logo
Thứ tư, 08/05/2024 12:44:51

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: ‘Phải giữ bằng được bát cơm cho dân’


"Phải giữ bằng được bát cơm cho dân. Đất nước mình người đông, đất hẹp, phải giữ đất trồng lúa", Cố vấn BCH TƯ Đảng Đỗ Mười gọi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sang dặn dò.

Ông Lê Huy Ngọ – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – có những kỷ niệm sâu sắc với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ thời làm chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú (sau này tách thành 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc – PV).

Các kỷ niệm được ông kể trong cuốn Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười – Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tác giả Diệu Ân, NXB Hồng Đức).

Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách, giữ cách xưng hô của ông Lê Huy Ngọ (xưng tôi).

Phong cách chỉ đạo quyết liệt

Tỉnh Vĩnh Phú có khu công nghiệp Việt Trì – Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng nên bác (ông Đỗ Mười) thường về kiểm tra, yêu cầu tỉnh Vĩnh Phú báo cáo về tình hình cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Nhà máy có công suất 5 vạn tấn và cần 15 vạn tấn nguyên liệu giấy. Trung ương giao cho các lâm trường quốc doanh của Vĩnh Phú, Tuyên Quang cung cấp nguyên liệu, nhưng hàng năm vẫn thiếu, mỗi năm nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng 2 vạn tấn.

Nguyen Tong bi thu Do Muoi: ‘Phai giu bang duoc bat com cho dan’ hinh anh 1
Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đi thăm một nhà máy xi măng. Ảnh: Minh Đạo/TTXVN.

Trong buổi họp, bác rất bức xúc về tình hình thiếu nguyên liệu trầm trọng và kéo dài. Bác hỏi vì sao có nhiều lâm trường mà lại không đủ cung cấp nguyên liệu.

Bác nói gay gắt: “Trung ương làm nhà máy, địa phương phải làm vùng nguyên liệu tập trung, đất nước đang cần rất nhiều giấy, mình phải tự sản xuất, hạn chế nhập ngoại. Vĩnh Phú là tỉnh trung du, có ba phần tư diện tích đất là đồi rừng, lại có lâm trường quốc doanh sao lại không làm được?”

Bác đập tay lên bàn, rồi tiện tay kéo cổ áo tôi ra phía sau và hỏi:

– “Các anh có làm được không? Anh là kỹ sư nông nghiệp còn trẻ mà không làm được à?”

Tôi lo lắng trả lời:

– “Thưa bác Vĩnh Phú đang làm, đã xây dựng lâm trường quốc doanh, trồng rừng tập trung thâm canh nhưng vẫn phải có thời gian và tìm hiểu thêm vùng cung cấp nguyên liệu khác nữa”.

Bác lại hỏi: “Nguồn nào và bao giờ làm? Để 2 vạn tấn giấy một năm là không được”.

Tôi mạnh dạn thưa: “Báo cáo bác, nếu chỉ dựa vào lâm trường quốc doanh không đủ sức ạ”.

Bác nói ngay: “Vậy còn sức nào nữa, thế thì các anh phải xuống bàn với dân, hỏi cách làm nguyên liệu”.

Được gợi ý của bác Mười làm chúng tôi vui hẳn lên, cuộc bàn luận trở nên sôi nổi, vui vẻ vì đó cũng là vấn đề tỉnh Vĩnh Phú đang trong quá trình khảo sát, tìm tòi về hướng đi lên cho kinh tế đồi rừng theo mô hình RV (Ruộng-Vườn) mà trong dân đang làm.

Cuộc bàn bạc đang sôi nổi, một ông bạn ngồi cạnh tôi nói nhỏ: “Ngọ ơi, cẩn thận nhé, đứt hết khuy áo rồi”. 

– “Không sao, cụ thương cụ mới kéo áo mình để nhắc nhở thôi”.

Sau cuộc họp, mọi người ra về, bác Mười quay sang hỏi tôi: “Ngọ ơi! Tớ nói thế cậu có giận không?”

Tôi cảm động thưa:

– “Bác lo cho nhà máy, cho dân như vậy sao dám giận, bác đã truyền nhiệt huyết sang cho mọi người, việc này Vĩnh Phú sẽ tiếp tục tìm cách để làm tốt hơn”.

Sau cuộc họp thường vụ, Tỉnh ủy lại phân công xuống các huyện để tìm hiểu cách tháo gỡ. Tôi được cử xuống huyện Đoan Hùng. Vì trước đó đồng chí Trần Văn Đăng, Bí thư huyện ủy, đã nghiên cứu mô hình rừng – vườn nên đưa chúng tôi xuống xã Minh Tiến có nhiều mô hình về vườn rừng trồng bưởi Diễn, trồng vầu phát triển rất tốt, đây chính là nguồn nguyên liệu làm giấy.

Hỏi ra mới biết dân không bán nguyên liệu cho nhà máy vì giá thu mua rẻ và đất đai ít, vì chỉ trồng trong vườn.

Một thời gian sau, bác Mười lại lên kiểm tra, chúng tôi đưa bác xuống thăm xã Minh Tiến. Bác rất vui thấy nguồn nguyên liệu trong dân phát triển tốt. Khi về họp thường vụ tỉnh ủy bác hỏi:

– “Làm thế nào để dân bán cho ta?”

Tôi báo cáo:

– “Vấn đề thứ nhất là nâng giá mua ngang với giá của bên ngoài. Vấn đề thứ hai là muốn có nhiều nguyên liệu thì phải giao đất rừng cho dân tự quản, tự chăm sóc và bán cho nhà máy”.

Báo cáo với bác Đỗ Mười, vấn đề này thật không dễ dàng. Vì Vĩnh Phú đang trải qua thời kỳ “hậu khoán hộ”, từ khoán lúa, khoán hoa màu, Vĩnh Phú đang làm thử việc “giao khoán đất rừng cho dân”. Báo cáo với bác điều đó liệu có lo ngại hậu quả gì không? Bài học về khoán hộ đã “nhỡn tiền”.

Bác nghe xong thấy việc nghiên cứu của tỉnh là có cơ sở và quyết tâm của tỉnh là có trách nhiệm. Bác hỏi: “Các đồng chí đã nghĩ kỹ chưa?”

Và đồng ý để tỉnh làm thử ở một huyện. Từ huyện Đoan Hùng làm thí điểm tốt, chúng tôi nhân điển hình cho toàn tỉnh và từ đó việc cung cấp nguyên liệu được hỗ trợ lớn từ hộ dân làm kinh tế Đồi – Rừng cho nhà máy giấy đã được giải quyết cơ bản lâu dài.

Nếu hồi đó bác Mười không thúc đẩy quyết liệt đòi hỏi Vĩnh Phú thì liệu chúng ta có vùng nguyên liệu và sản lượng giấy như bây giờ không?

Phải giữ bằng được bát cơm cho dân

Tháng 6/1988 tôi được Trung ương điều về làm Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Khi về tỉnh, nhiệm vụ chính là chỉnh đốn tổ chức rất nặng nề nhưng thử thách đầu tiên đối với tôi lại là một số huyện mất mùa, dân bị đói.

Nguyen Tong bi thu Do Muoi: ‘Phai giu bang duoc bat com cho dan’ hinh anh 2
Đồng chí Đỗ Mười thăm người dân Phan Thiết thu hoạch lúa.

Cũng vào thời điểm này, Trung ương đã có lệnh điều 1,8 vạn tấn gạo của Thanh Hóa ra Hà Nội. Tôi thấy dân đói mà lại điều gạo về Trung ương, bức xúc quá nên quyết định ra Hà Nội trực tiếp báo cáo với bác Mười. Tôi nói: “Tôi đã đi kiểm tra ba huyện Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân thấy dân đói lắm bác ạ”.

Bác có vẻ rất lo lắng và hỏi tôi: “Dân đói hả Ngọ, thôi được rồi để tôi gọi điện báo cáo với anh Nguyễn Văn Linh”. Sau đó bác quay lại nói với tôi: “Đồng ý để lại cho Thanh Hóa 1,8 vạn tấn gạo để cứu đói cho dân”.

Ngay đêm hôm đó, tôi về Thanh Hóa báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy và hôm sau gọi ba huyện lên nhận gạo cứu đói cho dân. Quyết định của bác Mười lúc đó đã làm vơi bớt nỗi khổ của người dân Thanh Hóa.

Khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bác làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng thường gọi điện sang nhắc nhở công việc:

– “Phải giữ bằng được bát cơm cho dân. Đất nước mình người đông, đất hẹp, phải giữ đất trồng lúa, anh phải báo cáo Thủ tướng chỉ ra đất lúa chỗ nào, phải đưa công nghiệp lên vùng đất đồi, phải bảo vệ an ninh lương thực, phải đảm bảo bát cơm cho dân”.    

Một hôm tôi đến thăm, bác nói luôn: “Hôm nay tôi muốn nghe chú nói thôi, không phải là báo cáo, vậy đất nông nghiệp còn được bao nhiêu? Đất lúa giữ lại bao nhiêu? Có nói được không?”

Cảm động nhất là khi tôi đi làm công tác chống lụt bão. Những trận lụt bão lớn tôi thường trực tiếp đi xuống vùng lũ để chỉ đạo cứu dân. Trong những lúc khẩn cấp đó, bác luôn gọi điện xuống kể cả những lúc đêm khuya.

Thời gian tôi làm Phó ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Đảng (1991-1997) tôi được gần bác nhiều hơn. Tôi nhận thấy bác là con người có tầm nhìn chiến lược về sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, luôn xả thân vì công việc, vì dân, vì nước; làm việc gì cũng quyết liệt theo đuổi, đôn đốc đến cùng.


Từ Khóa:

Tin Liên Quan