Trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, chị B cho biết, chị và chồng kết hôn được một năm. Thời gian trước khi cưới, chị B luôn cảm nhận được sự cởi mở và gần gũi mà nhà chồng dành cho mình. Tuy nhiên, sau thời gian dài mà vẫn chưa có em bé, chị B chỉ nghĩ rằng “con cái là do trời ban” nên không hề đi khám chữa.
Về phần mẹ chồng, bà luôn chì chiết với những lời lẽ cay nghiệt rằng: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Bà luôn hắt hủi và gần như muốn đuổi chị B ra khỏi nhà. Sau đó, chị B đi khám thì mới biết mình bị “vô sinh”. Biết chuyện, chồng chị B khuyên chị nên đi du lịch một tuần cho khuây khỏa. Đến lúc chị về, mẹ chồng cũng biết chuyện chị không có khả năng sinh con. Bà tát chị và liên tục buông những lời lẽ cay độc, cho rằng chị B lừa đảo gia đình bà.
Chịu quá nhiều tổn thương, chị B muốn bỏ cuộc nhưng vì chồng khuyên ngăn nên tiếp tục ở lại. Trước đó, cả hai vợ chồng chị B tìm đủ mọi cách, làm đủ phương pháp để có con nhưng bị sảy thai một lần và hai người luôn sống trong không khí gia đình vô cùng “ngột ngạt” với mẹ chồng.
Bà tạo áp lực hàng ngày. Có khi bà còn đòi tuyệt thực. Mẹ chồng còn xúc phạm chửi bới cả dòng họ nhà con dâu. Đối diện với những hành động miệt thị của bà, hai vợ chồng vẫn yêu thương nhau. Chồng chị B còn lên tiếng bênh vực vợ mọi lúc mọi nơi.
Sau 4 năm, hai vợ chồng chị B mới quyết định ra ở riêng và vẫn tiếp tục phải đối mặt với những lần mẹ chồng đến nhà tìm bắt ký giấy ly hôn hay gọi điện thoại chửi mắng. Hiện tại, chị B chỉ mong nhận được sự thông cảm từ bà và bản thân chị B cũng không bao giờ mong muốn điều này xảy ra.
Nghe xong câu chuyện, tiến sĩ Tô Nhi A phân tích: “Chồng bạn là con trai một và bạn cũng nhận ra được mẹ chồng là người mang cốt cách tại vùng văn hóa mà ở đó trọng nam, trọng con cháu, trọng việc nối dõi tông đường như một dạng tự hào. Khi cả hai không có con mà nguyên nhân lại không đến từ con trai bà, thì việc bà chấp nhận con dâu không dễ”.
Nữ tiến sĩ phân tích, trong mỗi cuộc hôn nhân, những năm đầu chính là tình yêu, nhưng sau đó để cảm xúc giữa cả hai không bị bão hòa thì phải có một em bé ra đời. Khi chị B vẫn còn bận tâm với sự tác động của người mẹ chồng như hiện nay thì sự gắn bó giữa chị và chồng cũng không hề khỏe mạnh. Bản thân chị B đang không bình an, thì cuộc hôn nhân này cũng sẽ không bình an.
Tiến sĩ Tô Nhi A khuyên chị B: “Hãy yêu bản thân và đón nhận việc ở kiếp này mình không có duyên được làm mẹ một cách tự nhiên. Vì bạn đang định nghĩa rằng đó là sự thiệt thòi, sự yếu thế nên mọi quyết định mà bạn đưa ra đều cảm thấy đau lòng, ở lại cũng không xong, ra đi cũng không dám. Giờ chỉ có một điểm nút, là bạn bình thường hóa cơ thể của mình, đây không phải là một cái tội, cái nghiệp mà chỉ đơn giản là mỗi người có một đặc điểm riêng. Hãy dành thời gian để đối thoại với cơ thể của mình trước, thì sự ra đi hay ở lại tự có kết quả. Hãy nghĩ xa hơn về tương lai của mình để có một quyết định phù hợp. Hãy nghĩ cho mình chứ không phải nghĩ cho người khác. Mình tự chấp nhận mình và yêu thương bản thân mình với tất cả những gì mình có”.
Cuối chương trình chị B không muốn bật đèn công khai vì mối quan hệ của chị và mẹ chồng còn đang mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h Thứ Ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.