Liên quan đến hoạt động thiện nguyện của Thủy Tiên và một số nghệ sĩ, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp UBND và MTTQ Việt Nam các cấp ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền cứu trợ tại các địa phương.
Ở góc độ của một người làm thiện nguyện hơn 20 năm, anh Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và Giám đốc dự án của Quỹ hy vọng nhìn nhận việc làm từ thiện của Thủy Tiên cảm tính, thiếu chuyên nghiệp. Anh gửi tới Zing bài viết đánh giá về hoạt động từ thiện của nữ ca sĩ trong đợt ủng hộ miền Trung năm 2020.
Cách làm cảm tính, khó kiểm soát
Làm thiện nguyện cũng như bất cứ công việc khác trong cuộc sống tôi nghĩ đều cần có đồng đội. Không ai có thể làm việc hoàn thiện nếu chỉ có một mình, thiếu đồng đội hỗ trợ. Cũng như khi chạy bộ đường dài một mình, nếu không có bạn đồng hành, chúng ta dễ chán và bỏ cuộc. Thậm chí, nếu không may gặp rủi ro không ai có thể nâng đỡ, cứu giúp bạn.
Thủy Tiên đến ngân hàng sao kê từ tháng 9.
Khi làm việc thiện nguyện, nếu chỉ có một mình, không kết hợp với các tổ chức như Thủy Tiên thì công việc thế nào, thu chi đúng sai không, chỉ có tâm cô ấy biết mà thôi. Nhưng nếu Thủy Tiên kêu gọi và sau đó làm cùng với một tổ chức, quỹ nào đó chuyên nghiệp gồm các bộ phận chuyên môn, người chịu trách nhiệm, phân luồng… thì dễ có sự đối chiếu, kiểm soát.
Hoặc ở đâu đó bạn làm sai, cần sự hỗ trợ thì có anh em từ các quỹ này cũng quan sát và nhắc nhở. Trong suốt quá trình thực hiện một chương trình nào đó, dù bạn giỏi và kinh nghiệm đến mấy, đôi lúc cũng không thể tránh khỏi sai sót. Và đó là lúc bạn cần các cộng sự góp ý, nhắc nhở. Xử lý một việc trước khi để lại hậu quả bao giờ cũng dễ hơn khi mọi thứ đáng tiếc đã xảy ra.
Tôi nhận thấy Thủy Tiên và một số nghệ sĩ có lượng fan đông đảo, ảnh hưởng xã hội nên có khả năng kêu gọi được số tiền lớn từ cộng đồng. Nhưng thực tế, người kêu gọi giỏi không có nghĩa làm thực tế xuất sắc. Và để công việc có kết quả tốt mỗi người nên được giao làm đúng với thế mạnh của mình.
Ở trường hợp của Thủy Tiên, tôi nghĩ cô ấy không cần trực tiếp làm mọi việc như thế. Cô ấy cũng như các nghệ sĩ chỉ cần kêu gọi, các tổ chức khác sẽ làm việc cụ thể. Lúc đó, tên tuổi và danh tiếng của nghệ sĩ vẫn còn đó, thậm chí còn được xây dựng vững chắc hơn. Không nhất thiết phải làm như Thủy Tiên, khi tới vùng lũ, đi đến đâu livestream ở đó.
Với cách làm từ thiện cảm tính, nhất là khi quyên góp được số tiền lớn rất dễ khiến bạn gặp rủi ro. Thủy Tiên là ví dụ sinh động của việc có khi được khen ngợi, tung hô nhưng đến lúc các ý kiến phản biện được đặt ra, niềm tin dành cho nữ ca sĩ đã giảm sút.
Tôi nghĩ mọi người có tâm từ bi, giúp đỡ người khác là điều đáng quý. Nhưng từ bi phải có trí tuệ. Khi cái tâm từ bi quá lớn, che mất sự thông tuệ, chúng ta sẽ không biết mình cần làm gì. Thay vào đó, Thủy Tiên cũng như các cá nhân làm từ thiện cảm tính sẽ bị đắm đuối vào từng hoàn cảnh cụ thể. Họ thiếu cái nhìn bài bản, đường xa.
Trong tình hình lũ lụt nguy cấp nhưng cứu trợ chậm một vài ngày cũng không sao. Quan trọng là bạn phải có kế hoạch và chương trình đúng đắn. Và thực tế, không có Thủy Tiên, còn có nhiều quỹ từ thiện khác và chính quyền địa phương hỗ trợ người dân.
Chưa kể việc đi đến vùng lũ của Thủy Tiên rất nguy hiểm. Các chiến sĩ ở Rào Trăng có đầy đủ kỹ năng vẫn gặp nạn.
Công Vinh và Thủy Tiên cùng đến các địa phương phát tiền sau khi kêu gọi được 178 tỷ đồng.
Theo dõi các hoạt động từ thiện của Thủy Tiên, tôi thấy có nơi cô ấy thông qua chính quyền sở tại, có nơi lại không. Việc không thông qua chính quyền thể hiện cái tôi quá lớn, rằng bản thân không cần ai, có thể tự làm.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm thiện nguyện, tôi nhận thấy chính quyền địa phương hầu như không làm khó với các cá nhân, tổ chức. Họ rất nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các mạnh thường quân.
Cầm hàng tỷ đồng đi vào vùng lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro
Về vấn đề giải ngân 178 tỷ đồng trong gần một tháng, tôi thấy bạn ấy rất giỏi, không hiểu sao thực hiện được. Trong đợt dịch vừa qua, Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng quyên góp được khoảng 57 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật. Chúng tôi phải làm việc liên tục, cật lực để giải ngân hết số tiền trong 150 ngày. Chưa kể, hội của chúng tôi gồm những cá nhân có kinh nghiệm lâu năm.
Và ngày kết thúc chương trình, chúng tôi phải công khai đầy đủ hóa đơn, chứng từ và giấy xác nhận cùng thông tin thu chi rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc Thủy Tiên đi vào vùng lũ, mang theo số tiền lớn vài tỷ đồng khiến tôi thắc mắc. Mang tiền mặt quá nhiều có thể bị đánh rơi, mất hoặc nhiều rủi ro thường trực. Thật sự tiền không quá nặng nhưng áp lực từ cục tiền rất nặng.
Thủy Tiên phát tiền mặt cho người dân miền Trung.
Vì vậy, trong quá trình làm, tổ chức của chúng tôi đa số chọn giải pháp chuyển khoản. Chỉ trừ một số khoản nhỏ nhặt như mua cá phóng sinh, chúng tôi phải trả tiền mặt. Hoặc với hơn 600 em nhỏ quỹ nhận nuôi, trường học không có số tài khoản, chúng tôi mới phải chuyển cho giáo viên chủ nhiệm.
Tôi cho rằng giao dịch chuyển khoản giúp các mạnh thường quân hoặc quỹ từ thiện có thêm một đơn vị như ngân hàng soát cho mình. Chúng ta làm việc vì cộng đồng là điều tốt nhưng cần có trí tuệ. Đó là sự điều phối, kết nối và đồng hành với các quỹ, tổ chức. Nếu thực hiện như vậy, có lẽ bây giờ Thủy Tiên và Công Vinh không phải tự mình trình bày mọi thắc mắc từ khán giả.
Theo Zing.vn