logo
Thứ sáu, 10/05/2024 01:58:37

Nghệ sĩ Việt và chuyện phía sau bộ đồ bảo hộ


"Những ngày tháng làm tình nguyện viên trở thành quãng thời gian đẹp đẽ trong thanh xuân của tôi. Tôi được vui cười, xúc động, hạnh phúc bên các đồng đội", Minh Khang trải lòng.

Tính từ 0h ngày 31/5, đến nay, TP.HCM trải qua gần 70 ngày sống chung với dịch Covid-19.

Sống trong giai đoạn lịch sử, nhiều nghệ sĩ Việt đã chọn cách “ra tiền tuyến” bằng công việc của một tình nguyện viên. Ở đó, họ được trải nghiệm, cống hiến những giá trị vật chất, tinh thần để cùng đội ngũ tuyến đầu trên hành trình đẩy lùi dịch bệnh.

Để rồi, chính họ cũng nhận về cho mình những bài học về giá trị sống, tình người. Trong khó khăn, vất vả, các nghệ sĩ biết rằng không sự hy sinh nào là vô nghĩa.

Khi những giọt mồ hôi họ rơi xuống sau lớp áo bảo hộ là một lần niềm vui lan tỏa trên khuôn mặt của người dân và cùng đi đến ngày thắng dịch.

Nụ cười rạng rỡ sau sợi dây phong tỏa

“Thủy đã tính làm nốt hôm nay rồi mai nghỉ hẳn vì mệt quá. Hơn một tháng đồng hành cùng đội tình nguyện viên nghệ sĩ, tôi gần như vắt kiệt sức, làm từ sáng đến tối mịt. Thế nhưng, sau một đêm ngủ dậy, tôi lại dẹp bỏ ý nghĩ đó và tiếp tục lên đường. Công việc này mệt nhưng rất vui”, Mâu Thủy kể với Zing.

Giống Mâu Thủy, hơn một trăm nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực từ MC, diễn viên, ca sĩ… đã ngày đêm trực chiến ở nhiều điểm nóng trong tâm dịch TP.HCM hơn 70 ngày qua.

Họ làm những công việc tay chân nặng nhọc và hỗ trợ nhân viên lấy mẫu trong các khu phong tỏa, cách ly, hát ở bệnh viện dã chiến – nơi điều trị hàng nghìn F0.

Hoàng My và các nghệ sĩ khi đi làm công việc tình nguyện viên. Ảnh: NVCC.

Không một lời than vãn, kể khổ, các nghệ sĩ luôn rạng rỡ nụ cười, tràn trề nhiệt huyết.

Có diễn viên mải miết chạy mỗi ngày 150 km từ Bình Dương lên TP.HCM ròng rã hai tháng qua để làm công tác chống dịch. Có người giấu gia đình, trốn ra ngoài để được tiếp sức cùng đồng đội ở nhiều công việc tình nguyện.

Và khi được hỏi về lý do, họ chỉ nói ngắn gọn: “Vui. Và càng làm thấy càng khỏe”.

Niềm vui của tình nguyện viên nghệ sĩ đơn giản là sau ngày dài lấy mẫu xét nghiệm, họ được bà con sống gần đó tặng một nồi cháo gà. Để rồi, cả nhóm vừa xì xụp ăn, vừa nói cười vui vẻ.

Diễn viên Phước Hiếu (23 tuổi) tâm sự khi đi tình nguyện viên, anh có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện với các đồng nghiệp. Điều đó giúp anh xua bớt nỗi nhớ nghề.

Riêng Hoàng My, cô kể quyết định làm tình nguyện viên trong tâm dịch trong 1,5 tháng qua là “hoàn toàn đúng đắn” và “vui chưa từng thấy”.

“Trong nhóm tình nguyện viên, chúng tôi gồm Phi Kha, Mâu Thủy, Ngọc Châu và tôi lập thành một tiểu đội chân dài. Chúng tôi cùng hỗ trợ nhau trong công việc, đi đâu cũng dính nhau như hình với bóng. Kết thúc công việc, cả nhóm nhí nhố, vui vẻ. Nhờ đi tình nguyện viên mà tôi có thêm nhiều người bạn hợp cạ. Tôi cũng cảm thấy gắn bó hơn với đất nước hơn. Trước đây, tôi là người thích đi và muốn sống ở nhiều quốc gia khác nhau”, á hậu cho biết.

Niềm vui sau ngày dài làm việc ở khu phong tỏa của Hoàng My, Phi Kha. Ảnh: NVCC.

Mỗi ngày trôi qua, người đẹp 33 tuổi đều đăng tải những hình ảnh khi đi làm tình nguyện lên trang cá nhân.

Có ảnh, Hoàng My ngồi ăn cơm hộp và chú thích “bữa ăn ngon mà tinh thần như được tiếp thêm mấy chai tăng lực”.

Có ảnh, cô ngồi nhập liệu thông tin giúp nhân viên y tế và cho biết: “Sau kinh nghiệm tình nguyện viên, mình triển vọng với các ngành nghề như: sale, luật sư, hoặc cãi mướn”.

Á hậu nói trang nhật ký mở của mình được lấp đầy bởi vô số kỷ niệm, đa phần trong đó là vui vẻ, hạnh phúc vì được cống hiến.

Khoảng lặng

Ngoài quãng thời gian vui vẻ, đội tình nguyện viên nghệ sĩ cũng trải qua những khoảng lặng. Đó là khi Minh Khang – một thành viên trong nhóm không thể về chịu tang cha ở Lâm Đông lúc đang hỗ trợ chống dịch.

MC Quỳnh Hoa nói đó là một ngày buồn của Khang và cả nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ nói chung. “Nghe Khang khóc trong điện thoại mà mình muốn khóc theo, cảm giác bất lực”.

Nhưng Minh Khang nói anh cố gắng vượt qua nỗi buồn bằng cách tiếp tục cống hiến trong vai trò tình nguyện viên ở những ngày tới và sẽ trở về thắp hương cho cha khi thành phố hết dịch.

“Nhiều ngày qua, các anh chị trong nhóm đã động viên Khang về cả vật chất lẫn tinh thần. Điều đó giúp Khang được an ủi, sẻ chia và xua tan đi nỗi buồn mất người thân. TP.HCM đang bệnh. Khang sẽ cùng các đồng đội cố gắng thật nhiều, để đẩy lùi dịch bệnh”, nam diễn viên bày tỏ.

Ca sĩ Cẩm Vân và con gái Cece Trương hát trước 2.000 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.

Cece Trương – con gái của ca sĩ Cẩm Vân và nhạc sĩ Khắc Triệu – trong một lần đi hát ở bệnh viện dã chiến số 11 (quận 2, TP Thủ Đức) đã khóc khi hát Gánh mẹ trước 2.000 bệnh nhân Covid-19.

“Tôi rưng rưng, không nén được xúc động khi thể hiện Gánh mẹ, Ở trọ, Biết đâu nguồn cội. Lúc hát ca khúc Gánh mẹ, tôi cứ nghĩ đến những người mẹ không được về với con vì phải điều trị bệnh. Những người thân xa cách nhau. Các em bé chắc nhớ mẹ lắm. Vừa hát, tôi vừa rơi nước mắt”, nữ ca sĩ kể lại.

Ở bên cạnh con gái, ca sĩ Cẩm Vân cũng không nén được xúc động. Cô hạnh phúc khi được hàng nghìn khán giả vỗ tay, cổ vũ trong từng lời hát.

“Bữa giờ, mẹ và tôi muốn đi hát ở bệnh viện dã chiến nhưng chưa có cơ hội. Hôm nay, tôi hạnh phúc khi được tham gia cùng chương trình. Mẹ tôi năm nay ngoài 60 tuổi rồi nhưng cũng hăng hái, nhiệt tình lắm. Mong tiếng hát của hai mẹ con sẽ là nguồn động viên tinh thần nho nhỏ, gửi đến các y bác sĩ và bệnh nhân tại đây. Mọi người sớm khỏe nhé”, Cece Trương bày tỏ.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan