào sai phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự đánh giá của công chúng. Đạo diễn Lương Đình Dũng mong muốn ban soạn thảo Luật Điện ảnh sẽ cân nhắc, cẩn trọng, đưa ra những điều khoản phù hợp với thực tiễn.
“Nên coi tác phẩm điện ảnh cũng giống như ngành nghề khác. Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ: ‘Nếu bác sĩ vi phạm đạo đức, không lẽ đóng cửa nguyên bệnh viện’. Hơn nữa, dự án phim còn liên quan đến các nhà đầu tư. Họ đầu tư điện ảnh một cách thuần túy, không thể quản lý nhân sự của đoàn phim. Trường hợp đề xuất trên được thực hiện, các nhà đầu tư sẽ quá mạo hiểm”, đạo diễn chia sẻ.
NSX Trương Ngọc Ánh cho biết tùy theo từng bộ phim mà NSX và diễn viên có những yêu cầu, thỏa thuận khác nhau. Tuy nhiên, có những điều khoản, quy định ràng buộc giữa NSX và diễn viên khá giống nhau, nhất là vấn đề thưởng, phạt.
Trong trường hợp diễn viên vi phạm hợp đồng, hai bên sẽ ngồi lại để giải quyết. Nếu không thương lượng được, nhà sản xuất sẽ cậy nhờ đến sự can thiệp của luật sư hoặc tòa án.
Trở lại với đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của nghệ sĩ vi phạm đạo đức, Trương Ngọc Ánh cho rằng ban soạn thảo nên đưa ra nội dung cụ thể để nhà sản xuất và diễn viên nắm rõ. Từ đó, nhà sản xuất sẽ kỹ lưỡng, ràng buộc diễn viên với những điều khoản liên quan đến chuẩn mực đạo đức.
“Trong hợp đồng đó, nhà sản xuất sẽ đưa thêm khoảng thời gian từ lúc tham gia đến khi phim trình chiếu, nếu diễn viên vi phạm đạo đức, vướng scandal phải đền bù toàn bộ chi phí cho phim. Chỉ như vậy, chúng tôi mới dám làm phim. Trong bối cảnh làm phim khó khăn, từ chuyện nội dung, doanh thu rồi lại lo lắng bị dừng chiếu vì đạo đức diễn viên khiến nhà sản xuất khổ sở”, cô cho biết.
Theo Zing.vn