logo
Thứ năm, 09/05/2024 03:07:04

Ngân sách Nhà nước để sản xuất phim khoảng 65 tỷ đồng mỗi năm


Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết ngân sách Nhà nước dành cho sản xuất phim khoảng 65 tỷ đồng mỗi năm. Vì thế, vấn đề đấu thầu sản xuất phim khó thực hiện.

Ngày 24/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có phiên họp để thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và lấy ý kiến từ một số đại biểu xoay quanh các vấn đề: Đấu thầu phim Nhà nước, kiểm duyệt phim trên mạng và quy định về quỹ điện ảnh…

Phim đầu tư 2 tỷ đồng rất khó để đấu thầu sản xuất

Dự thảo của Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra quy định về kiểm duyệt phim trên mạng.

Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả theo tiêu chí quy định.

Đồng thời cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan Nhà nước về phát hành, phổ biến phim, bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm về nội dung phim phổ biến.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng quy định của dự thảo còn nhiều khúc mắc. Kiểm định phim trên không gian mạng nếu chỉ dựa vào công nghệ thì mới kiểm soát được âm thanh và không kiểm soát được hình ảnh.

ngan sach san xuat phim hang nam anh 1
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng nên thực hiện tiền kiểm đối với phim phát hành trên mạng. Ảnh: Cảnh trong phim Chị Mười Ba.

Phim phát trên mạng có nội dung, số lượng lớn. Việc thực hiện tiền kiểm yêu cầu phải tăng nhân lực, thiết bị lớn và đi ngược xu thế. Vì thế, Chính phủ lựa chọn phương án là hậu kiểm và quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim trên mạng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Văn hóa.

Bà cho rằng hiện tại, nhiệm vụ kiểm duyệt phim vẫn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, cần phân cấp cho các tỉnh. Đồng thời, việc phổ biến phim trên mạng cần thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Trao đổi về việc đánh giá nội dung phim, Bộ trưởng Văn hóa nói tác phẩm điện ảnh là xuyên suốt, trọn vẹn, không nên đánh giá phim thông qua một phân đoạn mà phải khách quan dựa trên tổng thể tác phẩm.

“Phim có thể có phân cảnh bạo lực nhưng xuyên suốt phim là lên án, phê phán bạo lực”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Bàn đến câu chuyện đấu thầu phim, người đứng đầu Bộ Văn hóa cho biết trong 5 năm gần đây, ngân sách nhà nước dành cho sản xuất phim khoảng 65 tỷ đồng/năm. Những năm trước, con số này còn thấp hơn.

“Nếu tính ra, mỗi phim trung bình chỉ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Kinh phí thấp nên vấn đề đấu thầu sản xuất là rất khó, mất thời gian và nhiều khi không phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.

Tỷ lệ chiếu phim Việt ở rạp, truyền hình thấp hơn so với quy định

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày khảo sát về thực trạng của tỷ lệ phim điện ảnh, truyền hình Việt Nam hiện nay.

Theo đó, tỷ lệ chiếu phim Việt tại các hệ thống rạp, truyền hình thấp hơn quy định, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tỷ lệ phim có kịch bản chuyển thể từ phim nước ngoài cao, tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt hoặc đánh mất giá trị văn hóa, ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam.

“Số lượng phim Việt Nam phát trên truyền hình khan hiếm. Mặc dù nhiều đài truyền hình có nhu cầu phát lại, khán giả muốn xem các phim chiếu rạp trên truyền hình nhưng phần lớn phim chiếu rạp chưa thể phát sóng trên truyền hình vì nhiều lý do”, ông Phan Viết Lượng phát biểu.

ngan sach san xuat phim hang nam anh 2
Theo thống kê của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tỷ lệ chiếu phim Việt tại các hệ thống rạp, truyền hình thấp hơn quy định. Ảnh: Cảnh trong phim Lật mặt.

Từ đó, Phó chủ nhệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mong muốn Nhà nước cần nghiên cứu, đưa vào luật các chính sách về xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh…

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng với hoạt động điện ảnh. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất rất khó khăn khi thương thảo để đưa phim Việt vào rạp do nhiều yếu tố. Vì thế, nếu có ưu đãi tốt sẽ khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, phổ biến phim Việt.

Câu chuyện về quỹ hỗ trợ điện ảnh

Nhiều thành viên trong Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra quan điểm phải cân nhắc về các quy định liên quan đến quỹ hỗ trợ điện ảnh. Nguyên nhân, quy định về quỹ chưa phù hợp với quy định của luật Ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bộ đã nghiên cứu mô hình của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển. Theo khảo sát, các nước kể trên đều có quỹ phát triển điện ảnh. Vì thế, nếu quỹ hỗ trợ điện ảnh được quy định trong luật sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông nêu quan điểm có 5 ngành liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa trong đó có điện ảnh.

“Nếu điện ảnh được thành lập quỹ, 4 ngành còn lại có được phép làm như vậy không?”, bà Thu Đông nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM trao đổi với Zing trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tại Điều 45, 46, 47 quy định cụ thể việc thành lập, mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc hoạt động, nguồn tài chính của quỹ điện ảnh. Tuy nhiên, theo bà Cẩm Thúy, việc hiện thực hóa từ văn bản đến thực tiễn là câu chuyện khá xa.

“15 năm trước, quỹ hỗ trợ điện ảnh đã được đưa vào Luật Điện ảnh 2006. Nhưng thực tế quỹ chưa hề hoạt động mà không biết nguyên nhân vì sao. Do đó, chúng tôi mong muốn Luật Điện ảnh sửa đổi lần này thật sự đưa quỹ đi vào cuộc sống, giúp đỡ các nhà làm phim trẻ, chứ không chỉ nằm trên giấy”, bà nhấn mạnh.

Theo Zing.vn


Từ Khóa:

Tin Liên Quan