Chính hình ảnh Hội An – di sản văn hóa thế giới đặc trưng của Việt Nam cùng nụ cười của cụ Nguyễn Thị Xong đã được NTK Đinh Văn Thơ tận dụng đưa vào bộ áo dài truyền thống đầy thanh lịch và nhiều ý nghĩa.
Cụ Nguyễn Thị Xong từng bất ngờ trở thành người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng khi xuất hiện trên các tạp chí lớn của thế giới. Ở cái tuổi xế chiều, ngày ngày vẫn đội chiếc nón lá truyền thống để tránh cái nắng chói chang, làn da đã nhăn nheo do tuổi già nhưng khi cụ cười, những nếp nhăn vẫn toát lên nét rạng ngời và ngập tràn niềm vui trong cuộc sống. Đó cũng là khoảnh khắc dễ thương nhà nhiếp ảnh gia Réhahn bắt gặp và bấm máy.
Bức ảnh sau đó trở nên nổi tiếng và được nhiều người gọi là “nụ cười Việt Nam” bởi nó lột tả được hình ảnh con người nơi đây chân chất, hiền lành và vô cùng hòa đồng thân thiện. Mãi sau này, nhiều du khách đến Hội An, khi đi qua sông vẫy tay hello, họ tiến lại gần cho cụ xem bức ảnh và hỏi đó có phải là bà không và bà rất vui mừng khi trả lời rằng đó là mình. Người dân Hội An cho biết lúc nào họ cũng thấy cụ cười. Đó là nụ cười của sự yêu đời, niềm lạc quan và năng lượng tràn trề dù cuộc sống hàng ngày của cụ vất vả.
Khác với bộ hoàng bào “Con rồng cháu tiên” được công bố trước đó cũng của NTK Đinh Văn Thơ (thương hiệu Áo zài ABC), bộ quốc phục này sử dụng phần áo lụa đen mờ cùng áo choàng đũi hai mặt trắng đen mang đậm những nét riêng của thời trang Việt Nam ở những năm thập niên truớc.
Trên chất liệu đũi thô đuợc thiết kế dệt riêng, cùng lối vẽ điêu khắc trên vải đi cùng gam màu trắng xám đen, hình ảnh nụ cười đôn hậu của cụ Xong và khung cảnh quen thuộc của phố cổ Hội An được tái hiện đầy tinh tế và bay bổng.
Chọn Hội An làm đại diện hình ảnh của Việt Nam, NTK Đinh Văn Thơ lý giải đây chính là nơi lưu giữ những nét độc đáo, quyến rũ của di sản đô thị cổ , những hình ảnh mang đậm nét hoài niệm của người dân về Việt Nam qua nhiều thập kỉ. Cụ thể hơn, hình ảnh Chùa Cầu – một trong những biểu tượng văn hoá của thương cảng Hội An những năm 30 của thế kỉ XX, cho đến bến Bạch Đằng và đường Bạch Đằng ven sông lúc chưa bồi lấp với những ngôi chợ, nhiều mái nhà tranh vách cói xiêu vẹo gợi nhắc về một mảnh đất hiền hòa
Điểm nhấn của bộ trang phục đặc biệt này còn ở chiếc mấn được vẽ loang bằng than chì độc đáo với sự cuốn xoáy sâu lắng thể hiện một nền trời văn hoá Việt nhiều rực rỡ lẫn thăng trầm. Vẫn là tà áo dài truyền thống rất đỗi thân quen của Việt Nam nhưng NTK Đinh Văn Thơ muốn gởi gắm nhiều thông điệp vào trong bộ trang phục để thông qua người mặc là Minh Tú sẽ có thể lan tỏa hình ảnh Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, thân thiện và cởi mở đến với bạn bè năm châu.
Bộ áo dài độc đáo này cũng từng được xuất hiện trong show diễn đặc biệt của thương hiệu Áo zài ABC tại Hội An vào năm 2017. Thời điểm đó, sự xuất hiện của bộ trang phục ở vị trí vedette đã đem lại sự trầm trồ thích thú cho khán giả thưởng lãm. Và nay, một lần nữa hình ảnh đậm chất Việt Nam này sẽ có cơ hội tung bay trên sàn diễn quốc tế.
Bản thân Minh Tú cũng rất thích thú với bộ áo dài này, nhất là ở thông điệp chuyển tải lẫn sự tỉ mẩn trong khâu thiết kế của nó.“Minh Tú tin rằng khi mặc bộ áo dài này, bản thân Tú sẽ nhận được nhiều sự tò mò thắc mắc của các hoa hậu quốc tế. Và Tú cũng tự tin mình có đủ sự hiểu biết để có thể kể với các bạn về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đẹp như thế nào. Miss Supranational không đơn thuần là một đấu trường nhan sắc mà Tú cũng xem đây chính là nơi để mình – trong vai trò một đại sứ – sẽ làm hết sức mình để giới thiệu Việt Nam đến gần hơn với mọi người.” – Minh Tú chia sẻ.
Với bộ “Con rồng cháu tiên” trước đó cùng bộ áo dài độc đáo lần này, Minh Tú một lần nữa cho thấy sự đầu tư bài bản của cô trong hành trình tham gia Hoa hậu Siêu quốc gia 2018.
Costume: Đinh Văn Thơ
Photo – Make up: Tee Le
Hair: Bi Sin