Ngày 23/10, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), một đại biểu Quốc hội đưa ra đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị.
Ý kiến này đang tạo ra luồng dư luận trái chiều trong giới làm phim cũng như công chúng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, bày tỏ quan điểm trên Zing xung quanh vấn đề này.
Các đại biểu Quốc hội đưa ra những đề xuất để ban soạn thảo Luật Điện ảnh cân nhắc, xem xét. Sở dĩ có đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức vì thời gian qua, nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giải trí Việt có hành vi lệch chuẩn, không phù hợp trên mạng xã hội hoặc ngoài đời thực. Điều này tác động tiêu cực đến công chúng cũng như sự phát triển văn hóa chung của xã hội. Nếu theo dõi phản ứng của dư luận, chúng ta có thể thấy không ít ý kiến bày tỏ nên cấm sóng, cấm phổ biến tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tác phẩm điện ảnh của nghệ sĩ vướng scandal.
Hơn nữa, gần đây, ở showbiz Trung Quốc, nhiều người nổi tiếng bị phong sát sau khi vướng bê bối. Họ gần như không có cơ hội hoặc chật vật để hoạt động trở lại. Tại Hàn Quốc cũng vậy, một ca sĩ, diễn viên được yêu thích đến mấy, chỉ cần phạm sai lầm, các ngôi sao ngay lập tức bị nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh, khán giả quay lưng. Đó là cái giá đắt phải trả.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là đưa yêu cầu dừng chiếu phim của nghệ sĩ Việt vi phạm đạo đức vào Luật Điện ảnh liệu có cần thiết và khả thi hay không. Theo tôi, để đi vào thực tiễn hoặc được thể hiện trong một văn bản luật, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi đạo đức là phạm trù rất rộng, khó có thể được định nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể. Làm thế nào để xác định đâu là mức độ vi phạm nhẹ hoặc nghiêm trọng.
Tôi nghĩ chúng ta có thể có những giải pháp phù hợp hơn, chẳng hạn tạm dừng chiếu phim một thời gian hoặc thay đổi diễn viên. Tất nhiên, đó chỉ nên là quy định mềm, không đưa vào luật.
Nếu rút phép hoàn toàn một tác phẩm điện ảnh, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người liên quan, thiệt hại nặng nề cho nhà sản xuất. Trong khi tác phẩm là công sức của một tập thể. Không nên để người khác bị ảnh hưởng liên đới vì sai lầm của một cá nhân.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng phía nhà sản xuất cũng cần thể hiện sự tôn trọng dành cho khán giả, trách nhiệm với xã hội ở mức cao hơn. Khi mời một nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn tham gia phim, họ phải rất cân nhắc, dù không có luật cấm. Đó cũng là văn hóa kinh doanh.
Trên thế giới, chưa có luật pháp của quốc gia nào cấm nghệ sĩ vi phạm đạo đức không được tham gia hoạt động biểu diễn. Nhưng họ sẽ bị tẩy chay, bị từ chối hợp tác, rồi từ từ đào thải. Đó chính là hình phạt lớn nhất.
Khán giả Việt bây giờ cũng không dễ tính nữa. Có thể thấy rằng những nghệ sĩ vướng scandal thời gian qua đã bị lên án, thậm chí quay lưng. Tôi lấy ví dụ trường hợp của ca sĩ Jack. Chương trình truyền hình thực tế Chạy đi chờ chi vừa qua bị phản ứng mạnh khi có nam ca sĩ này tham gia.
Sự quay lưng của khán giả cũng đồng thời đưa đến thông điệp cho các chương trình, nhà sản xuất. Tức là họ nên và không nên mời ai, thậm chí phải nghĩ đến hợp đồng cam kết giữ hình ảnh, không vi phạm chuẩn mực đạo đức của nghệ sĩ khi tham gia, từ đó giúp thị trường nghệ thuật lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.
Sắp tới, khi bộ quy tắc ứng xử được ban hành, sẽ phần nào giúp tăng cường nhận thức của nghệ sĩ về việc nên hoặc không nên làm để từ đó giữ gìn hình ảnh. Bên cạnh bộ quy tắc, chúng ta còn có thêm nghị định xử phạt trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tất cả tạo thành một hệ thống để điều tiết hành vi của nghệ sĩ.
Hy vọng chúng ta có một “hệ sinh thái” đủ mạnh để tác động đến nhận thức, hành vi của giới nghệ sĩ. Ban hành luật không có nghĩa là mong muốn nhiều người vi phạm để xử phạt. Mục đích quan trọng hơn cả vẫn là nâng cao nhận thức. Xử phạt là giải pháp cuối cùng trong quản lý nhà nước.
Theo Zing.vn